Tiếng lá

07:31 - 20/01/2022

Thơ của anh Lê Minh Thắng đăng trên Tạp chí Nhật Lệ số 260 với lời bình của nhà thơ Từ Sâm

Tiếng lá

Ảnh: Anh Lê Minh Thắng tại hội thảo Tập thơ "Hai mươi bốn chữ cái"

TIẾNG LÁ

 

Trước sân trường

cây bàng chót vót

buông những vành thu cháy đỏ

ai gọi mùa bằng tiếng lá

Bên gốc cây già mái tóc thầy tôi điểm bạc

mây trắng thênh thang ban chiều

kiêu hãnh những vì sao không bao giờ tắt dòng chữ

trong đôi mắt ước

búp chồi non bên trời mới nhú

Hồn nhiên tháng ngày nắng trào lên

mạch thời gian viết lên ngàn lá biếc

Giọt sương mai mầu nhiệm

xóa sạch nỗi ưu phiền hàng cây

gió rì rào trên trang sách mở

lá rơi lặng những mùa thu.

 Giảng đường Trường Đại học Quảng Bình, 20/11/2011

 

TIẾNG LÁ VÀ TÔI

Từ Sâm

(Nhân đọc bài thơ “Tiếng lá”của Lê Minh Thắng - Tạp Chí Nhật Lệ số 260)

 

Gần10 năm phổ thông, tôi học dưới hầm, dưới mái tranh đắp lũy. Tôi chưa từng biết sân trường. Cây bàng và hoa phượng chỉ trong trang sách, bay theo ngọn gió theo tiếng hát “Hái lá mướp lá bàng, em nhuộm vải ngụy trang…”. Ngày xa trường, bạn nào cũng lưu bút bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ”. Tôi thích bài hát truyền miệng thời đó “Màu hoa phượng thắm như máu con tim. mỗi lần hè thêm kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm...”

Cách đây vài năm. Hôm ấy, chỉ còn vài ngày nữa là tôi tạm biệt nơi làm việc. Cơ quan nguyên là dòng Thánh Giuse trước giải phóng. Vườn rộng, những cây bàng nép mình phía vườn xa. Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi đứng ở ban công ngắm những gốc già rêu phong ẩm mốc. Gió cuối thu đang về. Mùa phương nam se lạnh.

Những cây bàng gầy guộc trút lá như nhà sư khổ hạnh trút áo cà sa. Có phải cây nhớ mùa thu cũ, lá cũng đang rơi…

Cây tỏa bóng mát, ôm ấp tiếng chim, gọi ngọn gió về bên cửa sổ khi công việc bộn bề. Sao bây giở ta mới thảng thốt khi “phủt cuối” chia tay. Như lữ khách lúc “nhàn nhã, thảnh thơi” mới nhớ về chén rượu, về mái tranh nghèo khi bước chân dừng lại.

Một mai, không còn những chiếc lá trên cây bàng thân thiết, nhưng tôi vẫn nghe “Tiếng lá” trong bài thơ tôi đọc ở Tạp chí Nhật lệ (số 260) của nhà thơ Lê Minh Thắng.

Tôi lắng nghe “Tiếng lá” chứ không phải gặp chiếc lá. Như nghe giọng hát mà chưa gặp người. Như nghe tiếng đàn mà chưa thấy cây đàn. Nhưng giọng hát đó, cây đàn đó là khúc ca thì hình ảnh chỉ là minh họa.

“Tiếng lá” của Lê Minh Thắng là như thế.

Câu thơ không chỉ đưa tôi về với sân trường mà đưa tôi về kỷ niệm thời trai trẻ. Vào nơi làm việc mới, vui mừng lĩnh tháng lương đầu tiên và mảnh phiếu nghèo vài lạng thịt. Đến khi già nua, mới chợt nhớ ta cũng đang ở bên cây bàng buông những vành thu cháy đỏ. Có ai gọi mùa về bằng tiếng lá rơi. Mái tóc mây trắng trôi về phía mùa thu lúc nào mà ta vô tình “hờ hững”.

“Tiếng lá” là tiếng “đời” rơi trong heo may xào xạc, hay là tiếng “lòng”, tiếng của niềm đau khi nghĩ về người, về ta, trong suốt chặng dài thời gian “giăng bẫy”.

Như cây đã trao quả, như lá nhuốm sắc thu rụng xuống cõi nhân gian rất lặng yên.

Cây bàng của nhà thơ hay cây bàng của tôi, dù tôi không còn là học trò, không còn sân trường trong ký ức.

Bài thơ là sự lặng yên của gió cho con sóng cuồn cuộn từ đáy đại dương…

 Ảnh: Nhà thơ Từ Sâm

Bình luận

Bài viết liên quan

Thơ tình của riêng tôi
Những ý niệm về thơ qua Thế giới các vì sao của Lê Minh Thắng
Hồi chuông Thánh Đường
Nắng chiều
Nỗi nhớ mùa xa

Video clip