Triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch

18:33 - 12/01/2021

Hội nghị triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch

Ngày 05/01/2021, Đảng ủy xã Hạ Trạch tổ chức hội nghị triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có đồng chí Lê Quang Nho – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, TT HĐND, UBND, TT UBMTTQVN xã, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ; Trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, cấp ủy các chi bộ trực thuộc và Trưởng các thôn.

Nội dụng hội nghị là báo cáo các Chương trình hành động về: Đổi mới công tác cán bộ, giai đoạn 2021-2025; Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, giai đoạn 2021 – 2025 và về Đột phá nuôi trồng thủy sản, giai đoạn 2021-2025, do đồng chí Bí thư và các Phó Bí thư Đảng ủy trình bày. Đây là hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hướng về công tác cán bộ cũng như chiến lược phát triển kinh tế của địa phương trong những năm tới.

Thực hiện Chương trình hành động số 03-CTr/ĐU, ngày 01/10/2016 của Đảng ủy xã Hạ Trạch về đổi mới công tác cán bộ, trong thời gian qua, công tác cán bộ được Đảng ủy thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định từ khâu đánh giá, nhận xét, quy hoạch, đến khâu giới thiệu cán bộ ứng cử, kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung cán bộ khi thiếu, khuyết, đảm bảo đủ số lượng theo quy định. Vì vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ không ngừng được nâng cao. Hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức xã có 17 đồng chí: Trong đó; trình độ chuyên môn Đại học chiếm 64,7%; Cao đẳng, Trung cấp chiếm 35,2%; Trình độ trung cấp Lý luận chính trị chiếm 58,8%; độ tuổi dưới 35 chiếm 11,7%; nữ chiếm 35,2%. Riêng cán bộ lãnh đạo, quản lý có 100% trình độ Đại học, 100% Trung cấp LLCT.

Tuy nhiên, công tác đánh giá, nhận xét cán bộ hàng năm vẫn còn một số hạn chế, có trường hợp chưa đảm bảo chính xác, còn nể nang; việc đổi mới nâng cao chất lượng trình độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa đạt mục tiêu đề ra; việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quy hoạch cán bộ chất lượng chưa cao, chưa gắn quy hoạch với đào tạo. Bố trí, sử dụng cán bộ vẫn nặng theo cơ cấu, công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ theo nhiệm kỳ thiếu tính kế hoạch và chủ động. Tuy đã được đào tạo cơ bản về chuyên môn nhưng đến nay vẫn còn 41,2% cán bộ, công chức chưa qua đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị.

Căn cứ quy định, hướng dẫn của Ban Tổ chức các cấp để tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020-2025 và xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2025-2030. Trên cơ sở quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phải đảm bảo cơ bản nguồn cán bộ để đến Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ tiếp theo đổi mới từ 15% trở lên. Đảm bảo thống nhất về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, quy trình, phương pháp, cách thức xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, Đảng ủy xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm và cả nhiệm kỳ, kế hoạch đào tạo LLCT; bồi dưỡng chuyên ngành, đảm bảo có trình độ phù hợp với vị trí công tác cho cán bộ, công chức theo quy định hiện hành. Theo đó, đến năm 2025 có 100% cán bộ, lãnh đạo, quản lý đạt các quy định về tiêu chuẩn chức danh trở lên. 100% cán bộ giữ chức vụ Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND xã có trình độ Đại học, Trung cấp LLCT trở lên; Trưởng các đoàn thể: Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội LHPN, Bí thư Đoàn Thanh niên có 100% trình độ chuyên môn Đại học và trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên; phấn đấu trên 90% cán bộ, công chức có trình độ Trung cấp Lý luận chính trị và được bồi dưỡng kiến thức QLNN.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 02-CTr/ĐU, ngày 01/10/2016 của Đảng ủy về “phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, giai đoạn 2016-2020”, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn đã được đầu tư theo hướng từng bước đồng bộ, thực sự tạo được sự đột phá quan trọng của nhiệm kỳ, mang lại hiệu quả thiết thực. Huy động được nguồn lực khá lớn ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, có tính kết nối cao. Tổng vốn đầu tư toàn giai đoạn 2016-2020 là trên 50 tỷ đồng, đạt 160% so với kế hoạch, cao gấp 5 lần giai đoạn 2010-2015.

