Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...

Bài viêt của tác giả Đức Sơn Thái Trọng về những vần thơ haiku nhớ mẹ của PGS.NGUT Lưu Đức Trung đăng trên tạp chí Giác Ngộ nhân mùa Vu lan.

"Năm mười một tuổi, tôi có một điều bất hạnh lớn. Đó là mẹ tôi qua đời đột ngột". (Trích tự truyện Kỷ niệm ấm lòng, Lưu Đức Trung - NXB Thanh Niên 2011)

Những dòng tự truyện trên là một ký ức đau buồn đã theo nhà thơ Lưu Đức Trung (1933 - 2017) suốt gần bảy mươi năm sau đó. Trong tim nhà thơ hình ảnh người mẹ vẫn luôn có mặt không một giây phút nguôi quên, đặc biệt là những khoảnh khắc bất chợt nào đó giữa cuộc đời:

“Nhặt cây kim rỉ

mẹ ơi

áo con rách vai”.

Bài thơ mở ra với hình ảnh một ông già ở tuổi tám mươi tình cờ nhặt được cây kim rỉ mà nước mắt lưng tròng nhớ mẹ ngày xưa. Hiện tại được nối kết với quá khứ bằng tiếng gọi thân thương “Mẹ ơi” như thuở nào “Mẹ ơi, áo con rách vai rồi ...”. Mẹ khẽ mỉm cười và bảo: “Để chốc nữa mẹ vá lại cho”. Ảnh tượng ngày xưa hiện về trong kí ức của đứa con thơ dại giờ đã là cha, là ông với mái đầu bạc trắng. Ngày xưa "áo con rách vai" thì có bàn tay mẹ khâu vá, còn giờ đây hai tiếng “Mẹ ơi” thốt ra đã không còn được nghe lời đáp… Nhà thơ chỉ có thể gặp mẹ trong mơ hoặc những hồi ức thời thơ ấu...

PGS.NGUT Lưu Đức Trung

Và, tiếng “Mẹ ơi” không phải chỉ được thốt ra một lần trong bài thơ trên, tình cảm dành cho mẹ đã được nén lại qua hình ảnh so sánh bất ngờ:

“Như quả địa cầu

con không cõng nổi

Mẹ ơi!”

Tình yêu của mẹ là không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghị) và càng không thể đem ra đo đếm được. Dung lượng trái tim của mẹ là vô ngại, là vô cùng. Bởi vậy, nhà thơ chỉ có thể thốt lên một lời từ sâu thẳm trái tim nhưng làm chấn tâm người đọc.

Từ tuổi 12 trở về sau, Vu lan - ngày của mẹ, nhưng nhà thơ không còn mẹ nữa, nỗi đau đã kết thành dòng lệ:

“Đêm Vu lan

có tiếng gọi

nước mắt ứa tràn”.

“Có tiếng gọi” - Tưởng như nghe lại tiếng mẹ ngày xưa, nhưng chỉ là âm thanh thổn thức của chính trái tim mình để rồi sau đó là cả một trời thương nhớ, những dòng lệ cứ tuôn rơi. Nỗi đau ấy đã được Thiền sư Nhất Hạnh nói hộ những người con không có may mắn còn mẹ như mình trong đoản khúc Bông hồng cài áo: “Dù tôi đã lớn đến cách mấy mà khi đã mất mẹ thì cũng như đứa trẻ, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi”.

Vào mùa đông của đời mình, trong hành trình lần cuối về thăm quê, nhà thơ đã đến bên mộ mẹ. Vẫn như đứa trẻ 11 tuổi năm nào, có khác là mái đầu bạc trắng, đôi mắt đã không còn nhìn thấy rõ. Bao nhiêu tình cảm nén vào trong tim, nhà thơ chỉ ghi lại một hình ảnh:

“Cây sứ ra bông

bên ngôi mộ mẹ

một cánh bướm hồng”.

Vẫn là loài hoa sứ dung dị ngày xưa ... Hoa sứ đã xuất hiện trong bài Mẹ vẫn còn được nhà thơ dồn nén cảm xúc để viết vào mùa thu năm 1953:

“Con biết mồ mẹ vẫn yên lành

Cây sứ bên mồ vẫn ra hoa”.

Hình như, hoa sứ bên mộ người mẹ kính yêu là một ấn tượng khó phai trong lòng người con ấy. Và tôi tin, “cánh bướm hồng” - hoa sứ hay là trái tim hồng của mẹ vẫn còn ngự trị trong cõi nhớ của nhà thơ như đã từng có mặt hơn 70 năm qua ...

Suốt đời mình, nhà thơ luôn ngưỡng vọng, nhớ nghĩ về mẹ:

"Đường con đi

có bàn chân mẹ

tím trời lưu ly".

Bức tranh thơ với gam màu tím chủ đạo. Màu tím của bầu trời? Màu tím của thời gian? Màu tím của con đường ? Hay đó là màu tím của tình nghĩa thủy chung đầy hoài niệm ngọt ngào về mẹ? "Đường con đi" dẫu gập ghềnh gian khó hay cô đơn đầy nước mắt nhưng may mắn là "có bàn chân mẹ" dẫn lối, có trái tim mẹ soi đường. Bài thơ là một bức tranh của tâm cảm nhiều hơn. Và, theo tôi biết, "Lưu Ly" cũng là một bút danh khác của nhà thơ với nhiều ý nghĩa...

Trong tự truyện Kỷ niệm ấm lòng, nhà thơ Lưu Đức Trung chia sẻ: “Càng lớn lên, hình ảnh người mẹ càng lớn lên trong trái tim tôi. Tôi thường làm thơ về mẹ, nhưng ít bài thành công …”. Đó là lời thú nhận thiệt thà, chân thành của một người con chí hiếu. Ngôn ngữ trần gian sẽ bất lực khi nhắc đến mẹ và những gì thuộc về mẹ. Nhưng tôi tin, chỉ cần trong tim con có mẹ thì lời nào cũng thành thơ ca. Những bài thơ gói trong lòng bàn tay mà nhà thơ Lưu Đức Trung viết về mẹ thật sự là những dòng tâm cảm đi vào lòng người trong mùa Vu lan báo hiếu...

Mùa Vu lan năm 2021

--------

Những bài thơ trong bài viết trích từ tập thơ Haiku Việt Hoa bốn mùa, Lưu Đức Trung - NXB Thanh Niên 2017.

Tác giả Đức Sơn Thái Trọng (ảnh facebook cá nhân)

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 2568

    Trong tuần: 2568

    Trong tháng: 7577

    Tổng số: 11647954

    Đang online: 32