Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch

Bài viết của anh Nguyễn Chung Quý đăng trên facebook cá nhân với rất nhiều ý kiến trao đổi, bàn luận

 

BÀN VỀ TÊN XÃ KHI SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

 

Thực hiện Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV và Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, theo kế hoạch, quý 3/2024 một số địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch sẽ sáp nhập, trọng đó có xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch. Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính nhằm hướng tới những mục tiêu lâu dài, đồng thời để phù hợp với trình độ quản lý thời hiện đại.

Trước khi sáp nhập và mang tên mới, cùng tìm hiểu về lịch sử hình thành và tên gọi của vùng đất Cao Lao (Hạ Trạch, Mỹ Trạch) từ khi khai sinh lập địa đến nay.

Theo lịch sử Quảng Bình và một số tư liệu, vùng đất Cao Lao đã có cư dân sinh sống từ thời nhà nước Lâm Ấp (tồn tại từ khoảng năm 192 đến khoảng năm 605), đến thời kỳ nhà Lê, làng Cao Lao chính thức được hình thành. Cụ thể, năm 1467 vua Lê Thánh Tông xuống chiếu chiêu mộ dân các châu, phủ phía Bắc vào khẩn hoang, lập ấp ở châu Bố Chính (Quảng Bình ngày nay). Hưởng ứng chiếu chiêu mộ của nhà vua, quân dân các châu, lộ phía bắc lần lượt vào châu Bố Chính lập ấp, khai khẩn đất đai, mở mang sản xuất, phát triển đời sống dân sinh. Làng Cao Lao, gồm Cao Lao Thượng (Kẻ Thạng), Cao Lao Trung (Kẻ Chuông), Cao Lao Hạ (Kẻ Hạ) chính thức được thành lập từ đó. Tên làng “Cao Lao” mang ý nghĩa sâu sắc, khắc ghi trong tâm nguyện người Cao Lao từ bao đời nay: “Tên làng sáng chói ngàn đời trong tim óc của người Cao Lao”. Cao Lao theo Hán ngữ: Cao nghĩa là cao, cao không giới hạn, Lao là bền, bền bĩ, vững chãi. (Lịch sử xã Hạ Trạch (1470 – 2015), trang 38).

Năm 1831 – 1832, vua Minh Mạng tiến hành một cuộc cải cách hành chính sắp sếp lại hệ thống chính quyền địa phương. Dinh Quảng Bình đổi thành tỉnh Quảng Bình, châu Bố Chính nam đổi tên thành huyện Bố Trạch, gồm 5 tổng, trong đó có tổng Cao Lao gồm 17 xã, thôn, trang. Cao Lao Thượng, Cao Lao Trung và Cao Lao Hạ thuộc tổng Cao Lao.

Ca ngợi mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, trong Cao Lao Hương sử (lịch sử làng Cao Lao) cụ Lưu Trọng Tuần có 2 câu thơ:

“Cao Lao tiền thế đặt tên

Cao trông vời vợi, lao bền không xiêu”

Sau cách mạng Tháng 8 nhiều đơn vị hành chính được sắp xếp lại. Tháng 6 năm 1947 các thôn, xã phía bắc huyện Bố Trạch được sáp nhập thành xã Bắc Trạch. Tháng 6/1955, sau 8 năm sáp nhập Bắc Trạch chia tách thành 4 xã, đó là Thanh Trạch, Bắc Trạch, Hạ Trạch và Mỹ Trạch.

Trải qua gần 600 năm hành thành, phát triển, qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử, Hạ Trạch và Mỹ Trạch luôn song hành, gần gũi, sát cánh bên nhau từ buổi sơ khai lập làng năm 1467 đến năm 1947 cùng chung dưới một mái nhà với tên gọi Cao Lao. Thực hiện Nghị quyết 35/2023/ UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV và Đề án của Chính phủ, như vậy, sau gần 70 năm chia tách, Hạ Trạch và Mỹ Trạch, anh em lại được về chung một nhà.

Sau khi tái hợp Cao Lao (Mỹ Trạch với Hạ Trạch), điều băn khoăn của nhiều người, tên mới sẽ là gì? Theo thông tin được biết thì một số bà con xã Hạ Trạch muốn tên mới xã sau sáp nhập sẽ là Hạ Mỹ. Nếu tên Hạ Mỹ không được chọn thì ưu tiên tiếp theo là lấy tên Cao Lao, còn một số anh em Mỹ Trạch lại muốn đặt tên xã mới là Bình Minh.

Theo ngữ pháp: hạ (trong Hạ Trạch) và mỹ (trong Mỹ Trạch) đều là những tính từ. Nếu lấy tên Hạ Mỹ, vậy hai tính từ ghép lại thành 1 danh từ? Một số ý kiến cho rằng Hải Trạch và Phú Trạch sau sáp nhập lấy tên Hải Phú. Họ ghép được thì Hạ Mỹ chắc cũng ghép được? Trường hợp này có sự khác biệt, bởi vì chữ Hải (trong Hải Trạch) là danh từ, và phú (trong Phú Trạch) là tính từ. Danh từ kết hợp với tính từ là chuẩn ngữ pháp và tạo thành tên mới đẹp, còn Hạ Mỹ, như phân tích ở trên, có thể kết hợp được chăng?

Còn theo một số bà con Mỹ Trạch muốn đặt tên Bình Minh cho xã sau sáp nhập? Nếu chọn tên này thấy cũng không ổn, bởi vì Bình Minh thì cũng mới ngang tầm với Trường Lưu hoặc Thống Nhất, hai HTX trước đây của xã Hạ Trạch mà thôi!

Hy vọng với cái tâm và cái tấm của mình, lãnh đạo huyện và 2 địa phương sẽ chọn được một cái tên mới chuẩn, đẹp, đúng với truyền thống văn hóa, phong thủy của miền quê Cao Lao “địa linh nhân kiệt”.

 

Tác giả: Nguyễn Chung Quý

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 2410

    Trong tuần: 9988

    Trong tháng: 60990

    Tổng số: 11701367

    Đang online: 197