Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Bọ tui kể chuyện đời sơ

Bài viết của anh Lưu Minh Hải, tham gia phong trào sáng tác "Chuyện làng Cao Lao Hạ" do caolaoha.com phát động  

Tác giả Lưu Minh Hải

 

Lời Ban biên tập: Anh Lưu Minh Hải là con trai bác Lưu Đức Hậu, nhà ở làng Rẫy, gần dốc Oằn và Trường tiểu học Hạ Trạch (cơ sở 2). Anh tốt nghiệp khoa văn, trường Đại học sư phạm Huế, hiện đang sinh sống là làm việc tại ở Gifu, Nhật Bản

Trước khi sang Nhật làm việc, anh từng là giáo viên Trường Trung học Phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Trường Trung học Phổ thông chuyên Bình Long, tỉnh Bình Phước. Yêu thương học sinh, muốn được gắn bó mãi với nghề dạy học nhưng vì những lý do riêng mà anh phải từ bỏ để chuyển sang làm việc trong lĩnh vực khác là một quyết định rất dũng cảm của anh, nhưng qua những lần nhắn tin qua lại với anh, Ban biên tập tin chắc rằng, một ngày nào đó anh lại sẽ trở về với nghề dạy học, dạy người mà anh vô cùng yêu thích.

Anh là Hội viên hội Haiku Việt Hà Nội và là đại biểu Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Đã xuất bản tập thơ “Ký họa đời tôi” tại nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2022 và có 8 bài thơ đăng trong tập Mạch Rồng (một trong hai Tuyển tập tác phẩm của đại biểu viết văn trẻ toàn quốc lần 10) và nhiều giải thưởng thơ văn của một số báo, tạp chí trong nước.

Gần đây, với 2 bài thơ “Miền nắng gió đắm say huyền bí” và “Đêm và những vì sao lạc” của anh được trao Giải ba Cuộc thi Thơ 1-2-3 năm 2024 -25 do diễn đàn Nhịp Sống Văn Học và báo Văn Học Sài Gòn tổ chức.

Là một người trẻ đắm đuối với con chữ, đắm đuối với thi ca, Lưu Minh Hải luôn có ý thức đổi mới sáng tạo, hướng tới những giá trị của vẻ đẹp sâu thẳm tâm hồn và cảnh tỉnh đời sống bộn bề nhiễu nhương hiện nay.

Hưởng ứng chuyên mục sáng tác “Chuyện làng Cao Lao Hạ” do trang tin caolaoha.com phát động, anh bảo là anh sẽ gửi tới Ban biên tập một chùm các bài viết và quê hương. Xin gửi tới bạn đọc bài đầu tiên “Bọ tui kể chuyện đời sơ” của anh

T/M Ban biên tập

TS. Lưu Đức Hải

Kính mời bà con hưởng ứng phong trào sáng tác "Chuyện làng Cao Lao Hạ" theo các thông tin tại đường dẫn sau: https://caolaoha.com/phat-dong-phong-trao-sang-tac-chuyen-lang-cao-lao-ha

 

BỌ TUI KỂ CHUYỆN ĐỜI SƠ

Enter

Bọ tui là con một, độc đinh, không có anh chị em chi. Thật ra thì cũng có một O với một chú nhưng mất từ lúc còn rất nhỏ. Ôông nội tui cũng mất sớm nên bọ và mệ nội mạ con nương tựa nuôi nhau. Nhà mệ nội tui hồi xưa ở xóm 9, chỗ sân vận động của trường Lưu Trọng Lư, bên cạnh ủy ban xã bây chừ. Tui được sinh ra mãi tận sau này, khi mệ nội đã về thiên cổ và nhà đã được chuyển vô ở trong Rẫy, gọi là làng Rẫy. Mọi chuyện về gia đình, làng quê, đất nước, thế thời,…từ xa xưa tui đều được biết; để rồi hằn sâu, lưu giữ lại qua những cảm nhận và kí ức trong tâm hồn. Tất cả đều nhờ thông qua từ những câu chuyện đời sơ mà bọ kể. Có những chuyện về thời của mình mà bọ được biết, cũng có những chuyện từ thế hệ trước mà bọ được nghe từ các ôông mệ kể lại. Tui yêu quê hương và gia đình, tui nhạy cảm với đời có lẽ có phần thẳm sâu được hun đúc từ nền tảng chuyện đời sơ bọ kể.

Tác giả Lưu Minh Hải và bọ, bác Lưu Đức Hậu

 

Qua những câu chuyện đời sơ của bọ, tui được biết về bối cảnh xã hội và quê hương thời chiến tranh, thời bao cấp, thời hợp tác xã làm ăn theo công điểm, tem phiếu,… Những chuyện như thế ấy mãi sau này lớn lên tui mới được hiểu rõ hơn qua việc tìm hiểu từ sách vở và nhiều nguồn thông tin khác nhau; nhưng từ lúc còn nhỏ tui đã được biết và hình dung được phần nào qua những câu chuyện đời sơ bọ kể. Trong những chuyện đời sơ ấy có cả những câu chuyện mang màu tâm linh của cái thời thế mà dương gian cũng như cõi âm đều cơ cực, đói khổ. Bọ kể, ngày xưa ở phía sau làng còn nhiều bụi bờ rậm rạp; ở đó có rất nhiều cây dưới (duối). Bọ nghe các mệ kể lại, có những đêm các mệ đi mò cá mò dèm sau rào về khuya vẫn nghe như có tiếng ru con từ trong bụi bờ vọng ra; rồi cả có tiếng xin tôm xin dèm nữa. Các mệ bốc vài con dèm, vài con tôm trong oi mình và vứt vô chỗ bụi dưới; hôm sau đi qua chỗ ấy chỉ còn thấy những vỏ tôm với mai dèm… Ngày xưa, khi xã hội còn nghèo khổ, con người ta còn trong vòng lũy tre làng, chưa tiệm cận đến sự hiện đại thì gần như tất cả mọi người đều tin vào những chuyện tâm linh kiểu ma quỷ lắm.

Qua chuyện đời sơ bọ kể, tui có thể mường tượng được và có những ấn tượng trong tâm hồn về hình ảnh ôông mệ nội của mình. Ôông tui làm nghề thợ may, từng được vào may đồ cho quan huyện. Ngày xưa thì may bằng tay với dùng vải thô sợi to. Nghe bọ nói là ôông may khéo lắm. Mệ tui cũng là người đặc biệt. Mệ sống rất tươm tất, rất thương con cháu; được lòng bà con cũng như chòm xóm. Nghe bọ kể thì mệ nội tui có một điều đặc biệt, đó là không ăn được thịt bò, dị ứng với nó; một kiểu dị ứng đến lạ lùng. Ngày xưa nghèo đói làm chi có thịt, đặc biệt lại là thịt bò mà ăn; hi hữu lắm ai đó giàu có và vào dịp gì đó quan trọng mới có một ít. Có lần có nhà bà con cho ít thịt bò đã được nấu chín, mệ không ăn được nhưng thương con nên đem về cho bọ ăn. Sau khi bọ tui ăn xong thì mệ quăng cái đọi vừa dùng để đựng thịt bò đó ra ngoài bụi chỗ bờ nạp rào luôn chứ không dùng đến nó nữa. Một kiểu dị ứng tuyệt đối đến lạ lùng của một người nghèo khổ với một món ăn giàu sang, quý hiếm. Mệ thương con, và bọ thì sống tuyệt đối hiếu đạo với mạ nên dù cảnh mạ con đơn chiếc mà người làng người xóm ai cũng khen.

Về bà con, mệ nội và bọ sống gần gũi và tình cảm nhất với gia đình người cậu của bọ, em ruột của mệ nội, tui gọi là ôông mệ Nhuận. Tên Nhuận là tên của chú tui, ngày xưa người ta vẫn dùng tên của người con cả để gọi tên cha mẹ; một kiểu quan niệm né tránh xách mé ấy. Mệ nội và mệ Nhuận là mụ O và em du nhưng hợp nhau và sống rất hòa thuận. Bọ kể, mệ Nhuận mự của bọ là người có tài bắt mò dèm và tôm cá ở sau rào nên khi mô đi bắt cũng được nhiều. Dèm và cá mệ mò về thường vẫn có phần cho hai mạ con mệ nội và bọ. Có lẽ vì tình cảm khăng khít với gia đình người cậu như rứa nên hồi đó và cả mãi sau này khi mệ nội đã mất, mỗi khi có thứ gì ngon hay lạ thì bọ cũng không quên nhắc và dành phần cho cụ mự bằng một tình cảm đặc biệt. Mùa mít, mùa thơm, mùa sắn,…những thứ mà chỉ trong Rẫy có còn ngoài Làng thì không; bọ vẫn thường để phần đem cho cụ mự. Hồi xưa, lúc còn nhỏ, mỗi khi có dịp giỗ chạp gì, hay lúc đi học trường ngoài Làng, tui vẫn thường ra nhà ôông mệ Nhuận nên trong kí ức tuổi thơ vẫn còn những hoài niệm xưa cũ.

Thời trẻ, bọ tui rất khỏe mạnh, kiểu lực điền. Gánh lúa, người ta thì gánh hai bó còn bọ tui gánh bốn bó. Bọ với ông cậu không biết đã bao nhiêu lần đi bộ từ Hạ Trạch vô tận nông trường Sen Bàng để hái lá nón (tiếng quê gọi là đi ăn lá), để mua khoai sắn và gánh về. Tui nghe kể rằng bọ cũng nhát gái và toàn được gái tán; mà ngày xưa trong chuyện tình cảm nam nữ, để con gái chủ động là ít. Bọ kể về chuyện tình cảm thời trai trẻ của mình, về những người phụ nữ từng ít nhiều có mối quan hệ yêu đương với bọ trước khi bọ lập gia đình với mạ tui. Có những cô thì gia đình bên người ta đã ưng ý; có trường hợp bọ đã đi giúp việc kiểu mần rể, vô rừng chặt gỗ vác về để họ dựng nhà,… nhưng rồi mấy mối đó duyên số cũng không thành với bọ. Tui còn nhớ về một mối tình của bọ. Có lẽ đó là mối tình cũng sâu đậm với bọ, vì bọ còn lưu giữ lại kỉ vật làm kỉ niệm, cả sau khi đã lập gia đình với mạ tui, đã có mấy đứa con, và mãi sau này đã có cả tui. Tui nhớ rất rõ về kỉ vật ấy, đó là một chiếc vỏ gối vải màu trắng, trên có thêu bằng tay chỉ đỏ hình một đôi chim bồ câu bên cạnh hai trái tim lồng vô nhau cùng dòng chữ “thắm mãi tình ta” mang những nét hoa văn. Một kỉ vật làm kỉ niệm tình yêu rất đẹp! Ngày xưa, yêu nhau thì người ta thường tặng khăn, tặng gối; đó như là những kỉ vật thiêng liêng. Bọ tui giữ kỉ vật ấy phải đến cả hai chục năm, cho đến khi chị gái tui đến tuổi cập kê bọ mới không giữ nữa mà đem cho chị. Điều đặc biệt là tuyệt nhiên không có chuyện ghen tuông hay giận nhau về chuyện tình cảm giữa bọ và mạ. Tui thấy rằng ngày xưa trong chuyện tình cảm người ta cũng ít ghen tuông như bây chừ. Bọ tui đi bộ đội bị thương mất nửa bàn tay, phục viên về quê làm thư kí hợp tác xã Trường Lưu rồi làm một người nông dân bình thường ở quê nhà như bao người nông dân chân lấm tay bùn khác. Bọ mạ tui sống một cuộc đời bình lặng, không lươn lẹo, không lọc lừa; hiền lành, thật thà và chất phác; tuy nghèo mà trong sạch…

Bây giờ, mạ tui đã về thế giới của tổ tiên ông bà gần chục năm rồi, bọ tui cũng đã ngoài tám mươi. Nhiều khi tui suy ngẫm về cuộc đời, về thời thế, về thế cuộc vật đổi sao dời,… và không còn trách mà lại càng thương bọ; dù đã có lúc từng nghĩ rằng nếu bọ như người ta thì có lẽ gia đình và con cái đã sung túc hơn. Xét cho cùng thì trong sạch và lương thiện là một phẩm giá, đương nhiên nó không phải là cái tội. Tui vẫn nhớ, vẫn giữ trong tâm hồn mình những câu chuyện đời sơ của bọ. Quê hương, đất và người vẫn còn đó; dù bao điều đã trong cõi xa xôi…

Chú thích:

 - Cây dưới: tiếng người Cao Lao Hạ dùng gọi cây duối, loài cây thường mọc ở vùng đất thấp, nhiễm mặn ở gần hạ lưu sông hay gần biển.

- Con dèm: tiếng người Cao Lao Hạ dùng gọi con cua nhưng không phải là con đam (cua đồng) mà là cua nước lợ hay nước mặn, sống ở hạ lưu sông hay ở biển.

 

 

Tác giả: Lưu Minh Hải

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Mùa vàng trên quê hương

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 2337

    Trong tuần: 6496

    Trong tháng: 46769

    Tổng số: 685664

    Đang online: 51

    quan_ly_thong_bao