Vị tư lệnh của những trận chiến trên không

07:37 - 26/04/2011

Đất nước sắp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc. Những chiến công vang dội gắn với tên tuổi Trung tướng Lê Văn Tri sẽ còn mãi với thời gian.

 

Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975. Để đi đến thắng lợi cuối cùng, dân tộc ta đã phải trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, mất mát và hy sinh, đồng thời cũng đã lập nên biết bao chiến công hiển hách. Đóng góp vào thắng lợi của quân và dân ta, không thể không nhắc tới những trận chiến trên không để đời đã gắn liền với một vị tướng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không Quân Lê Văn Tri, người đã trực tiếp chỉ huy chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời miền Bắc cuối năm 1972 và “Phi đội Quyết thắng” oanh kích vào sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975.

 

Trong quyển Hồi ký Mặt đất và bầu trời, NXB Quân đội nhân dân, 2006, Trung tướng Lê Văn Tri đã kể lại những ngày tham gia chỉ huy trận “ Điện Biên Phủ trên không”. Tháng 8/1967, khi đang là Cục phó Cục tác chiến, ông được cấp trên điều động về lại Quân chủng phòng không không quân, với cương vị Phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng. Tháng 10 năm 1969, ông được đề bạt làm Tư lệnh quân chủng.

 

Năm 1972, bị thất bại nặng nề trên mọi mặt trận, nhất là về mặt trận quân sự trên chiến trường miền Nam, phía Mỹ buộc phải thỏa thuận với Chính phủ ta về một bản hiệp định “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Tuy nhiên, sau đó phía Mỹ đã lật lọng không chịu ký hiệp định như đã thỏa thuận mà tăng cường viện trợ ồ ạt vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân ngụy Sài Gòn, mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Đặc biệt, sau khi đắc cử tổng thống, Nich Xơn bèn quyết định mở cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng không quân vào miền Bắc nước ta. Chiến dịch được mang tên Lainơbêchcơ II.

 

Âm mưu của địch là bất ngờ tiến hành cuộc tập kích chiến lược quy mô chưa từng có trong chiến tranh ở Việt Nam. Chúng sẽ huy động một lực lượng không quân lớn mạnh, đặc biệt là  máy bay B52 với gần 200 chiếc (chiếm 50% số lượng B52 của Mỹ), đánh vào những mục tiêu quan trọng, nhất là Hà Nội và Hải Phòng,  hòng phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam của quân dân ta. Từ đó, chúng gây sức ép mạnh mẽ buộc ta phải nối lại đàm phán ở thế yếu hơn và phải chấp nhận những điều kiện của Mỹ.

 

Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho tất cả các lực lượng vũ trang thường trực sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là lực lượng phòng không, không quân. Với cương vị là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Tướng Lê Văn Tri cùng với cộng sự của mình đã quán triệt chỉ thị của Quân ủy Trung ương bằng những hành động cụ thể. Ngày 31/10/1972, Bộ tư lệnh quân chủng tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu và thông qua tài liệu “Cách đánh B52 của tên lửa”

 

Ngày 24/11/1972, bản kế hoạch tác chiến đánh B52 của Quân chủng Phòng không- Không quân được Bộ tổng tham mưu thông qua và giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân: “nhiệm vụ trọng tâm là tập trung mọi khả năng nhằm đối tượng chính là B52 mà tiêu diệt”

 

Trước nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang này, Tư lệnh Lê Văn Tri đã có những kế hoạch, sách lược đánh B52, trong đó mang tính chất một chiến dịch phòng không tổng hợp của chiến tranh nhân dân đất đối không. Đặt quyết tâm thực hiện cho kỳ được yêu cầu của Bộ Chính Trị và Quân ủy là phải đánh bại cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ, tiêu diệt, bắn rơi nhiều B52 và bắt sống nhiều giặc lái.

 

16 giờ ngày 18 tháng 12, Quân chủng Phòng không - Không quân nhận được lệnh từ Bộ Tổng tham mưu là máy bay B52 của Mỹ xuất kích từ sân bay Enđecxơn (đảo Guam) chuẩn bị tập kích vào miền bắc nước ta. Đó cũng là thời khắc bắt đầu một cuộc chiến đấu vẻ vang của quân và dân ta suốt 12 ngày đêm, Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”

 

Bắt đầu từ 19 giờ ngày 18 tháng 12, Mỹ huy động nhiều  tốp B52 và  máy bay chiến thuật ném bom xuống một loạt mục tiêu trọng yếu ở Hà Nội, Hải Phòng. Ngay trận đầu ra quân, Trung đoàn tên lửa phòng không 261 đóng tại Cổ Loa đã bắn rơi 1 máy bay B52, chiếc B52 mang số hiệu 5212001 rơi  tại Đông Anh. Đây là chiếc B52 đầu tiên bị phòng không ta bắn rơi tại chỗ. Lúc đó là 20 giờ 13 phút ngày 18/12/1972. Tin vui chiến thắng trận đầu được loan báo khắp nơi làm cho khí thế chiến đấu của quân dân ta càng hăng hái.

 

Trong đợt không kích 12 ngày đêm trên bầu trời miền Bắc, Mỹ đã huy động hàng trăm máy bay, trong đó có rất nhiều máy bay chiến lược B52 ném bom tàn phá hầu hết các điểm trọng yếu của ta như sân bay, cầu cống, bến cảng, phá hủy bệnh viện, trường học… giết hại hàng trăm dân thường vô tội. Nhưng cuối cùng chúng cũng phải chịu thất bại. Quân dân ta đã giành được thắng lợi to lớn, bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111, 21 máy bay F4  và 21 máy bay chiến thuật khác

 

Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Nghệ thuật tác chiến phòng không hiệp đồng chiến đấu, quân binh chủng của bộ đội ta đã chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân mà nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân.

 

Trong thời gian làm Tư lệnh Quân chủng phòng không không quân, Trung tướng Lê văn Tri còn trực tiếp chỉ huy một trận chiến trên không lớn khác, đó là chỉ huy “Phi đội quyết thắng” ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trong trận tập kích này, ngoài các phi công của ta như Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Mai Xuân Vượng thì còn có cả phi công của ngụy mà ta đã bắt được trước đó. Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân chủng Phòng không - Không quân tham gia chiến dịch với phương án sử dụng máy bay mới thu được của địch để đánh địch.

 

Cái khó của phương án táo bạo này là phần lớn máy bay ta thu được của địch là máy bay A-37 còn khá xa lạ với phi công của ta. Vì vậy, Tư lệnh Lê Văn Tri đã quyết định cho hai phi công và một số thợ máy của không quân ngụy mà trước đó mình bắt được ra trình diện, hướng dẫn các phi công ta về kỹ thuật và cách sử dụng máy bay A-37. Chỉ sau 2 ngày được hướng dẫn, các phi công của ta lần lượt tập bay thử thành công.

 

Ngày 25 tháng 4 năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh điện cho Bộ Quốc phòng đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Cho không quân ta dùng máy bay vừa lấy được của địch ném bom vào sào huyệt quân ngụy ở Sài Gòn ngày 28 tháng 4, chỉ đánh ngày này, chậm nữa không được”. Lê Văn Tri được Quân chủng giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, chỉ huy trận đánh. Bộ tư lệnh Quân chủng quyết định thành lập “Phi đội quyết thắng”. 14 giờ 30 phút ngày 28 tháng 4, “Phi đội quyết thắng” được triệu tập để nhận mệnh lệnh chiến đấu. Mục tiêu oanh tạc là khu vực để máy bay chiến đấu, đường băng, khu để bom đạn của không quân ngụy trên sân bay Tân Sơn Nhất. Trong suốt thời gian “Phi đội quyết thắng” cất cánh cho đến lúc ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất rồi quay về, Tư lệnh Lê Văn Tri luôn đứng trên chòi cao tại Sở chỉ huy theo dõi trận đánh.

 

15 giờ ngày 28/4, năm 1975 Phi đội quyết thắng cất cánh, 5 chiếc A37- thu được của địch lần lượt trút bom xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy và làm cháy trên 50 chiếc máy bay địch. Tất cả máy bay và phi công ta đều quay về hạ cánh an toàn. Từ trên đài chỉ huy, Tư lệnh Lê Văn Tri cùng các đồng chí chỉ huy lao xuống tận đường băng ôm hôn từng phi công với niềm vui sướng xúc động vô bờ bến.

 

“Điện Biên Phủ trên không” và “Phi đội quyết thắng” là những trận đánh lớn  đã đi vào lịch sử của quân và dân ta. Nhưng vẫn chưa nhiều người biết rằng, vị Tư lệnh trực tiếp chỉ huy những trận chiến trên không ấy là một người con của làng Cao Lao Hạ, vùng đất địa linh nhân kiệt của chúng ta.

