Ý nghĩa của văn hóa làng và dòng họ

19:02 - 15/07/2022

Bài viết của anh Nguyễn Xuân Văn

 

Ý nghĩa của văn hóa làng và dòng họ

Ảnh: Đoàn Hội Đồng Gia Tộc họ Nguyễn Văn Đại Tộc chụp ảnh lưu niệm tại nhà thờ họ trước khi đi Nghi Lộc, Nghệ An dự Lễ đón Bằng công nhận Di tích lịch sử quốc gia cấp đặc biệt.

Làng xã là cội nguồn của những người có cùng quê hương, dòng họ là nguồn gốc trực tiếp của những người có cùng một dòng máu do một tổ mà ra. Mỗi làng quê, mỗi họ tộc đều tạo nên, lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những nét đẹp về giá trị văn hóa của làng của dòng họ mình. Văn hóa làng xã, văn hóa dòng họ là một điều rất thiêng liêng và sâu thẳm trong tâm khảm của các thế hệ.

Dân tộc ta có truyền thống giữ gìn mồ mả tổ tiên mà câu ngạn ngữ “sống ngôi nhà, chết ngôi mả” phản ánh tâm lý đó. Đình làng, nhà thờ họ, nghi lễ thờ cúng là nơi quy tụ văn hóa của một cộng đồng làng xã, của dòng họ. Cùng với nhà thờ họ thì phần mộ Tổ tiên, nghĩa trang cũng là một biểu hiện văn hóa của họ tộc đó.

Có một thời gian những không gian văn hóa như đình làng, nhà thờ, mồ mả tổ tông ... chưa được qua tâm đúng mức vì nhiều lý khác nhau. Những năm gần đây chính quyền địa phương, con cháu của các dòng họ đều rất quan tâm đến các công trình văn hóa tâm linh, nơi thờ tự và các thế hệ đã khuất như Đình làng, Thành Hoàng làng, chùa làng, nhà thờ họ, nghĩa trang mồ mả của của các thế hệ trước. Từ đó, Đình làng, các nghi lễ thờ cúng, các nhà thờ họ, lăng mộ tổ tông được nghiên cứu tìm hiểu, xây dựng lại hoặc tôn tạo nghiêm trang, sạch đẹp. Chứng tỏ rằng nét đẹp văn hóa cộng đồng làng xã, văn hóa dòng họ mãi được lưu giữ, kết nối, truyền bá từ đời này qua đời khác và trở thành truyền thống tốt đẹp của một vùng quê “Địa linh nhân kiệt” như làng Cao Lao Hạ.

Cốt lõi của văn hóa làng xã, của dòng họ là làm sao duy trì và tạo lập cho các thế hệ hôm nay có cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc, ổn định về công việc làm và thu nhập ngày càng tăng, trên cơ sở đó mọi người có đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh, văn hóa ứng xử tốt đẹp hài hòa giữa xưa - nay, truyền thồng - hiện đại. Vai trò của cộng đồng làng xã, của dòng họ rất quan trọng, phải biết lấy gương sáng của các thế hệ cha ông đi trước, của tổ tiên dòng tộc mình để giáo dưỡng cho con cháu học tập, lao động tạo ra nhiều của cải vật chất cho chính bản thân mình, cho gia đình mình sau đó là cho xã hội góp phần nhỏ vào việc duy trì, tôn tạo xây dựng các giá trị văn hóa tâm linh (giá trị vật chất và phi vật chất). Mỗi cá nhân, mỗi gia đình biết yêu thương đùm bộc lẫn nhau, biết giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi để xây dựng một gia đình hạnh phúc, sắc thái của một dòng họ và văn hóa của một làng xã. Bên cạnh những quy định về đường lối chính sách, pháp luật của nhà nước, mỗi làng xã, họ tộc còn có những quy ước, phong tục tốt đẹp cần được gìn giữ, bổ sung và phát triển để mãi là một di sản, một tộc phong cần thiết cho quê hương và dòng họ mình.

Tự hào về làng xóm quê hương mình, về dòng họ mình là tiếp thêm sức mạnh tinh thần mà các Thành hoàng, tổ tông dòng họ truyền lại cao cả hơn những lời nguyền. Đó là nét đẹp và sức mạnh cuốn hút của văn hóa truyền thống được truyền lại từ ngàn xưa với những điều thiêng liêng nhất mỗi khi chúng ta tìm về nguồn cội. “Cây có cội nước có nguồn”, cội nguồn bền vững sạch đẹp thì lá cành mới tươi xinh cho nhiều hoa thơm trái ngọt.

 

Tác giả : Nguyễn Xuân Văn

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip