Trường năng khiếu Bố Trạch

09:13 - 29/06/2022

Tâm sự của chị Lưu Thị Hương Ly, con gái Bác sỹ Lưu Bá Minh về những năm tháng học tại trường năng khiếu Bố Trạch

Trường năng khiếu Bố Trạch

TRƯỜNG NĂNG KHIẾU BỐ TRẠCH

 

 Đó là những ngày cuối năm lớp bảy, chúng mình xôn xao và háo hức trước thông tin mình sẽ được chuyển sang một ngôi trường mới. Nơi đó, sẽ hội tụ các bạn ưu tú từ các xã của Huyện về. Chúng mình sẽ được có cơ hội học sâu hơn, chuyên hơn những môn học mà mình yêu thích: Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hoá.

Và đầu năm lớp 8, hơn 30 bạn từ các xã trong Huyện về học dưới ngôi trường có tên: Trường Năng Khiếu Bố Trạch (Bố Trạch là tên Huyện). Chắc hẳn nhiều bạn thế hệ 8X đời đầu trên cả nước cũng có sự thay đổi giống chúng mình.

Trường học với những phòng học nho nhỏ được sơn màu vàng sẫm, nằm phía sau Phòng Giáo Dục của huyện. Đằng trước là một khoảng sân nhỏ, nhỏ hơn rất nhiều so với ngôi trường cấp 2 cũ. Nhưng đủ để cho mấy mươi bạn sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt đội và chơi các trò chơi vận động giờ ra chơi – mình vẫn còn nhớ nhất trò chơi nhảy bước với những bước chân dài vững chãi và cũng đầy rung rinh. Đằng sau trường là một mảnh sân đầy cỏ xanh và những cây phượng vĩ, đủ rực rỡ để lưu giữ 2 mùa hè đầy nắng và kỷ niệm của tụi mình.

Nơi đó, buổi sáng chúng mình sẽ học chung, buổi chiều chúng mình sẽ tách ra học theo môn học mà mình yêu thích. Mình học chuyên Văn. Những đứa con trai con gái học chuyên văn thời đó nhiều lãng mạn và cũng nhiều tinh nghịch. Tụi mình khi nào cũng được chìm đắm trong những lời giảng văn ngân nga của Thầy Đạo, Cô Điệp. Có những kiến thức tưởng chừng như nhỏ bé là mẹo để viết đúng chính tả dấu hỏi ngã – lỗi thường gặp của Miền Trung quê mình nhưng nó lại thực sự hữu ích cho chúng mình cho đến tận ngày hôm nay. Để những bài văn, những đơn thư, những bài tư vấn, những công văn, những văn bản của mình soạn hầu như không mắc lỗi chính tả.

Nơi đó, mình cũng không hiểu vì sao lại rất yêu môn địa lý. Mình thích khám phá những vùng khí hậu trên trái đất, tò mò với độ nghiêng của quả địa cầu, háo hức với những tổ chức kinh tế thế giới. Vui mừng khi tìm hiểu mối liên hệ giữa khí hậu, kinh tế và văn hoá của từng vùng miền trên đất nước. Người Thầy đầu tiên thổi vào trong mình niềm mê say với môn Địa lý là Cô Hiền. Vẫn rất nhớ giọng giảng bài cuốn hút của Cô, nhớ con đường nhỏ dẫn vào nhà Cô nơi mình hay ghé chơi.

Môn sinh học cũng là một trong những môn mà mình yêu thích. Bởi sự hấp dẫn trong tìm hiểu về thế giới muôn loài. Vì vậy đến giờ vẫn còn nhớ như in những tiết giảng bài môn sinh học của Cô Cúc.

Tụi mình cũng rất giỏi và yêu môn Sử, môn Hoá, môn Toán (mỗi có môn Lý là mình nhớ nhạt nhoà nhất, đến bây giờ vẫn không biết cách để vẽ được một mạch điện. Và phải chăng ông trời muốn bù đắp cho mình nên đã cho mình gặp một anh chàng học điện tử viễn thông).

