Cao Lao Hương Sử Lược Thuật Diễn Ca

10:41 - 07/10/2019

Giới thiệu tác giả Cụ Lưu Trọng Tuần và bài thơ Cao Lao Hương Sử Lược Thuật Diễn Ca của Cụ

Cao Lao Hương Sử Lược Thuật Diễn Ca

 

Lời Ban biên tập: Lưu Trọng Tuần có Bút hiệu là: Túy-Không

Sanh ngày: 01-01-1900; Tạ thế ngày : 30-06-1980

Quê quán: Làng Cao Lao Hạ, nay là Xã Hạ Trạch, Huyện Bố Trạch, Tỉnh Quảng Bình

Cụ Kỳ Sơn Lưu Trọng Kiến có 11 con trai và 11 con gái. Thi sỹ Lưu Trọng Tuần là con trai thứ 3 trong gia đình; thi sĩ Lưu-Kỳ-Linh là con trai thứ 8; thi sĩ Lưu-Trọng-Lư là con trai thứ 11 và cũng là trai út trong gia đình.

 Thi sĩ Lưu Trọng Tuần bắt đầu làm thơ vào lứa tuổi ngoài 60, sau khi về hưu. Các bài thơ chỉ được phổ biến trong phạm vi bằng hữu thân tình. Các sáng tác của thi sỹ Lưu Trọng Tuần do một người con của Ông sưu tầm và soạn lại thành tập “Túy Không Thi Tập” gồm câc chủ đề: 

– Thắng cảnh Quảng Bình (gồm 12 bài)

– Đôi bài phụng họa (gồm 2 bài)

– Những bài xướng họa (gồm 12 bài)

– Những bài tự vịnh (14 bài)

– Đôi bài cảm tác  (12 bài)

– Cao-Lao Hương Sử Lược Thuật Diễn Ca

– Thái hòa bình đẳng luận phú

Ngoài tập thơ trên, có thể còn một số bài còn thất lạc hoặc hiện được các gia đình thân hữu của tác giả lưu giữ. Khi công bố “Túy Không Thi Tập”, người sưu tầm cũng là một người con của tác giả đã viết: “Trong cương vị một người con, tôi không dám để một phần tim óc của thân phụ tôi bị mai một nên xin mạo muội lên mạng tập thơ nhỏ này để quý vị thưởng lãm và ước mong quý vị sẽ không thất vọng đã bỏ thì giờ quý báu để đọc đôi bài trong tập thơ này. Cũng xin chân thành trình bày để quý vị hiểu cho rằng kiến thức của tôi về điển tích và các địa danh ở quê nội tôi rất hạn hẹp nên khi sao chép lại các bài thơ của thân phụ tôi thế nào cũng có những lỗi lầm quan trọng. Rất mong quý vị lượng thứ và vui lòng chỉ giáo để chúng tôi có thể sửa chữa những lỗi lầm trong tập thơ này”. 

Cao Lao hương sử là một tác phẩm tầm cỡ của ông, thể hiện một tình yêu tha thiết đối với quê hương Cao Lao Hạ; đó là một tác phẩm mô tả bằng thơ lục bát, với 423 câu, viết dưới dạng sử ký vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về núi non, sông ngòi, dân cư, nhân tài văn quan, nhân tài võ quan, kinh tế, chính trị, phong tục, xã hội, lễ giáo, văn hóa, khuyến học, giáo dục, khuyến hiếu của vùng quê Cao Lao Hạ. Ông làm bài thơ này tại Sài Gòn, khi đất nước còn bị chia cắt. “Cao Lao Hương Sử Lược Thuật Diễn Ca” được trích dẫn rất nhiều trong các nghiên cứu về lịch sử Cao Lao Hạ.

Trang caolaoha.com xin giới thiệu bài “Cao Lao Hương Sử Diễn Ca”  của Ông. Hy vọng được bà con quê hương đón nhận

Trân trọng!

TS. Lưu Đức Hải

 

 

CAO LAO HƯƠNG SỬ LƯỢC THUẬT DIỄN CA

.

Giang sơn gấm vóc trải bày
Thanh, cao, tín, mỹ ngày ngày mới thêm.
Cao Lao: Tiền thế đặt tên
Cao: trông vời vợi. Lao: bền không xiêu.
Tổ tiên ước vọng từ lâu
Đời đời con cháu lo âu tạ lòng.
Xây nên mỹ tục thuần phong
Tinh thần truyền thống gắng công thực hành.
Thống kê toàn cuộc đào thành
Nhơn công vẫn có, thiên sanh cũng nhiều.

Núi non

Hoành-Sơn núi cả cũng triều
Có ba sa phụ đáp chiều thiên nhiên.
Trước làng một dãy Kỳ-Phong
Tượng hình đẹp đẽ như trông cây cờ.
Lào-Cù, Đá-Bạc rừng sâu
Lệ-Lê, Thày-Bói lửng lơ núi Chùa.
Cây tươi rực rỡ bốn mùa
Trông lên đỉnh núi mây đưa trùng trùng.
Đi vào một đoạn u thâm
Non cao bao phủ âm thầm gần xa.
Rừng xanh bát ngát bao la
Tiếng đàn suối chảy, tiếng ca chim đùa.
Thông kêu tiếng địch du da
Vi vu gió thổi tà tà bóng im.
Lẫy lừng những chốn thâm nghiêm
Dâng lên hòa tấu tiếng kêu trăm loài.
Chim công múa ánh mặt trời
Bảy màu quay động sáng ngời hào quang.
Nai vàng lẫn lộn lá vàng
Bướm hồng giỡn lá trong làn gió thu.
Cành suôn vượn khỉ đánh đu
Biết bao cảnh đẹp trong khu rừng làng.
Hè về lâm khách tầm phương
Hồn thơ, thi sĩ nhặt khoan ngâm hoài.
Thu về lá chứa nước trôi
Lắng nghe như tiếng chuông chùa dư âm.
Miền này cũng lắm hoa thơm
Phong-lan phảng phất đưa tầm hương xa.
Thăm rừng vừa bước chân ra
Ếch kêu truyền lệnh, sơn hà chào vui.
Đường về trong cảnh xinh tươi
Thấy đoàn thanh nữ mang tơi bắt còng.
Đến nhà bên ngưỡng cửa hông
Gặp ông tuổi tác thông dung nói chào.
“Rừng làng phong cảnh dễ yêu
Một lần đi đến lâu lâu nhớ hoài”.

Sông ngòi

Thông qua thủy cục vãng lai
Linh-Giang bao phủ tràn lan ba bề.
Ở trong có một hà-khê
Tiếp sông dâng nước phủ phê đến thành.
Cây sanh, vực thẳm trời dành
Hồ sâu nước lớn suối xanh chảy về.
Giữa làng có một long-khê
Chín chiều uốn éo ra bề rồng oanh.
Đầu rồng tiếp vực cây-sanh
Thân rồng chứa nước hạ thiên vẫn đầy.
Trâu bò tắm nép chốn này
Tiều phu, ngư phủ đến đây hát hò.
“Rồi đây Sào-phủ, Hứa-do
Ngoài tài danh lợi, rửa vò tai trâu”.
Đuôi rồng ngọn nước phau phau
Hiệp cùng các suối chảy thâu ruộng vườn.

Dân cư

Thông qua lãnh vực dân cư
Làng tuy to lớn, ở như cái vườn.
Hướng nhà đều trở phương nam.
Hình làng như một chiếc thuyền long châu
Làng trên như một cái đầu
Thân làng như một chiếc cầu Ngưu-Lang.
Đuôi làng phới phở phụng hoàng
Chia lân xinh đẹp hàng hàng song song.
Hai lân chung một lối đường
Có mương nước chảy, có đường đắp cao.
Đắp đường bạn, xây cống tàu
Hai mươi lân ở chung giao thành làng.
Trước làng lập chợ vẻ vang
Sau làng tịch mịch nghiêm trang lập đình.
Mặt tiền thờ Họ phân minh
Họ nào họ nấy linh đình mỹ quang.
Gần đình một lối khang trang
Có nền Xã-tắc, có đền Thánh-văn.
Đi lên một đoạn bằng bằng
Nơi đây đủ miếu thờ Thần tiền nhân.
Có tên “Miếu Nậy” tiền hiền
Có dinh Cao-các vị Thần linh thiêng.
Có chùa thờ Phật trang nghiêm
Có đền Thánh-Võ cũng miền gần đây.
Đầu làng về ngả hướng Tây
Có tên thành cổ đủ đầy xét xem:
Di truyền họ Chế vua Chiêm
Chế-Mân nạp thái thế tiền cheo hôn.
Tào voi, tào ngựa tiền đồn
Tuy không hình thể tiếng đồn không sai.

Nhơn tài Văn quan.

Thông qua lãnh vực nhơn tài
Vào triều Minh Mạng có hai vị hiền.
Lê-Công Thủ hiến Khánh-Hòa .
Quan-danh Cai-bộ khoa là Hiếu-Liêm.
Lưu-Công cai án nhiều miền
Trước là công cử, sau kiêm Mậu-tài.
Hai ông danh nổi một thời
Vì dân vì nước đức tài đều hay.
Về sau Lân quốc bất hài
Tham-tri Lưu-Lượng vãng lai sứ Tàu.
Lựa lời ăn nói trước sau
Khéo đem tấc lưỡi dồi trao lân tình.
Làm cho đất nước thanh bình
Khỏi sinh giặc giã dân mình ấm no.
Lưu-Bình một bậc danh nho
Thi đình Tấn-sĩ sắc cho bảng nhì.
Vì bài chia tỉnh vua nghi
Sau ra Tri-phủ Bắc-Kỳ dạy dân.
Làm quan hết bực thanh cần
Huân đào tiếc nghĩa, không thân nước ngoài.
Đặng-Công văn học hơn đời
Xuất thân Phó-bảng đồng thời Lưu-Công.
Hoạn trình có chốn không thông
Ở nhà dạy học thành công không vừa.
Lê-Mô Án-sát Phủ-Thừa
Pháp-binh hòa ước đánh lừa dân ta.
Đình-Phùng truyền hịch đưa ra
Tức thì treo ấn, tham gia lên đường.
Về làng hoạt động muôn phương
Bình-Tây sát tặc cờ trương khắp vùng.
Lưu-Xưng nhất cử khoa trung
Tài cao, đức trọng hãi hùng tiếng to.
Đã từng hưởng ứng Lê-Mô
Sau làm Phủ-Doãn mưu đồ giúp dân
Công minh xét xử đằng thằng
Giam bồi, giữ cụ, quân phân công điền.
Lui về sử quán tập biên
Tu pho Hội-Điển địa dư tỏ tường.
Trước sau gần thuở Ông Xưng
Mười ông Huyện, Phủ xuất thân văn tài.
Vì chưng Pháp-thuộc bất hài
Làm quan chỉ đủ công cày mà thôi.
Về làng dạy dỗ ứng thời
Tìm đường học hỏi theo mời Đông-Kinh.
Khuyên dân cấp tiến văn minh
Gió Âu, mưa Á muôn hình học theo.
Giữ gìn đạo đức cao tiêu
Tinh thần chọn lấy, gian kiêu chớ làm.
Có nhà tân học tiền phong
Giữ chức thày giáo thong dong một hồi.
Vì dân thiểu số van mời
Ra làm Quản-Đạo đến nơi hưu kỳ.
Đời đời tuấn kiệt bộn bề
Tài cao học giỏi không hề ô danh.
Tú tài, công, học, khoa sanh
Giáo sư đầu xứ, thanh danh quán vùng.
Ngoài ra làm ruộng, đi buôn
Người nào người nấy trong phường thanh cao.
Dân làng đẹp đẽ biết bao
Nói ra không xiết miệng trao khi nhàn.

Nhơn tài Võ quan

Thông qua danh nghiệp võ quan
Có ông Đề-Đốc Lê-Quang Nguyễn trào.
Đương khi giặc Pháp ào ào
Chỉnh tề binh ngũ tiến vào kinh đô.
Chẳng nề đường sá bao xa
Võ khoa quyền cữu cũng ra ứng tùng.
Lãnh Hòa, Lãnh Niệm hai ông
Xuất thân võ cử tưng bừng nổi danh
Hàm-Nghi mật chiếu xuất thành
Tức thì vâng lệnh hy sinh chống thù.
Minh-Cầm, Quy-Đạt chiến khu
Đồng-Lê, Thanh-Lạng sách trù mộ binh.
Đội Quân, Võ Giá, Đội Suyền
Cũng tay chống giặc bạo quyền ngoại xâm.
Tuy là võ kém hơn văn
Thanh danh các vị cũng đăng nho đàn.

Kinh tế

Thông qua lãnh vực kinh doanh
Làng ta nông nghiệp trưởng thành từ lâu.
Đãi thời, thiện khí, cày sâu
Chăm nom phân nước, không âu thất mùa.
Nuôi tằm, dệt vải, thi đua
Buôn bò, buôn nghé thường lùa qua Phiên.
Đến ngày Pháp thuộc thêm phiền
Sưu cao thuế nặng, ăn làm cũng bê.
Vượt làng, vượt tuyến, đi về
Nước ngoài buôn bán đề huề như ai.
Qua Xiêm, Ấn-Độ, Mã-Lai
Qua Lào , Miến-Điện rài rài Trung-Hoa.
Đi gần rồi lại đi xa
Lê-Troàn Hộ-Bạc bước ra cầm đầu.

Chính trị

Thông qua chính trị làng mình
Kỷ cương đã có, phân minh lắm rồi.
Chọn toàn những bậc văn khôi
Thanh danh đức độ để ngồi chủ trương.
Còn trong lãnh vực lý hương
Cũng do dân cử một Phường xứng vai.
Búa quan, chánh lịnh theo đòi
Việc làm sắp đặt cho hài lòng dân.
Có ba mươi tích công phân
Chọn người chánh,phó thành phần khôn ngoan.
Toàn dân biên chế kê khai
“Ba mươi tích” đó không sai một người.
Việc làng sắp đặt làm trường
Khai mương, sửa chợ, sửa đường hàng năm.
Có người không giữ lương tâm
Sinh ra trộm cắp, âm thầm hại dân.
Ba ban chấp chánh trong làng
Đem ra xét xử không thân chút nào.
Theo lời hương ước từ lâu
Dân làng làng xử, không giao chính quyền.
Bao nhiêu chính trị tương truyền
Đều theo quy ước lập thành phân minh

Phong tục

Làng ta phong tục hiền lương
Làng trên làng dưới tình thương một nhà.
Quan, hôn , tang, tế Ông Bà
Việc làng, việc họ việc nhà đồng lo.
Lễ Nghè phải cúng gà to
Bà con làng họ đem cho đủ làm.
Đám tang, đám kỵ cỗ bàn
Trong làng con cháu đảm đang dọn bày.
Hôn nhân là việc phúc may
Cho đồ, cho bạc đủ đầy cưới xin.
Lợp nhà, sinh đẻ, cầu yên
Ốm đau, hoạn nạn cũng tin ở làng.
Đám đình, yếm quỷ, trừ ma
Còn theo tục cũ thày làng liệu lo.

Xã hội

Thông qua văn hóa nhiều trò
Lập thành xã hội giúp vui cho làng.
Cướp cù lại với đu thang
Cô bà ăn mặc hàng hàng đứng đăng.
Đu tiên, vật lộn, vật đàng
Dồi cù vô rọ hàng ngàn người chơi.
Kéo dây thắt bụng kéo dùi
Làng bày thể dục cũng vui quá chừng.
Thanh niên nam nữ tưng bừng
Ào ào ứng hội minh tân thi tài.
Mùng ba ăn Tết vừa rồi
Bước qua mồng bốn làng ngồi thi văn.
Đồng hương sĩ tử đua chen
Trường phu đánh trống bảng đen biên đề.
Nghiêm trang bút đáp đề huề
Thi xong đem nạp ra về nghỉ ngơi.
Đến chiều xem bảng nguyên khôi
Ai mà chiếm được ăn soi, ruộng làng.

Đồng thời thanh nữ kéo hàng
Đem tơ, đem sợi, nón hàng nón dinh.
Bày ra chất đống linh đình
Chờ nghe được lịnh đem trình nữ công.
Có ban thi hạch cộng đồng
Xem tường từng món minh công thưởng đều.

Lễ giáo

Thêm vào một việc cao siêu
Ngoài ơn cha mẹ, còn yêu công thầy.
Sống thời Tết nhất lể bày
Thác thì lập hội văn bài nhớ ơn.
Gọi là “Thân hữu đồng môn”
Anh em nhớ lại văn hồn Thầy cho.

Văn hóa

Chăn trâu, chăn nghé, chăn bò
Chiều về địch thổi ngân nga vang đồn.
Đàn bà, trẻ nít, đàn ông
Tiếng ca vui vẻ khi trồng lúa khoai.
Đêm về kéo sợi đưa thoi
Sắp vèng, lợp nón cũng coi ra bề.
Con trai con gái đề huề
Ghẹo nhau lời hát không hề dâm ô.
Đám ma đám cưới có hò
Kể ra công đức, chúc trò mừng khen.
Ông già lụm cụm vót vèng
Cũng đưa tiếng hát, cũng chen giọng trầm.
Tuy là thanh đạm âm thầm
Ở trong khung cảnh cao thâm làng nhà.

Khuyến học

Vừa rồi đọc báo Quốc Gia
Nghe lời ba gả đi xa mới về:
“Chúng ta nhỏ bé kia tề
Muốn cho tồn tại gần kề thái dương.
Đệ huynh thắt chặt tình hương
Chớ nên kình địch tiêu xương máu hoài”.
Lời Ông kêu gọi loài người
Góp công khám phá kịp thời không gian.
Ta đây con cháu một làng
Ở trong vũ trụ cũng mang tên người.
Dại gì không hưởng ứng lời
Đua nhau theo học kịp thời ngày mai.
Lấy trong ý tứ mà soi
Làng ta ăn học có mòi có câu.
Tổ tiên phúc ấm còn lâu
Thủ đô lên học có đâu thua người.
Tú tài mỗi khóa chín người
Cử nhân chứng chỉ vài mươi có rồi.
Đệ thất tiến tới không thôi
Dược khoa , Bác sĩ hải ngoài kỹ sư.
Luận trình tiến sĩ có chư
Toán khoa, lý hóa cũng dư có người.
Đua bơi việc học với đời
Theo lời cha dạy, theo lời thầy ban.
Xóm làng ngớt mặt trông nom
Tài hay, công gắng cũng thèm cho ai.
Rồi đây nhân loại triển tài
Kim tinh, Hỏa tú đóng vai phi hành.
Nguyệt cầu đổ bộ cũng nhanh
Ta khuyên con cháu mắt xanh với người.
Mấy lời khuyến khích đồng hương
Gắng công gắng của, phải phường nói ngoa.
Thanh, Cao, Tín, Mỹ làng ta
Biết đâu sự nghiệp không ra thế nào.
Tự ti, mặc cảm, rồi sao?
Như đem con cháu lấp bao mà ngồi.
Từ đây gắng lấy ai ơi
Mẹ cha lo việc tha mồi nuôi con.
Phận làng, phận xóm nhóm nhen
May ra học được cũng rèn đến nơi.
Ước ao thôi có mấy lời
Xin ai chớ bảo “trèo trời không nên”.

Giáo dục

Thông qua lãnh vực nuôi con
Công ơn cha mẹ vuông tròn noi theo.
Từ khi gái bé nhà nghèo
Ngồi trên khung cửi, quay tròn máng heo.
Sắp vèng, sắp lá, châm khâu
Làm nên cái nón cũng lâu công người.
Ươm tơ kéo sợi lên khung
Suốt đêm không ngũ, mắt trong má hồng.
Vì là để kiếm lấy công
Làm sao cho kịp rùng rùng qua phiên.
Bán ra cho được đồng tiền
Đem về giúp mự, giúp eng nhiều bề.
Mười lăm mười tám cập kê
Trong làng ngoài xứ không chê chút nào.
May chăng sánh bạn anh hào
Chồng lo việc nước, cần lao mọi ngành.
Chữ trung chữ hiếu đồng thanh
Phận em phụng dưỡng sanh thành mẹ cha.
Nuôi thơ dạy trẻ trong nhà
Làm dâu cùng với làm cha một lần.
Khuyên chồng trong sạch bản thân
Giúp làng giúp nước, thương dân mọi bề.
Bằng không, sánh bạn nhà quê
Chồng cày vợ cấy cùng theo dân làng.
Việc nhà sắp đặt khôn ngoan
Trong đường nhân đạo tiếng tăm với đời.
Đó là phụ nữ làng tôi
Thanh, cao, tín, mỹ sánh đôi cùng chồng.
Khôn ngoan, tiết hạnh mọi đàng
Mặc chồng đi vắng, mặc hồng đi lâu.

Khuyến hiếu

Bây giờ xe điện, nhà lầu
Nhìn lên bà Mẹ áo nâu đâu còn!
Tình thương giữa mẹ cùng con
Non mòn, suối cạn, lòng son đời đời.
Biết sao báo đáp ơn người
Tấc thành đau khổ đưa lời kêu ca.
Rồi con nghĩ đến công cha
Đi cày, đi cấy ruộng nhà ruộng cô.
Mùa đông rét buốt như đồng
Buổi mai bụng trống, hai hông xếp buồm.
Không cày thì phải đi buôn
Qua Lèo, Miến Điện lúc chuồn qua Xiêm.
Ma thiêng, nước độc không kiêng
Thương con nhớ vợ triền miên đêm nằm.
May sao kiếm được vài trăm
Đã lo gói gắm lăm xăm đem về.
Tính công, tính nợ mọi bề
Còn dư để lại không hề tiêu xa.
Ngày mai rồi lại đi ra
Cũng theo lối cũ thật thà làm ăn.
Bây giờ lên ngựa cao thăng
Công cha lặn lội làm ăn nhớ hoài.
Lấy lòng hiếu nghĩa mà soi
Bia đồng, mả đá đền bồi thấm chi.
Chi bằng ý tứ mà suy
Nuôi con ăn học bù trì tiền nhân.
Còn ra giúp đỡ trong làng
Cũng dòng cũng giống lối đường Cao Lao.
Mong sao nhân vật anh hào
Chen vai quốc tế xen vào cung trăng.
Cũng là công đức cha anh
Cũng là nghĩa hiệp của Ông đồng làng.

Kết luận

Đây là kết luận tập này
Xin mời đọc kỹ chứa đầy tình thương.
Ngày xưa nước hợp biên cương
Tàu xâm ngả Bắc, Chiêm tràn qua Nam.
Tổ tiên ăn ở không kham
Tìm đường, tìm chốn ẵm mang con vào.
May tìm được chốn thanh cao
Phá rừng phở núi biết bao công trình.
Ngày nay mới có chúng mình
Thanh, cao, tín, mỹ giữ gìn ở ăn.
Gặp ngày khoa học cao thăng
Tuy là giặc giã cũng hòng có phương.
“Ngày xưa thợ mộc vi hàn
Nuôi con ăn học thành chàng Pasteur“.
“Ngày mai thằng bé làng cờ
Cơm ăn thiếu bữa người chờ lên trăng“.
Từ nay gắng lấy học hành
Văn minh nhân loại còn tranh nhiều đường.
Làng ta cũng lắm dễ thương
Giúp nhau xây dựng chủ trương gần kề.
Rồi đây xoay xở nhiều bề
Con em ăn học cho tề Đông Tây.
Cao Lao Tương Tế ra đời
Đây là cái chốn đỗi thày dạy nhau .
Phải đâu nhà bóng, cô đầu
Mua vui một chốc mày tao chia rồi!
Tịnh lòng nghĩ đến mà coi
Bao nhiêu công đức bỏ toi sao đành.
Ơn cao, nghĩa tổ đành rành
Cháu con phải nghĩ đem mình gánh lo.
Ngày mai tiến hóa không dò
Cũng nhờ cái gắng học trò mà nên.
Của tiền chất đống vun nền
Không bằng giúp học làm nên cho đời.
Ta đây chủ tể cùng người
Việc gì không tiến để cười ngàn năm.
Mấy lời khuyên dỗ uyên thâm
Sao cho hằng sản, hằng tâm cộng đồng.
Rồi đây kẻ khuyến người tòng
Kẻ nào cũng ở một dòng mà ra.
Miễn sao cho được thiệt thà
Chớ tung lời nói điêu ngoa ích gì.
Nào người phù hậu kim thì
Ta đây cũng kiến cũng tri như người.
Chớ nên lấy của giữa đời

Đem làm sự nghiệp lỗi thời vô duyên.
Hỡi người đồng hội, đồng thuyền
Chung lưng gánh vác một phiên cho thành.
Nói đi, nói lại, nói quanh
Chi bằng thưa thốt những anh cùng làng.
Từ nay làm việc nghiêm trang
Việc chi còn chậm, việc làng phải mau.

Mấy lời kể tiếp lại sau
Muôn cầu nghìn khẩn đức cao phúc dài.
Lại thêm nghĩ đến tương lai
Cho ra hiền triết nhân tài Cao Lao.
Mấy lời, xin khuyến. Xin chào.

 Túy-Không Lưu Trọng Tuần
 Phụng lược thuật .

Tác giả : Lưu Trọng Tuần

Bình luận

Bài viết liên quan

Con đường tôi nhớ
Cao Lao
Đường về
Sông núi quê mình
Hoàn thành một đoạn dự án nâng cấp đường quan

Video clip