Hạ tầng giao thông trên địa bàn xã tương đối đồng bộ, hệ thống đường liên xã, liên thôn, ngõ xóm đã được quy hoạch ổn định theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Các dự án đầu tư được nâng cấp, sửa chữa, đê, hệ thống kênh mương cơ bản đáp ứng yêu cầu đời sống và sản xuất của người dân; cơ sở vật chất trường học tương đối hoàn chỉnh; hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, các cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình nhiều lúc còn lúng túng; một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn có tư tưởng trông chờ sự đầu tư của Nhà nước nên chưa phát huy được vai trò chủ thể đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, việc chấp hành nộp tiền xây dựng cơ bản một số hộ dân ý thức chưa cao nên nợ đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều. Tiến độ thực hiện một số dự án, công trình còn chậm. Việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân còn thiếu. Đường giao thông liên thôn có nhiều đoạn nay đã xuống cấp. Hệ thống mương phóng úng vùng Bàu đã quy hoạch nhưng chưa xây dựng được. Hệ thống đường giao thông nội đồng tỷ lệ cứng hóa còn thấp.

Về mục tiêu giai đoạn 2021-2025: Tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội theo tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao nhằm phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 12/14 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Trong đó làm điểm 1-2 khu dân kiểu mẫu. Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư và huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đạt cấp, bậc kỹ thuật làm nền tảng vững chắc sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội toàn xã. Nhất là phát triển hệ thống giao thông-thủy lợi, hệ thống trường học là điểm nhấn quan trọng về phát triển kết cấu hạ đồng bộ, giai đoạn 2021 – 2025.

Về nhiệm vụ và giải pháp:

  1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền; sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể trong phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ
  2. Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư
  3. Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch
  4. Đầu tư hạ tầng nông thôn đồng bộ, đảm bảo kết nối giữa các vùng
  5. Đầu tư hạ tầng các công trình cấp thiết phục vụ yêu cầu phát triển; tạo điều kiện khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế của xã để phát triển kinh tế - xã hội

Với địa thế cảnh quan có tiền sơn, hậu thủy, giữa là đồng bằng trù phú tốt tươi, trước những năm 2000, trong cơ cấu kinh tế, trồng trọt và chăn nuôi đóng vai trò chủ yếu. Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, nhưng mức thu nhập của người dân tính theo đầu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương vẫn không cao.

Xác định muốn làm giàu, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân thì đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và điều kiện tự nhiên, thủy văn thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Nghị quyết của HĐND xã, địa phương đã chủ động nghiên cứu, quy hoạch hàng chục héc ta đất ở các vùng bàu, vùng đất ngập nước mặn, lợ ở phía hậu làng để bà con nhân dân đấu thầu làm hồ nuôi tôm, cua, thả cá. Từ chủ trương đúng đắn của xã, thời gian qua, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, sự nỗ lực của nhân dân, công tác phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản (NTTS) tăng thu nhập đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đời sống nhân dân của bà con nhân dân được nâng lên rõ rệt, nhu cầu thiết yếu của người dân được đảm bảo, bộ mặt nông thôn được đổi mới. Thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/ĐU, ngày 01/10/2016 về phát triển nuôi trồng thủy sản, giai đoạn 2016-2020 đã tạo được sự đột phá quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực. Huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển NTTS. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016-2021 là trên 42 tỉ đồng. Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, trình độ thâm canh của các hộ nuôi cá nước ngọt, nước mặn, lợ, được nâng lên rõ rệt, sản lượng cá nước ngọt tăng 137% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, việc đầu tư khoa học kỹ thuật cho NTTS chưa thật sự bền vững, một số hộ chưa tích cực trong đầu tư thâm canh, hệ thống mương dẫn nước, thoát nước chưa đảm bảo. Sản lượng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ chỉ đạt 300/KH 350 tấn/năm, đạt 85,7%/KH do năm 2016 bị ảnh hưởng môi trường biển của Formosa gây ra, năm 2019 bàn giao mặt bằng để dự án xây nâng cấp vùng nuôi trồng thủy sản Nam sông Gianh, người dân không nuôi nên sản lượng giảm.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát triển NTTS là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm tại địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ xã tiếp tục xây dựng Chương trình hành động đột phá về NTTS giai đoạn 2021-2025 như sau:

Mục tiêu cụ thể

Giữ vững diện tích NTTS nước ngọt đã được quy hoạch. Đồng thời đưa vào quy hoạch vùng đất sản xuất kém hiệu quả sang NTTS (khoảng 1,6 ha). Đến năm 2025 tổng sản lượng NTTS đạt 450 tấn; Trong đó thủy sản mặn lợ: 150 tấn; cá nước ngọt 300 tấn. Phát triển các sản phẩm thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhân dân. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất NTTS giai đoạn 2021 - 2025 tăng trên 6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020 tăng trên 4%/năm).

 

Tác giả : Nguyễn Chung Quý

Bình luận

Bài viết liên quan

Lễ thanh minh Cồn Cui làng Cao Lao Hạ
Thông báo về chương trình lễ Cồn Cui
Nâng cấp rải đá mi khuôn viên sân Cồn cui
Sơn nước lại nơi thờ cúng đại lễ Cồn Cui
Bê tông nhựa đường vào khu đại lễ Cồn Cui

Video clip