Ở đó mình cũng nhớ những giờ sinh hoạt Đội vui vẻ, những ngày tháng miệt mài tập văn nghệ để có những tiết mục văn nghệ lưu mãi trong tim. Nhớ chị Tổng phụ trách đội, chị Bí thư chi đoàn lưu loát, cao ráo và xinh đẹp – Ms. Châu Định. Có lẽ đó cũng là viên gạch đầu tiên để sau này mình hoạt động sôi nổi ở các năm Đại học.

Ở đó, mình vẫn nhớ như in sau mỗi buổi học, mình Huế và Mỹ vẫn ở lại để đọc thư mà các bạn phương xa gửi đến cho mình. Ngày đó mỗi tuần mình nhận được cả 300 lá thư. Nhiều đến nỗi Thầy Thái Hiệu trưởng giữ lại hết thư cho mình vì sợ mình đọc thư nhiều quá sao nhãng chuyện học hành. Rồi mình được mời lên phòng Thầy Hiệu trưởng để được nhận lại thư với với nhắn nhủ nhẹ nhàng của Thầy cần phải cân bằng chuyện học và chuyện thư từ. Biết ơn Thầy Hiệu trưởng đã rất tâm lý và yêu thương học sinh rất nhiều.

Ở đó, mình nhớ như in những buổi nghỉ học chúng mình leo động cát ra biển chơi giữa nắng gắt của những ngày miền Trung đổ lửa. Để rồi khi leo động cát trở về bạn Oe lại kết những đôi dép lá cho những bạn nữ đi trên cát, mặt thì bong tróc làm bao nhiêu son phấn của Cô Đào, Cô Hiền cũng không thể làm chúng mình xinh đẹp hơn trong các buổi diễn văn nghệ.

Ở đó mình nhớ như in những buổi sinh nhật của Loan, của Hoà, những buổi học ở nhà Thảo, những ngày đến vườn nhà Nguyệt, nhà Lý. Những buổi sang chơi nhà Nga, nhà Chung; những ngày đến nhà Đông đọc sách, đến nhà Hải tập văn nghệ,... Và nhớ cả những buổi chơi vật tay với Tuấn, với Cầy (èo, hồi đó mình cũng nam tính ghê nà).

Chúng mình chơi nhiều, nhưng học cũng không ít, với sự dìu dắt của Thầy Cô dưới mái trường Năng Khiếu ngày ấy, mình đã đạt giải nhất cấp huyện môn văn lớp 8, và giải 3 năm lớp 9.

Và với hành trang này, mình khăn gói vào Đồng Hới luyện thi học sinh giỏi cấp Quốc Gia. Đó là những tháng ngày đầu tiên xa mẹ đầy vất vả với nỗi nhớ nhà và bạn bè da diết. Vẫn nhớ sinh nhật mình năm đó, mình từ Đồng Hới về để tổ chức sinh nhật, vội vã đến nỗi tóc mái dài phủ mắt cũng không kịp cắt, hii. Lần đó gặp lại tất cả các bạn trong ngày sinh nhật cuối cấp với nhiều niềm vui, thân thương và ấm áp. Đến bây giờ nhìn lại hình vẫn cảm nhận được bao yêu thương đong đầy.

Giải ba cấp quốc gia môn Văn lớp 9 đến với mình năm ấy như là một món quà mà Thầy Cô tặng cho mình. Chiếc xe đạp mi ni – niềm mơ ước của đứa học trò như mình thời ấy – là món quà mà Huyện nhà đã tặng cho mình đã theo mình đến hết 3 năm cấp 3 ở Đồng Hới và bây giờ mẹ vẫn còn đạp đi chợ mỗi ngày như là món quà kỷ niệm của những thành quả ngọt ngào đầu tiên.

May mắn với thành tích này, mình được chuyển thẳng vào trường PTTH Năng Khiếu Quảng Bình (bây giờ là Trường chuyên Võ Nguyên Giáp). Với hai giải ba cấp tỉnh môn Văn và môn Địa lý, mình đã sang ngang chọn môn Địa lý làm môn thi học sinh giỏi cấp quốc gia lớp 12. Mình nhận ra rằng những vùng miền khí hậu, những nền kinh tế thế giới và những vùng kinh tế trong nước có sức cuốn hút mình nhiều hơn.

