Thuyết âm dương ngũ hành, nghề làm thầy bộ thuỷ và dòng họ Lê Chiêu ở Cao Lao Hạ

12:05 - 17/10/2011

Nghiên cứu của anh Lê Chiêu Chung về một nghề xưa, rất nổi tiếng của làng Cao Lao Hạ

 

Lời tác giả: Trang web caolaoha.com ra đời là một dấu son trong lịch sử hình thành và phát triển của làng quê Cao Lao Hạ, ngoài việc tập hợp nhiều ý kiến quý báu, đóng góp tinh thần, vật chất xây dựng quê hương, trang web bây giờ là món ăn tinh thần rất giá trị của người Cao Lao Hạ, đặc biệt đối với những người con xa xứ. Nhân kỷ niệm một năm ngày tờ báo làng ra đời, tôi đóng góp bài viết này như thêm chút gia vị vào món ăn caolaoha.com cho đậm đà bản sắc quê hương trong buổi liên hoan vậy  

 

1. Thuyết Âm dương Ngũ hành.

 
Thuyết Âm dương Ngũ hành là triết học phương Đông xuất xứ từ Trung hoa, khởi nguồn từ 2 học thuyết khác nhau là Âm dương và Ngũ hành, sau đó được kết hợp lại thành một học thuyết lớn và Kinh dịch đã vận hành phát triển đại học thuyết này thành một khối kiến thức khổng lồ mênh mông mà không ai hiểu được hết bến bờ.

 

Theo học thuyết Âm dương, vũ trụ bao la là thái cực sinh ra từ vô cực, thái cực tồn tại hai phần thống nhất với nhau nhưng đối lập nhau là âm dương. Một chủ thể gì cũng vậy đều được hai phần đối lập nhau kết hợp mà thành, như vũ trụ thì có trời có đất, không gian thì có ngày có đêm, thiên nhiên thì có sông có núi, con người thì có đàn ông và đàn bà, tinh thần thì có khi vui, khi buồn…, hai phần đối lập nhau gọi là lưỡng nghi (2 nghi). Trong mỗi nghi này lại có phần của nghi kia như trong trời lại có đất (thiên thạch), trong đất lại có trời (hang động), trong ngày có đêm (nhật thực) trong đêm có ngày (ánh trăng, sao), trong sông có núi (cồn, đảo) trong núi có sông (nước ngầm), trong đàn ông có đàn bà (nhiễm sắc thể X) trong đàn bà có đàn ông (nam thai), trong vui có buồn (trong nụ cười có nước mắt), trong buồn có vui (trong bỉ cực có lạc quan)…, bốn phần có trong lưỡng nghi gọi là tứ tượng, tứ tượng vận hành sinh ra bát quái (8 quẻ) bao gồm càn-khảm-cấn-chấn -tốn-ly-khôn-đoài (trời, nước, núi, sấm, gió, lửa, đất, đầm) bát quái lại biến hóa vô cùng miêu tả quan hệ giữa hai trạng thái của mọi thay đổi, chuyển dịch, khi dương thịnh thì âm suy và ngược lại.

 
Theo thuyết Ngũ hành, tất cả vạn vật đều sinh chuyển và luôn luôn trải qua năm trạng thái được gọi là: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim và Thủy (cây, lửa, đất, kim loại và nước). Năm trạng thái này, gọi là ngũ hành, không phải là vật chất như cách hiểu đơn giản theo nghĩa đen trong tên gọi của chúng mà đúng hơn là cách quy ước để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật. Mỗi trạng thái trong ngũ hành có hỗ trợ nhau và khắc chế nhau gọi là tương sinh, tương khắc. Tương sinh là Mộc sinh Hỏa (cây cháy thành lửa); Hỏa sinh Thổ (lửa cháy thành tro); Thổ sinh Kim (đất sinh ra quặng), Kim sinh Thủy (sắt nóng chảy thành nước), Thủy sinh Mộc (nước nuôi cây phát triển). Tương khắc là Mộc khắc Thổ (cây hút đất khô cằn), Thổ khắc Thủy (đất đắp đê ngăn nước), Thủy khắc Hỏa (nước dập tắt lửa), Hỏa khắc Kim (lửa nung chảy sắt), Kim khắc Mộc (dao chặt đổ cây), tuy nhiên trong sinh có khắc, trong khắc lại có sinh nên việc vận dụng học thuyết phải linh hoạt và xem xét toàn diện.Nguyên lý cơ bản của âm dương ngũ hành đều có trong vũ trụ và tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người như thiên văn, địa chất, thời tiết, thiên nhiên, lao động sản xuất, trồng trọt chăn nuôi, học tập, hôn nhân, gia đình, âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, y học cổ truyền, quân sự, chính trị v.v.

