Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Thiếu tướng Lưu Bá Xảo

Giới thiệu chân dung và tiểu sử của Thiếu tướng Lưu Bá Xảo, người con ưu tú của quê hương Cao Lao Hạ

Thiếu tướng LƯU BÁ XẢO
(1925 – 1994 )

Đồng chí Lưu Bá Xảo (bí danh Lưu Duy Nhất) sinh ngày 5 tháng 6 năm 1925 trong một gia đình trung nông ở làng Cao Lao Hạ (nay là xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình); làng có 24 họ tộc, đồng chí thuộc dòng họ Lưu Văn Tiên. Không biết từ bao giờ dân gian đã phong tặng cho dòng họ này là họ Lưu Quan; có lẽ do dòng họ đã sinh ra nhiều người con hiếu học, vượt khó và đỗ đạt cao, đem hết sức mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, nên được nhân dân tôn xưng như vậy.


Từ lúc còn nhỏ, chứng kiến cảnh quê hương bị chìm trong lửa đạn chiến tranh. Nung nấu lòng căm thù giặc, trước Cách mạng tháng Tám, đồng chí đã tích cực tham gia hoạt động trong Hội thanh niên cứu quốc tại địa phương, rồi được phân công phụ trách thông tin liên lạc cho cơ sở cách mạng tổ chức cướp chính quyền ở xã Hạ Trạch. Cách mạng tháng Tám thành công, việc xây dựng lực lượng vũ trang,bảo vệ chính quyền nhân dân non trẻ mới được thành lập trở thành một trong những nhiệm vụ cách mạng quan trọng và cấp thiết. Với nhiệt huyết cách mạng và được trên tin tưởng, tháng 10 năm 1945 đồng chí được cử đi học lớp Quân chính, sau đó về làm huấn luyện viên quân sự của huyện Bố Trạch và của Tỉnh Quảng Bình. Cũng từ đây, đồng chí Lưu Bá Xảo đã lựa chọn và quyết tâm cống hiến trọn đời cho Quân đội, trở thành người lính Cụ Hồ trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
       

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, Quảng Bình được chia thành ba khu vực kháng chiến, Tỉnh ủy quyết định lấy huyện Tuyên Hóa làm chiến khu lâu dài của tỉnh. Là người có trình độ, năng lực và đã qua học tập, rèn luyện, từ tháng 4 năm 1947 đến tháng 1 năm 1949 đồng chí đảm nhiệm các chức vụ cán bộ Trung đội, Đại đội các đơn vị bộ đội địa phương đến Huyện đội trưởng huyện Tuyên Hóa. Là hậu phương kháng chiến của tỉnh, mặc dù cơ quan huyện đội chỉ có 12 người, nhưng với sự chỉ huy khoa học và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, đồng chí đã cùng cán bộ trực tiếp về các xã phổ biến kế hoạch, giúp xã đội huấn luyện, bố trí chiến đấu cho dân quân du kích.


Ngoài nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đồng chí Lưu Bá Xảo còn chỉ đạo lực lượng vũ trang Tuyên Hóa tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển văn hóa – xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân. Đồng chí đã cùng quân và dân Tuyên Hóa vượt qua muôn vàn khó khăn, đoàn kết một lòng xây dựng lực lượng vũ trang huyện ngày càng vững mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân bước vào cuộc kháng chiến đầy cam go thử thách và giành những thắng lợi quan trọng, góp phần làm thất bại âm mưu tiêu diệt đầu não cuộc kháng chiến của kẻ thù trên địa bàn Quảng Bình.


Giữa năm 1949, trước yêu cầu của tình hình, chiến khu Quảng Ninh trở thành căn cứ đầu não của tỉnh. Cũng thời gian này, đồng chí Lưu Bá Xảo được trên điều động về làm Huyện đội trưởng huyện Quảng Ninh chuẩn bị xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân và du kích. Đầu tháng 7 năm 1949, Tỉnh ủy quyết định phát động tuần lễ “Tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công” và lấy ngày 15 tháng 7 năm 1949 làm ngày “Quảng Bình quật khởi” hướng hoạt động chủ yếu là Quảng Ninh, Lệ Thủy. Đêm ngày 15 tháng 7, tại Hiển Lộc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện đội trưởng Lưu Bá Xảo, du kích và quần chúng nhân dân nổi dậy diệt ác, trừ gian, phá tề. Với sự thông minh, sáng tạo, vận dùng nhiều cách đánh cho từng làng xã, đồng chí đã cùng quân dân Quảng Ninh nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch. Cả vùng Ninh Châu (vùng ngoài bao gồm các xã : Võ Ninh, Duy Ninh và Hàm Ninh) rền vang tiếng trống, bộ đội và du kích đồng loạt nổ súng tiến công, cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Hiển Lộc và vùng Ninh Châu, báo hiệu quyền làm chủ chính quyền cách mạng. Huyện đội trưởng Lưu Bá Xảo còn trực tiếp tổ chức, chỉ đạo du kích làng Lộc Long (xã Trường Ninh) đánh vào đồn Xuân Dục để gây tiếng vang, cổ vũ nhân dân trong vùng hưởng ứng mạnh mẽ cao trào “Quảng Bình quật khởi”. Trận đánh diễn ra đúng ý định, tên đồn trưởng chỉ huy bị thiệt mạng, 4 tên khác bị thương. Tiếng trống Hiển Lộc, quả bom Lộc Long cùng những trận đánh với những chiến công có ý nghĩa lớn đối với cả tỉnh, của quân và dân Quảng Ninh đều mang đậm dấu ấn của Huyện đội trưởng Lưu Bá Xảo. Tháng 9 năm 1950, đồng chí được trên điều động Tỉnh đội phó Tỉnh đội Quảng Bình. Trải qua những năm tháng lăn lộn cùng các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích kiên cường chiến đấu, giằng co quyết liệt với địch, Tỉnh đội phó Lưu Bá Xảo đã cùng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh vừa chiến đấu, vừa xây dựng vượt qua chặng đường đấu tranh đầy hi sinh gian khổ, song thắng lợi rất vẻ vang, cùng với quân và dân Quảng Bình bước vào thời kỳ mới với thế và lực mới.


Với phẩm chất của một con người đức độ, có tài năng quân sự, tháng 9 năm 1951, đồng chí được cử đi học lớp trung cấp (khóa 7) Trường Lục quân Việt Nam. Học xong đồng chí được ở lại Trường làm cán bộ Đại đội, rồi cán bộ Tiểu đoàn từ tháng 10 năm 1952 đến tháng 11 năm 1958. Một năm sau, về nhận công tác tại Cục Nhà trường Bộ Tổng Tham mưu; Tháng 8 năm 1961, đồng chí đồng chí được cử đi học tại Học viện Phrunde (Liên Xô);Tháng 9 năm 1964 về công tác tại Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu. Đến tháng 4 năm 1970, về công tác tại Phòng Dân quân Quân khu 4; đầu năm 1972 đồng chí lại vào chiến trường B5 làm Phó phòng Quân huấn Mặt trận B5 và đến tháng 10,được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 320B. Để trụ vững và đánh thắng kẻ thù trong những ngày tháng ở thị xã Quảng Trị, Tham mưu trưởng Lưu Bá Xảo cùng với cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 320B không chỉ có tinh thần bền bỉ chịu đựng gian khổ, chiến đấu dũng cảm mà còn biết kết hợp chặt chẽ giữa tài thao lược, trí thông minh của người chỉ huy cùng với tinh thần đoàn kết, niềm tin vào chiến thắng của cán bộ, chiến sĩ để tạo nên sức mạnh đánh thắng kẻ thù. Trong những thời điểm quan trọng có ý nghĩa chiến lược, đồng chí luôn thể hiện bản chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” để chỉ huy đơn vị chủ động, tích cực ngoan cường trong chiến đấu phòng ngự, kết hợp tốt giữa phòng ngự và tiến công, tiến công liên tục trong điều kiện phòng ngự trực tiếp tiếp xúc với địch, tạo yếu tố bí mật, bất ngờ cho từng trận đánh. Góp vào chiến công chung của các lực lượng bảo vệ thị xã Quảng Trị trên Mặt trận Cánh Đông, gần 3 tháng, Sư đoàn 320B đã cùng các đơn vị tăng cường chiến đấu, lập công xuất sắc, tiêu diệt gần 7.000 tên địch, bắn rơi 90 máy bay các loại, phá hủy 60 xe tăng, xe bọc thép, 5 trận địa pháo và vận chuyển hàng nghìn tấn hàng vào phục vụ chiến đấu trong thị xã Quảng Trị. Tham mưu trưởng Lưu Bá Xảo cùng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320B đã xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân và làm cho quân thù phải kiêng nể, khiếp sợ.


Cuối năm 1972, đồng chí được trên điều động làm Phó Tư lệnh Sư đoàn 308. Qua cuộc chiến đấu dài ngày gian khổ, ác liệt ở các chiến trường, dù trên cương vị gì, đồng chí Lưu Bá Xảo cũng luôn khiêm tốn học hỏi đúc kết kinh nghiệm về tổ chức chỉ huy chiến đấu, trong tiến công hiệp đồng quân binh chủng, cũng như trong phòng ngự để đánh thắng địch, đồng thời đã cùng các đơn vị thực hiện phương châm: “vừa chiến đấu vừa xây dựng – xây dựng để chiến đấu”, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến đấu dài ngày và chuẩn bị cho những trận đánh giành thắng lợi lớn. Đây là kiểm nghiệm thực tế quý giá rèn luyện cho đồng chí cùng với cán bộ, chiến sĩ thêm trưởng thành, tạo lên sức mạnh chiến đấu và niềm tin vào ngày toàn thắng.

Ngày 24 tháng 10 năm 1973, Quân đoàn 1 (Binh đoàn quyết thắng) được thành lập, gồm các sư đoàn bộ binh 308, 312, 320B và các đơn vị binh chủng, thì đến tháng 3 năm 1974 đồng chí Lưu Bá Xảo được bổ nhiệm là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320B. Thực hiện mệnh lệnh “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi các đơn vị; với tài chỉ huy khôn khéo và luôn biết gần gũi động viên cán bộ, chiến sĩ, Tư lệnh Lưu Bá Xảo đã cùng Sư đoàn hành quân vượt qua 1.700km đảm bảo thời gian, bí mật, an toàn, chuẩn bị bước vào những trận chiến đấu quyết liệt, góp phần cùng với toàn quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 320B được giao nhiệm vụ tiến công Bộ tổng tham mưu ngụy. Với khí thế tiến công táo bạo, thần tốc, quyết thắng, đúng 9 giờ 10 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc nhà bộ tổng tham mưu ngụy trong tiếng gieo hò của cán bộ,chiến sĩ. Sư đoàn 320B đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn được giải phóng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Một lần nữa Tư lệnh Lưu Bá Xảo lại có mặt trong những thời khắc quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Sau hơn 25 năm chinh chiến trên các chiến trường, từ tháng 12 năm 1977 đến tháng 1 năm 1989, đồng chí Lưu Bá Xảo được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 1 (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn ). Hơn 10 năm giữ chức Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng, đồng chí Lưu Bá Xảo đã đóng góp công sức cùng Đảng ủy, Ban Giám hiệu và tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 đào tạo nhiều thế hệ những cán bộ cho toàn quân và đội ngũ sĩ quan do nhà trường đào tạo đã thực sự góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân. Đầu năm 1989, sau thời gian dài hoạt động cách mạng, lăn lộn trên các chiến trường, cống hiến trọn đời cho quân đội, từ người chiến sĩ trở thành cán bộ cao cấp giữ các chức vụ quan trọng, đồng chí được nghỉ công tác, song bất kỳ ở đâu, làm bất cứ việc gì, đồng chí đều luôn giữ nguyên vẹn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” . Đồng chí luôn là tấm gương cao đẹp về một con người đức độ, tài năng và mẫu mực về tình đồng chí, đức hy sinh, về tác phong khiêm tốn, biết dựa vào dân để phát huy sức mạnh tổng hợp, sự mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu cũng như trong sự nghiệp trồng người.


Ghi nhận những thành tích, công lao đóng góp, sự nỗ lực phấn đấu liên tục của đồng chí qua hai cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp xây dựng,bảo vệ Tổ quốc đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng tháng 4 năm 1984; được Đảng ,Nhà nước và Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý :


                    Huân chương Quân công hạng Nhì;
                    Huân chương Chiến công hạng Nhì;
                    Huân chương Chiến thắng hạng Ba;
                    Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất;
                    Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba;
                    Huân chương Hưu nghị Việt – Xô;
                    Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.


Hơn 40 năm trận mạc, cuộc đời gắn liền với những trận đánh, những chiến công, thời gian sum họp với vợ, với con không nhiều, nhưng tình cảm của Thiếu tướng Lưu Bá Xảo dành cho gia đình, cho quê hương thì rất nồng hậu. Bác Lưu Bá Phùng, năm nay đã 82 tuổi, là cháu đích tôn của dòng họ, hiện đang được ủy quyền thờ tự và trông coi phần mộ của ông tâm sự: “Chú Xảo rất bình dị, chân tình với bạn bè và bà con. Mỗi lần có dịp về thăm quê, chú đều đi thăm các gia đình trong họ, thăm bè bạn ngày con thơ ấu, nhắc lại những trò chơi kỷ niệm một thời. Chú kể chuyện đánh giặc qua hai cuộc kháng chiến, rồi về làm lãnh đạo ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, chuyện thời sự trong nước, thời sự thế giới thật gần gũi, ấm áp và chân tình”.

Trọn đời mình, người con của quê hương Hạ Trạch, anh “Bộ đội Cụ Hồ” – Thiếu tướng Lưu Bá Xảo luôn sẵn sàng đi đầu và cống hiến hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. Các thế hệ người dân Hạ Trạch, Bố Trạch mãi mãi tự hào về một người con đã góp phần làm rạng danh vùng đất Cao Lao Hạ anh hùng, mảnh đất Quảng Bình “quật khởi”. Cuộc đời hoạt động của Thiếu tướng Lưu Bá Xảo là tấm gương sáng của người cộng sản, mãi mãi in sâu trong ký ức chúng ta; và thật xứng đáng để mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quảng Bình và thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Tác giả: Ban biên tập

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Hồ Vực Sanh

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 2122

    Trong tuần: 25745

    Trong tháng: 75564

    Tổng số: 212759

    Đang online: 77