Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Con đường trở thành bác sỹ nội trú của cô gái Việt

Bài viết về chị Phạm Lê Na, người làng Cao Lao Hạ đăng trên báo Vnexpress ngày 15/4/2021

Bác sĩ Phạm Thị Lê Na tại tại trung tâm ung thư MD Anderson, Houston, Texas. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Lời Ban biên tập: Phạm Lê Na là con gái của ông bà Phạm Đình Vạnh – Lưu Thị Tâm, nhà ở xóm 9, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sinh ra và lớn lên tại làng Cao Lao Hạ, từ một học sinh trường làng Phạm Lê Na đã trở thành Bác sỹ, làm việc tại bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, rồi trở thành Bác sỹ nội trú tại Hoa Kỳ. Đó là một chặng đường đầy kỳ tích.

Caolaoha.com xin giới thiệu bài viết về con đường trở thành bác sỹ nội trú của Phạm Lê Na đăng trên báo Vnexpress ngày 15/4/2021

Con đường trở thành bác sĩ nội trú Mỹ của cô gái Việt

Trong lúc chờ kết quả thi bác sĩ nội trú, Lê Na chọn xem một bộ phim hài cùng chồng. Nhưng khi điện thoại báo có email tới, mọi người đang sôi nổi thoắt lặng im như tờ.

Cầm điện thoại trên tay, Na cẩn thận đọc kỹ từng dòng rồi chạy ào lại, hân hoan thông báo đã trúng tuyển kỳ thi nội trú sau hơn hai năm ôn luyện. Xong, cô chụp lại màn hình kết quả gửi cho gia đình, bạn bè thân và những người đã hỗ trợ cô trong suốt thời gian qua.

10 năm trước, bác sĩ Phạm Thị Lê Na, 24 tuổi, tốt nghiệp trường Đại học Y dược Huế, về Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng làm việc, chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ. Công việc khiến cô bị căng thẳng suốt 6 tháng đầu vì thiếu kinh nghiệm, lại chứng kiến nhiều cái chết đau đớn của người bệnh.

Năm 2015, Na vào TP HCM để thực hiện một số dự định cá nhân như chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân ung thư nghèo. Tuy nhiên, công việc chính của Na là khám lâm sàng, siêu âm và sinh thiết - được xem như các bước đánh giá ban đầu chẩn đoán người bệnh có bị ung thư hoặc không. Trong khi để kết luận một người bị ung thư là công việc của bác sĩ giải phẫu. Từ sâu thẳm tâm hồn, Na khao khát được học giải phẫu ở Mỹ - nơi viết ra kho tri thức khổng lồ cô đang nghiên cứu mỗi ngày.

Ban đầu, bạn bè ngăn cản, nói "cuộc sống ở Việt Nam đang ổn định, bỏ thì uổng quá". Nhưng Na tự nhủ, tiền bạc, vật chất hay sự ổn định chỉ là cảm giác bên ngoài hoặc tiêu chuẩn xã hội gán cho mình.

"Chỉ cần mình có thêm trải nghiệm và bản thân cảm thấy hạnh phúc với điều đó thì chẳng có gì hối tiếc", bác sĩ tâm sự.

Y khoa là ngành học kéo dài và tốn tiền nhất ở Mỹ. Thời gian trung bình để trở thành bác sĩ là 12 năm, trong đó mất 3-8 năm làm bác sĩ nội trú và chuyên khoa sâu. Đối với người nước ngoài, để được hành nghề tại nước này, họ phải đạt điểm cao trong kỳ thi quốc gia USMLE và nhận "Văn bằng tương đương bác sĩ Mỹ" do ECFMG (Ủy ban giáo dục cho người nước ngoài tốt nghiệp y khoa) cấp. Song, bằng tình yêu Y khoa, tháng 2/2018, Na quyết lên đường. Hành trang mang theo chỉ có tấm bằng đại học và một số tiền tiết kiệm khi còn ở Việt Nam.

Sang Mỹ, Na bắt tay ngay vào ôn luyện kỳ thi quốc gia USMLE gồm có hai vòng lý thuyết và một vòng lâm sàng.

Vòng một được đánh giá là chặng khó nhất, kéo dài 8 tiếng, khoảng 350 câu hỏi trắc nghiệm đánh giá kiến thức khoa học y khoa của bác sĩ. Na mất 14 tháng ở trong nhà, đọc tài liệu, nghiên cứu lại toàn bộ kiến thức sinh lý, giải phẫu đến hóa sinh căn bản. Vừa học, cô vừa thực tập lâm sàng tại Bệnh viện ung thư hàng đầu MD Anderson. Kỳ thực tập này vừa giúp cô giải quyết những thắc mắc về chuyên ngành vừa trang bị những kỹ năng về chăm sóc giảm nhẹ mà một bác sĩ ung thư cần có.

"Có khi cả kíp toàn giáo sư, bác sĩ ung thư, bác sĩ tâm lý đi lâm sàng chỉ để giải quyết vấn đề đi vệ sinh của một người bệnh", Na nhớ lại.

Vòng thi thứ hai diễn ra 9 tiếng, khoảng 370 câu hỏi trắc nghiệm đánh giá kiến thức bệnh lý lâm sàng. Cũng trong vòng này, người thi phải trải qua một phần thi phụ đánh giá kỹ năng lâm sàng như khả năng lấy thông tin từ bệnh nhân, khám bệnh, ghi nhận và truyền đạt kết quả đến người bệnh. Và kỳ thi cuối cùng trong hai ngày đánh giá toàn bộ kiến thức và khả năng điều trị bệnh nhân khi không có bác sĩ giám sát.

Để vượt qua USMLE, thí sinh phải đạt điểm rất cao (khoảng 95-99 phần trăm) trong lần thi đầu tiên.

"Ở Việt Nam hay nói 'khó như thi bác sĩ nội trú' còn thi nội trú Mỹ lại được ví là 'khó như hái sao trên trời", Na chậc lưỡi.

Đi lâm sàng là tiêu chí quan trọng để trở thành bác sĩ nội trú nhưng ở Mỹ chủ yếu chỉ đi cùng bác sĩ chính để quan sát, trao đổi ý kiến chứ không được khám tư vấn trực tiếp với người bệnh. Do ảnh hưởng Covid-19, việc tìm kiếm nơi thực tập khó khăn hơn. Na gõ cửa từng nhà, nhờ cậy bác sĩ đã từng làm việc, đọc thêm tài liệu, xem nhiều video để tìm kiếm cho mình cơ hội.

Vượt qua ba kỳ thi, Na tiếp tục cạnh tranh vòng phỏng vấn. "Có khi giữa 5000 hồ sơ chỉ chọn 100 người mà hồ sơ nào cũng rất đẹp", Na nói. Chưa kể, Mỹ cũng ưu tiên chọn những người trẻ, tốt nghiệp dưới 5 năm để đào tạo. Lê Na đã tốt nghiệp 10 năm. Hồ sơ của cô cũng không có nghiên cứu y khoa hay kinh nghiệm giải phẫu bệnh, bảng điểm đại học chỉ xếp loại khá. Nhưng cô vẫn bất chấp nộp hồ sơ, tin nhà tuyển dụng sẽ thấy được điểm thú vị của mình.

"Nếu mình chưa giỏi chuyên môn, mình có thể học còn mình già thì sao thay đổi được", Na cười nói. Cô cũng tự động viên bản thân nếu không đỗ vẫn có có thể mang kiến thức đó trở về, bổ trợ cho chuyên môn của bản thân cùng với khả năng ngoại ngữ đã được rèn giũa ở nước ngoài.

Bác sĩ Lê Na mặc đồ bảo hộ ra sân bay đi NewYork để thực tập. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Trở thành bác sĩ nội trú Mỹ là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ. Na cũng vậy, nhưng mục tiêu của cô không phải để trở thành bác sĩ Mỹ mà là để là một người nghiên cứu khoa học. Chuyên ngành cô theo đuổi là giải phẫu bệnh trong điều trị ung thư. "Khi đó, dù tôi ở Mỹ hay bất cứ nơi nào vẫn có thể giúp đỡ người bệnh Việt chẩn đoán đúng và điều trị đúng bệnh", Na nói.

Ngày trúng tuyển, ngoài niềm vui bản thân, Na biết tin vài bác sĩ đã tự sát vì không vượt qua kỳ thi. Trấn tĩnh bản thân, cô nghĩ, việc không vượt qua kỳ thi chỉ là chưa đủ duyên chứ không thể phủ nhận tài năng của bất kỳ ai. "Song, vì phải dành toàn bộ tiền và thời gian để đầu tư thi nội trú nên đây vẫn là cú sốc khó vượt qua của nhiều người ".

Nhìn lại 6 năm học y ở Việt Nam cộng thêm 10 năm kinh nghiệm và sắp tới 4 năm nội trú, tổng gần 20 năm tuổi trẻ để dành để học y, Na vẫn luôn tự động viên mình, lấy bận rộn làm niềm vui. Với cô, chuyên ngành ung thư có nhiều ẩn số, phải tiếp tục học để khai phá và tìm cách chẩn đoán đúng, điều trị đúng, giảm đau đớn cho người bệnh.

Thời gian này, cô học thêm tài liệu để chuẩn bị nhập học vào tháng 7 tại Trường Đại học East Tennessee State, để trở thành bác sĩ giải phẫu bệnh giỏi. Ngoài ra, cô còn lên youtube để dạy tiếng Anh chuyên ngành, chia sẻ bí quyết tìm kiếm môi trường lâm sàng cho bác sĩ Việt. Na cũng dự định cùng chồng đi trăng mật bù. Cả hai vừa kết hôn đầu năm nay nhưng vì Covid-19 và lịch học dày đặc nên chưa có thời gian dành cho nhau.

Gập máy tính, đồng hồ chỉ 2h sáng, Na thở phào khi hoàn thành video "Thuật ngữ y khoa về huyết học và ung thư". Những video được đăng tải trên trang cá nhân, giúp Na kết nối với nhiều bác sĩ Việt. Toàn bộ ý tưởng, nội dung, quay, dựng đều do Na thực hiện, dựa trên kinh nghiệm của bản thân.

"Hình ảnh chưa được tốt lắm nhưng mình sẽ cố gắng cải thiện. Hy vọng kiến thức mình có sẽ là cầu nối và truyền cảm hứng đến cho thật nhiều bạn trẻ Việt", Na cho biết.

Tác giả: Ban biên tập

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 161

    Trong tuần: 12187

    Trong tháng: 63189

    Tổng số: 11703566

    Đang online: 33