Theo sử sách ghi lại thì năm 1470 cách đây hơn 555 năm; thực hiện chiếu chỉ của vua Lê Thánh Tông, một số quan quân, tướng lĩnh đã đem theo quân binh, gia đình từ các vùng Thanh Hóa, Nghệ An vào vùng đất ven bờ Nam sông Gianh, thuộc sơn hệ Lệ Đệ khai khẩn đất đai, định cư sinh sống, lập nên các làng Cao Lao, gồm Cao Lao Hạ, Cao Lao Trung, Cao Lao Thượng. Làng Cao Lao Hạ ra đời từ thời điểm ấy.
Những ai sinh ra và lớn lên trên đất làng Cao Lao Hạ xã Hạ Trạch nay là xã Bắc Trạch mới chứng kiến trọn vẹn sự đổi thay của ngôi làng cổ này. Đất làng Hạ màu mở, phù sa, người làng Hạ cần cù, chịu khó, học hành đổ đạt, thành danh...Tuy nhiên những năm trước thập kỷ 80, người dân Cao Lao Hạ gặp rất nhiều khó khăn nhất là nguồn nước sinh hoạt và giao thông đi lại.
...Những ngày đầu khai ấp lập làng, các bậc tiền nhân làng Hạ đã biết "quy hoạch" bài bản với 20 đường xóm và 3 tuyến đường dọc thẳng tắp mà đến hôm nay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn nguyên giá trị...Tôi có ông bạn (xin giấu tên) học hành đổ đạt, công tác xa quê luôn "khoe" với người yêu về mảnh đất địa linh nhân kiệt, người làng Cao Lao Hạ hiếu học, tài giỏi, thủy chung...Nhân chuyến công tác đưa người yêu về thăm quê và lần đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng cô không theo anh về làng Hạ nữa bởi...ám ảnh những con đường bùn lầy năm ấy.
Hòa bình lập lại, làng Cao Lao Hạ sớm khoác lên mình chiếc áo mới. Cùng với bê tông hóa giao thông, hệ thống hạ tầng như điện, chợ, trường, trạm, đặc biệt công trình hồ chứa nước Vực Sanh, Cửa Nghè không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà góp phần đáng kể cải thiện đời sống dân sinh. Với những đặc điểm nổi trổi nên làng cổ Cao Lao Hạ rất tốn giấy mực của nhiều cơ quan truyền thông: "trên đất nước này không có làng nào mà có hơn 20 nhà thờ Họ hoành tráng, đẹp theo lối kiến trúc cổ như làng Cao Lao Hạ". Cùng với việc xây dựng hàng chục nhà thờ Họ, đình Làng, cổng chào các xóm, đường hoa...Hệ thống ao, hồ nuôi trồng thủy sản ngày càng được đầu tư bài bản. Làng Hạ có nhiều địa danh lịch sử, văn hóa tâm linh đã được công nhận di tích như Thành Lồi, khu mộ Lê Mô Khởi, Ngầm Hói Hạ, đường Ba Trại, đình làng Cao Lao Hạ, phà sông Gianh...Nhờ những di sản quý này mà làng Cao Lao Hạ được hội du lịch, di sản xướng tên trên bản đồ du lịch Việt; và cũng là một trong những địa phương sớm dẫn đầu của huyện Bố Trạch về phong trào xây dựng nông thôn mới. Để có những thành công này, nhất là lĩnh vực giao thông nông thôn, ngoài sự nổ lực của lãnh đạo Đảng, Chính quyền và bà con nhân dân thì sự đóng góp đáng kể của các doanh nhân là con em địa phương trong và ngoài làng và các nhà hảo tâm thật đáng được ghi nhận.
Tôi đã nhiều lần về quê và có dịp ghi lại hình ảnh 20 đường đất năm xưa và hiện nay đã được bê tông nhằm minh chứng cho sự đổi thay đó.
Trước đây dân Cao Lao Hạ sống ngoài làng; thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch lần thứ 7, nhiệm kỳ 1967 – 1969 “dành đất màu mỡ để mở rộng sản xuất, mở rộng hệ thống giao thông, thủy lợi, đảm bảo lương thực cho người dân và đóng thuế cho nhà nước phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các Hợp tác xã đã vận động, tổ chức cho hàng chục hộ gia đình vào vùng đồi định cư, khai hoang sản xuất”. Khi đường các xóm được bê tông, sản xuất kinh doanh ổn định, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, theo đó số hộ sinh sống cũng tăng trên 65 hộ so với trước. Chỉ tính riêng khu vực đình Làng tăng thêm 11 hộ, trong đó xóm 7 trước đây có 29 hộ sinh sống nay tăng thêm 7 hộ; xóm 6 trước đây có 46 hộ nay tăng thêm 4 hộ...Từ những con số trên cho thấy số gia đình sống tại làng Cao Lao Hạ tăng mạnh trong khi các địa phương lân cận lại giảm do "phong trào bỏ làng lên phố".
Hiện tại không chỉ địa danh xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch mà tên tỉnh Quảng Bình cũng không còn nhưng tên làng cổ Cao Lao Hạ vẫn mãi trường tồn với thời gian; đây không chỉ là niềm tự hào của người dân sống ở quê mà cũng là niềm tự hào của những người con làng Hạ xa quê mỗi khi gặp nhau: "chúng tôi là người làng Cao Lao Hạ".
