Tư duy nghê thuật thơ Lê Minh Thắng qua khúc biến tấu giao mùa

07:34 - 27/09/2021

Cảm nhận của PGS.TS. Hồ Thế Hà về thơ của anh Lê Minh Thắng, người Cao Lao Hạ, hiện là giảng viên trường Đại học Quảng Bình đăng trên tạp chí Sông Lam và Nhật Lệ.

Tư duy nghê thuật thơ Lê Minh Thắng qua khúc biến tấu giao mùa

Ảnh: Tác giả Lê Minh Thắng

 

TƯ DUY NGHỆ THUẬT THƠ LÊ MINH THẮNG QUA KHÚC BIẾN TẤU GIAO MÙA

PGS.TS. Hồ Thế Hà

 

Đến nay, Lê Minh Thắng đã ấn hành 2 tập thơ: Hai bốn chữ cái (2017), Cánh đồng mặt trời (2019). Và bây giờ là Khúc biến tấu giao mùa (2020). Khoảng thời gian lao động nghệ thuật như vậy, tuy không dài, nhưng đủ để anh định hình cá tính và thi pháp sáng tạo riêng. Yếu tố làm nên thi giới Lê Minh Thắng chính là hiện thực đời sống trực tiếp và gián tiếp mà anh là chủ thể sống trải, tạo thành dấu chỉ tâm lý, tình cảm riêng của anh, để trong những khoảnh khắc bừng thức của ấn tượng và trực giác, chúng hiện lên thành hình hài câu chữ, mang thông điệp tình yêu và ám ảnh hiện sinh của chính người thơ.

Tôi gọi đó là tư duy thơ vừa hướng ngoại vừa hướng nội, kết tinh thành tư duy hình, tư duy ý mà Lê Minh Thắng dù ý thức hay vô thức đã thể hiện thành thi tứ, thi ảnh, thi ngôn vừa sáng rõ vừa mơ hồ, nhưng tất cả đã qua sự sống thật trong từng kinh nghiệm và cảm nhận của anh.

Trước khi đi vào thế giới nghệ thuật thơ Lê Minh Thắng, tôi muốn đề cập đến một vấn đề có tính lý luận về quá trình sáng tạo. Đó là vấn đề tư duy nghệ thuật thơ. Như chúng ta biết: tư duy là sản phẩm đặc biệt của bộ não người. Nó phản ánh linh động và tích cực hiện thực khách quan thông qua các khái niệm, phán đoán... Tư duy là hoạt động nhận thức lý tính của con người nhưng có liên hệ với những hoạt động tâm lý của mỗi cá nhân... Cuối cùng, nó kết tinh, phản ánh đời sống trí tuệ của chủ thể ý thức. Còn tư duy nghệ thuật thơ là một quá trình khác, một dạng đặc biệt của tư duy xét về tính chất, mục đích, quá trình cũng như phương thức phản ánh hiện thực xã hội và tình cảm của con người một cách chủ quan nhưng có sáng tạo bất ngờ của người nghệ sĩ để cuối cùng tác động đến sự thưởng thức - cũng theo con đường đặc biệt đó - của người tiếp nhận. Sự cá biệt hóa và hình tượng hóa khách thể theo cảm tính chủ quan của tác giả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng có lẽ, tiềm năng trí tuệ và khả năng chiếm lĩnh hiện thực theo logic của tư duy hình tượng, kết hợp với tâm lý học sáng tạo nghệ thuật là điều kỳ diệu nhất của người nghệ sĩ trong quá trình tạo nên thế giới ngôn từ - hình tượng - tư tưởng, làm thành cái nhìn nghệ thuật và chất thơ riêng của từng nhà thơ.

Dĩ nhiên, tư duy nghệ thuật dù trực tiếp hay gián tiếp, ý thức hay vô thức đều phải “chịu sự chi phối mạnh mẽ của thế giới quan và nhân sinh quan của người sáng tạo” [2,tr.54] mà biểu hiện cụ thể và khái quát nhất là trình độ văn hóa - triết mỹ của tác giả. Người đọc nắm bắt, chiếm lĩnh ý nghĩa, tư tưởng của tác phẩm thông qua hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ, biểu hiện cụ thể thành “cái tôi cảm xúc, cái tôi đang tư duy” [2,tr.56] thông qua hệ thống ngôn từ được tổ chức riêng theo trình độ của từng nhà thơ để tạo thành chỉnh thể nghệ thuật độc đáo: “Tư duy thơ thường được biểu hiện thành từng dòng phát ngôn trên văn bản” và “bị chi phối bởi một số tiêu chí có tính hình thức. Những tiêu chí đó nhằm làm cho những câu thơ gắn bó với nhau, liên kết với nhau thành một chuỗi thống nhất, cố kết các ý nghĩ riêng lẻ thành một trật tự hình thức” [2,tr.72] theo qui luật ngôn ngữ của từng dân tộc qui định, biểu hiện thành ngữ pháp và thi pháp ngôn từ mang phong cách riêng của từng nghệ sĩ.

Từ những tìm hiểu có tính lý luận sơ lược về tư duy nghệ thuật thơ như trên, bài viết muốn đi vào thế giới nghệ thuật thơ Lê Minh Thắng, mong chỉ ra kiểu tư duy thơ riêng của anh theo tiếp nhận chủ quan của chúng tôi. Tôi bắt đầu bằng bài thơ Khúc biến tấu giao mùa (lấy làm tên cho cả tập thơ), xem đây như là bài thơ khóa (key poem) để lần vào “bên sau, bên sâu, bên xa” của cấu trúc ngôn ngữ thơ anh.

Ngôn ngữ thơ được tác giả kiến trúc và gọi đó là “khúc biến tấu giao mùa”. Nó có khả năng làm cho mọi vật và mọi ý nghĩ luôn hành trình như những chuyển động phẳng (the flat motion) tới những chân trời xa thẳm:“Khúc biến tấu giao mùa/ hành trình & định mệnh/ chiếc lá từ tâm đi tìm/ thế giới phẳng/ tận tới những vì sao xa xăm/ chạm ánh sáng tách bạch/ chiếc khung sắc thắm trước mắt đá rạn/ tấm gương cổ kính sau lớp bạc mờ dần”. Trong sự trôi chảy ấy, không có gì biến mất mà nó có khả năng đồng hiện những “sắc màu & giấc mơ/ mặt nước cuốn về biển cả/ câu nhân tình vận trù ngàn năm/ dạt trôi ngoài cuống”. Trên dòng thời gian ấy, anh tự hiện hữu mình trong thiên nhiên:

Tôi qua miền gió cát

bàn tay trái lần trang giấy mỏng

giọt vô thường rơi

con đường đất đỏ

phù sa tận chân trời

Trên sân tứ thời ngan ngác sắc hoa

đôi mắt trần còn lời nguyền & hẹn ước

tôi dắt em qua vùng ảo ảnh

sông trắng với sông đầy

Cõi nhân sinh phù trầm thực ảo với bao chia ly, tương hợp, nhưng dòng sông thời gian vẫn êm trôi in bóng mây trời: “Tháng năm vân mây nhiễu điều lơ lửng/ bức tượng đá lớp rêu phong/ tôi độc hành/ ánh dương thăm thẳm/ hạt cát còn mãi phương trời/ ngày & đêm mang nỗi buồn trần thế”. Mùa rồi trôi qua, những thanh âm, những ngọn nến - như những lưu dấu sự sống rồi cũng tan theo bóng đêm. Chỉ mặt trời là có khả năng lưu lại ánh sáng, để mọi vật luôn sinh sôi, hiện hữu: “Hạt tơ duyên ngày ươm cánh đồng mặt trời/ tách bạch sau lớp vỏ thời gian/ hoa thiên lý nở tĩnh tâm/ mảnh vườn lý trí/ đôi mắt em không tắt”. Đó chính là khả năng cứu vãn sự sống để “chiếc bóng còn lăn/ nỗi buồn còn đọng/ mỗi ngọn từ bi cháy trong ta/ niềm tin những hạt bình minh/ đang cô lại” thành những khúc biến tấu giao mùa luôn đồng vọng trong từng thời khắc, đồng vọng trong từng rung cảm lặng lẽ của mỗi chủ thể hiện sinh. Và cuối cùng, Lê Minh Thắng đã hình dung về sự hiện hữu của mỗi nhân vị trên hành trình họ đi tìm lại chính mình và ngoài mình trên dòng sông đa thanh của thời gian trắng:

Thế giới đi tìm

những vì sao không thể hiểu

tinh hoa của đất trời

những vần trắng

trên dòng đa thanh.

Đó là niềm tin vĩnh cửu mà nhà thơ đã nghiệm suy hộ cho mỗi chủ thể hiện sinh bé nhỏ ở cõi người bao la nhân hậu này. Tôi gọi đó là tư duy về thời gian mà Lê Minh Thắng đã suy tư và ám ảnh để thành thi ảnh và thi ngôn chập chùng, đứt nối, khó liên hệ, khó nhận biết, nhưng chúng có khả năng làm sống lại những trầm tích, những cổ mẫu trong thơ anh, giúp người đọc bất giác nhận ra những kinh nghiệm quan hệ sống giữa con người với khách thể, cả trong huyền thoại và huyền tích xưa cũ. Đó phải chăng là biện pháp đi tìm thời gian đã mất mà Lê Minh Thắng đã ám ảnh, cả trong ý thức lẫn vô thức?

Từ hệ quy chiếu với phạm trù thời gian như trên, ta thấy ở Khúc biến tấu giao mùa, thời gian được tác giả triển khai thành những ẩn dụ, hoán dụ, có khi là nhân hóa, tạo thành cái nhìn nghệ thuật và cảm hứng nghệ thuật theo kiểu thơ hậu hiện đại, rời rạc, đứt nối, khó cảm nhận. Trước Cao Nguyên bạt ngàn gió, tận sâu thẳm tâm hồn mình, tác giả đã thấy được “đêm diệu kỳ của rừng/ dấu hiệu trở về quá khứ” để còn đây tự anh độc thoại với thời gian hiện tại và huyền sử trong những trường ca:

Đêm tương tàn ngọn lửa độc thoại

gió hữu tình & hy vọng

mở cánh cửa bước qua ô kính

niềm tin bay lên cùng bản trường ca huyền sử

trận mưa đông đá

đậm & đặc

(Cao Nguyên gió)

Nhà thơ luôn trong tư thế độc hành để tìm lại cảnh cũ, hồn xưa. Đó là cách tốt nhất để anh hiểu ý nghĩa về sự hiện hữu và yếu tính của mỗi phận người. Hãy xem cách thế độc hành thì sẽ rõ tâm thế hiện sinh của anh:

Quân tử độc hành núi cao mới thấu

Sóng trong tranh nói điều gì.

(Bức tranh hiện hữu)

Ánh sáng bên trời mẫn tuệ

người quân tử khúc độc hành

để lại dưới gót xào xạc

đám cỏ xanh

(Rêu phong)

Trên đôi cánh thời gian, anh đã hình dung và như lắng nghe được tiếng của con người, của thiên nhiên để thấy chân trời vẫn rộng mở, khơi nguồn thênh thang phía trước:

thời gian không dấu điều gì

thả cánh diều nghìn năm nhặt đôi tiếng người

dòng sông không tên

ngày lại ngày khơi nguồn & gió mới

thênh thang phía trước

một chân trời.

(Dòng sông không tên)

Đồng hiện thời gian và tồn tại trong thời gian, nhà thơ sẽ tìm lại được những hiện hữu và hiện thể để biết mình và mọi vật tồn tại như thế nào. Qua đó, nhà thơ không mất đi ký ức mà lại càng giàu có, tin yêu hơn từ ký ức. Bởi vì anh hiểu “cơn giông chớp mắt/ những cuộc đời”, hữu thể thì hữu hạn, mà khách thể thì vô cùng:

Gió trăm năm thổi ngang tai lạnh giá

thời gian mặc khải niềm tin

ánh sáng từ tâm

bóng tối cũng từ tâm

nương đôi mắt trần hạt mưa lẫn hạt nước

ánh nhìn

trời sao lệ hóa đôi dòng chảy

một se sắc nước biếc

một bầu trời ban mai.

(Đôi dòng)

Vẫn là cái nhìn từ tâm, Lê Minh Thắng đã thấy được từng hạt sương thanh bạch và tia nắng thanh khiết như giúp mọi chủ thể và khách thể thanh tẩy, vô trùng hóa tâm hồn mình. Đó là cái nhìn sinh thái thời gian (time ecological view) đầy nhân văn, tương giao và tương ái:

Điểm qua hạt sương tháng ngày thanh bạch

giữ lòng bàn tay tia nắng thanh khiết

tự tại & ấm áp cái nhìn

từ tâm.

(Tia nắng dịu vợi)

Nhìn biển đêm và bờ cát trắng, anh cũng cảm nhận thiên nhiên với cái tâm hiền từ, nhân hậu ấy: “Đêm & biển mịt mù cát trắng/ tôi vớt vát chút tình/ cũng chỉ được đôi mảnh từ tâm/ không đầy vô tư/ & giã sáng lại một niềm tin” (Đêm của biển). Vậy là thời gian khách quan thì luôn trôi chảy và con người nhận biết qua đối chiếu với hiện thực chung quanh; từ đó, nhận biết tâm hồn mình vẫn giàu tin yêu da diết, dù đâu đó mọi lúc, mọi nơi vẫn còn những đối lập, nhiều khi là những mâu thuẫn và nghịch lý không thể điều hòa:

Thế giới con người hai nửa nghịch lý

hào quang & tăm tối

sự nhỏ nhen & oán hận chỉ tồn tại ở tầm cấp thấp

bão giông lại ngự trên cao

hạt cát lấp lánh ngàn vì sao

dưới chân dòng nước

(Điều không thể)

Nhưng dù gì, hiện thực có lâm nguy và vô cảm đến đâu thì con người không có quyền thất vọng: “Ngày trở về nắng xế/ tôi thắp một nhành hy vọng/ ánh sáng vì sao dối lòng/ thả đôi mắt ngoài vạn dặm/ thăm thẳm ngước lên cây cầu/ đất & nước/ hồi sinh” (Những hồi canh). Dòng nước là hình tượng ẩn dụ hữu hình để nói lên niềm hy vọng vô hình là thời gian làm cho cổ mẫu nước có thêm ý nghĩa mới, ý nghĩa về sự trôi chảy, hồi sinh, dẫu có lúc sóng cũng gặp những thác ghềnh, bất hạnh ngăn trở:

Dòng đời như nước chảy

qua cầu

người với người cách nhau một cái nhìn

& một cái bóng nhập nhòa vi vô

mặt ao thì nông

lòng đôi co chật hẹp

sóng lăn tăn vặn mình về đường bất hạnh

(Những hạt bông đùa)

Một khao khát tẩy rửa và thanh lọc từ dòng nước nguyên sinh để xóa tan những phôi pha, tàn úa là cách mà Lê Minh Thắng muốn con người được ân huệ từ thiên nhiên để được bao dung và nhân ái: “Ta khát khao nguyên sinh dòng nước/ xóa sạch vết hằn vách đá rừng hoang/ se hạt cát bay vào sóng tự do/ xoa mây kết lại duyên chiếc lá/ che người đang mưa & người chưa mưa” (Không đầy ngọn gió). Ở đó, những dấu chân người là chứng tích rõ nhất của những cuộc truy tìm bản mệnh cuộc đời của mỗi cá thể: “Dấu chân người là phía trước/ dấu chân người lại phía sau/ bên tai anh lồng lộng cơn gió chướng/ vòng đua thăm thẳm/ cuộc tìm kiếm không hồi” (Dấu chữ chi). Và cuối cùng, nhà thơ không ngần ngại chứng thực rằng những dấu chân bỏng rát chính là hình tượng định danh thời gian và hiện hữu thân phận con người. Đây là một triết mỹ rất mới của Lê Minh Thắng:

Thời gian định danh thân phận

cuộc đời như giọt nắng trên sông

dòng nước băng băng ngày tháng

người đi mê mải dích dắc con đường

đôi chân bỗng rát

dấu chữ chi.

(Dấu chữ chi)

Nhưng rồi, có lúc nhà thơ cũng phải chấp nhận một thực tế có tính qui luật của thời gian. Đó là sự phôi pha, tàn tạ của thiên nhiên. Cho nên, dẫu ý thức chống lại sự tàn héo của thiên nhiên, nhưng rồi, nhà thơ vẫn phải u buồn chứng kiến cảnh cỏ cây hoa lá héo sầu nói lời từ tạ:

Đôi mắt một đời gieo trên ngọn cây khô

lắt lay mối tình của lá

mùa thu gánh lên sầu úa

hành trang heo may

(Mùa chia ly)

Mùa là hiện hữu của thời gian lứa đôi yêu nhau và tình tự, trong cái nhìn từ tâm của Lê Minh Thắng, hình như nó lại được hồi sinh cho những mối tình mà biểu trưng rõ nhất là những chùm hoa sắc hồng buông xuống như những nụ hôn:

Mùa đi tìm nhau đôi lứa

cây lộc vừng phiên ngang ngửa

sắc hồng mơ nhuốm gót chân son

em bối rối dấu nụ hôn không ngỏ

lộc đầy vơi hóa kiếp má đào

(Cây lộc vừng)

Lê Minh Thắng nhìn thấy và cảm nhận được bước đi của thời gian lưu dấu trên từng sự vật để thành chứng tích u trầm, mòn mỏi của tháng năm. Mọi vật, qua cái nhìn của thi nhân, dường như chúng có linh hồn, đang vọng lời nỉ non cùng rêu phong và con người hiện thể: “Hồn đá chon von trên tháp/ ngôi vị ảo giác/ những vì sao ở chốn xa vời/ chỉ nghe lời của gió/ thời gian lao xao trở thành bức tường & biến động” (Rêu phong). Giấc mơ kết tinh thành chiếc gậy thời gian đang vạch lại những hành trình trên con đường vô tận:

Giấc mơ thanh thiên

thời gian tôi như ngày nào

chiếc gậy từ bi

vạch lại những bước đi

con đường.

(Chiếc gậy từ bi)

Trước vô vàn sự vật, đối tượng trong Khúc biến tấu giao mùa, tôi chú ý bài thơ Những cái bình pha lê để chứng minh cho cảm thức thời gian trong thơ Lê Minh Thắng. Nhìn những cái bình pha lê với những hoa văn, anh biết sự bình yên trên dòng sử lịch. Không gian và thời gian quá vãng như còn nhắc thức con người hiện tại về những ngọt ngào, đắng cay trần thế. Hình như thời gian được Lê Minh Thắng cô đặc lại trên từng nét hoa văn, trên từng “Chất liệu nguyên sinh hạt cát bên thềm/ mở lòng bàn tay những đường vân trắng/ giọt đến & đi đồng trinh phẳng lặng/ mạch cảm nhận/ đôi người”, có cả thời gian tâm linh như một dạng cổ mẫu nguyên khối “Chùm ngọt ngào đang kỳ chín mộng/ nét hoa văn phù điêu vân mây/ trào lưu đậm đà trên môi/ hòa âm dệt làm ánh sáng/ thời gian hong khô thành vân cổ”. Vẫn còn đây tất cả. Đó là sự cứu vãn sự sống bằng tâm linh. Chiều tâm linh cũng là cách không gian hóa thời gian mà Lê Minh Thắng cố chứng minh bằng thơ. Có lẽ không có gì lưu giữ cuộc sống và tình yêu đáng suy ngẫm và đáng tin cậy hơn thơ. Mà cụ thể trong thơ anh là “những cái bình pha lê/ đèn hồng soi lung linh đáy mắt/ đất & trời”. Mãi còn đây lung linh tình sử và tình người đủ khả năng hóa thạch những niềm tin:

Những mảnh vỡ ngoài tai đang vụn nát

gỡ lớp phù du thiện cận mặt nước

nhân tình đôi mắt thành tâm

lặng lẽ hóa vết buồn thương cảm

những cái bình pha lê.