 
Kinh dịch (sách viết về sự dịch chuyển của sự vật hiện tượng) do vua Phục Hy thời nhà Chu bên Trung Quốc sáng tạo ra trước Công nguyên, sau đó được nhiều học giả các đời sau bổ sung, phát triển lên thành một bộ sách được coi là tác phẩm vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa về triết học. Kinh dịch đã vận dụng nguyên lý của đại học thuyết Âm dương Ngũ hành để tạo nên 64 quẻ, mỗi quẻ đều thể hiện sự dịch chuyển biến hóa vô cùng của sự vật hiện tượng theo một lô rích khoa học. Thông thuộc kinh dịch đã khó nhưng luận quẻ kinh dịch vào từng vấn đề cụ thể càng khó hơn, tuy nhiên nếu vận dụng thành công thì hiệu quả mang lại rất lớn, tiết kiệm được nhiều tiền của, công sức và xương máu, tìm ra con đường ngắn nhất để đạt đến mục đích đề ra.

 
Theo triết học Mác-Lê Nin, sự vật hiện tượng được tổng hợp thành 6 cặp phạm trù gồm Tất nhiên-ngẫu nhiên, Cái chung-cái riêng, Nguyên nhân-kết quả, Vật chất-hiện tượng, Nội dung-hình thức và Khả năng-hiện thực. Sự vật hiện tượng luôn luôn vận động và phát triển theo 3 quy luật là Quy luật thống nhất đấu tranh của các mặt đối lập, Quy luật quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại, Quy luật phủ định của phủ định. Sáu cặp phạm trù và ba quy luật cơ bản của triết học Mác là một cách thể hiện khác nguyên lý học thuyết Âm dương Ngũ hành của triết học phương Đông. Nếu cụ Các Mác được tiếp cận với Kinh dịch thì học thuyết nổi tiếng của cụ có lẽ ra đời sớm hơn.

 
2. Nghề làm thầy Bộ thủy.

 
Thời phong kiến có một số nghề được xã hội tôn trọng, người hành nghề này được gọi là thầy, đó là dạy học (thầy giáo, thầy đồ), chữa bệnh (thầy thuốc, thầy lang), tranh kiện (thầy cung, thầy cãi), xem bói, tướng số, cúng bái (thầy bói, thầy cúng), xem thế đất hướng trời (thầy địa lý, phong thủy), ở Cao Lao Hạ có một nghề tên gọi riêng được xã hội kính trọng, người hành nghề này gọi là thầy “Bộ thủy”.

 
Nghề làm thầy Bộ thủy (bộ thủy) là công việc vận dụng thuyết học Âm dương Ngũ hành để tư vấn cho con người từ công việc hàng ngày như dựng nhà, cưới vợ, mùa màng, xuất hành công việc, buôn bán, chữa bệnh đến việc tâm linh cúng bái, việc hiếu việc nghĩa cho người đã khuất…. Trước thì chỉ ra cách làm thuận lợi, tránh sự bất lợi nhằm mang lại hiệu quả công việc cao, sau thì yên tĩnh tâm hồn cho người đang sống, cũng cố đời sống tâm linh cho cộng đồng..
 

Người làm thầy bộ thủy phải có tư chất thông minh và được học hành từ nhỏ, học qua nhiều thầy khác nhau, môn sách khác nhau để có kiến thức, chữ nghĩa cơ bản sau đó mới học kinh dịch, thầy dạy sau cùng là một thầy bộ thủy. Sau khi cho là đủ kiến thức, đủ tư cách hành nghề, thầy mới cho tốt nghiệp và phong pháp hiệu cho học trò, thông thường thầy bộ thủy nhận rất ít đệ tử, đệ tử thành danh (có pháp hiệu) cũng rất ít. Người học làm thầy bộ thủy không ứng thí khoa cử để làm quan.

