Mặc dù quê mình vẫn còn nghèo nhưng so với trước kia thì đã khá hơn nhiều lắm. Bây giờ đi đâu ra khỏi làng chỉ cần mang theo một ít tiền là ung dung chứ hồi xưa thì làm gì có tiền nên đi đâu người quê mình thường mang theo đủ thức ăn, đồ uống. Ngôn ngữ quê mình thường gọi là là bới cơm, bới keng...
Lê Chiêu Phùng sinh ra và lớn lên vào thời kỳ quê còn nghèo khó nên cái chữ bới đã ăn quá sâu vào tâm trí anh. Anh làm truyền hình, viết báo lương cũng khá thế nhưng anh vẫn duy trì cái tính tiết kiệm như xưa, đi công tác xa hay gần anh cũng đều bới theo đầy đủ đồ ăn thức uống. Có lần ra Hà Nội, mời anh đi ăn, anh vui vẻ nhận lời nhưng khi quán ăn bày ra đủ món thì anh cũng mở bâu bày ra bàn cơm, keng, ruốc, nác mắn... do eng bới từ Đồng Hới ra. Chúng tôi tranh nhau ăn những món anh bới một cách ngon lành.
Cái chuyên đi đâu bới theo cơm như anh Phùng thì quê mình chắc có nhiều người làm lắm, nhưng chuyện sau đây của eng thì tôi chưa tìm được ai như anh. Nghe nói, hồi xưa khi eng Phùng lấy vợ, nhà nghèo nhưng ôông mệ vẫn bán một con bò u, 5 tạ ló để mần đám cưới cho eng. Do đám cưới to và tốn nên eng Phùng quý vợ lắm, tìm mọi cách để thu hồi vốn. Có lần tâm sự với ông Tuấn đầu bạc, eng nói: "cấy tui do ông mệ bán bò u cưới về cho tui, tui phải dùng thường xuyên kẹ phí, ông mệ la". Vì thế mà đi công tác đâu anh cũng mang vợ theo, quê mình gọi là "bới theo cấy" hay "bới cấy". Bà con Đồng Hới quý anh, thương cái tính tiết kiệm của anh nên đặt cho eng cái tên rất trìu mến là Phùng "Bới Cấy".
Chao ôi, trong thời đại này, lũ chúng tôi chỉ mong đi công tác, trốn cấy được ngày nào hay ngày ấy thế mà eng Phùng hơn 60 vẫn giũ được truyền thống tiết kiệm của quê hương thì thật đáng khâm phục. Tôi đã hiểu vì sao trong các bức ảnh kèm theo các phóng sự chỗ nào có anh là có chị bên cạnh. Chúc anh tiếp tục phát huy truyền thống tiết kiệm của quê mình, luôn là tấm gương cho đàn em anh nhé.