(Những cái bình pha lê)

Về mặt triết học mà nói thì tư duy về thời gian là tư duy về sự tồn tại của mỗi hiện thể, trong đó, nổi bật nhất là sự tồn tại của mỗi hiện sinh đời người. Mất thời gian con người cũng mất đi nhiều thứ. Lê Minh Thắng không bi quan, không xóa nhòa thời gian. Dù anh biết rằng thời gian có làm thay đổi khách thể, thì trong mỗi chủ thể, họ cũng cố trì hoãn và hiện hữu thời gian để biết mình tồn tại và tin yêu; dù “em mang một đóa nỗi niềm/ còn tôi gió thổi giấc mơ chẳng lành”, thì “Bóng diều ngã sang bến an bài/ hạt niềm tin thấm nhuần mê mải/ thời gian trôi trên sợi tóc/ quanh đời bạc trắng” (Nỗi niềm của gió). Có lúc, nhà thơ như rơi vào chênh vênh, vô định: “Tôi lần theo những hạt lưu đày/ thời ngàn kiếp/ rừng hoang & cỏ dại/ không định vị được vòm trời & định mệnh/ hạt sống quắt quay tận đáy/ nằm yên dưới chân trời màu lửa/ bỗng cháy bến kỳ cùng”, thì như một tâm lý tự vệ, anh nương tựa vào thiên nhiên để hy vọng, dù khách thể mà anh nương tựa chỉ là những hạt sương trên cát - hình tượng rất mong manh. Thì anh vẫn cứ tin để yên bình tâm thế: “Vẫn tin những hạt sương trên cát/ con đường vĩnh cửu/ gieo vào lòng & tan biến/ trên đôi tay bỏng rát/ & nguyên sinh/ vòng quay mặt trời”. Để từ đó, anh nương tựa vào đời người, dẫu đó là sa mạc đời người, nhưng nó giúp anh “hy vọng đến suối mơ”. Đến đây, không nghi ngờ gì về sự vĩnh cửu của thời gian mà Lê Minh Thắng đang tư duy và đang đồng hiện nó, để biết sự sống và ý nghĩa của sự sống là quan trọng và minh triết như thế nào. Tôi xem đây chính là cách con người chế ngự thời gian tích cực nhất:

Nương sa mạc đời người

không gian pha sương quay quanh hố đen

ngưng tụ những hạt bụi mưa thiên hà

giọt nước di truyền vòng tiến hóa

hy vọng đến suối mơ

(Hạt sương trên cát)

Lần theo tập thơ Khúc biến tấu giao mùa, chúng ta tinh ý sẽ nhận ra bên cạnh sự thể hiện nỗi niềm đời tư, Lê Minh Thắng còn dành nhiều ưu tư về quan hệ thế sự. Tất cả đều được anh tư duy qua phạm trù thời gian. Những vấn đề đời tư - thế sự của thời hiện đại đang diễn ra với tốc độ chóng mặt đã làm cho thơ Thắng không khỏi âu lo hiện sinh mà cụ thể của nó là cái phi lý, cái vô nghĩa của mỗi hiện hữu. Anh phải đặt ra cho mình những câu hỏi và tự mình giải đáp chúng dựa trên lựa chọn hành vi đạo đức theo những phán đoán đúng của mỗi chủ thể ý thức để mỗi cá thể nhập cuộc một cách tin yêu và trách nhiệm. Khi ấy tiềm năng văn hóa và tiềm năng đạo đức từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người sẽ hiện lên để đối thoại với tha nhân và sau đó, độc thoại với chính mình mong tìm lối đi đúng cho những lựa chọn văn hóa - nhân văn nhằm tái thiết niềm tin cho chính mình và chung quanh theo tâm thế hiện sinh tích cực nhất mà ở đó: “tiếng dội vào vách thời gian & vọng lại/ chân dung một con người” (Tiếng và chân dung). Ở đó, âm thanh của con người là thiêng liêng và vang vọng nhất:

Lời người thấp thoáng gió ngàn thu

mùa đi những ánh mắt tràn đầy

mùa về trang vàng & ký ức

tấm thiếp lưu danh vuông tròn

Tôi nhặt niềm tin con đường cái

thả xuống dòng sông hy vọng biển xanh

chiếc áo màu thu vương sương nguyệt

xếp hành trang vào khắc khoải ban xưa

(Giọt nắng rơi trên sông)

Chiều kích thời gian giờ đây càng trở nên gấp gáp, được đo bằng sự dồn nén của những đường vân trong lòng bàn tay, mà theo tác giả, nó có khả năng hiện hữu một mặt trời: “cuộc đời những đường vân/ mặt trời lòng bàn tay”, nhưng rồi con người phải chiến thắng thời gian, cũng có nghĩa là họ phải cảm nhận thời gian một cách chủ quan, khi ấy, chủ thể tính đã thắng khách thể tính. Thời gian, khi ấy, có ích và tác động đến con người một cách tích cực nhất, khách quan, không thiên vị: “Không đủ hình hài anh vo tròn trang giấy/ viết lên dòng đời chữ nhẫn / nhưng không thể nào vơi / những hiện hữu”. Con người kiên nhẫn hiện hữu mình, dẫu sân chơi nào cũng đến hồi kết cuộc:

Sân chơi nào cũng kết

thời gian không chờ & không thiên vị

xanh đỏ nổi trôi đến úa tàn

người về

luận bàn & tâm tĩnh

(Đêm nhân sinh)

Khi ấy, con người phải quay chiều sự sống của mình vào thời gian hiện tại. Chỉ có thời gian hiện tại mới có khả năng giải lâm nguy cho con người. Lê Minh Thắng đã nhận ra điều đó nên trong thơ anh, nuối tiếc và thất vọng đã biến thành thương tiếc và hy vọng vào thời gian hiện tại để thụ hưởng sự sống:

Anh & em nuối tiếc điều gì

đôi bờ vui còn xanh ký ức

cánh buồm xa vời chân bể

tạ từ bến xưa

cây cầu duyên trở về tâm thức

chạm vào mặt sóng

hạt nắng nhẹ nhàng qua sông thanh bạch

(Chỉ biết lúc này)

Mà thụ hưởng sự sống trong tình yêu và trong thời gian đồng hiện với hiện tại là cách thụ hưởng giàu cảm giác, giàu tâm trạng nhất, ở đó, sự sống cũng trở nên đa dạng, đa chiều kích và tích cực nhất.

***

Tìm hiểu tư duy nghệ thuật thơ mà chỉ nghiêng về tư tưởng triết mỹ thì mới chỉ chạm đến một nửa của chỉnh thể nghệ thuật. Một nửa chỉnh thể quan trọng khác, quyết định sự tồn tại của tác phẩm chính là ngôn ngữ - hình thức mang tính quan niệm, tính tạo sinh nghĩa cho thi phẩm. Qua Khúc biến tấu giao mùa, Lê Minh Thắng đã tiếp nối Hai bốn chữ cái và Cánh đồng mặt trời trong việc kiến trúc thi pháp ngôn từ một cách nghệ thuật. Bên cạnh sự phát huy thể hiện ngôn từ theo trục kết hợp như ở hai tập thơ trước, ở tập thơ mới này, tác giả đã tăng cường kiến tạo ngôn từ theo trục lựa chọn. Có nghĩa là trong Khúc biến tấu giao mùa, tác giả đã chú ý thể hiện ngôn ngữ theo nguyên tắc lựa chọn kết tinh, linh hoạt hơn để hàm lượng ngữ nghĩa và tính triết mỹ - văn hóa hiện ra sâu sắc, chọn lọc, đa dạng hơn nhằm biểu hiện đời sống, cảm xúc và cái nhìn nghệ thuật mới, phù hợp với tầm đón đợi của độc giả hiện đại. Vì vậy mà hiện thực đời sống được phản ánh trong tập thơ này vừa cụ thể, nguyên khôi như nó vốn có, vừa kết tinh, giàu biểu trưng và sắc thái biểu cảm, xem đó như là nhu cầu thể hiện cái khác (the Otherness) của Lê Minh Thắng. Anh chú trọng tứ thơ trước tiên chứ không phải vần điệu trước tiên. Vần điệu nếu hiện ra thì nó tự hoán cải trong nội bộ câu thơ theo mạch cảm xúc và tâm trạng của tác giả. Điều này phần nào chịu ảnh hưởng kiểu hành ngôn của thơ hiện đại, hậu hiện đại mà một số nhà thơ Việt hiện nay đang theo đuổi. Tư tưởng tạo ra từ tứ thơ thông qua kiểu ngôn ngữ riêng đã làm cho chất thơ Lê Minh Thắng có tính tạo nghĩa khá đa dạng. Nhiều khi không liền mạch trong tư duy, nhưng lại có khả năng liên kết, tương sinh, tương tác nghĩa bất ngờ ở người tiếp nhận. Chính chỗ khả giải, bất khả giải này làm nên tính hiện đại về ngôn ngữ thơ Lê Minh Thắng, giúp độc giả cảm nhận thơ anh theo tâm thức, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm văn hóa và kinh nghiệm thi ca riêng của từng người.

Vỹ Dạ, 14 - 02 - 2020

H . T . H

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Thế Hà, Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (tái bản lần 2), NXB Văn học, Hà Nội, 2019.

[2] Nguyễn Bá Thành, Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam , NXB Văn học, Hà Nội, 1996.

 

CHỈ BIẾT LÚC NÀY

 

Trong đám mờ sương

đôi bờ nhấp nhô lau lách hiện lên

dòng ảo giác & rêu xanh quay quắt rãnh sống

mặt nước ngan ngác

những mối tình

ngược xuôi

Lời người xanh lên tầng mây

chiếc áo tơ duyên bạc màu đẫm ướt

hong lại đôi mùa

& hồi xuân

Những cơn mưa sinh thời

lũ chuồn gió quay quắt mặt đất

hơi nước long lanh lẫn lộn màu sương

giọt gian truân khác xa hàng mi tơ lụa

Hàng dương khép cánh bên rừng

thơ ngây quàng mây làm hơi ấm

ngơ ngác đợi hoài

những bình minh

Ngã ba sáng tối dùng dằng

trời & đất không phân nổi

ngọn đèn khô tâm mãi hoa tiêu

cánh xám hối mông lung dưới bóng

chiếc bánh thời gian cận kề

không còn cơ hội & dịch nổi

bát ngát trời mây

Anh & em nuối tiếc điều gì

đôi bờ vui còn xanh ký ức

cánh buồm xa vời chân bể

tạ từ bến xưa

cây cầu duyên trở về tâm thức

chạm vào mặt sóng

hạt nắng nhẹ nhàng qua sông thanh bạch

Chiếc lá cuối lối đương bay

sợ thu này trôi mất

đôi mắt thấu điều linh niệm

ta dang tay vẫy gió

chỉ biết lúc này đang ở bên nhau.

25/08/ 2017

 

Tác giả : Hồ Thế Hà

Bình luận

Bài viết liên quan

Thơ tình của riêng tôi
Những ý niệm về thơ qua Thế giới các vì sao của Lê Minh Thắng
Hồi chuông Thánh Đường
Nắng chiều
Nỗi nhớ mùa xa

Video clip