 

Lưu Văn Lộc

 

Lời tác giả bài viết: Sau khi trang web caolaoha.com hình thành, tôi đã viết một số bài gửi BBT trong số đó có nhiều bài được BBT sử dụng. Cùng với đó là nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Bên cạnh những lời động viên khích lệ thì cũng có những ý kiến chưa đồng tình ở một vài khía cạnh nào đó,  đó cũng là điều bình thường khó tránh khỏi. Tuy nhiên, là một người con của Cao Lao Hạ, với suy nghĩ, mình đóng góp được gì cho quê hương, dù nhiều hay ít cũng đều tốt cả. Tôi đã và đang dành chút thời gian và hiểu biết của mình tìm hiểu về mảnh đất và con người Cao Lao Hạ để giới thiệu với bạn bè. Chúng ta ca ngợi Cao Lao Hạ, vùng đất đại linh nhân kiệt không phải bằng những câu nói chung chung mà phải có tên đất tên người cụ thể. Phải giới thiệu những địa danh đã đi vào lịch sử, những công trình kiến trúc, các giá trị văn hoá cả vật thể và phi vật thể, những con người nổi tiếng gắn với lịch sử dân tộc. Địa linh sinh nhân kiệt và ngược lại, những con người kiệt xuất lại góp phần làm rạng danh thêm cho mảnh đất quê hương. Sưu tầm, tìm hiểu lưu giữ và phổ biến những công trình khoa học, các công trình nghiên cứu, các tác phẩm nghệ thuật, các giá trị văn hoá, những chiến công của các bậc tiền bối hẳn cũng là một công việc mà thế hệ hậu sinh đáng làm, nếu không muốn để các công trình, tác phẩm hay chiến công hiển hách của cha ông mai một rồi rơi vào quên lãng. (Tư liệu về đình làng cũ là một ví dụ, hay một số nhân vật khoa bảng của làng có rất ít thông tin).

 

Những hiểu biết của cá nhân về một bậc hiền nhân, một vị tướng lĩnh là không nhiều. Tuy vậy, với phương châm, biết bao nhiêu viết bấy nhiêu nên tôi vẫn mạnh dạn viết về một số nhân vật đã từng gắn với những giai đoạn lịch sử chói sáng của dân tộc theo góc độ cảm xúc của mình.

.  

Bố mẹ tôi được anh Lê Quang Minh, con trai Trung tướng tặng cuốn hồi ký “Mặt đất và bầu trời”, kể lại đời hoạt động cách mạng của ông,  tôi may mắn được tiếp cận cuốn sách và đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Từ đó tôi chọn dần một số sự kiện trong cuốn sách này để viết về ông (một bài viết vài trang giấy không thể truyền tải hết cuộc đời và sự nghiệp của một bậc vĩ nhân). Những chiến công gắn liền với tên tuổi của ông không chỉ là niềm tự hào của người Cao Lao mà phải được cả Quảng Bình và cả nước biết đến.  Theo tôi, vị Tư lệnh trực tiếp chỉ huy 2 trận đánh quyết định, những cú đấm thép mang tầm chiến lược của quân đội ta, góp phần “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” thì đó thực sự là một vị tướng lớn trong các tướng lĩnh. Hy vọng thế hệ chúng ta, con cháu chúng ta khi kể về “Điện Biên phủ trên không” đánh tan pháo đài bay B52 của Mỹ, Phi đội Quyết thắng lấy máy bay địch ném bom vào sào huyệt nguỵ là lại nhắc đến tên ông như chúng ta nhắc đến đường 559 (đường mòn Hồ Chí Minh) là lại nhắc đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vậy.

 

Bây giờ ông đã là người thiên cổ. Đất nước lại thêm một mùa xuân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc. Những chiến công vang dội gắn với tên tuổi ông sẽ còn mãi với thời gian. Nếu các thông tin về vị Tư lệnh Lê Văn Tri còn chỗ nào chưa chính xác, mong bạn đọc chia sẻ và thông cảm, đặc biệt là với gia đình anh Lê Quang Minh và con cháu của Trung Tướng.

 

Bình luận

Bài viết liên quan

Trung tướng Lê Văn Tri
Huyền thoại Thiếu tướng Lưu Bá Xảo
Gặp lại ân nhân
Ba ngày cho một trận đánh lịch sử
Liệt sỹ Lê Hải Đức

Video clip