Tiếng trống quê hương

16:53 - 16/08/2014

Cảm nhận của anh Nguyễn Xuận Văn về tiếng trống của quê hương Cao Lao Hạ

 

Khi nhắc đến các dịp rằm tháng Giêng, tháng Bảy và Tết Nguyên Đán mọi người thường nghỉ đến hương vị dẻo thơm của nếp, của thịt phay nước mắm, là bánh chưng bánh tét chiều 30 Tết. Thế nhưng, để báo thời khắc linh thiêng, trang trọng và ấm cúng ấy là âm thanh tùng! tùng! tùng ... tiếng trống từ Đình làng, từ nhà thờ của 24 dòng họ.

 

Rằm tháng Bảy năm nay đúng vào ngày Chủ nhật. Bà con cô bác, anh chị em khu vực miền Đông Nam bộ và TP Hồ Chí Minh được dịp đến dự lễ tại Cao Lao Tự, TP Hồ Chí Minh có phần đông hơn những lần trước. Công tác trang trí, làm đẹp cảnh quan và chuẩn bị đã được một số anh em tự nguyện làm từ chiều 14/7-. Lễ rằm được tổ chức có những nét cổ truyền như ở quê nhà. Ấn tượng đầu tiên đối với không ít người là tiếng trống khai lễ vang lên làm náo nức rộn rã, gợi nhớ về nguồn cội, về ngày rằm đang diễn ra tại quê nhà. Tiếng trống như thôi thúc giục giã lòng người hướng về nơi chôn rau cắt rốn cùng những truyền thống tốt đẹp của quê hương.

 



Không biết từ lúc nào tiếng trống đã in sau vào tiềm thức của mỗi người. Chiều tối 30 Tết khi nghe tiếng trống lòng thấy phấn chấn tươi vui thúc giục công tác chuẩn bị đón xuân mới phải kết thúc sớm. Ông bà, cha mẹ chuẩn bị đốt nén hương thơm mời ông bà tổ tiên về đón năm mới cùng con cháu. Hương vị Tết đã tràn về khắp thôn xóm làng quê. Âm thanh này cũng vang lên chiều hôm 14 tháng Giêng và tháng Bảy (-) báo hiệu lễ dâng hương (cúng hôm) và chuẩn bị cho lễ chính vào ngày 15-. Trưa mùng một Tết, hoặc chính rằm khi con cháu hội tụ đông đủ, các phẩm vật cung tiến đã xếp đặt trang nghiêm thì những hồi trống vang lên là nghi thức bắt đầu cho buổi lễ và thưa mời anh linh về thụ lễ. Cầm dùi đánh trống thường là người có uy quyền, là trưởng họ hoặc là bậc cao niên. Tiếng trống tạo nên sự long trọng, tôn nghiêm, mọi người tịnh tâm hướng về bàn thờ Tổ. Tiếng trống âm vang đan xen cùng với tiếng chiêng như sợi chỉ đỏ kết nối truyền thống lịch sử của ngàn xưa vang vọng với hiện tại và ngàn sau. Trống, chiêng, hương, hoa ... như là phương tiện giao hòa giữa xưa và nay, trần gian và tiên giới, anh linh các Thành hoàng, Tổ tiên với con cháu hôm nay. Chuổi âm thanh ấy như đưa lòng người trở về với nguồn cội, với dòng họ và gia đình. Sau tiếng trống con cháu dâng nén hương thơm là nghĩa cử giao tế chuyển tải lòng hiếu hạnh, lời cầu khẩn lên Tổ tiên, ông bà và vong linh những người đã khuất.

 

Tiếng trống thân thương làm tâm hồn phiêu bồng nhẹ nhõm, mỗi người như được tiếp thêm sức mạnh để cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Bà con đi lễ tươi vui phấn khởi, đoàn kết, giao lưu gặp gỡ và xích lại gần nhau hơn.


 Xa quê hương nghe tiếng trống rằm nhiều người hồi tưởng về tuổi thơ của mình, thời theo ông bà, cha anh hoặc cùng các bác các chú trong xóm chung họ bưng phẩm vật  dâng Tổ tiên. Nghi lễ kết thúc cũng là lúc chờ đợi hưởng lộc của Tổ tiên. Nhận phần xôi từ bác cao niên phân phát mà lòng phấn chấn vui mừng, hương vị dẻo thơm lắng động mãi trong ký ức.


Những người con xa quê ai ai đều mong muốn đón Tết, ăn rằm trên quê hương nhưng không phải ai cũng có dịp. Ở đâu đó trên khắp mọi miền trước khi đón đón giao thừa, đến ngày rằm bà con đều làm mâm cổ dâng lên Tổ tiên thể hiện tấm lòng thành, sự hiếu thảo, là lúc tạm thời quên đi sự ồn ào náo nhiệt của dịp sống đời thường lòng thấy tịnh tâm nhớ về nguồn cội.


Trải qua hàng trăm năm, tiếng trống đã khắc sâu vào tâm trí và đời sống tâm linh của bao người con Cao Lao. Dù bất kỳ nơi đâu, dù đi ngược về xuôi nhưng ai cũng mãi nhớ âm vang tiếng trống linh thiêng, trang nghiêm lúc khai lễ. Đây là di sản truyền thống, là giá trị văn hóa  tâm linh cao quý của quê hương. Âm hưởng tiếng trống quê hương sẻ còn ngân mãi đến mai sau.

Tác giả : Nguyễn Xuân Văn

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip