Trong cuốn lịch sử:"LLVTND huyện Bố Trạch 1945- 2000" tháng 8- 2001, TV Huyện ủy, ĐU-BCHQS huyện Bố Trạch, trang 252 có viết: " Thực hiện ý đồ chiến lược của Trung ương Đảng, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình thông qua kế hoạch tiếp nhận và chuyển tải ở khu vực Hòn La- Bắc Gianh, lấy tên là " Chiến dịch Hòn La" với mật danh "KHR1"....
Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch do đồng chí Lại Văn Ly, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban...
...Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh thành lập một đại đội đặc biệt gồm hơn 70 cán bộ chiến sĩ của các đơn vị bộ đội địa phương huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, thị xã Đồng Hới, do đồng chí Trần Đình Lô chỉ huy tham gia chiến dịch..."
Ngày 30/3/1972, quân ta nổ súng mở màn cho cuộc tấn công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam. Ngày 31/3/1972, thực hiện lời kêu gọi của ban chấp hành trung ương, quân ủy Trung ương dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: " Chiến dịch lịch sử năm 1972 bắt đầu "( Lịch sử Quân đội NDVN, năm 1990 tập II trang 91-93 ).
Trên khắp các chiến trường miền Nam, đặc biệt tại mặt trận Trị-Thiên-Huế, tiếng súng tiến công của quân và dân ta đồng loạt nổ khắp nơi, nhanh chóng đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Chỉ sau năm ngày tiến công, các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Quảng Trị được giải phóng.
Để thực hiện chiến dịch, vấn đề lương thực là vấn đề quan trọng thiết yếu cho các chiến sĩ " Ăn no đánh giặc". Thời đó chiến trường miền Nam, vùng Trị Thiên Huế khan hiếm lương thực, các chiến sĩ hành quân và chiến đấu mỗi ngày tiêu chuẩn chỉ 1 lạng gạo. Do đó chiến trường yêu cầu Trung ương cung cấp lương thực để bảo đảm thành công cho các trận đánh.
Đế quốc Mỹ thua to, bắn phá điên cuồng các tuyến giao thông nơi cuống họng Quảng Bình, Vĩnh Linh. Ních Xơn tuyên bố: Phong tỏa hệ thống giao thông đường thủy của miền Bắc, việc vận chuyển hàng hóa cho chiến trường miền Nam giảm đi đáng kể. Trước tình hình đó, Trung ương giao cho Quảng Bình nhiệm vụ quan trọng: Tiếp nhận lương thực viện trợ của nước bạn Trung Quốc tại khu vực Hòn La-Vũng Chùa-Đảo Yến.
Thực hiện nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương giao, thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, xây dựng kế hoạch tiếp nhận hàng lấy tên là: " Chiến dịch Hòn La ", mang mật danh KHR1, và lập ban chỉ đạo chiến dịch mật danh " R1 ". Lực lượng huy động cho chiến dịch gồm 11 xã vùng biển của hai huyện Quảng Trạch và Bố Trạch. Bộ phận cảng vụ, hoa tiêu và 159 công nhân bốc vác cảng Gianh, công ty ô tô vận tải Quảng Bình, cán bộ chiến sĩ hai đại đội 363 và 365 bộ đội địa phương Bố Trạch và Quảng Trạch. Cùng với tuyến vận tải R1 Hòn La, tỉnh lập 3 tuyến vận tải đường bộ nhằm chuyển nhanh hết hàng hóa về nơi tập kết an toàn và tiếp tục chuyển vào chiến trường miền Nam.
Ngày 29 /5/1972 chuyến hàng đầu tiên do tàu " Hồng Kỳ 150" chở 6.000 tấn gạo của nhân dân Trung Quốc vào vịnh Hòn La-Vũng Chùa- Đảo Yến.
Đêm 30/5/1972, lợi dụng yếu tố bất ngờ ta dùng tàu VS, bí mật vận chuyển vào cảng Gianh được 500 tấn gạo. Ngày 01/6/1972, hạm đội 7 của Mỹ đưa 3 chiếc tàu neo đậu, cách tàu " Hồng Kỳ 150", 10 km, bắn phá liên tục vào bờ trên chiều dài từ cửa Gianh đến Quảng Đông, Quảng Trạch. Trên trời máy bay quần đảo suốt ngày đêm, trinh sát bắn vào những mục tiêu chúng nghi ngờ. Ban đêm chúng thả pháo sáng vào vùng biển Hòn La, soi rõ cả một vùng. Từng gốc cây, ngọn cỏ, các vật trôi nổi trên mặt biển đều bị máy bay Mỹ săm soi, bắn phá.
"Đại đội đặc biệt Hòn La "gồm các chiến sĩ của các đơn vị địa phương: 45, 46, 48,300, 363, 362, 365 làm nhiệm vụ nòng cốt, đi đầu làm gương cho các đơn vị tham gia chiến dịch.
Đại đội đóng quân tại xã Quảng Xuân huyện Quảng Trạch, giai đoạn đầu, được gọi là giai đoạn " Lao ngang", đại đội đã dùng thuyền đánh cá của dân, cứ sẫm tối bắt đầu xuất phát tại bờ biển Quảng Xuân, mỗi thuyền 10 đến 12 chiến sĩ chèo thuyền vượt qua bom đạn, thủy lôi, và máy bay của địch, đến 23 giờ tiếp cận tàu Hồng Kỳ bốc gạo xong lại chèo thuyền qua bãi thủy lôi, máy bay bắn đạn 20 ly và pháo chơm, cùng phi pháo từ 3 Hạm tàu ngoài khơi bắn vào, đến gần sáng thì cập bờ, bộ đội, dân quân, TNXP khẩn trương bốc gạo vào rừng dương và đẩy thuyền lên bờ che dấu. Đêm đầu tiên thí điểm 3 thuyền lên đường, thì bị máy bay địch phát hiện, chúng huy động pháo tàu, máy bay bắn phá bao vây. Một tàu bị trúng đạn 3 đồng chí hy sinh, hai thuyền còn lại luồn lách tiếp cận tàu Hồng Kỳ chuyển vào bờ được 6 tấn, cất dấu an toàn. Các đêm sau đó ta bí mật đi 2 thuyền cách nhau hơn 100 m, trước khi các chiến sĩ lên đường, đơn vị làm lễ truy điệu sống, tại nhà kho HTX trước sự chia tay bịn rịn của đơn vị và đồng bào Quảng Xuân.
Những ngày tiếp theo, nhiều đồng chí hy sinh, đại đội phải chuyển qua phương thức vận chuyển "Lao dọc"."Lao dọc" là mở con đường máu gần nhất, bằng cách cho thuyền xuất phát từ Quảng Xuân đi dọc bờ biển đến Vũng Chùa thuộc xã Quảng Đông, bất ngờ chuyển hướng tiếp cận với tàu Hồng Kỳ, bốc gạo xong lại trở về Quảng Xuân theo lối cũ.
Phương thức vận chuyển "Lao dọc" được một tuần thì bị địch phát hiện. Chúng cho máy bay A37 và tàu chiến liên tục ném bom và nã pháo vào đội thuyền của đại đội Hòn la, và các đoàn thuyền của các đơn vị khác. Đồng thời ban ngày máy bay Mỹ bắn phá tất cả tàu thuyền dọc bờ biển của 2 huyện từ Nhân Trạch đến Cảnh Dương, trên chiều dài hơn 40 cây số. Sau 56 ngày đêm cùng với dân quân và các dân chài các xã vùng biển Bố Trạch, Quảng Trạch tham gia chiến dịch, cuối tháng 7 năm 1972 quân và dân Quảng Bình đã bốc được 5000 tấn gạo theo tuyến R1 vào bờ và tuyến RII,RIII theo các hướng chuyển gạo cho chiến trường miền Nam. Còn 1000 tấn gạo ta bốc không kịp, tàu Hồng Kỳ đưa về nước. Rút kinh nghiệm tàu Hồng Kỳ 150, ta yêu cầu bạn đóng gạo bao 4 bì phía ngoài có bao ni long chống thấm nước.
Ngày 27/6/1972 tàu Hồng Kỳ 152 chở 6000 tấn gạo đóng sẵn 4 bì đến vịnh Hoàn La. Tàu vừa đến Hòn La thì gặp bão lớn, ta thực hiện phương án " Thả gạo "tự trôi vào bờ. "Đại đội đặc biệt" đã phối hợp với dân quân các xã dọc tuyến biển làm nhiệm vụ vớt gạo đưa lên bờ.
Song song với việc thả gạo "tự trôi ", các chiến sĩ "đại đội đặc biệt", (sau này đại đội thấy thương vong nhiều lại mỗi lần xuất quân là mỗi lần làm "lễ truy điệu sống" nên ai cũng đặt cho mình " Đại đội Cảm tử ") đã nghiên cứu chuyển hàng từ tàu vào bằng phương pháp " tời" gạo. Trên tàu Hồng Kỳ, bạn dùng máy nổ quay "tời, " Lợi dụng các gốc cây Phi Lao to ở bờ biển Quảng Đông, buộc ròng rọc, tạo ra hệ thống "tời" hoàn chỉnh. 16 bao gạo ( 8 tạ) được đựng trong một bọc lưới, đại đội bố trí lực lượng trên tàu và trên bờ "tời" gạo, nhận gạo, mỗi "tời" mỗi đêm chuyển được hơn 4 tấn gạo, chuyển đi cất dấu. Địch phát hiện việc "tời" gạo của ta đã cho máy bay bắn phá các đường dây tời dài hơn 1000 m, nhiều đêm dây "tời" bị đứt phải kịp thời nối lại. Quần nhau với máy bay, tàu chiến địch mấy tuần liền, cùng với dân quân các xã Cảnh Dương, Quảng Đông, Quảng Xuân , Quảng Phúc, Thanh Trạch, Hải Trạch, Nhân Trạch, hàng trăm chiếc thuyền Nan đêm đêm vượt thủy lôi, vượt bom đạn chuyển hàng, vớt hàng, "tời" hàng chuyển gạo lên bờ an toàn.
Ngày 22-9, tàu Hồng Kỳ 162, chở 6000 tấn gạo, ngày 1-12-1972 tàu Hồng Kỳ 162b tiếp tục chở 6000 tấn gạo cuối cùng đến vịnh Hòn La. Bằng các phương pháp " Lao ngang" , " Lao dọc", " tời", "thả trôi", chở hàng bằng thuyền gỗ, thuyền nan... Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, ngày đêm xã thân lao vào chiến dịch.
Máy bay, tàu chiến Mỹ dùng trăm nghìn mưu kế, thả thủy lôi bịt kín vùng bờ biển hai huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, cửa Gianh, pháo sáng rọi sáng suốt đêm, bom đạn không lúc nào ngớt, nhưng không thể làm lung lay được ý chí của quân và dân Quảng Bình đánh Mỹ.
Hơn 6 tháng hoạt động ( tháng 6/1972 - tháng 12/1972 ). Để khống chế và ngăn chặn, việc chuyển gạo từ " Hồng Kỳ 150", " Hồng Kỳ 152", " Hồng Kỳ 162A "," Hồng Kỳ 162B" Đế quốc Mỹ đã huy động 1.500 lần chiếc máy bay, đánh phá hơn 700 trận, trong đó có 341 trận đánh đêm, thả hàng nghìn pháo sáng, ném xuống hơn 1000 loạt bom phá, 149 loạt bom bi, 540 loạt rốc két, 606 loạt đạn 20 li, 124 đạn cối, 96 quả bom Na pan, hơn 1000 quả thủy lôi, 150 quả từ trường...( Lịch sử Quảng Bình chống Mỹ cứu nước 1954-1975 trang 303) .
Kết thúc chiến dịch “Đại đội đặc biệt Hòn La" hy sinh 21 đồng chí, hàng chục đồng chí mang trên mình đầy thương tích. Các bao gạo chở vào chiến trường thấm máu đào của các chiến sĩ “Đại đội đặc biệt Hòn La" . Họ đã âm thầm cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, cho đến ngày toàn thắng.
"Đại đội đặc biệt Hòn La" đã cùng quân và dân Quảng Bình tiếp nhận và chuyển 21 000 tấn gạo vào chiến trường, góp phần xứng đáng vào bản anh hùng ca" Kỳ tích Hòn La những ngày đánh Mỹ."Trong cuốn Lịch sử Quảng Bình chống Mỹ cứu nước 1954- 1975, thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy BCHQS tỉnh 1994, trang 304 có viết:
..." Mười cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn 45, đại đội 363, 365 ( thuộc đại đội đặc biệt) cùng dân quân Cảnh Dương, Nhân Trạch đã ngã xuống trong hiến dịch. Hàng trăm đồng bào chiến sĩ, công nhân bị thương vong vì bom đạn kẻ thù. Và sau đó là những người mẹ, người vợ và cả những em nhỏ phải lặng lẽ chịu đựng nhiều đau thương mất mát với tấm lòng " Tất cả vì miền Nam anh hùng, vì Trị Thiên ruột thịt" tấm lòng đó được tụ hội tạo thành sức mạnh tổng hợp trong một trận đánh lớn, lập nên chiến công chói sáng: Chiến công Hòn La..."
"Đại đội đặc biệt Hòn La " gồm các chiến sĩ góp tử 7 đơn vị bộ đội các huyện đội, thị đội, trong tỉnh, chỉ tồn tại trong thời gian chiến dịch, hoàn thành chiến dịch các chiến sĩ lại trở về theo đơn vị cũ.
Cho đến nay 42 năm trôi qua, các chiến sĩ kẻ còn người mất? ai nhớ ai quên? họ đã về hưu tuổi cũng đã trên 60 70, nhưng từ năm 2000 đến nay họ liên lạc tìm đến với nhau, tập hợp lại còn hơn 3 chục người, thành lập " Ban liên lạc đại đội Cảm tử Hòn La", hàng năm họ tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, cùng trở về thăm lại chiến trường xưa "kết bè thả hương hoa" xuống biển vũng Chùa để tri ân đồng đội. Họ tìm về thôn Thanh Bình xã Quảng Xuân huyện Quảng Trạch để thăm lại các gia đình đã cưu mang, chăm lo cho họ trong thời gian chiến dịch, để ôn lại một thời không thể lãng quên.
Nên chăng ban quản lý di tích, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình có kế hoạch xây dựng nơi vùng Đảo La, hoặc vũng Chùa một tượng đài tri ân " Đại đội cảm tử Hòn La " cùng quân dân tỉnh nhà, làm nên một Kỳ tích Quảng Bình đánh Mỹ.
Đ/c Trần Sự nguyên thường vụ tỉnh ủy Tỉnh đội trưởng tỉnh đội QB, người ra quyết định thành lập Đại đội đặc biệt Hòn La, đang ôn lại những năm tháng hào hùng thời chiến dịch Hòn La với các chiến sĩ còn lại của Đại đội Hòn La, và tác giả
Các chiến sĩ "Đại đội đặc biệt Hòn La" hàng năm về Vũng Chùa Thả hương hoa tri ân đồng đội.