 
Do được đào tạo công phu, kiến thức sâu rộng thông thạo sách của Khổng tử, Mạnh tử, Lão tử, Kinh thư, Phật thư, Y thư…nên thầy bộ thủy có khi kiêm làm thầy giáo dạy chữ, nhờ văn hay chữ tốt am hiểu pháp luật nhà nước nên cũng làm thầy cải viết giúp đơn kiện, biện hộ cho người khác, có kiến thức về y thuật nên cũng hành nghề thầy lang vọng-văn-vấn-thiết (nhìn, nghe, hỏi, bắt mạch) chữa bệnh cho người ốm, nhờ thông tuệ kinh dịch, biết thiên văn địa lý nên cũng giúp đỡ dân tình, chức sắc, quan lại khi được nhờ cậy, tư vấn trong công việc hàng ngày, mùa màng, lễ lạc, hội hè…, nhưng thầy bộ thủy hành nghề chủ yếu là xem ngày, giờ tốt xấu để xuất hành, rước dâu, dựng nhà, vào nhà mới, nhập quan, hạ khoáng…, xem tuổi làm nhà cưới vợ, xem sao giải hạn, xem đất đai phong thủy để làm nhà, mai táng, xem tướng số, vận hạn con người…bằng bấm ngón tay (độn quẻ) và tra cứu sách. Việc khác nữa là cúng quải cầu nguyện cho gia chủ như cúng mụ bà (khi trẻ chẵn tháng), cúng giải hạn, cúng thổ địa khi làm nhà, cúng tẩy uế, cúng vào nhà mới, cúng cầu yên-cầu tài-cầu lộc, cúng ngoài trời, cúng cô hồn, cúng kỵ giỗ, cúng mua đất cho người chết, cúng khử mộc quan tài, cúng mở cửa mả, cúng tạ mồ, cúng lập cốt dâu làm mồ cho người không có mộ… ngoài ra còn có cúng lễ gửi con cho thầy kẻo khó nuôi, cúng đổi giờ sinh kẻo trẻ con hay khóc đêm, cúng lễ chay cầu hồn, cầu đồng, cúng trừ tà tống quái…Tất cả các lễ cúng đều có nội dung bài đọc riêng bằng lời hán nôm lưu truyền đời này qua đời khác.

 
Thầy bộ thủy cũng kiêm luôn việc làm hàng mã như nhà cửa, thuyền bè, voi ngựa, áo quần, hình nhân, đao kiếm, cờ quạt…và các vật dụng khác, viết các bài sớ để phục vụ trong các lễ cúng và đốt khi tế lễ. Thầy sử dụng gáo dừa, thân cây dâu gọt đẽo đan thành hình xương cốt người để cúng trong lễ gọi hồn, mai táng, lập mộ cho người chết không tìm được thi thể.

 
Trừ các buổi lễ lớn, sau khi xong việc thầy bộ thủy được dâng biếu bằng lễ vật là nửa con gà (có cả đầu), một dĩa xôi và tiền cúng, còn lại bình thường việc hành nghề của thầy bộ thủy chủ yếu được trả công bằng sản vật như rượi trà, hoa quả, lúa gạo, tôm, cá của gia chủ đội trên đầu mang đến nhà thầy, có khi chỉ là 5 miếng trầu đặt ngay ngắn trên cơi dâng thầy. Thầy còn có thu nhập khác từ công làm đồ cúng, viết sớ và các nghề khác như làm ruộng, dạy học, chữa bệnh.
 

Nghề làm thầy bộ thủy ở Cao Lao Hạ có cụ tổ truyền nghề chính thống, có nhiều sách đưa về từ Trung Quốc, có sách do các thầy viết để truyền lại cho đệ tử đời sau, có quy định về việc đào tạo học trò, đệ tử, quy định việc phong pháp sư, pháp lục rõ ràng, có sách xem ngày giờ, sách xem phong thủy, xem số mạng vận hạn đời người, xem thiên văn địa lý, sách cúng bái tụng cầu, xem tuổi làm nhà, cưới vợ, xem thời tiết, mùa màng…, sách viết bằng chữ hán hoặc chữ hán-nôm, mỗi thầy bộ thủy có vài pho sách treo dưới xà nhà, sách rất nhiều nhưng do chiến tranh, lụt bão, cháy nhà, bị bài trừ, con cháu đời sau không biết bảo quản nên nay đã thất lạc gần hết, số sách còn lại bây giờ còn rất ít.
 

Sau thời kỳ cải cách ruộng đất, nghề làm thầy bộ thủy bị coi là mê tín dị đoan nên bị cấm đoán có lúc rất gắt gao, các thầy phải cam kết với chính quyền không được hành nghề, phải hủy bỏ sách mê tín. Tuy nhiên do nhu cầu tâm linh, nhiều người dân vẫn lén lút năn nỷ mời thầy coi ngày giờ, cúng bái để tỏ lòng tôn kính, hiếu thảo với thân sinh, ông bà, tiên tổ nên phong tục đến nay vẫn còn lưu lại.


3. Họ Lê Chiêu ở Cao Lao Hạ.

 

Khác với ba dòng họ Lưu, Nguyễn Văn, Lê Quang có các cụ tổ là các tướng quân Lưu Văn Tiên, Nguyễn Văn Khai, Lê Quang Lữ khai canh mở đất, lập nên làng Cao Lao Hạ vào khoảng những năm 1470, ngày nay đã có tới thế hệ thứ 21, thứ 22, dòng họ Lê Chiêu ở Cao Lao Hạ có cụ tổ tên là Lê Chiêu Lam hiện nay có hậu sinh thế hệ thứ 17, thứ 18. Nếu tính trung bình cứ khoảng 25 năm sinh ra một thế hệ mới thì thời gian cụ Lê Chiêu Lam có mặt tại Cao Lao Hạ sau ba cụ tiền khai canh của ba dòng họ nói trên khoảng gần 100 năm (bốn đời), tức là vào khoảng năm 1560-1570. Do những lý do nào đó nên Gia phả họ Lê Chiêu không viết về lai lịch, xuất xứ của cụ tổ Lê Chiêu Lam.

 

 

Lăng mộ của các cụ tổ dòng họ Lê Chiêu ở Cao Lao Hạ tại mé Bắc núi Cù Sơn


 

Chữ hán “Chiêu” 昭 gồm bộ đao 刀, bộ khẩu 口, bộ nhật 日 ghép lại, có nghĩa là sáng sủa, nếu cụ tổ họ Lê Chiêu là vương tộc thì cùng thời với con cháu vua Lê Chiêu Tông, vị vua thứ 10 nhà Hậu Lê sinh năm 1506, lên ngôi trị vì từ năm 1516, mất năm 1526. Dòng họ Lê Chiêu tại Cao Lao Hạ không phải hậu duệ của vua Lê Chiêu Thống (1765-1793). Con cháu họ Lê Chiêu luôn tự hào về dòng họ của mình, con cái đẻ ra gái đặt tên lót là thị, trai đặt tên lót là Chiêu, rất ít con trai đặt tên lót khác chữ Chiêu. Dòng họ Lê Chiêu là một trong các dòng họ có con cháu đông nhất làng Cao Lao Hạ.

 

 

Lăng mộ Chi 4, phái 1 họ Lê Chiêu tại Chóp Cờ, nơi có phần mộ của một số thầy bộ thủy


 

Cũng như các dòng họ khác, con cháu của dòng họ Lê Chiêu chăm chỉ lao động, học hành, khai khẩn đất đai, đóng góp nhiều công sức cho quê hương đất nước. Những đồng ruộng có tên Lòi Sắn, Khu Nại, Khu Vợt, Đồng Hưng, một phần Bàu Mật do người họ Lê Chiêu khai khẩn. Ngoài cụ tổ, có hai người đặc biệt được thờ tại Đình làng, một là cụ Lê Chiêu Phúc đời thứ tư (sau cụ tổ khoảng 70-80 năm, mộ cạnh Đồng Hưng) là một trong 4 vị hậu khai khẩn và 3 vị tiền khai canh mà được làng tôn làm “Nhân thần”, hai là nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật quân đội Trung tướng Lê Văn Tri (Tên lúc nhỏ là Lê Chiêu Nghi) sinh ngày 13/9/1922, mất ngày 29/5/2006 thuộc chi (nánh) 2, đời thứ 13, mộ tại thành phố Hồ Chí Minh.

 
Gia phả Họ Lê Chiêu chép lại, từ đời thứ nhất đến đời thứ tư chỉ phát triển theo một hệ, đến đời thứ năm thì chia thành 2 hệ, hệ trưởng và hệ thứ. Đến đời thứ 7 hệ trưởng tách làm 4 chi (nánh) 1,2,3,4, hệ thứ là chi thứ 5. Con cháu chi thứ tư chủ yếu ở xóm 6 và xóm 7 là nơi có nghề bộ thủy còn lưu truyền đến ngày nay.
 

Theo gia phả chi thứ tư do 2 ông Lê Chiêu Thổ (đời thứ 14) và Lê Chiêu Hùng (đời thứ 15) biên dịch từ chữ nôm qua chữ quốc ngữ. Khoảng giữa thế kỷ XIX, một vị Pháp sư có pháp hiệu là Thần tự Pháp Vân người nước Tàu đến hành nghề tại làng Cao Lao Hạ, Pháp sư đã nhận nhập môn một đệ tử có họ Nguyễn Khắc ở xóm 9 và phong pháp hiệu là Thần tự Pháp An (đất nền nhà cụ hiện nay gọi là nền ông Xã), cụ Thần tự Pháp An không có con trai nên truyền nghề cho cháu trong gia tộc và con rể là cụ Lê Chiêu Châm.

 

Cụ Lê Chiêu Châm thuộc chi 4 đời thứ 10 của họ Lê Chiêu được phong pháp hiệu là Thần tự Pháp Quang, cụ truyền lại cho con cháu đời sau là cụ Lê Chiêu Kim đời thứ 11 pháp hiệu Thần tự Pháp An (Trùng với pháp hiệu của ông ngoại), đời thứ 12 có cụ Lê Chiêu Hoành pháp hiệu Thần tự Pháp Hội, cụ Lê Chiêu Nỷ pháp hiệu Thần tự Pháp Mãi, đời thứ 13 có cụ Lê Chiêu Phường pháp hiệu Thần tự Huyền Cơ, cụ Lê Chiêu Quyền pháp hiệu thần tự Pháp Thông, cụ Lê Chiêu Thừa pháp hiệu Thần tự Huyền Thành, đời thứ 14 có cụ Lê Chiêu Bá pháp hiệu Thần tự Huyền Chơn, cụ Lê Chiêu Tùng, Lê Chiêu Ngoách, Lê Chiêu Chiên, Lê Chiêu Hân lấy chung pháp hiệu Thần tự Đào Lưu, cụ Lê Chiêu Tuynh pháp hiệu Thần tự Huyền Diện, cụ Lê Chiêu Khinh pháp hiệu Thần tự Pháp Thống. Việc phong pháp hiệu rất tốn kém, cúng liên tục 3 ngày 3 đêm, lễ vật bày cúng từ trong nhà ra ngoài ngõ và thực hiện rất nhiều lễ tế trời đất, sư môn, sư tổ trước sự chứng giám của huynh đệ đồng môn và chức sắc chính quyền. Hiện nay các cụ có pháp hiệu đều đã mất, từ đời 15 trở đi con cháu không phong pháp hiệu nên không còn ai có pháp hiệu nữa.

 
Còn Pháp sư Thần tự Pháp Vân không trở về Trung Quốc mà sống những năm cuối đời tại Cao Lao Hạ, vui vầy cùng với con cháu của đệ tử. Khi tạ thế, ngài được coi là cụ tổ của nghề làm thầy bộ thủy ở Cao Lao Hạ và được con cháu chi 4 họ Lê Chiêu cát táng trên đầu lăng để tỏ lòng tri ân, tôn kính.

 

 

      

 


Đạo Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ, gia nhập vào Việt Nam thành hai dòng khác nhau, dòng chính thống và dòng dân gian. Thầy bộ thủy theo đạo Phật, thờ Phật theo dòng đạo Phật dân gian, có chùa nhưng không có sư, thờ phật nhưng không ăn chay, coi Phật tại tâm. Trong một buỗi lễ lớn có thể có tới 2 đến 3 thầy cúng quải, khi lâm lễ, các thầy mời các vị Phật, Thánh rồi đến sư tổ Thần tử Pháp Vân và các huynh sư tiền bối cùng âm binh bộ hạ “lai lâm giáng hạ” theo thứ tự trước khi vào chính lễ.