Và kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm đó, mình may mắn đạt giải Nhì môn Địa lý. Đây là cơ hội để mình được tuyển thẳng vào Khoa Luật Thương Mại đại học Luật TP. HCM, và là điểm tựa để tốt nghiệp đại học loại giỏi mình lại được tuyển thẳng lên học thạc sỹ Luật kinh tế.

Ngoài yếu tố may mắn, ngoài việc mình có một người mẹ đã dạy cho mình đam mê đọc sách báo từ những ngày bé thơ, đã cho mình theo học những trường tốt nhất và cho mình tự lựa chọn môn học mà mình yêu thích, thì Thầy, Cô kính yêu theo từng mỗi cấp học (cấp tiểu học, cấp 2, cấp 3 và đại học mình đều có những người Thầy, người Cô rất tuyệt vời) là Người đã giúp mình bước nhẹ nhàng trên con đường học hành .

Ở thời điểm này, khi đang ở tuổi 40 tuổi, mình càng hiểu và biết ơn công ơn dạy dỗ ươm mầm và nuôi dưỡng của các Thầy Cô của Trường NĂNG KHIẾU BỐ TRẠCH mến yêu.

Tiếc rằng Trường ra đời chỉ đúng 02 năm. Những tấm hình kỷ niệm cuối năm lớp 9 còn đó nhưng Trường xưa đã không còn. Ngày đó cũng còn quá nhỏ để hiểu rằng đó là sự thay đổi trong chính sách giáo dục của đất nước.

Lên cấp 3, lớp chúng mình bạn thì vào Đồng Hới, bạn học trường Thị Trấn, bạn về lại trường xã. Mỗi bạn mỗi nơi nhưng trong tim chúng mình luôn có nhau, luôn nhớ về những tháng ngày thân thương đầy kỷ niệm. Mỗi lần hè, Tết chúng mình vẫn thường gặp lại nhau ở nhà nhau, ở bãi biển – những buổi gặp mặt luôn đầy ắp tiếng cười và nước mắt – vì cười không ngưng được dưới sự hài hước của rất nhiều danh hài. Các bạn của mình đi khắp muôn nơi, làm ở nhiều lĩnh vực và đều gặt hái được nhiều thành công như là sự minh chứng cho thành quả của Thầy Cô chúng mình đã gieo trồng.

Nhưng khác với những khoá khác chúng mình không có hội lớp, hội khoá, hội Trường định kỳ vì có lẽ Trường đã không còn.

Xa trường 25 năm, những đứa học trò 14, 15 tuổi ngày ấy, giờ đã ngoài 40, nhiều bạn đã có con tầm tuổi mình năm đó, chợt nhận ra rằng đó là khoảng thời gian nhiều ý nghĩa, nhiều yêu thương. Chúng mình nhận ra 25 năm rồi chúng mình chưa một lần tri ân những người Thầy, người Cô đã ươm mầm cho mình ngày đó để bây giờ ai cũng vươn mình bay cao, bay xa.

Vì vậy, buổi Hội Ngộ Tri ân Thầy Cô sau 25 năm xa cách đã đến vào ngày 25-6-2022, lấy đi của bao người nước mắt, nụ cười và những nhịp tim rộn ràng, xúc động.

Đó là một buổi tiệc của biết bao cảm xúc được thăng hoa, là suối nguồn của nhiều bài viết trên facebook của bạn mình những ngày qua, để mình cũng được chia sẻ, được rưng rưng.

Tiếc rằng, mình đã háo hức, mình đã chờ mong ngày trở về, nhưng cuối cùng lại lỡ hẹn.

Mong một dịp khác được Tri ân Thầy Cô và hội ngộ cùng các bạn.

Mãi biết ơn Thầy Cô, và mãi yêu thương các bạn.

Thân thương,

Tác giả : Lưu Thị Hương Ly

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip