Lời Ban biên tập: Xã Hạ Trạch có lợi thế rất lớn về nuôi trồng thủy sản, cụ thể: (i) Có quy mô diện tích lên tới 120ha (lớn nhất huyện Bộ Trạch); phân bố rất tập trung, chạy dọc theo sông Gianh đủ lớn để có thể hình thành một khu nuôi trồng tập trung và ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến; (ii) Có Hói tự nhiên chạy giữa từ Hói Hạ lên quá Đồng Phố, lại được điều hoà bởi hai cống thông ra sông Gianh nên rất thuận lợi cho nuôi trồng; (iii) Nằm sát đường quốc lộ 1A và cảng Giang nên rất thuận lợi cho vận chuyển, tiêu thụ; (iv) Bà con hiện đang nuôi trồng rất cần cù, yêu quê, có khát vọng làm giàu ngay trên quê mình, có ít nhiều kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản; (v) Được sự quan tâm lớn của Tỉnh, huyện với khá nhiều dự án, mô hình thí nghiệm đã được triển khai. Nếu được quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng các mô hình và kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến thì nuôi trồng thủy sản chắc chắn sẽ trở thành mũi đột phá của làng ta; nếu làm tốt doanh thu ước tính có thể đạt tới 150 tỷ đồng/năm.
Ngày 8/9/2011, caolaoha.com có đăng bài “Ý tưởng quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ (vùng Hói), lấy việc nuôi tôm làm mũi nhọn phát triển kinh tế xã hội của xã Hạ Trạch giai đoạn 2010-2020 và những năm tiếp theo” của anh Nguyễn Danh Lợi (xem tại đây); tiếp đó, ngày 10/9/2011 đăng bài “Ý kiến của anh Tuan65kt về quy hoạch quê hương” ghi lại cuộc trao đổi giữa anh Trần Quang Tuấn (tuan65kt) và anh Lưu Đức Hải về ý tưởng phát triển vùng Hói (xem tại đây), và ngày 10/10/2011 đăng bài “Các yếu tố, nguồn lực cho phát triển KT – XH xã Hạ Trạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của anh Lưu Đức Hải (xem tại đây) đề cập đến các tiềm năng cho phát triển quê nhà,…; cùng với những bài viết trên là rất nhiều ý kiến, bình luận rất tâm huyết của rất nhiều bà con xung quanh vấn đề phát triển nuôi trồng thủy sản của quê hương. Tuy nhiên, đến nay vùng nuôi trồng của quê ta vẫn chưa được quy hoạch, đang được chia nhỏ manh mún với khoảng 150 hồ, nhiều hồ đang bỏ hoang; nuôi trồng chủ yếu là quảng canh, chưa có biện pháp nuôi trồng có tổ chức khoa học và chuyên nghiệp nên năng suất rất thấp, bấp bênh.
Caolaoha.com xin đăng lại bài “Chuyển đổi nuôi thủy sản theo hướng bền vững” của Danh Hiền đăng trên báo Đài phát thanh và truyền hình quảng Bình với hy vọng đây là những tín hiệu ban đầu rất tốt cho vùng nuôi thủy sản quê ta.
T/M Ban biên tập
Lưu Đức Hải
Chuyển đổi nuôi thủy sản theo hướng bền vững
Một số vùng nuôi tôm ở tỉnh Quảng Bình đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước, ao hồ dẫn đến dịch bệnh trong các vụ nuôi. Trước thực trạng đó, việc chuyển đổi sang nuôi các đối tượng thủy đặc sản như cá chẽm, cá bống bớp, cá chim vây vàng... trên ao nuôi tôm kém hiệu quả đang được một số hộ dân thực hiện nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, cải thiện môi trường ao hồ, từ đó hướng đến mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Vùng nuôi trồng thủy sản của xã Hạ Trạch chạy dọc theo sông Gianh có diện tích gần 120 ha, là vùng nuôi có diện tích lớn nhất của huyện Bố Trạch. Mặc dù là vùng nuôi tập trung có diện tích lớn, lại có hói tự nhiên chạy qua giữa vùng nuôi từ Hói Hạ lên quá Đồng Phố và được điều hòa nước bởi hai cống thông ra sông Gianh, nhưng do người dân chủ yếu nuôi thủy sản theo kiểu quảng canh nên sản lượng thu được thấp, hiệu quả kinh tế không tương xứng với tiềm năng. Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, tăng hiệu quả kinh tế và hạn chế dịch bệnh trên ao nuôi tôm kém hiệu quả, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã thực hiện mô hình nuôi cá chim vây vàng tại hồ nuôi ở xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch và phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn.
Ảnh: Chuyển đổi từ ao nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá bống bớp, cá chim vây vàng góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, giúp bà con phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
Suốt hơn 4 tháng qua tính từ khi thả cá giống, công việc hàng ngày của ông Lê Chiêu Bình, hộ thực hiện mô hình chuyển đổi ao nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá chim vây vàng là cho cá ăn, kiểm tra tình hình ao hồ và sự sinh trưởng của đàn cá. Ông Bình có đến 6 hồ nuôi với diện tích 2ha, chủ yếu nuôi quảng canh các đối tượng như tôm sú, tôm thẻ, cua, cá rô phi đơn tính... Theo ông Bình, vùng nuôi này dù có diện tích lớn, nhưng do các chủ hồ không làm ao chứa lắng mà lấy nước và xả nước trực tiếp vào ao qua cống sông, nên mấy năm đầu nước sạch, nuôi tôm cua còn có hiệu quả; về sau nguồn nước bị ô nhiễm nên thỉnh thoảng lại xuất hiện dịch bệnh tôm, người nuôi lại đối mặt với rủi ro, bởi số vốn bỏ ra cho con tôm khá lớn. Vì vậy, khi có Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh thực hiện nuôi thử nghiệm cá chim vây vàng trên một ao nuôi tôm của gia đình, ông Bình đã hào hứng tham gia.
Ông Lê Chiêu Bình - Xã Hạ Trạch – huyện Bố Trạch phấn khởi nói: “Nhờ các yếu tố thuận lợi như thời tiết, nguồn nước, thức ăn. .. sau 4 tháng nuôi cá chim vây vàng tôi thấy tỷ lệ sống của loại cá này đạt gần 100%. Cá chim vây vàng là loại cá có giá trị dinh dưỡng cao, với thị hiếu của người dân hiện nay thích ăn các loại cá có chất lượng cao, vì vậy mà đầu ra của loại cá này rất tốt”.
Với giá thị trường khoảng 100.000 đồng/kg, nếu đạt mục tiêu thu hoạch đề ra, hồ nuôi của ông Bình dự kiến thu được 1,5 tấn, doanh thu 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 50 triệu đồng. Mặc dù không có lợi nhuận cao so với nuôi tôm, nhưng theo ông Bình, nuôi cá chim vây vàng bền vững hơn, do đây là đối tượng thủy đặc sản nên thị trường tiêu thụ tốt, lại dễ nuôi, ít dịch bệnh và cải thiện được môi trường ao nuôi.
Trước đó, năm 2013, mô hình chuyển đổi từ ao cát nuôi tôm sang nuôi cá bống bớp với quy mô 1.100m2 được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh thực hiện tại hộ anh Hồ Long tại vùng nuôi tôm xã Đại Trạch đã được người dân đánh giá cao bởi tính bền vững của mô hình. Gia đình anh Hồ Long trước đây nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng mấy năm trở lại đây, do tình hình dịch bệnh, môi trường nuôi ô nhiễm, hiệu quả nuôi tôm không như mong muốn nên được chuyển sang nuôi một số đối tượng mới như cá chẽm, cá dìa... Khi được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh khuyến khích nuôi thử nghiệm đối tượng mới là cá bống bớp, gia đình cũng mạnh dạn nuôi thử để từ đó tìm ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản trên vùng cát này. Sau 7 tháng thực hiện mô hình, gia đình thu hoạch 900kg cá bống bớp, với giá thị trường 250.000 đồng/kg, trừ chi phí còn thu lãi trên 70 triệu đồng.
Anh Phan Ngọc Cường, cán bộ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cho biết: “Xã Hạ Trạch có vùng nuôi tôm kém hiệu quả, do người dân nuôi tự phát nên nguồn nước bị ô nhiễm khiến tôm bị dịch bệnh nhiều. Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã đưa loại cá bống bớp vào nuôi thử nghiệm ở xã Hạ Trạch và được người dân rất hưởng ứng. Năm 2014, Trung tâm cũng đã đưa loại cá chim vây vàng vào nuôi thử nghiệm ở xã Hạ Trạch. Cả hai loại cá này đều được nuôi thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân ở đây”.
Mặc dù là các đối tượng nuôi mới, nhưng các mô hình chuyển đổi từ ao nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá bống bớp, cá chim vây vàng... đang được người nuôi đánh giá cao. Việc chuyển đổi sang các đối tượng nuôi mới này không chỉ góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, giúp bà con phát triển kinh tế, mà còn hướng đến mục tiêu phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường