Tác giả Phan Văn Hà (ảnh caolaoha.com)
Lời Ban biên tập: Cây ngô đồng, nhân vật chính trong câu chuyện của anh Phan Văn Hà đã chứng kiến môt giai đoạn lịch sử chưa thật xa của làng Cao Lao Hạ; đó là một giai đoạn tuy còn thiếu thốn nhưng mà tình nghĩa xóm làng sao mà đằm thắm, thân thương; giai đoạn mà mọi người phải lao động cật lực để có hồ Cửa Nghè, hồ Vực Sanh mang nước ngọt đến cho mọi nhà; giai đoạn mà trẻ em đội mũ rơm đi học và trường lớp thì nằm trong lòng đất; giai đoạn mà dù bom cày, đạn xé nhưng vẫn rộn tiếng cười, tiếng hát, tất cả vì tiền tuyến, vì miền nam ruột thịt,...
Đọc xong bài “cây ngô đồng đầu ngõ”, chắc hẳn bạn đọc, ai cũng muốn biết cây ngô đồng đó hiện nó như thế nào?. Vâng, cây ngô đồng vẫn còn đó, cành lá nó sum sê hơn, nó vẫn lặng lẽ, âm thầm chứng kiến những đổi thay của quê hương. Mỗi lần về quê, ngước nhìn và thong thả bước về phía cây ngô đồng là những kỷ niệm xưa lại ào ạt hiện về, đâu đó như có tiếng chân trâu bước, có tiếng sáo, có mùi thoang thoảng của hương nếp tháng 10, có hình bóng ông bà, cha mẹ, bà con lối xóm. Có cả một miền tuổi thơ.
Tác giả cây ngô đồng đầu ngõ là anh Phan Văn Hà, hiện nghỉ hưu ở Đồng Hới. Anh đã đồng hành cũng caolaoha.com từ những ngày đầu thành lập; khi đang là Phó phòng môi trường của Công an Quảng Bình anh đã có những ý kiến quý báu và những việc làm thiết thực cùng quê hương phản biện việc xây dựng nhà máy bột cá ở cầu Gianh và nhà máy bột gỗ ở đầu nguồn Vực Sanh quê mình
Quê hương và bà con xóm 12 trân quý cây ngô đồng lắm, trong lần nâng cấp, bê tông hóa đường xóm năm 2012, ba mẹ anh Phan Văn Hà đã tình nguyện phá tường bức tường đã được xây kiên cố dài 35m lùi vào 1,5m, rồi nhà ông Uýnh, mệ Liên, anh Cường, anh Giới,... cũng tình nguyện bỏ hàng rào dâm bụt lùi vào hiến đất để mở đường mà không ảnh hưởng đến cây ngô đồng,
Tấm lòng của bà con thật là trân quý vô cùng.
Xin trân trọng giới thiệu với bà con bài viết “Cây ngô đồng đầu ngõ” tham gia phọng trào sáng tác "Chuyện làng Cao Lao Hạ" của anh Phan Văn Hà
T/M Ban biên tâp
TS. Lưu Đức Hải
Kính mời bà con hưởng ứng phong trào sáng tác "Chuyện làng Cao Lao Hạ" theo các thông tin tại đường dẫn sau:
https://caolaoha.com/phat-dong-phong-trao-sang-tac-chuyen-lang-cao-lao-ha
CÂY NGÔ ĐỒNG ĐẦU NGÕ
Về thăm quê giữa một trưa hè đầy nắng, gặp lại bà con cô bác ngồi hóng mát dưới tán cây ngô đồng trò chuyển. Vui nào bằng khi ta tìm lại hơi ấm xóm nhỏ quê nhà.
Trong không khí rổn ràng, trên gương mặt mọi người ai cũng hân hoan mừng xóm làng ta nay đã khang trang. Hòa chung niềm vui này, kỹ niệm về làng quê thân thương lại ùa về trong tôi. Năm tháng qua mau, cây ngô đồng nơi xóm nhỏ đã chứng kiến bao đổi thay của quê nhà vẫn tỏa bóng mát như ngày nào.
Làng quê tôi thuộc vùng hạ lưu sông Gianh, theo ông bà kể, ngày xưa là vùng đất bãi bồi do phù sa của con sông tạo nên. Cái mặn mòi của biển cả, cái ngọt ngào của dòng nước từ những cánh rừng Trường Sơn luồn lách qua những dãy núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng đổ về hòa với cái mặn mòi của biển làm cho mảnh đất quê tôi có một hương vị đậm đà của vùng nước lợ. Chao ôi nói đến cá tôm thì nhiều lắm, lũ trẻ ra đồng, xuống sông, xuống hói, một lúc, khi về là có đầy Oi (giỏ) các loại hải sản quê nhà. Mặc dù vậy người dân quê cũng còn thiếu thốn trăm bề. Việc làm ra hạt lúa củ khoai biết bao khó nhọc vì thiếu nước ngọt. Hạt thóc làm ra, chỉ chờ vào vụ tám, vụ mùa mười. Mùa hè gió lào nắng cháy, mùa lũ nước ngập đồng, tràn cả vào nhà. Có năm lũ về nước ngập quá xà nhà, có được hạt lúa, thúng khoai khô để dành cho ngày giáp hạt cũng ướt hết. Cuộc sống người dân quê tôi cứ tảo tần, chờ lứa khoai non tháng giêng cứu đói.
Những ngày hè ruộng đồng khô hạn nứt nẻ, lũ trẻ chăn trâu nô đùa trên đồng vô tình lúc chạy nhảy có thể lọt cả bàn chân xuống như chơi. Mới hôm nào, người anh cùng xóm, tranh thủ buổi sáng gánh đôi lu sành, băng qua cánh đồng làng khô hạn vào giếng Hóc ven núi gánh nước ngọt về uống. Bàn chân gầy lọt thỏm vào khe nứt của đồng đất khô hạn, người và gánh lộn nhào. Gánh nước bắn tung tóe, đôi lu sành vỡ ra từng mảnh. Chẳng nghỉ đến đau anh vội vàng đứng dậy, nhìn lại chỉ còn lại đòn gành cùng đôi quang mây. Bụng nghĩ thầm, phiên chợ tới phải nói mạ (mẹ) bán đi một đôi gà mình nuôi tham gia kế hoạch nhỏ đội Măng Non để mua lại đôi lu sành.
Lu vỡ lòng anh bối rối, nước trong chum hết rồi, lấy gì để gánh nước về cho gia đình uống hôm nay. Anh chợt nhớ ra, nhà bên có chú đi làm cán bộ lâm trường mang về hai tấm nilonl làm áo mưa. Hôm trước chú sang tặng cho anh một tấm làm quà để anh đi học vào những ngày mưa dầm, gió bấc. Anh nảy ra ý nghỉ sang nhà chú mượn thêm một tấm về để đi gánh nước.
Từng bước rụt rè anh tiến vào sân cất tiếng gỏi, chú thím có nhà không, từ trong bếp bước ra, người phụ nữ tươi cười hỏi, cháu sang chơi hay có việc chi cần thím giúp. Mừng quá anh liền nói, cháu đi gánh nước vấp ngã vỡ lu sành rồi, nhà không còn, thím cho cháu mượn thêm một tấm nilonl lót vào sọt để đi gánh nước.
Nhìn thấy thằng cháu tội nghiệp, người phụ nữ chảy vào nhà lấy tấm nilonl đưa cho anh, ừ cháu cầm lấy. Anh mừng quýnh, không kịp nói lời cảm ơn, vội chạy đi, người thím nhìn theo dành cho anh nụ cười thương thương. Bước qua vườn anh giật vội vài tàu là chuối khô, tiến tới hiên nhà anh lấy hai cái sọt (Trooi), cha mới đan hôm qua để đi cắt cỏ cho bò, anh đặt sọt vào đôi quang mây cùng hai tấm nilonl nâng đòn gánh lên vai bước đi.
Nhìn thấy con quang gánh ra đi, mẹ anh nói theo: “Mi đập bể lu rồi còn đi mô đó nữa”. Anh ngoáy đầu nói: “Tui đi sương nác”. Mẹ anh gắt giọng: “Đời thuở mô mà mi đi sương nác bằng trooi (sọt)”.
Chân bước đi nước mắt rơm rớm, thương cho mẹ đã chắt chiu góp nhặt từng mớ rau cả tháng mang ra chợ bán mới mua được đôi lu sành. Nhưng anh cũng vui vui trong lòng, trong cái khó ló cái khôn vì mình đã nghĩ ra sáng kiến mới.
Khi anh gánh hai cái sọt đầy nước được buộc chặt trong tấm nilonl bằng sợi dây tàu lá chuối khô về nhà, mọi người nhìn theo anh ngạc nhiên và thán phục. Bố anh đang cặm cụi buộc lại hàng rào dâm bụt đầu ngõ, ngước lên nhìn con tủm tỉm cười. Bà mẹ như biết lỗi lúc nãy mắng oan con, chạy ra, cái giọng chan chát lúc nãy giờ đây sao mà dịu dàng : “Con vô lấy khoai mạ mới luộc ăn đỡ đói đi con”. Thương con, trên gò má bà, hai hàng nước mắt từ từ lăn xuống.
Anh nhẻ nhàng đặt gánh nước xuống trước hiên nhà cạnh cái chum, cúi xuống mở cái giây tàu lá chuối khô buộc tấm nilonl chứa nước đầy trong sọt. Hiểu ý con, bà bước đến mở tấm ván đẩy nắp chum, với tay lấy cái gáo dừa treo trên vách, múc nước đổ vào chum cho anh. Trong lòng bà nghĩ thầm, đôi lu sành mình mua nhỏ bé quá. Gánh nước hôm nay đổ đã đầy chum mà còn dư nửa sọt. Bà cũng vui vui thấy con mình sức vóc đã lớn hơn xưa, trong lòng thầm cầu chúc cho con sức dài vai rổng bằng chị, bằng anh. Anh bảo với mẹ: “Nhà chú thím cũng gần hết nước rồi, ta thừa, con mang sang đổ vào chum cho chú thím và trả luôn tấm nilonl”, bà bảo “Con làm rứa là có nghĩa, có tình đó”. Anh gánh nước tiến vào sân cất giọng gỏi: “Thím ơi cháu gánh nước về rồi nay mang sang cho chú thím một ít, thím mở chum cháu đổ vào cho”.
Người thím từ trong nhà chảy ra: ‘Thôi để bên nhà dùng chiều thím đi gánh”. “Dạ bên nhà cháu đã đổ đầy chum rồi ạ”. Người thím nhìn đứa cháu cười âu yếm: “Thím cám ơn cháu, thằng này giỏi thiệt”. Từ sáng kiến ấy, bà con quê tôi không sợ vỡ lu sành, khi đi gánh nước trong núi về uống.
Quê tôi những ngày đầu xây dựng cuộc sống mới, làng trên xóm dưới còn thiếu thốn vào mùa giáp hạt. Bà con cũng phải vào rừng hái quả mít Nài, hột Sót về làm lương thực chống đói. Cũng may rừng còn là người bạn tri ân chia sẻ khốn khó cho bạn nhà nông.
Bao đêm thao thức suy nghĩ của những con người làng Hạ, mong ước làm sao đưa nước từ những con khe, con suối trên núi về đồng đất quê mình cho cây lúa hạt vàng trĩu bông, vườn rau xanh tốt làng quê thoát cảnh đói nghèo.
Lòng mong đợi của nhân dân đã thành hiện thực, Chính quyền ra quyết tâm xây hồ, đắp đập đưa nước về làng tưới mát cho ruộng đồng, hoa trái vườn nhà sẽ tốt tươi, cuộc sống sẽ đổi thay no đủ.
Hòa chung vào dòng người đi đắp hồ chứa nước mùa hè năm ấy, lũ trẻ chúng tôi cũng theo sau, thật mừng vô kể, khó mà tả nổi. Tuổi thơ hồn nhiên ngơ ngác, đứng nhìn dòng người lao động tấp nập như ngày hội. Bà con cô bác, hồ hởi kĩu cà kĩu kịt gánh đất đắp đê, như muồn làm thật nhanh, để sớm ngăn con suối thành hồ nước, dẫn theo con mương về làng tưới cho những thửa ruộng đang chờ. Trong lòng mỗi người dân quê phấn chấn, rồi đây dòng nước ngọt từ những bàn tay lao động theo con mương về, những thửa ruộng sẽ cho hạt thóc đầy bồ, mọi nhà no đủ, hạt gảo gửi ra tuyền tuyến càng nhiều hơn.
Người người say sưa lao động, lũ trẻ gọi nhau lên đồi hái sim. Những quả sim chín mỏng ngọt lịm, một thứ mật ngọt thiên nhiên ban tặng, được cây sim chắt lọc trên mảnh đất đồi sỏi đá. Đứa nào cũng cố hái thật nhiều để mang xuống cho các cô, dì, chú, bác cùng ăn. Xuống đồi đứa nào cũng đầy nón sim chín, liêu xiêu bước đi, nhìn nhau cười, môi và hàm răng nhuộm một màu tim tím.
Thấm thoắt mặt trời đã gần đứng bóng, một hồi kẻng vang lên báo hiệu giờ nghỉ trưa. Mọi người ngừng lao động, đi xuống khe, rửa mặt, lau mồ hôi, rồi bước về quây quần bên những nón sim chín của lũ trẻ mang đến cùng ăn. Nón sim của lũ trẻ cùng góp phần làm vơi đi mệt nhọc của buổi lao động. Các mạ, các o, vai gánh, tay bưng cơm, thức ăn đi về các đội. Trên những bãi đất cỏ lá của đồi sim, mọi người quây quần bên mâm cơm cùng ăn trong không khí phấn khởi. Bữa cơm hôm nay có thêm thịt, hợp tác xã cho mỗi đội sản xuất làm thịt một con lợn, để góp thêm thực phẩm tươi cho bà con trong những ngày lao động khẩn trương xây hồ chứa nước Cửa Nghè quê tôi.
Xa xa hai người đàn ông rắn rỏi trong bộ cánh bà ba, quần xắn đến gối, đầu đội nón lá quai mây, trong tay cầm cây thước gỗ và bản vẽ thiết kế con đập, vừa đi vừa trò chuyện. Phát hiện ra những ánh mắt nhìn trộm của những cô gái, chàng kỹ sư trẻ hai má ửng đỏ, cái thẹn thùng càng tăng thêm vẻ đáng yêu. Hai người cũng ghé vào ăn vội bát cơm cùng bà con, rồi lại vội vàng vẫy tay chào bà con để kịp về báo cáo tiến độ xây đập mà trong lòng đầy hân hoan.
Bóng hai người khuất dần trên con đường, băng qua cánh đồng, để về kịp phiên họp chiều của Ủy ban xã, họp bàn bàn phương án quy hoạch sản xuất vụ đông xuân mới. Họ mang về hội nghị với niềm hân hoan của bà con cô bác thi đua hoàn thành hồ chứa nước cho làng quê kịp cho vụ mùa đang đợi.
Một ngày lao động thật là vui, chiều hôm đó ông Đoàn xách về một cây ngô đồng nhỏ. Vừa về đến đầu ngõ, những đứa cháu đang nô đùa trong sân chạy ùa ra đón, ông dang rộng vòng tay ôm chúng vào lòng. Vừng trán cao, chòm râu bạc nổi bật giữa lũ trẻ đáng yêu. Đứa nào cũng đưa tay vuốt nhẹ chòm râu bạc, ông vui sướng nở nụ cười đôn hậu. Ông bảo đứa cháu lớn vào nhà lấy cái xẻng, hai ông cháu tiến lại đầu ngõ đào cái hố ven đường xóm, trồng cây ngô đồng. Lũ trẻ đứng quây quần nhìn hai ông cháu trồng cây, bà con lối xóm đi làm về, họ dừng lại trò chuyển.
Ông ân cần bảo: “Bà con nhớ về làm chõng tre để hôm nào ta cùng mang ra đặt dưới tán ngô đồng ngồi hóng mát những ngày hè nhé”.
Từ trong nhà bà bước ra chào mọi người và hỏi: “Ông trồng cây chì đó”. Ông quay lại mỉm cười nhìn bà trìu mến và nói: “Tui thấy có cây ngô đồng mọoc bờ khe, tôi đem về trồng để có bóng mát cho xóm làng, bà nhớ tưới nước cho cây mau lớn nghe”. Bà không giấu được niềm vui, nhân tiện bà mời: “Bà con vô nhà uống với ông một bát nước lá rừng và ăn cái kẹo lạc tui mua về từ phiên chợ sáng”.
Niềm vui nhân lên niềm vui, bà khoe: “Hôm nay tui đi bán chục nón lá, vành nón ông tui làm, ui chà cả phiên chợ đều khen nón lá làng mình đẹp lắm”. Ông nở nụ cười mãn nguyện, “Ừ mời bà con ta vô nhà cho vui cùng bà tui”.
Bên bát nước lá rừng đậm hương vị thuốc nam của cánh rừng quê và những thanh kẹo lạc đượm tình, nặng nghĩa, cởi mở tấm lòng của người quê mộc mạc.
Năm ấy con đập nước cũng xây xong, con mương nhỏ dẫn nước uốn lượn băng qua cánh đồng về làng. Dòng nước mát chứa bao mồ hôi và nổi nhọc nhằn đã về tưới cho những thửa ruộng bao đời đợi mưa. Cây lúa vụ đông xuân, vụ mùa, nõn nà vươn lên cho bông vàng trĩu hạt, vườn nhà cũng đầy hoa trái, làng trên xóm dưới rộn rã tiếng cười, mừng mùa bội thu.
Chúng tôi những đội viên đội Măng Non sau giờ học cũng ra đồng gặt lúa, gánh về sân kho hợp tác. Những cô cậu học trò nhỏ nhắn, trên vai gánh lúa, người lẫn trong lúa kĩu cà kĩu kịt, quang chùng quét đất mà ngỡ như lúa đang nhảy múa về làng. Vui trong niềm vui được mùa, cái hồn nhiên của người dân làng Hạ hòa vào cuộc sống mới đã và đang vươn lên, rồi mai đây quê hương, đất nước mình giàu đẹp.
Cuộc sống chứa chan tình người, cây ngô đồng cũng vươn cao, tỏa bóng mát đầu ngõ, những gai nhọn ở phần gốc đã rơi đi từ lúc nào chỉ để lại lớp vỏ xù xì. Gốc cây ngô đồng cùng với chiếc chõng tre ngày ngày như một điểm hẹn hò của bà con lối xóm cùng lũ học trò và những trai thanh, nữ tú.
Cứ vào buổi trưa, chiều đi làm đồng về, ông Đoàn cùng bà con lối xóm mang chõng tre ra đặt quanh gốc dưới bóng cây ngô đồng, ngồi thong thả vót nan, đan lát. Thấy mọi người quay quần đông vui, bà bưng ra một nồi nước lá rừng và mấy cái bát úp trong khay nhỏ, đặt vào chõng tre và không quên cái rá nhỏ đựng trầu cau, cùng đùm thuốc lá. Dưới tán ngô đồng thật là vui, họ vừa làm vừa trò chuyển, cùng ăn trầu, hút thuốc, uống nước nhấm nháp hương vui thuốc Nam của núi rừng làng Hạ.
Rồi cùng từ đây những chiếc thúng, cái mủng, cái dần, cái sàng, cai rổ, cái rá, cái gầu sòng, gầu giai, cái nò, cái nơm, cái lờ ..., được làm ra phục vụ cho cuộc sống quê nhà, một phần theo các bà về phiên chợ, đế với các miền quê.
Cây ngô đồng cùng chiếc chõng tre như người bạn tri ân của xóm nhỏ, đêm đêm ông lại dành chiếc chõng tre cho bọn con gái, con trai làng ngồi trò chuyển. Miếng trầu, điếu thuốc cũng là người bạn tri ân của các lão nông quê tôi. Từ ngày cây ngô đồng tỏa bóng mát cùng chiếc chõng tre đầu ngõ, ông bà Đoàn càng phấn khởi trong lòng. Sáng sớm nào cũng vậy, ông mở bó thuốc lá ông gác đầu hiên, lấy xuống một xấp, trải xuống nền nhà. Ông múc một gáo nước dùng năm ngón tay nhúng vào, ông vẫy đều, lá thuốc có hơi ẩm của màn sương dịu lại. Ông nhặt lên, gỡ các cọng lá, dùng khăn lau và xếp chúng ngay ngắn. Ông tìm những tấm lá đẹp nhất xếp mặt ngoài để vỏ cuốn thành một thỏi tròn bằng ngón chân cái, dài khoảng một gang tay. Lũ trẻ chúng tôi chăm chú nhìn cuộn thuốc lá giống khúc dồi heo mẹ đi chợ quê mang về hôm rằm. Ông bước tới hiên nhà, rút con giao rựa và cái bàn kê cắt thuốc.
Thật đơn giản cái bàn cắt thuốc lá của các lão nông quê mình là một thanh tre dày, dài khoảng ba gang, từ dưới lên khoảng một gang có một cái lỗ tròn vừa bằng thỏi thuốc ông cuốn. Đặt thanh tre lên cái điểm lõm đòn gỗ, ông tỳ nách vào đầu trên của thanh tre, tay trái đưa thỏi thuốc lá vào lỗ, tay phải cứ đều đều đưa dao lên xuống, nhịp nhàng. Những sợi thuốc lá cuộn tròn từ bàn tay ông vun trồng chăm chút, cứ đều đều lăn xuống, một lúc ông đã có một gói thuốc lá sợi màu nâu vàng óng. Ông nhặt vào trong một cái bao da, ngăn bên có chứa vài xấp giấy buluya bà đi chợ mua về cho ông. Bà con cô bác đi làm đồng về thường dừng chân nghỉ ngơi trò chuyện, uống bát nước lá mồng năm giữa buổi trưa hè, ăn một miếng trầu, hút một điếu thuốc khi tiết trời thu se se lạnh cùng ông.
Vui nhất khi được ngả lưng nằm nghỉ trên cái chõng tre thật đáng yêu. Dưới tán cây ngô đồng vào những trưa hè đầy gió, thiu thiu ngủ, mới cảm nhận được miền quê thân thương, yên bình thoảng hương đồng nổi, thật thú vị biết nhường nào. Những trưa hè lũ trẻ dắt trâu, bò, về dưới tán ngô đồng, những “Người bạn” nhà nông cũng cảm nhận cái khoan khoái, nằm nghỉ nhai trầu bỏm bẽm. Lũ con gái cũng dành một góc để chơi nhảy dây ... trong tiếng cười nói râm ran, rồi những câu hát đồng giao cất lên trong trẻo của bầy trẻ thơ. Bọn con trai tranh thủ thiu thiu ngủ trên lưng trâu, để chiều nắng ngã bóng, dắt những “Người bạn” ra con đê làng gẳm cỏ, rồi kéo nhau xuống sông vùng vẫy.
Con sông Gianh cứ ôm ấp lũ trẻ chúng mình vào lòng, chứng kiến chúng mình khôn lớn từng ngày. Cũng từ bến sông làng quê thân thương, lũ trẻ chúng mình trưởng thành tỏa đi trên mọi nẻo đường đất nước.
Cuộc sống thị thành ngày ấy chưa len lỏi vào làng quê, người dân quê tôi chân chất mộc mạc, cây ngô đồng cứ chứng kiến cuộc sống đổi thay từng ngày. Đất nước lại bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cái làng quê hiền hòa bên con sông Gianh trong xanh, nơi những con phà ngày đêm qua lại đôi bờ nối hai đầu đất nước, từng tốp máy bay Mỹ gầm rú, tiếng bom chát chúa. Làng quê chìm trong khói lửa, đêm ngày lửa cháy, để lại những khung nhà, mái trường, tro tàn xác xơ, người dân quê mình vẫn vui cười. Nhà chưa dựng nhưng lớp học phải có, mọi người lại động viên nhau, tay liềm, tay rìu, tay rựa, lên rừng bứt tranh, chặt gỗ đem về dựng lại lớp học.
Những lớp học nhà hầm kiên cố, đêm đêm ánh đèn dầu phòng không le lói soi rõ từng trang sách. Nét chữ bằng đất sét trắng lấy trong khe núi về nặn ra làm phấn, từ bàn tay thầy cô viết lên tấm bảng đen, lớp học đã đi vào lòng lũ học trò tinh nghịch, mở ra một khung trời mới cho tương lai.
Những kỹ niệm ngày ấy, thầy cùng trò vào rừng chặt gỗ về làm hầm tránh bom, thật hồn nhiên. Tranh thủ những giờ máy bay Mỹ chưa đến ném bom, trò cùng thầy cố nhanh chân vác gỗ qua giốc Oằn, ngồi nghỉ cùng ăn vội vài củ khoai luộc, mẹ gói cho buổi sáng, làm vơi đi cái bụng đói. Thầy trò nhanh nhanh kéo nhau xuống khe nước rửa mặt, ngửa lòng bàn tay bốc từng vốc nước đưa lên uống mà lòng hả hê. Con khe nước róc rách chạy trong vắt soi rõ từng khuôn mặt, qua làn nước, thầy trò nhìn nhau cười hả hê mà quên đi cái nhọc nhằn.
Lớp học thời chiến dựng lên, ngày đêm vẫn được duy trì, giặc Mỹ ném bom đốt phá, thầy trò dưng lại nhà, sửa lại bàn ghế, tiếng hát át tiếng bom, cái mũ rơm cứ tung tăng cùng các em nhỏ đến trường.
Cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt, máy bay Mỹ ngày đêm trút xuống làng quê hàng trăm tấn bom đạn, đủ các loại. Giặc phá ta cứ đi, đêm đêm những chuyến phà lặng lẽ qua lại đôi bờ. Cây ngô đồng cùng ông Đoàn và bà con cô bác lại chứng kiến những đoàn quân nối nhau ra tuyền tuyến, những trai thanh, nữ tú rảo rực phơi phới tuổi đôi mươi lên đường đánh Mỹ. Cây ngô đồng đầu ngõ, tỏa bóng, cành lá vươn dài như muốn theo bước chân anh bộ đội, che chở cho các anh trong gió mưa, bom đạn.
Giặc Mỹ không khuất phục được người dân quê tôi, cũng như cây ngô đồng ngày ngày cứ vươn cao đầu ngõ. Những giờ phút yên bình, ông lại mang cái chõng tre ra ngồi cùng bà con lôi xóm vót nan, đan thúng… làm vành nón cho bà kịp phiên chợ tới, đan gầu tát nước cho ruộng đồng…
Ngày qua ngày các chú bộ đội hành quân qua ngõ, dừng chân ngồi nghỉ trên chiếc chõng tre, dưới tán ngô đồng, kể chuyện chiến trường, chuyện miền Nam đánh Mỹ cho ông cùng bà con cô bác nghe. Khi nói đến những trận thắng giòn giã của bộ đội ta, mọi người hân hoan. Nhưng các anh không giấu nỗi nghẹ ngào, chia sẻ cùng ông và bà con cô bác, trận mạc không tránh khỏi... Nói đến đây đôi mắt người dân quê tôi rơm rớm lệ, những giọt lệ tràn qua gò má rám nắng đầy nếp nhăn của những người dân quê tôi.
Từ trong nhà bà bưng ra nồi cua luộc, hồi sáng ông đi đơm ngoài con hói về, cùng dĩa muối ớt và rá khoai lang luộc còn bốc hơi nghi ngút. Bộ đội cùng ông và bà con cô bác quây quần bên chiếc chõng tre vừa ăn vừa kể chuyển. Quay vào nhà bà xách thêm ấm nước lá rừng và mấy cái bát, kèm theo một bọc khoai Deo. Bà nói: “Mạ gửi các chú món quà làng quê mang đi trên đường hành quân ăn cho vui đó. Các chú đi chân cứng đá mềm nghe”.
Rồi cũng đến lúc các anh bộ đội lên đường hành quân, phút chia tay bùi ngùi, các anh chỉ gửi lại các Bọ, các Mạ lời chúc mạnh khỏe, hẹn ngày các con trở về thăm và xin các bọ các mạ khoai Deo làng Hạ về làm quà đất Bắc.
Các đoàn quân đến rồi lại đi, nỗi nhớ thương của người hậu phương quê tôi cứ vời vợi trong lòng. Các anh bộ đội đi rồi, gia đình ông Đoàn cùng bà con lối xóm với chiếc chõng tre, vẫn bên gốc ngô đồng ngày ngày vẫn trò chuyển, nhắc về các anh các chị và những người con của làng quê đã lên đường đánh Mỹ và luôn mong ngóng tin.
Chiến tranh đi qua, bà con cô bác vui mừng đón các đoàn quân trở về, cây ngô đồng đung đưa trước gió như vẫy chào. Trong đoàn quân ra trận trở về còn thiếu vắng những người con ra trận ngày nào. Họ đã nằm lại nơi chiến trường xa mà lòng mọi người thắt lại. Giờ đây các anh, chị yên nghỉ ở nơi nao, Tổ Quốc, quê hương đời đời ghi nhớ công ơn các anh, chị.
Nhớ những đêm trăng, từng nhóm bạn tủm năm, tủm bảy cùng nhau dưới gốc ngô đồng. Lũ trẻ rủ nhau chạy ùa ra sông tắm mát, dưới ánh trăng man mác soi rõ từng con sóng lấp lánh. Lũ trẻ chạy ào lên thân đê ngửa mình trên thảm cỏ ngắm sao trời. Thật hồn nhiên của tuổi thơ, sóng rì rào vỗ nhẹ vào chân đê, cùng ngỏn gió nồm thoang thoảng làm cho lũ trẻ thiêm thiếp ngủ dưới vòm trời đêm. Dật mình tỉnh dậy khi nghe tiếng còi phà cập bến ban mai, chúng mình nhìn nhau cười ngơ ngác rồi cùng rảo bước về làng. Xa xa những rặng tre đung đưa trong ngọn gió lào thổi từ đồng trước vào làng, mang hơi thở của Trường Sơn hùng vĩ. Những mái nhà tranh lúc ẩn lúc hiện sau những lũy tre, con xóm nhỏ, thật đẹp đó quê mình.
Cây ngô đồng đã bao lần thay lá, cũng bao lần mảnh bom đã cắt trụi cành nhưng nó vẫn rắn rỏi như người dân quê mình, cây lại đâm chồi nảy lộc, cành lá lại vươn dài sum sê. Chúng mình mỗi ngày một lớn khôn, câu chuyện người dân quê mình đi gánh nước bằng sọt nói ra thật buồn cười, thoạt đầu chẳng ai tin nhưng sử thực là vậy.
Ký ức những năm tháng máy bay Mỹ ném bom, thầy trò chúng mình cứ học. Lớp học ban đêm tranh thủ ánh đèn pháo sang thay cho những ngỏn đèn phòng không. Đêm đêm pháo sáng giặc Mỹ đầy trời soi rõ bờ tre gốc lúa, khóm chuối... Ống pháo sáng rụng khắp nơi, bà con quê tôi bảo rằng thằng Mỹ cũng biết điều, chúng đưa ống nhôm đến cho làng quê mình làm thùng gánh nước. Ui chao cũng bền, chắc lắm, nhà nào cũng có vài đôi, bác Đạm thợ gò, tất bật ngày đêm làm ra những chiếc thùng gánh nước xinh xắn. Sáng kiến của người anh hàng xóm gánh nước bằng sọt lại đi vào kỹ niệm.
Cây ngô đồng xóm nhỏ vẫn xanh mát tỏa bóng như ngày nào. Tiếng rì rào của lá như đang trò chuyển cùng tôi về những người quê chân chất, thân thương với chiếc chõng tre ngày nào. Nồi khoai lang luộc, bát nước lá rừng vị thuốc Nam của cánh rừng quê đưởm tình làng nghĩa xóm còn mãi vương vấn kỹ niệm. Những năm tháng tuổi thơ, năm tháng hào hùng đánh Mỹ, luôn chất chứa trong lòng mỗi chúng ta. Đồng quê giờ đây một màu vàng của lúa, thoang thoảng hương thơm mùi rơm mới ngày mùa trên từng con xóm nhỏ thân quen níu bước chân tôi ...
Tháng 10/2011
Kỹ ức về làng Hạ thân thương! (biên tập lại 10/2024)