Trần Xuân Đạm

07:02 - 19/03/2011

Tuổi đã cao, tóc đã bạc trắng nhưng vẫn cần cù lao động như thời còn trai trẻ ngày nào.

 

ÔNG ĐẠM LÀNG TÔI -  NHỮNG Ý TƯỞNG VÀ SỰ HY SINH THẦM LẶNG

 

 

Gặp lại ông sau bao năm xa quê, ông vui vẻ niềm nở khi nhận ra tôi là người hàng xóm cũ. Tuổi ông đã 80 nhưng da dẻ vẫn hồng hào như trẻ lại. Được ông mời vào nhà, một ngôi nhà cột gỗ cổ mái ngói khang trang rộng rãi. Nhất là khu vườn nhà ông có đủ các loại cây ăn trái và nhiều loại chim cảnh, có con ông tập nói được tiếng người. Khi tôi vào nhà, lũ chim chào hỏi tôi ríu rít. Qua cuộc trò chuyện thân mật, tôi nghe ông giới thiệu về 8 đứa con của ông, ông nói bây giờ cả dâu cả rể là 16 đứa, trong đó 11 đứa có bằng Đại học, 1 đứa là Tiến sỹ. Dù rằng con cái của ông ai nấy đều sung túc, giàu có nhưng ông vẫn cần cù làm việc. Hàng ngày ông vẫn đi thu mua nón lá của dân đưa qua Lào tiêu thụ. Quả thật, tôi hết sức khâm phục một con người như ông.

 

Thời tôi còn bé, lâu lâu tôi lại chạy đi xem nhà cháy vì toàn nhà lợp tranh do những người già sơ suất trong lúc nhóm lửa bị cháy. Ông Đạm đã nghĩ ra cách đúc ngói ximăng để bán cho dân. Dân nấu cơm bằng nồi đất, ông cũng nghĩ cách  tận dụng những mạnh vụn máy bay cháy để đúc thành những chiếc nồi, chậu và các đồ dùng khác. Hồi đó, chúng tôi mỗi lần đi gánh nước phải gánh bằng những chiếc lu, rồi chứa nước trong những chiếc vại, sau đó chính ông Đạm đã gò ra những chiếc thùng gọi là “thùng pháo sáng”, ai cũng đến mua để gánh nước. Sau đó, ông còn nghĩ ra cách đúc thành những chiếc chum chứa nước mưa bằng ximăng. Ông là một người có óc sáng tạo, luôn nghĩ cách làm thế nào để công việc có hiệu quả nhất. Tôi vẫn nhớ, hồi đó cá ngoài đồng rất nhiều, chúng tôi phải bỏ nhiều công sức mới bắt được (tát hết nước trong ruộng để bắt). Nhưng ông Đạm thì không làm thế, ông đã làm thành những cái hố ở những ngõ cá thường ra vào gọi là “hố cá nhảy” để cá tự nhảy vào hố, tiếp đó ông đan lưới bán cho dân. Từ đó, chúng tôi bắt cá dễ dàng hơn. Ông cũng là người mở tiệm chụp ảnh đầu tiên của làng tôi. Thật là lý thú bởi vì chiến tranh chúng tôi ai cũng muốn mình được chụp ảnh để làm kỷ niệm. Và người sửa xe đạp đầu tiên cũng chính là ông. Chúng tôi đi học cấp 3 phải đi hàng chục cây số, dụng cụ để thay thế hồi đó rất hiếm. Hồi đó tôi có một chiếc xe đạp đi đến mòn cả xích mà không có tiền để mua xích mới, nhưng mang ra tiệm của ông thì ông đã sửa lại bằng cách gỡ xích ra và trở ngược xích lại, từ đó chiếc xe đã theo tôi đến hết cấp 3 mà không hư hỏng gì. Ông là người làm ra chiếc xe bò (dùng bò kéo xe ) tiện dụng đi được những đường nhỏ hẹp ở ngoài cánh đồng thay vì dùng sức người để gánh, đến nay tôi mới hiểu ra vì sao thưở rộng của ông lại để bờ rất lớn, thì ra như vậy để xe bò chở phân ra tận ruộng. Ông rất quan tâm đến thủy lợi và công trình Vực sanh của làng tôi là ý tưởng của ông rất lâu rồi. Vườn nhà ông có đủ các loại cây trái, ông trồng chỉ để chiết cành gây giống đem trồng cho cả làng. Ông là người tốt bụng, trẻ con chúng tôi đến nhà ông thì cứ việc ăn trái cây thỏa thích, còn bà con ai khó khăn cơ nhỡ đều được ông giúp đỡ. Ông đã từng mua hàng chục con bò, đưa cho dân nghèo nuôi vừa có bò cày cấy vừa có phân bón ruộng, ngỗng thì hàng trăm con. Thời phong kiến tàn dư, người ta chưa hiểu hết ý tốt của ông, cho rằng ông như thế là “tư bản”; hậu quả là ông đã bị tịch thu cả đàn bò, không cho hành nghề chụp ảnh, buôn bán nữa. Người ta còn nghi ông là gián điệp, có lần bắt ông vào giam nhưng không có bằng chứng họ đành trả tự do cho ông. Số bò hàng chục con của ông sau 9-10 năm mới được hoàn trả. Một mất mát rất lớn lao cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng ông vẫn là con người độ lượng khi nhận ra rằng đây là hạn chế của lịch sử, là bước ngoặt tất yếu trong quá trình đổi mới đi lên của đất nước. Số tiền được bồi thường đó ông dùng làm từ thiện (xây dựng nhà tình thường ở Hà Tĩnh). Không thể kể hết những việc làm có ích mà ông đem lại cho dân chúng: mua vật tư làm nón cho dân, thu gom phế liệu (mảnh chai, nhôm đồng, xác máy bay) đem vào tận Đà Nẵng bán để mua lại bột sắn; điều này đã tạo cho dân có việc làm, chống lại nạn đói năm 1991 của dân vùng các xã Hạ Trạch, Mỹ Trạch… Nhân dân ai nấy đều ca ngợi và khâm phục những ý tưởng đầy sáng tạo và tấm lòng nhân hậu của ông.

 

Ông còn có một tập thơ tự sáng tác, sau khi gặp tôi ông đã tặng tôi bài thơ “Quê hương nguồn cội”. Bài thơ mang nội dung kêu gọi con cháu đóng góp xây dựng Đình làng Cao lao hạ. Đọc xong bài thơ tôi thấy mình cần phải suy nghĩ thêm nhiều điều…

 

Thực ra ông quê ở Triệu Phong- tỉnh Quảng Trị, tham gia làm công tác tại Công an huyện Vĩnh Linh bị địch bắt giam và phân công làm anh nuôi. Ông tìm cách trốn ra bắc và tham gia đội chụp hình làm chứng minh nhân dân. Sau khi huyện Vĩnh Linh bị đánh phá tàn khốc, một số đồng đội hy sinh, một số người thì chuyển công tác mới còn ông bị mất liên lạc. Sau đó, ông lưu lạc, ra lấy vợ và sinh sống tại Hạ Trạch quê tôi (Huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Tuy là con rể nhưng ông đã để lại cho dân làng nhiều điều suy ngẫm. Tôi nhìn lên thấy nhà ông được Nhà nước trao tặng Huân chương và ngạc nhiên hỏi: Ông còn “để bụng” những chuyện ngày xưa không, ông cười  rồi nói: Chiến tranh mà!... Bây giờ các con ông nhiều đứa đã đứng vào hàng ngũ của Đảng rồi. Quả thật, các con của ông mà tôi được biết, đứa nào cũng có trình độ, và đặc biệt là thừa hưởng “Gen” làm ăn của cha nên đứa nào cũng khấm khá, ở Hà Nội cho đến Sài Gòn. Giờ ông muốn đi đâu là có xe hơi của các con đưa đón.. tôi chỉ tiếc cho ông là đã không được sinh ra trong thời mở cửa.

 

Tôi chia tay ông vào lại Sài Gòn mà cứ day dứt mãi với ý nghĩ:  giá như ông được sinh ra trong thời mở cửa.

 

 

Lời tác giả: Tôi tên là Lê Quang Hải, người CAO LAO HẠ  hiện nay đang sống và làm việc tại Tp HCM.

 

Bài viết của tôi viết về con người thật, đó là tất cả cảm xúc của tôi khi tôi gặp Ông Đạm (Tôi quen gọi là Bác Đạm) và tôi nhớ lại bài học mà Ông dạy tôi cách đây hơn 30 năm: Dạy sửa xe đạp. Ông nói "Con trai biết đi xe đạp thì phải biết sửa, để lỡ khi xe hư biết sửa mà đạp xe về" đó là kỷ niệm mà tôi nhớ về Ông nhất.


Hồi đó có nhiều người nói Ông hơi "ngông" ông làm nhiều việc khác người, không giống ai, hay tố cáo chính quyền, kiện tụng...nhưng theo tôi ông là người đi trước, có kiến thức, việc khiếu nại, kiên tụng là để tìm lại công bằng cho xã hội chứ không phải là việc xấu như nhiều người hồi đó từng nghĩ.


Năm ngoái, trong một lần về thăm quê vào tháng 8 năm 2010 tôi được gặp lại ông Đạm. Nhận ra tôi ông mời vào nhà, nghe ông nói chuyện, đọc thơ....thật ấm lòng. Khi giới thiệu vườn cây, ông nói 10 năm trước ông đưa giống cây sapuchê  (Hồng xiêm) từ Huế về trồng và nhân giống bán cho bà con, nhà nào cũng đến mua cây để trồng, tưởng là giúp cho bà con.ai ngờ được khoảng 3 năm thì cây bị sâu đục thân tấn công và cây cứ chết dần...ông cứu không được, ông buồn lắm. Bà rót nước mời tôi, tôi hỏi nhiều về gia đình. Ông Bà kể cho tôi nghe cuộc đời đầy gian nan thăng trầm của Ông.

 

Khi tôi ngồi trên Tàu vào Sài Gòn đi qua các miền quê nghĩ về Quê hương lòng tôi day dứt mãi: Tôi nghĩ về cuộc đời của Ông thật nhiều điều phải suy ngẫm!...(hồi đó nhiều người nghĩ sai về ông, tôi cũng tưởng ông theo chế độ cũ, nhưng năm 1993 Ông gặp lại đồng đội cũ là quan chức cao cấp của bộ Công an thế là ông được minh oan, được phục hồi danh dự, được Nhà nước cấp Huân chương).  Bây giờ, tuy tuổi đã cao, tóc bạc trắng nhưng Ông vẫn cần cù lao động như ông Đạm ngày nào. Thật đáng trân trọng một con người như Ông.

 

Xin cảm ơn Ban Biên Tập, cảm ơn anh Lưu Đức Hải

 

Tác giả : Lê Quang Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Gương mặt doanh nhân trẻ Lưu Anh Tiến.
Ba Đồn có thầy Thông Dư
Thành công với mô hình trồng nấm
Hành trình giáo dục giới tính cho 10.000 trẻ em của nữ 9X Quảng Bình
Chuyện về một người vợ liệt sĩ

Video clip