Lưu Dương

11:53 - 13/11/2011

Vị tướng quân giới B2 người Cao Lao Hạ

 

Lời Ban biên tập: Đã gần một năm nay, caolaoha.com rất mong muốn có được một bản giới thiệu đầy đủ về thiếu tướng quân đội Lưu Dương, một người con ưu tú của quê hương Cao Lao Hạ nhưng vẫn chưa làm được. Ban biên tập đã trực tiếp gọi điện và nói chuyện với thiếu tướng nhưng do ông tuổi đã cao nên không còn nhớ gì nhiều về bản thân mình; còn những người thân của ông cũng không có đủ các tư liệu để viết về ông. Mong bà con ta ai có các tư liệu về ông cung cấp sớm cho Ban biên tập. Trong thời gian chờ đợi bản giới thiệu Ông một cách chính thống, caolaoha.com xin đăng lại một bài viết về ông. Bài viết đã được đã đăng trên nhiều tờ báo trong nước.

 

 

Vị tướng quân giới B2

 

Ông là Lưu Dương (Ba Lưu Dương) quê gốc ở xã Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), nguyên là thiếu tướng chỉ huy trong ngành quân giới B2 tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. 

 

CHẾ HÀNG NGÀN TẤN VŨ KHÍ

 

Theo chân một người cùng đơn vị quân giới năm xưa thân cận nhất với ông, đến thăm ông Ba Lưu Dương tại căn nhà số 361, đường Nguyễn Thái Bình, phường 12, Q.Tân Bình (TP. HCM). Gặp lại người đồng đội, sau cái bắt tay thật chặt ông Dương mừng rỡ mời vào nhà. Ngồi ngả người ra ghế nhìn những bức hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp treo trên tường, ông Dương đùa vui: Với bộ dạng này không biết anh em chúng tôi có ráng sống thọ được như Tướng Giáp không nhỉ? Tôi nhìn ông, mặc dù đến nay đã ở tuổi bát tuần, mái tóc chỉ còn lơ phơ vài sợi trắng nhưng tinh thần ông rất minh mẫn, giọng nói vẫn còn rắn rỏi, dứt khoát đầy chất nhà binh.

 

Ngay từ thời nhỏ, do cha mẹ bỏ nhau mỗi người ở một nơi, cậu bé Dương phải sống cùng với bà nội và thời điểm này cũng đã từng tham gia nhiều cuộc biểu tình ở quê. Khi lên 18 tuổi, bà nội mất cũng là lúc chàng thanh niên Ba Lưu Dương được tuyển vào bộ đội tham gia trong đoàn quân Nam tiến và chỉ huy tiểu đoàn 306. Năm 1946, ông tiếp tục vào Khu 5 thuộc đơn vị tác chiến và được cử đi học Lục Quân ở Quảng Ngãi (khóa đầu tiên). Tuy nhiên, mới tham gia khóa học được khoảng 6 tháng thì lại có lệnh cấp trên điều động cả khóa học Lục Quân phải hành quân vào Nam để nhận nhiệm vụ mới, do ông Trần Văn Quang làm trưởng đoàn Phương Đông 1.

  

Theo lời ông Dương kể, thời đó cả đoàn Nam tiến phải đi bộ xuyên rừng, vượt núi bất kể ngày đêm, cứ nơi nào có địch là theo lệnh điều đến để làm nhiệm vụ chuẩn bị vũ khí súng đạn sẵn sàng cho các đơn vị chiến đấu. Năm 1961, ông Ba Lưu Dương tiếp tục đi B vào chiến trường miền Đông, được giao làm Trưởng ban quân giới đầu tiên, trực thuộc Cục tham mưu. Khi Phòng quân giới được thành lập, thuộc Cục Hậu cần Miền, ông Dương lên làm Trưởng phòng quân giới, đơn vị chịu trách nhiệm lo trang bị vũ khí cho toàn chiến trường miền Nam. Lúc này nhiệm vụ trọng trách đổ dồn lên vai ông với hàng núi công việc. Vừa đảm bảo sản xuất vũ khí tự tạo, còn phải quản lý các xưởng, công trường ấp xã, huyện, tỉnh, khu… từ Cà Mau đến cực Nam Trung bộ.

 

Đồng thời, ông còn trực tiếp chỉ huy tiếp nhận, xây dựng kho, vận chuyển cấp phát, bảo quản vũ khí đạn dược do Trung ương chi viện vào chiền trường miền Nam qua đường Trường Sơn và bằng đường biển (trên các chuyến tàu không số). Lúc này phong trào sản xuất vũ khí tự tạo càng phát triển mạnh trên toàn địa bàn chiến trường B2, gồm 5 quân khu, 26 tỉnh, 140 huyện và 1.400 xã… Mỗi năm sản xuất ra hàng ngàn tấn vũ khí tự tạo để cung cấp tại chỗ cho bộ đội địa phương và dân quân du kích chiến đấu. Ông Dương cho biết, có rất nhiều loại vũ khí tự tạo đặc biệt do đơn vị ông “chế” thành công khiến quân địch phải khiếp vía vì chúng không thể tưởng tượng được đó lại là loại vũ khí như dùng vỏ lon sữa bò dồn thuốc nổ vào làm mìn; chế các loại súng ngựa trời bằng những ống típ sắt, tận dụng từ các ống khung xe đạp, ống nước; hay các loại chông, cung, nỏ…

 

CHƯA MỘT NGÀY TRỌN NIỀM VUI

 

Nhớ lại những ngày tháng chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, gương mặt vị tướng quân giới năm xưa bỗng bừng lên đầy niềm tự hào. Ông Dương cho biết, đơn vị ông lúc đó có nhiệm vụ đặc biệt, ngoài việc bí mật sản xuất vũ khí trang bị cho chiến trường, còn phải xác định được các mặt trận trọng tâm, trọng điểm để tổ chức điều chỉnh cả lực lượng và vũ khí thế nào cho hiệu quả nhất. Với tài chỉ huy “gia giảm” binh khí hợp lý của ông đã góp phần thành công vang dội trong nhiều trận đánh của quân ta vào vùng “tâm địch”!

  

Sài Gòn giải phóng, ông Ba Lưu Dương được phong hàm thiếu tướng đồng thời được điều làm đại diện Tổng cục Kỹ thuật VN tại Campuchia. Mặc dù đã qua mấy chục năm từ giã nghiệp binh nhưng cứ mỗi lần nhắc đến những kỷ niệm cũ, hình ảnh ký ức năm xưa lại như đang ào về trước mắt ông…Thời đó, ông Ba Buôi, người đồng đội thân cận nhất của ông được giao nhiệm vụ làm trợ lý cho ông tại chiến trường miền Đông. Nay hai người lính già ngồi ngậm ngùi lật lại từng trang sử ngành quân giới, có ghi tên, hình ảnh của từng người với những chiến công thầm lặng trong thời đạn bom.

 

Nghe tôi hỏi thăm chuyện gia đình, ông Dương mắt buồn nhìn về phía “thằng bé” con trai ông là Lưu Quang Đạo (theo cách gọi trìu mến của ông), dù nay anh đã ở độ tuổi ngoài tứ tuần, nhưng bị bệnh bẩm sinh do hậu quả cuộc chiến tranh để lại. Theo lời ông Dương kể, ngày ông lập gia đình khi vào tiếp cận chiến trường miền Đông, vợ ông - bà Nguyễn Thị Xuân Ba, người quê gốc ở Cù Lao Long Khánh (Châu Đốc, An Giang) cũng tham gia công tác dưới cơ sở. Vừa cưới được một thời gian ngắn, ông Dương lại nhận lệnh phải ra Bắc và điều sang Trung Quốc tham gia khóa đào tạo ở học viện kỹ thuật quân giới cao cấp để làm Chủ nhiệm quân giới Sư đoàn 308. Trước những trọng trách do cấp trên giao, ông Dương đành ngậm ngùi phải xa người vợ trẻ để hoàn thành nhiệm vụ.

 

Cũng từ đó, vợ chồng ông bặt tin nhau vì điều kiện liên lạc lúc bấy giờ cực kỳ khó khăn. Sau nhiều năm biền biệt không tin tức của vợ cùng gia đình, ông được quay lại chiến trường miền Đông. Ông Dương tâm sự: “Được nhận lệnh chuyển về công tác gần gia đình thiệt mừng, nhưng đúng là “gần nhà, xa…nhiệm vụ” khiến vợ chồng tôi cũng chẳng mấy khi có điều kiện gặp nhau. Thậm chí, lúc vợ ở nhà sinh “thằng bé” Đạo được hai tuổi nhưng tôi cũng chỉ được nghe tin báo thôi đấy”.

 

Vậy nhưng, cả cuộc đời theo nghiệp binh và đến tận bây giờ với ông vẫn chưa được một ngày trọn niềm vui. Ngày gặp mặt con đầu tiên cũng chính là lúc ông biết được “thằng bé” Đạo, niềm an ủi duy nhất nhất của vợ chồng ông do ảnh hưởng hậu quả cuộc chiến tranh nên từ bẩm sinh đã không có khả năng tự kiểm soát mình!

 

Lúc này tôi chợt hiểu câu nói nửa đùa vui của ông lúc mới gặp “chỉ mong ráng được sống thọ như Tướng Giáp” để được bên con nhiều hơn và chăm sóc cho “thằng bé” Đạo.

 

      

  

Tác giả : Ban biên tập

Bình luận

Bài viết liên quan

Trung tướng Lê Văn Tri
Huyền thoại Thiếu tướng Lưu Bá Xảo
Gặp lại ân nhân
Ba ngày cho một trận đánh lịch sử
Liệt sỹ Lê Hải Đức

Video clip