Truyền thống – Hiện đại

22:54 - 25/09/2014

Suy nghĩ của anh Lưu Văn Quỳnh về kết hợp tính truyền thống và hiện đại trong xây dựng cổng Đình làng Cao Lao Hạ

 

Lời Ban biên tập: Sự kiện nổi bật thu hút sự quan tâm của bà con quê hương trong mấy ngày gần đây là vấn đề liên quan đến cấu trúc của cổng Đình làng ta và kiến trúc bức tường trước mặt Đình. Nhân bài viết của anh Lưu Văn Quỳnh bàn về tính truyền thống và hiện đại, Ban biên tập caolaoha.com xin có thêm một số ý kiến như sau:

 

1.    Những yếu tố cần xem xét khi đề xuất cấu trúc cổng Đình

 

Phương án cấu trúc của cổng Đình và kiến trúc bức tường trước mặt Đình làng ta cần xem xét đến các yếu tố sau:

 

Thứ nhất, yếu tố lịch sử: Chúng ta chưa biết chính xác Đình làng ta được xây dựng tự bao giờ, đã qua biết bao nhiêu lần tu sửa, và mỗi lần như vậy, cấu trúc quần thể Đình làng lại thay đổi ít nhiều. Rất may là đến nay 2 cột Đình làng ta vẫn còn nguyên vẹn và đây là yếu tố lịch sử thuyết phục nhất còn lại. Những yếu tố lịch sử khác chúng ta cũng đã có một số thông tin, nhưng chủ yếu là truyền ngôn thiếu những hình ảnh và vật chứng nên về mặt khoa học là chưa có độ tin cậy cao. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm, bổ sung nhưng trước mắt phương án cổng Đình cần tập trung mọi tư duy, suy nghĩ cho việc làm sao bảo tồn, nâng cấp, nâng giá trị hiện hữu lcủa 2 cột Đình làng. 

 

Thứ hai, yếu tố hiện trạng của ngôi Đình làng ta hiện nay: Đình làng ta là một ngôi Đình to, đẹp, là niềm tự hào to lớn của cả làng ta. Đình được xây mới hoàn toàn vào năm 2008 trên nền đất cũ của Đình chứ không phải là trung tu hay nâng cấp. Nhớ lại trước đây, khi duyệt thiết kế cho ngôi Đình hiện nay, các Cụ trưởng Họ, các cụ cao niên, các anh lãnh đạo xã cũng đã bàn luận rất nhiều giữa 2 lựa chọn hoặc là xây dựng một ngôi Đình mới, khang trang hoặc là chỉ xây dựng lại  ngôi Đình như hồi xưa theo như trí nhớ của các cụ. Cuối cùng các cụ đã lựa chọn phương án xây dựng mới và thực tế đã chứng minh đó là một lựa chọn vô cùng đúng đắn, nhờ đó mà quê mình có được một ngôi Đình to đẹp như hiện nay. Đến bây giờ các con, các cháu đều rất tự hào về ngôi Đình làng mình và thầm cảm ơn sự lựa chọn sáng suốt của các cụ những năm về trước. Với thực trạng ngôi Đình to đep như vậy, đòi hỏi con cháu chúng ta khi triển khai bất cứ hạng mục nào trong quần thể Đình đều phải lấy ngôi Đình làm trọng tâm, đều phải hướng tới làm tăng thêm vẻ đẹp, sự uy nghi của ngôi Đình hiện tại.

 

Thứ ba, yếu tố thực trạng sử dụng ngôi Đình hiện nay: Trước đây Đình làng là trung tâm tâm linh, trung tâm văn hóa; là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của làng. Từ khi có |Đình chúng ta ai cũng mong muốn làm sao khai tác tốt nhất giá trị văn hóa của ngôi Đình để Đình làng ta không chỉ là một địa chỉ tâm linh đông vui vào những ngày rằm, giỗ tết mà còn là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng mang đậm nét văn hóa Cao Lao Hạ, nơi bà con có thể thuận lợi vào ra mỗi khi có việc cầu khấn Thành Hoàng. Thế nhưng đã nhiều năm trôi qua các mong muốn trên vẫn chỉ là mong muốn. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng đó là cổng Đình suốt ngày đóng, chưa tiện lợi cho bà con vào ra. Thực tế này cho thấy, việc xây dựng các hạng mục trong quần thể của Đình, mà trước hết là cổng Đình cần phải tính đến việc tạo thuận lợi cho tất cả bà con ra vào Đình mỗi khi bà con muốn.

 

Thứ tư, yếu tố tương lai: Rõ ràng là, trong tương lai gần chúng ta sẽ xây dựng lại Hồ Sen trước mặt Đình, rồi khôi phục lại bần sác Linh Giang ở ngoài đê, rồi khôi phục hội Văn, hội Võ,...còn trong tương lai xa, di tích Thành Lồi của quê mình biết đâu sẽ được công nhận là di tích lịch sử mang quốc gia, quốc tế. Điểu này có thể trở thành hiện thực nếu có thêm bằng chứng chứng tỏ Thành Lồi của làng ta là thành Khu Túc. Rồi di tích lịch sử Phà Gianh, ngầm Hói Hạ, dốc Ba Trại, được xây dựng; Cửu Khúc Long Khê được phục hồi,… khi đó du khách sẽ đổ về làng ta, sẽ ghé thăm Đình, thắp hương cho Thành Hoàng, thật là tự hào biết bao. Nhìn xa như thế để thấy được cổng Đình cũng như kiến trúc bức tường trước mặt Đình làng ta có vai trò và tầm quan trọng như thế nào.   

 

Thứ năm, yếu tố thời đại: Đình được xây dựng trong thời đại mới đòi hỏi các kiến trúc phụ trợ đi theo cũng phải tương thích. Mặt khác, mỗi nơi, mỗi địa phương đều có các đặc thù riêng và chúng ta tôn trọng, bảo tồn các giá trị riêng đó. Tuy nhiên, cái đặc thù đó cũng phải thuận với xu thế chung, không nên có sự khác biệt quá nhiều. Cần có sự so sánh, đối chiếu với các cổng và tường của các Đình khác trong cả nước, trong vùng để qua đó tiếp thu những cái hay cái đẹp làm tôn thêm nét đặc thù riêng của mình.

 

2.    Những nguyên tắc khi thiết kế quần thể cổng Đình và bức tường trước mặt Đình.

 

Với những yếu tố cần xem xét như vậy, trước khi đi sâu vào bàn bạc các về chi tiết về cấu trúc của cổng Đình làng ta và kiến trúc bức tường trước mặt Đình cần thiết phải thống nhất được các nguyên tắc và chỉ có thống nhất được nguyên tắc chúng ta mới tập trung được ý kiến, mới tạo ra sự đồng thuận, sức mạnh tổng thể, phát huy trí tuệ của toàn thể bà con cùng thực hiện. Với suy nghĩ như vậy, xin mạnh dạn nêu ra một số nguyên tắc, mong bà con cùng thảo luận, bổ sung:

.

       1) Kế thừa và làm tăng các giá trị quá khứ của ông cha ta mà cụ thể là tăng vẻ uy nghi, cổ kính, bề thế của 2 cột Đình hiện có.

       2) Đảm bảo được yếu tố phong thủy, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết của quê nhà

       3) Có tác dụng làm tăng thêm vẻ trang nghiêm của ngôi Đình vừa mới được xây dựng lại của làng ta. Có giá trị trường tồn cùng với ngôi Đình, đảm bảo sử dụng lâu dài mà không phải tu sửa thêm một lần nào nữa

       4) Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các sinh hoạt của bà con trong việc ra vào Đình làng để thực hiện các hoạt động cúng tế hàng ngày

       5) Phù hợp với xu thế của thời đại, của thế kỷ 21, trên cơ sở tôn trọng các đặc thù của địa phương.

 

Thực tế là, để thõa mãn tất cả các nguyên tắc trên là rất khó, do vậy để có được một phương án khả thi đòi hỏi phải có sự đánh đổi. Một bản thiết kế cổng Đình và bức tường của Đình mà thể hiện được tất cả mọi yếu tố trên là rất khó khăn, nhưng chúng ta có quyền tin tưởng rằng, với tình yêu quê hương tha thiết, với truyền thống đoàn kết,thương yêu nhau của toàn thể con em trong và ngoài làng, chúng ta sẽ sớm có được một bản thiết kế tối ưu nhất để trình ra cho các Cụ quyết định như đã trình phương án thiết kế Đình năm xưa.

 

Thứ 7 này, quê nhà có cuộc họp của các cụ Trưởng Họ, các Cụ cao niên, cùng các anh lãnh đạo xã, thôn và bà con xã quê bàn về công việc xây dựng Cổng Làng và các công trình phụ trợ của Đình Làng. Đây là một sự kiện rất quan trọng. Thế hệ chúng cháu cũng như thế hệ các cháu con sau này xin hứa với các Cụ sẽ cố gắng hết mình cùng nhau xây dựng quê hương Cao Lao Hạ ngày càng giàu đẹp. Các Cụ hãy tin tưởng vào các thế hệ chúng con.

 

Trân trọng!

 

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2014

T/M Ban biên tập

 

Lưu Đức Hải

 

 

TRUYỀN THỐNG - HIỆN ĐẠI

 

Mấy hôm rồi trang báo làng ta lại nóng lên về việc có mở thêm hai cổng phụ ở bức tường thành trước mặt đình làng hay không? Lo lắng là điều chính đáng, nhưng tôi vẫn tin bà con ta đủ sáng suốt để nhận ra đúng sai, phải trái. Cái gì thực sự có ích lợi cho quê hương để từ đó có những ý kiến đóng góp chân tình, thẳng thắn, có trách nhiệm cao.

 

Lẽ ra vấn đề có hay không mở thêm cổng phụ chỉ là một việc rất đơn giản ai cũng có thể đồng tình. Vì chỉ cần mở máy vi tính vào trang "Các mẫu cổng đình làng" lập tức có hàng loạt mẫu hình, kích cỡ khác nhau. Hầu như cổng đình làng nào ở đâu cũng đều có ba cổng: một cổng chính và hai cổng phụ đối xứng nhau. Khoảng cách dài ngắn của hai cổng phụ ấy tùy vào từng khuôn viên cụ thể.

 

Quan sát bằng mắt của một người có chút hiểu biết về chuyên môn kiến trúc, phong thủy tôi cũng nhận thấy vẻ đẹp của sự thanh thoát, tiện lợi, uy nghiêm của những mẫu hình này mà nhiều nơi đã thiết kế và xây dựng.

 

Xem từ vi tính tôi lại đến quan sát trực tiếp ở ngôi đình làng bên, tôi chỉ ao ước một điều giá như đình làng ta cũng được xây cổng theo mẫu hình như thế...

 

Đấy là chưa kể đến vẻ đẹp vừa thâm nghiêm, cổ kính nhưng lại rất hiện đại khi bức tường xây xong, mặt đường đã được mở rộng, hồ sen trước mặt đình đã được tôn tạo khang trang...Đình làng Hạ sẽ là một công trình kiến trúc vừa có vẻ đẹp truyền thống lại vừa rất hiện đại khó nơi nào có được.

 

Bấy lâu còn nhiều ý kiến ngược chiều, còn có sự ái ngại, băn khoăn: Trước đây ông cha mình có mở cổng phụ không, giờ thế hệ cháu con làm vậy liệu có yên tâm? Đó là tâm lý chung ai cũng nghĩ đến. Việc riêng một nhà, của riêng một người vẫn không sao tránh được những điều nghi ngại đó, huống chi đây lại là "chín người mười ý", việc giữa đình làng của trăm họ, muôn dân. Đó thực sự là một vấn đề bức xúc, cần thiết.

 

Nghĩ đi là thế. Nhưng nghĩ lại một cách sâu xa, kĩ càng thì vẫn thấy phương án mở thêm hai cổng phụ là rất hợp lý, tiện ích. Tại sao vậy?

 

Xét về quá trình xây dựng và tôn tạo, đình làng ta lại có những đặc thù riêng: Không biết đình làng được xây dựng tự bao giờ, qua biết bao lần tu sửa, đặc biệt sau hai cuộc chiến tranh tàn phá, đình làng đã bị san phẳng hoàn toàn. Chỉ còn sót lại hai cột trụ cổng mà thôi. Mãi đến ngày 19 tháng 11 năm Mậu Tí (năm 2008) mới bắt đầu đặt móng để xây ngôi đình mới trên khuôn viên cũ. Vậy nên chẳng có gì làm căn cứ cho việc để tôn trọng, đề cao việc bảo tồn lịch sử của cha ông để lại mà không mở thêm cổng phụ vừa hợp phong thủy lại rất tiện lợi cho bà con.

 

Nếu do yêu cầu của việc bảo tồn lịch sử thì trong cuốn địa chí làng Cao Lao Hạ, bác Lê Văn Sơn - hội viên hội văn học nghệ thuật Quảng Bình đã ghi rất rõ: "Tường thành có hai cổng phụ đối xứng nhau qua cổng chính. Cổng đình có hai cột trụ hình vuông...(trang 207). Nếu tôn trọng lịch sử thì chắc chắn dù có tốn kém thêm kinh phí chúng ta vẫn cứ phải làm vì trước kia đình làng ta đã có hai cổng phụ như thế.

 

Lại có ý kiến cho rằng Địa Chí làng Cao Lao có viết thế nhưng đây cũng chỉ là ý kiến của một cá nhân làm sao tin được?

 

Mặc dù cuốn sách này là công trình chỉ do một cá nhân bác Sơn biên soạn nhưng nó đã có đủ tính chất pháp lý: Có giấy phép của nhà xuất bản Thuận Hóa số 2681/QĐ - XBTH cấp ngày 18 tháng 12 năm 2006, có người chịu trách nhiệm xuất bản là ông Nguyên Duy Tờ. Đặc biệt 300 cuốn sách đã được lưu hành bảy tám năm nay với ý kiến nhận xét của Đảng ủy, UBND, UBMTQVN xã Hạ Trạch do phó bí thư Đảng ủy Lê Chiêu Hoàng kí ngày 20 tháng 6 năm 2006 trong đó có đoạn:" Đảng ủy, UBND, UBMTTQVN xã Hạ Trạch chúng tôi đã đọc và xem xét kĩ bản thảo tập sách này, rất hoan nghênh và cảm ơn tác giả đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, góp phần giúp ích vào việc giáo dục truyền thống và lưu truyền những giá trị văn hóa quí báu của địa phương"

 

Với những thông tin tư liệu xác thực như vậy, việc mở thêm cổng phụ cũng là rất hợp với yêu cầu của cuộc sống hiện đại và việc bảo tồn những giá trị lịch sử của ông cha để lại. Nó đủ sức thuyết phục hơn hẳn những ý kiến thăm dò khảo sát của ai đó qua trí nhớ mù mờ chẳng biết lấy gì làm bằng chứng.

 

Mặt khác cứ cho rằng trước kia ông cha chúng ta chưa mở cổng phụ đó, nay thời đại đã thay đổi, cuộc sống đã văn minh hiện đại hơn nhiều. Trước kia cửa nhà chúng ta chỉ là một bức rèm phên tre, lá, chống lên hạ xuống. Bà con ta đi chân đất để vào đình... Nay thì nhà cao cửa rộng, trong kính ngoài chớp. Bà con trong làng ngoài xã đến chiêm bái, thăm thú đình làng đã ngồi sẵn trên xe gắn máy, ô tô... Tiếp thu cái văn minh hiện đại của muôn nơi đem về làm đẹp làm sang cho quê hương hà cớ gì ta lại không theo.

 

Lẽ nào đức Thành Hoàng làng, các đấng Thần Linh Tiên Tổ lại không mát lòng mát dạ phù hộ độ trì khi thấy con cháu, quê hương ngày càng đẹp đẽ, khang trang.

 

Đấy là chưa nói đến nét đẹp của công trình kiến trúc lại rất phù hợp với phong thủy mà bác Truongluu Caolao, một người rất am hiểu vấn đề này đã phân tích đầy sức thuyết phục.

 

Điều cuối cùng chắc rằng lãnh đạo xã, bà con còn đắn đo e ngại: Kinh phí ở đâu?

 

Tôi tin rằng khi ý Đảng đã hợp với lòng dân, những nét đẹp truyền thống cổ xưa của lịch sử để lại đã hòa quyện với tính chất hiện đại văn minh tiện lợi chắc chắn "khó vạn lần dân liệu cũng xong". Bà con ta khắp mọi miền đất nước, ở nước ngoài, các mạnh thường quân luôn hướng về nơi cội nguồn của mảnh đất cha ông, muốn được đóng góp một phần kinh phí để làm đẹp cho những công trình mang tính tâm linh mà bà con ta muôn vàn yêu quí, ngưỡng vọng sẽ là nguồn kinh phí dồi dào đó.

 

Với tình cảm đó, tôi tin rằng công trình tôn tạo đình làng đợt hai sẽ thành công tốt đẹp.

 

Người viết

Lưu Văn Quỳnh

Tác giả : Lưu Văn Quỳnh

Bình luận

Bài viết liên quan

Hình ảnh một số cây đa làng tháng 10 năm 2023
Hoàn thành cơ bản công trình kè và tôn tạo ao Đình
Triển khai tiếp tục công trình tôn tạo ao Đình
Tiếp tục thực hiện tu bổ, tôn tạo ao Đình
Thư kêu gọi đóng góp xây dựng ao Đình

Video clip