Ngày 13 tháng 12 năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định số 3074/QĐ-CT xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với THÀNH LỒI CAO LAO HẠ .
Đây là kết quả nhiều năm nghiên cứu, khảo sát, thẩm định tư liệu xây dựng hồ sơ di tích của tập thể cán bộ Ban Quản lý di tích Quảng Bình. Sau khi được xếp hạng, hồ sơ di tích vẫn tiếp tục xây dựng bổ sung để khi đủ điều kiện sẽ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Danh từ Thành Lồi nói đến thành của vương quốc Cham Pa, cũng có nhiều học giả chứng minh rằng Thành Cao Lao Hạ là thành Khu Túc của vương quốc Lâm Ấp thuở sơ khai, dù tên gọi Thành Lồi hay thành Khu Túc thì “…di tích Thành Cao Lao Hạ có đủ các yếu tố để khẳng định là di tích văn hóa Cham pa” – (Trích hồ sơ di tích).
Trong hệ thống thành luỹ Cham Pa trên đất Quảng Bình gồm: “Luỹ cữ Hoành Sơn” thuộc các xã Quảng Thạch, Quảng Hợp, Quảng Đông, huyện Quảng Trạch; “Phế luỹ Lâm Ấp” (còn gọi là Luỹ Hoàn Vương) thuộc các xã Quảng Phương, Quảng Lưu, Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch; “Thành Uẩn Áo” thuộc các làng Uẩn Áo và Quy hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, thì Thành Cao Lao Hạ còn khá nguyên vẹn.
Việc Thành Lồi được công nhân di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là một niềm tự hào của quê hương Cao Lao Hạ. Tiếp nối chúng ta hy vọng sẽ còn nhiều di tích như Đình làng Cao Lao Hạ, ngầm Hói Hạ, hệ thống nhà thờ Họ,…sẽ tiếp tục được công nhận là di tích lịch sử văn hóa
Xin trích lại 2 bài thơ viết về Thành:
THÀNH CAO LAO
Lê Chiêu Chung
Tây làng thấp thoáng rặng cây xanh
Lũy đất vuông vuông ấy cổ Thành
Khói biếc đồng xanh chim ríu rít
Mây hồng nước bạc cá vờn quanh
Núi xanh Lệ Đệ chiều che bóng
Sương trắng Linh Giang sáng phủ mành
Cố quốc còn lưu hồn tướng sĩ
Tiếng kêu “Cuốc cuốc” vọng năm canh
THÀNH XƯA:
QuyThaiST
Vẳng tiếng quân reo khắp chiến trường
Thành xưa đứng đó giữa trời sương
Bình yên Xã Tắc nơi Biên ải
Trấn giữ Biên thùy rạng thái dương
Phố xá* đâu xưa người tấp nập
Đò- Xe** một thuở Khách giao thương
Giang sơn có lúc còn suy - thịnh
Thành vẫn trường tồn giữa ánh dương
GHI CHÚ: *Đồng Phố; **Bến nơi TLCL cho là vua ghé vào, làm bài thơ" Linh giang hải tần".