 
Chuyện kể về các thầy bộ thủy có tài năng luôn được dân làng, quan lại địa phương nể trọng, thế hệ đời thứ 14, 15 họ Lê Chiêu gần đây có cụ Lê Chiêu Quyền rất nổi tiếng, cụ là người rất thông minh nên được phong là Thần tự Pháp Thông, mọi việc trong làng từ lý trưởng đến dân thường đều muốn xin ý kiến của cụ, cụ là người biết làm ăn, có tài thao lược và khá giàu có, được dân Cao Lao Hạ gọi là “Ông Làng”, không làm quan nhưng đi đâu cũng có kiệu đưa rước, cụ có nghề chữa bệnh bằng “cứu” rất giỏi (Cứu là phương pháp đốt cuộn lá ngãi vào huyệt – khác với châm là dùng kim), cụ mất năm 1963. Cụ Lê Chiêu Bá có tài viết chữ đẹp văn hay, sống chân thực nên có pháp hiệu là Thần tự Huyền Chơn, cụ giữ chức Phó Lý trưởng nên còn gọi là “Ông Phó”, có lúc làm thư ký cho chính quyền cách mạng, có lần quan tri huyện đưa kiệu về rước cụ đến viết chữ lên những chiếc nong đường kính 1,5m để làm khẩu hiệu nghênh đón vua Bảo Đại tuần du, cụ là thầy dạy chữ nho có học trò theo học rất đông, cụ mất năm 1969. Cụ Lê Chiêu Tùng pháp hiệu Thần tự Đào Lưu là người có tính khí khẳng khái, sức khoẻ hơn người, giỏi võ vật, hát phường vải hay, nhiều mưu mẹo và am hiểu binh pháp, cụ giữ chức Hương mục (xã đội) trong làng nên còn gọi là “Ông Hương”, cụ mất năm 1996 thọ 92 tuổi.
 

Bên cạnh việc gửi con đi các nơi để học hành, thầy bộ thủy cũng nhận học trò các nơi khác đến nhập môn, một số người trong số học trò đã thành danh, hiện nay vẫn còn có con cháu họ hành nghề nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, các bài cúng theo sách của Thần tự Pháp Vân và đệ tử cũng được lưu hành khắp nơi, bây giờ các bài văn cúng đó vẫn được lưu hành trong dân gian nhưng đã có thay đổi ít nhiều.

 

 


 

Các thầy bộ thủy rất chăm lo việc học hành của con cháu, dạy con cháu lấy nghiệp bút nghiên làm nghề truyền thống của gia tộc. Hiện nay ở nhà anh Lê Chiêu Bình còn treo 2 câu đối bằng gỗ gõ sơn son thếp vàng của các cụ để lại:
Hưởng thọ hựu ba huynh đệ lạc


Thư điền vô thuế tử tôn canh.
Tạm dịch là:


Tuổi cao, mạnh khoẻ anh em sung sướng
Ruộng sách không thuế con cháu cấy cày.


Các cụ luôn lấy ý nghĩa của tên làng Cao Lao để dạy con cháu:


Cao Lao tiền bối thọ (thụ) tên
Cao đa sắc vị, Lao bền danh hương.


“tiền bối” có nghĩa là người đời trước, “thụ” có nghĩa là truyền thụ, trao lại, “đa” là nhiều, “sắc” có nghĩa là sắc phong, nói về các văn bản phong hầu, phong tước, phong quan, phong chức, phong quân hàm cấp tướng cấp tá, phong học hàm giáo sư, phó giáo sư…, “vị” là học vị như phó bảng, tiến sĩ, cử nhân, thạc sỹ, bác sỹ, kỹ sư…, “danh hương” là tiếng thơm. Dịch nghĩa là các cụ tiền nhân để lại tên làng Cao Lao cho con cháu với ý: “Cao” có nghĩa là quê hương có nhiều người được phong chức cao, quyền lớn, nhiều người đỗ đạt học vị, học hàm cao, “Lao bền danh hương” có nghĩa là đời nào cũng có nhiều người đỗ đạt, tiếng tăm lừng lẫy đó được duy trì mãi mãi. Học hành thành đạt để nghe nói đến người Cao Lao thì ai cũng ngước nhìn.

 


 

Con cháu của các thầy bộ thủy dòng họ Lê Chiêu đang sinh sống bây giờ là đời thứ 14, thứ 15 trở về sau, những người lớn tuổi hầu hết là cán bộ hưu trí, có nhiều người thông thạo hán - nôm, các cụ khuyên dạy con cháu cố gắng học hành để có nghề nghiệp làm ăn, nhưng phải lưu giữ kiến thức gia truyền, bây giờ con gái không phải theo tam tòng nhưng học tứ đức Công, Dung, Ngôn, Hạnh, con trai không thờ tam cương nhưng phải có ngũ thường Nhân, Nghĩa, Lê, Trí, Tín, lấy nhân mà sống, lấy nghĩa mà xử, lấy lễ mà tiếp, lấy trí mà phân, lấy tín mà hành, phải biết khấu đầu, đứng vái, quỳ lạy, bày lễ đúng cách để tự cúng quải cho gia đình, vái lạy cha mẹ, ông bà, tổ tiên, không coi nghiệp làm thầy bộ thủy là nghề mưu sinh nữa./.

Tác giả : Lê Chiêu Chung

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip