Một năm cũ đi qua với bao vất vả, nặng nhọc, lo âu phiền muộn. Năm mới đến, lòng người tràn đầy ước mơ, hy vọng và chan chứa niềm tin vào cuộc sống mới mẻ hơn, sáng sủa hơn. Đó là tâm trạng chung của tất cả chúng ta khi đối diện với cuộc sống. Đất trời chuyển dịch, vạn vật hồi sinh, sức sống mới đang phủ lên muôn vật. Trước sự chuyển mình của vũ trụ vạn hữu, tâm thức của mỗi mỗi chúng ta cũng nao nao với biết bao khát vọng an vui dành cho bản thân, gia đình, với bà con quyến thuộc, với xóm giềng và xã hội, vào những ngày đầu năm mới dù đạo hay đời mỗi người dân đều có một tâm niệm, một ý nguyện chân thành khi hướng về nguồn cội của mình, về tổ tiên, quê hương đất nước đặc biệt con người của chúng ta ai ai cũng có đời sống tinh thần, tâm linh. Trong suốt chiều dài lịch sử, thực hiện các nghi thức tâm linh là một hiện tượng tự nhiên và là nhu cầu tất yếu có mối quan hệ gắn bó lâu dài, trong đó cầu an đã trở thành một nghi lễ, không thể thiếu của con người, trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa đầu năm mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Nói tới việc đi lễ Chùa đầu năm ông Nguyễn Phúc Nguyên vụ trưởng vụ Phật giáo ban tôn giáo Chính phủ chia sẽ: “Phong tục của người Việt Nam có việc đi lễ Chùa đầu năm đã trở thành một phong tục, tập quán tốt đẹp có từ lâu đời và mong muốn đó không chỉ của tín đồ Phật tử mà kể cả những người có tình cảm có tín ngưỡng với Phật giáo thì cũng mong muốn đi lễ Chùa đầu năm, đó là một nhu cầu hết sức chính đáng như chúng ta đều biết trong cuộc sống có những khi chúng ta có những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống khi chúng ta có nhu cầu giải tỏa, giải quyết những vướng mắc đó thì nơi mà được giải tỏa một cách hữu hiệu bằng việc tham gia vào thực hiện một nghi thức tâm linh, nghi thức tôn giáo và hiện nay Phật giáo là một trong những tôn giáo đang thực hiện các ước vọng mong muốn đó và cũng chính vì những cái hợp lý, thế lý, thế cơ của Phật giáo trong việc thực hiện các nghi thức tâm linh cho tín đồ, cho Phật tự, cho người dân thì lễ cầu an đầu năm trở thành hoạt động và trở thành cái nét đẹp trong truyền thống, trong phong tục, trong tập quán, trong văn hóa của người dân”.
(Trên thế giới có nhiều vị giáo chủ khai sáng ra các tôn giáo khác nhau, nhưng duy nhất chỉ có một vị mà Liên Hiệp quốc đã lấy ngày sinh của Người làm ngày biểu tượng của văn hóa và tôn giáo của thế giới, gọi là ngày VESAK, có nghĩa là kỷ niệm ngày Tam Hợp: Đản sanh- Thành đạo và Niết Bàn. Đó là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta tôn kính Ngài vì Ngài vượt lên tất cả về trí tuệ và đức hạnh, là bậc Đạo sư sáng suốt trên cuộc đời. Thế giới đã khẳng định đạo Phật là chân lý, mang lại lợi ích vô lượng cho chúng sinh. Chính vì thế vào ngày 15-12-1999, tại phiên họp thứ 54 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, sau khi thảo luận Đề mục 174 của chương trình nghị sự, Đại hội đồng đã biểu quyết chính thức công nhận: Phật giáo là tôn giáo điển hình và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Giáo chủ của Phật giáo là nhân vật tiêu biểu bởi phương châm “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển” của Liên Hợp quốc ngày nay trùng với tư tưởng của Đức Phật từ xưa. Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc là Đại lễ hội mang tính văn hóa và nhân văn trên phạm vi quốc tế của tổ chức Liên Hiệp Quốc; Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã Nghị quyết: Liên Hợp quốc sẽ tổ chức Đại lễ Vesak vào thời gian tương đương với ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch hàng năm. Đại lễ Vesak được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, Hoa Kỳ và các trung tâm Liên Hợp Quốc ở các khu vực trên thế giới từ năm 2000 trở đi. Các nước có Phật giáo, có thể đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc tại nước mình, theo cam kết và thực hiện các quy định của Liên Hợp quốc. Trải qua hơn 2500 năm lịch sử, những bài pháp vô giá, những lời dạy thiêng liêng cao quý của Ngài vẫn còn nguyên giá trị. Càng về sau thì các nhà trí thức trên thế giới càng ca ngợi đạo Phật, khoa học càng tiến bộ thì người ta càng khâm phục đức Phật khi thấy rằng hơn 2000 năm trước mà có một người trên hành tinh này đã nói được những điều chuẩn xác cao siêu như thế. Nhà bác học Einstein từng nói: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ… có khả năng bao trùm cả tự nhiên lẫn tâm linh… và đạo Phật đáp ứng được sự mô tả này… Nếu như tồn tại một tôn giáo có thể đồng thuận với những đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại thì đó chính là Phật giáo”.
Việt Nam chúng ta là đất nước hòa bình, có nền chính trị ổn định. Hiện tại Phật giáo ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, gần như trở thành một quốc giáo. Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam từ lâu đời. Văn hóa Phật giáo đã in sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam từ xa xưa cho đến ngày nay. Bởi thế, phát biểu tại lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt cho toàn thể nhân dân nước Việt Nam và tất cả người dân trên toàn thế giới khẳng định, mỗi người chúng ta chính là sứ giả của Đức Phật, góp phần đẩy lùi xung đột, khổ đau, kiến tạo cõi niết bàn trong thế giới hiện thực”).
Theo truyền thống sau những ngày Tết người việt thường đến Chùa làm lễ cầu an với ước nguyện cho bản thân, gia đình và xã hội một năm mới được an lạc gặp nhiều điều tốt đẹp; lễ cầu an là nơi cho Phật tử lắng lòng, thành tâm sám hối để tiêu trừ nghiệp chướng, bỏ ác, làm lành. Khi hiểu được luật nhân quả mọi người sẽ tránh được những suy nghĩ và hành động xấu, tiêu cực để hướng đến một năm mới may mắn, hanh thông trong cuộc sống. Trong lễ cầu an thì bày tỏ tâm linh của mình có khác biệt tùy theo truyền thống của các môn phái khác nhau, theo truyền thống Bắc truyền thì dựa vào các bổn kinh, các bổn kinh đó nói lên những tâm nguyện của các đức Phật đã trải qua sự tu chứng và các ngài đã đem lại lòng từ bi cứu độ chúng sinh và nhân buổi cầu an đó chúng ta đọc tụng những bổn kinh đó vừa là xong ước tấm lòng mình vừa tăng trưởng tấm lòng từ bi, tăng trưởng thiện căn phước đức và khi được tăng trưởng thì chúng ta cũng đạt được những thiện căn phúc đức mà mong ước trong cuộc sống sẽ an lành và hạnh phúc.
Khi mình đến Chùa cầu an mình cảm thấy cái tâm mình có cảm giác an lạc và tất cả những việc mình đến Chùa, mình thực hành theo những điều Phật dạy thì mình cảm thấy gia đình mình rất an lạc và tất cả mọi việc thuận lợi và rất là tốt đẹp. Việc tham dự các khóa cầu an trực tuyến cũng là dịp để các Phật tử được nghe lời dạy của đức Phật góp phần tăng trưởng trí tuệ, bồi dưỡng lòng từ bi, từ đó giảm bớt tham, sân, sy cùng nhau cầu nguyện cho một năm an lành hạnh phúc, nếu thực sự có tâm thành kính thì dù đến Chùa hay thực hiện các nghi thức tâm linh trực tuyến cũng không có gì khác biệt. Một nghi thức không thể thiếu trong lễ cầu an đó là khai đàn và tụng Kinh Dược Sư, trong Kinh Dược Sư ý nghĩa cầu nguyện phản ánh tha lực độ sinh của chư Phật và bồ tát đối với dân gian, mang ý nghĩa biểu trưng và thứ yếu, quan trọng hơn đó là tinh thần tự thân của mỗi người kiến tạo bằng hành vi, lời nói, suy nghĩ tốt của bản thân. Bởi vậy, lễ cầu an còn có tên gọi khác là pháp hội Dược Sư cầu quốc thái, dân an.
Kinh Dược Sư mục đích chính là thắp đèn treo thần phan, niệm danh hiệu Dược Sư, tụng Kinh Dược Sư và trì chú Dược Sư, tất cả những nội dung này không ngoài mục đích là thắp sáng ngọn đèn tâm hướng về nẽo giác để đi, để xoay lưng với bóng tối, một khi ngọn đèn trí tuệ soi sáng thì giúp cho chúng ta biết phải sống trên nền tảng của hiếu kính, đó chính là phạm trù đạo đức của con người, đạo tràng Dược Sư đồng nghĩa với sự thanh tịnh tuyệt đối, lời nói, hành động và ý nghĩ phải thanh tịnh. Vì lời nói thanh tịnh tức là lời nói đó có chất liệu của từ bi, chất liệu của tuệ giác, có chất liệu từ bi thì lời nói đó biết thương yêu cho nên lời nói có chất liệu từ bi sẽ hàn gắn, xây dựng, lời nói có tuệ giác sẽ biết mình phải nói lời gì để không gây nên đổ vỡ, phải nói những lời gì để đem lại hạnh phúc, an vui.
Dù lễ cầu an được tổ chức dưới hình thức nào chỉ cần có lòng thành tâm và tinh thần thanh tịnh, tung kinh dược sư, suy nghĩ về 12 đại nguyện của đức Phật Dược Sư và phát tâm tu thực hành đúng lời Phật dạy vào trong cuộc sống chắc chắn tất cả đệ tử Phật tiếp nhận được Phật lực gia bị, đều thoát khỏi khổ đau, đều được thăng hoa phước đức, trí tuệ, thành quả tu tạo được lớn hay nhỏ, nhiều hay ít tùy thuộc ở mỗi người, thể hiện tâm lực, nguyện lực, hạnh lực đến mức độ nào trên bước đường theo dấu chân Phật.
Cao Lao Hạ, Tết Tân Sửu 2021
Tác giả Lê Anh Tuấn, con trai bác Lê Hồng Tâm, hiện làm việc tại Sở GTVT Quảng Bình