Lưu Trọng Xuân An

12:25 - 12/12/2010

Lưu Trọng Xuân An, quê Cao Lao Hạ, 26 tuổi, sinh ra ở Canada, hiện là trợ lý của một chính khách cấp cao trong Quốc hội Canada.

 

Buổi họp mặt dòng họ Lưu Trọng mừng GS - dược sĩ Lưu Trọng Hồ 27 năm xa quê trở về sẽ không có gì đặc biệt nếu không có mặt cô con gái út Lưu Trọng Xuân An, 26 tuổi, sinh ra ở Canada, là trợ lý của một chính khách cấp cao trong Quốc hội Canada đã bốn năm nay.

 

Dáng nhỏ nhắn là thế, vậy mà cô bé Xuân An từng là thủ lĩnh của 8.000 SV khi đang học ở ĐH Carceton (Ottawa, Canada). Có khoảng bảy SV ở vị trí này đại diện cho trên 50.000 SV của trường. Họ đều là SV năm cuối được chính SV trong trường bình bầu. Xuân An vào vị trí này khi cô mới chỉ là SV năm 2, khi cô trình bày vấn đề rồi trả lời chất vấn trước hàng ngàn SV một cách thuyết phục. An nói: “Chẳng hiểu sao mình mê chính trị từ nhỏ”. Đọc báo, xem tivi, An rất thích những chuyện nghị sự, chính trường.

 

Cô đăng ký học ngành luật chính trị một cách tự nhiên, như đó là con đường duy nhất chọn lựa. Bộ trưởng Tài chính Canada Honourrable Paul Martin lúc đó có những quyết sách hay, đem lại nhiều lợi ích cho người dân mà An rất thích. Đại diện nhóm SV của mình, cô làm những cuộc vận động ủng hộ ông trở thành thủ tướng. Vị tân thủ tướng này cực kỳ ấn tượng với cô gái trẻ châu Á và chọn cô làm trợ lý cho mình.

 

Xuân An trẻ tuổi nhất trong số những người làm việc trong Quốc hội Canada, đồng thời là một trong hai người châu Á (người kia là một người Hoa). Trẻ nhất nhưng cô gái gốc Việt này ngày nào cũng làm việc 15 - 16 tiếng đồng hồ thay vì tám tiếng, bởi quan niệm của cô là “làm hết việc chứ không phải hết giờ”.

 

Tại buổi gặp mặt, nhiều người của dòng họ Lưu Trọng tự hào kể lại câu chuyện trước đây Xuân An được cử là một trong những người tiếp đoàn khách do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu viếng thăm Canada. Nhìn thấy Xuân An, Thủ tướng Phan Văn Khải ngờ ngợ hỏi “Cháu người nước nào?”. “Dạ thưa VN”. Nghe câu trả lời ấy, Thủ tướng Phan Văn Khải tỏ rõ niềm vui, “nhưng tiếc là thời gian không đủ để trò chuyện nhiều” - An nói.

 

Đôi tay của An khéo léo cuốn món bánh tráng với cá lăng chấm nước mắm ăn ngon lành. “Ôi, mình thích món ăn VN ghê lắm, ngày nào mẹ cũng nấu cho cả nhà”- An cười.

 

Sau buổi gặp gỡ gia đình, An nói với chú mình là nhà báo Lưu Trọng Văn: “Lần này về, cháu mong được nhìn thấy ngôi nhà của ông bà nội và ba mẹ cháu ở ngày xưa”. Chúng tôi tình nguyện đưa An đi. Lần đầu tiên ngồi trên chiếc xe máy, An vừa run vừa thích thú. Cô liên tục chụp những tấm ảnh đường phố đông đúc.

 

Đêm nay là đêm đầu tiên An đi “bụi” trong suốt cuộc hành trình từ Bắc chí Nam của mình. Căn nhà của ông bà nội nằm trên con hẻm vắng đường Lê Văn Sỹ, dù rằng chỉ được đứng trước cổng vì nhà đã sang chủ mới. Đã gần nửa đêm, cô vẫn muốn nán lại chút nữa, nhìn thêm chút nữa, cứ như cô đã từng sinh sống ở đây.

 

Xuân An cho biết: những câu chuyện về quê hương, dòng họ quanh mâm cơm gia đình ở Canada đã tạo nên tính cách thuần Việt của cô. Ông nội của cô, cụ Lưu Trọng Kiến, một người từ bỏ quan trường về quê - một người yêu nước, những cái tên của các ông Lưu Kỳ Linh (Lưu Trọng Lai), Lưu Trọng Lư được ghi trong Thi nhân VN và các thế hệ sau như Lưu Trọng Hồng - cục trưởng Cục điện ảnh, đạo diễn điện ảnh Lưu Trọng Ninh; kiến trúc sư Lưu Trọng Hải; nhà báo Lưu Trọng Văn... đã đóng góp rất nhiều cho quê nhà. Nên Xuân An luôn nghĩ mình phải sống sao cho xứng đáng với quê hương, dòng họ.

 

An nói: “Mình tự hào về quê hương, dòng họ và yêu quí tình cảm của mọi người”. Nhìn An thấy rõ sức bật của một miền quê, dòng họ đang thể hiện nơi người trẻ tuổi.

 

Với An, làm trong môi trường chính khách ở nước ngoài thì hơn ai hết phải hiểu rõ nguồn cội của mình.

Tác giả : Đăng Tươi

Bình luận

Bài viết liên quan

Gương mặt doanh nhân trẻ Lưu Anh Tiến.
Ba Đồn có thầy Thông Dư
Thành công với mô hình trồng nấm
Hành trình giáo dục giới tính cho 10.000 trẻ em của nữ 9X Quảng Bình
Chuyện về một người vợ liệt sĩ

Video clip