Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung

08:24 - 25/07/2021

Những điều góp ý bổ sung rất công phu và trân trọng về Địa chí làng Cao Lao Hạ của anh Lưu Văn Quỳnh

Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung

ĐỊA CHÍ LÀNG CAO LAO HẠ - ĐÔI ĐIỀU GÓP Ý BỔ SUNG

 

Ai đến làng Cao Lao Hạ cũng rất ấn tượng với hai công trình văn hóa tâm linh mang đậm nét bản sắc riêng: Dãy nhà thờ hai tư dòng họ và ngôi đình đẹp đẽ khang trang. Nhưng ít ai được biết, ngoài hai công trình đó, làng Cao Lao Hạ còn có một công trình văn hóa khác không kém phần giá trị: Cuốn ĐỊA CHÍ LÀNG CAO LAO HẠ của cố tác giả Lê Văn Sơn. “Người con nặng lòng với quê hương đã dày công sưu tầm nghiên cứu góp phần vào việc giáo dục truyền thống và lưu truyền những giá trị văn hóa quý báu của địa phương” (TM/ĐẢNG ỦY, UBND VÀ UBMTTQ VIỆT NAM XÃ HẠ TRẠCH) PBTDU LÊ CHIÊU HOÀNG – đã ký ngày 20/6/2006

Với tôi, ĐỊA CHÍ LÀNG CAO LAO HẠ là cuốn bách khoa toàn thư về làng Cao Lao, là cuốn sách gối đầu giường như hy vọng của nhà văn Nguyễn Hữu Phương (chủ tịch hội VHNT Quảng Bình) viết trong lời giới thiệu. Càng đọc tôi càng khâm phục tâm huyết và trí tuệ của tác giả kết tinh trên từng trang sách.

Tuy vậy, trong quá trình tìm hiểu cũng thấy đôi chỗ còn thiếu sót, cần góp ý bổ sung như mong muốn của ông PBT thay mặt cho quê hương trong MẤY Ý KIẾN… ngay trang đầu cuốn sách. Đó là phần viết về những câu đối chữ Hán trên hai cột trụ biểu trước cửa đình – trang 207, 208

Đáp ứng lời mong muốn của ông PBT, tôi sẽ viết đôi điều góp ý với mong muốn góp phần làm hay, làm đẹp cho quê. Cũng là cơ hội để được báo đáp công ơn to lớn của các bậc tiền nhân khai canh lập làng, tô bồi vun đắp mảnh đất Cao Lao đã sinh ra và nuôi tôi khôn lớn. Biết vậy rồi nhưng để góp ý bổ sung những chỗ còn sai sót với tôi là một việc thật khó khăn.

Trước hết là tâm lý e ngại về những điều đã có do các tiền nhân để lại. Nhất là ở chốn linh thiêng. Tiếp đến là sự khó khăn trong việc góp ý những sai sót các câu đối từ Hán Việt.

Khác với ngôn ngữ ráp vần – tiếng Việt – chỉ cần ghép các chữ cái lại đọc lên là hiểu được ý nghĩa nội dung. Từ Hán Việt không thế, mỗi chữ là một hình khối riêng, được viết nên từ bảy nét cơ bản với hàng chục biến thể. Phải nhìn rõ nét chữ mới phần nào hiểu được ý nghĩa. Thế nhưng từ Hán Việt mỗi tiếng (âm) đọc lên có cả hàng chục ký tự được ghi lại, có nhiều ký tự gần như giống nhau. Mỗi ký tự lại có nhiều tên gọi (âm). Mỗi âm lại có nhiều ý nghĩa. Thậm chí có khi các chữ ký tự khác nhau, tên gọi khác nhau nhưng ý nghĩa là một. Lại nữa chữ Hán có nhiều cách viết: phồn thể (đủ nét), giản thể (rút gọn) ; khải thư (chân phương), hành thư, thảo thư (phóng khoáng, bay bướm như rồng bay phượng múa). Và bao trùm lên tất cả là sự hàm súc, cô đọng lời ít ý nhiều… Chao ôi, thật là một mê hồn trận. Chưa kể đến câu đối chữ Hán được thể hiện bởi những điển tích, điển cố, hình thức chiết tự, chơi chữ rất tinh vi, trí tuệ, điêu luyện nhưng cũng thật rắc rối, khó khăn cho người đọc, người bình.

Kính bà con quê hương và bạn đọc xa gần: Tôi trót dài dòng như vậy chỉ mong được sự chia sẻ, cảm thông: Để viết được câu đối hay, bình giảng được câu đối chuẩn, sát đúng với những điều người viết gửi gắm phải là những bậc tài danh, thông kim bác cổ, am tường kinh sử. Bụng chứa cả nửa số bồ chữ có trong thiên hạ như thần Siêu, thánh Quát (Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát) may ra mới mong có được sự hoàn hảo chu toàn. Mà tôi thì… Thế nên bao năm trăn trở, suy tư định viết mà đến nay vẫn chưa dám chấp bút ngỏ lời.

Hôm nay, ngày dỗ đình sắp tới, lòng nhớ về quê hương, tôi lại mang ĐỊA CHÍ LÀNG CAO LAO HẠ ra đọc. Ý kiến của ông PBT “Kính mời bà con trong xã cũng như bà con ở xa quê hương và bạn đọc giúp đỡ, góp ý, bổ sung cho những chỗ còn thiếu sót của cuốn sách” như có một động lực vô hình thôi thúc tôi mạnh dạn bày tỏ những điều bấy lâu trăn trở, suy tư.

Không biết đình làng ta và những câu đối trên hai cột trụ biểu có tự bao giờ, được ai khảm đắp, biên dịch để tác giả in vào ĐỊA CHÍ LÀNG CAO LAO HẠ – trang 207, 208. Đọc những câu đối đó tôi rất tâm đắc, khâm phục trí tuệ và bản lĩnh của các bậc tiền nhân làng ta. Hoành phi, câu đối chữ Hán ở đình chùa, lăng tẩm, từ đường… Dù ở đâu, bao giờ cũng đều thể hiện những nét nội dung cơ bản:

  • Lòng yêu mến, tự hào về phong cảnh giàu đẹp của quê hương
  • Công đức to lớn của các bậc tiền nhân tiên tổ
  • Lòng thành kính tri ân và tâm nguyện của hậu thế.

Những câu đối trên hai cột trụ biểu đình làng ta cũng không ngoại lệ. Nhưng điều tâm đắc nhất những câu đối đó gắn liền với lịch sử khai thiết, xây dựng quê hương. Thể hiện được, cái danh cái sắc của đất Cao Lao, của người Cao Lao. Chỉ tiếc rằng gió bụi thời gian, thiên tai địch họa và cả nhân họa nữa, đã làm hư hỏng, bong tróc, thất lạc nhiều câu, chữ đắp lên. Người dịch cũng chưa thể hiện được những ý tứ phong phú, sâu xa mà tiền nhân đã thể hiện. Cụ thể:

A. Về chữ Hán đắp trên cột trụ biểu và in trong sách

Tuy không có chữ nào sai sót để phải thay lại nhưng đối chiếu những gì có trên hai cột trụ biểu và câu chữ in trong ĐỊA CHÍ LÀNG CAO LAO HẠ ở trang 207, 208, thấy:

  • Nhiều chữ mất nét, thậm chí câu: “Hương Tích Vạn Thiên Niên Quan Yên Dân Lạc; Lý Thành Nhị Thập Ấp Mỹ Tục Thuần Phong” được in trong sách nhưng trên cột trụ biểu lại không có. Trong khi đó còn hai mặt cột trụ biểu để trống?!
  • ĐỊA CHÍ LÀNG CAO LAO HẠ in không chính xác: Câu một (hướng về phía Nam)… Cường Tỉnh in thành Cường Thịnh; câu hai (hướng về phía Bắc)… Cận Tam Sa Phụ Tác in thành Hậu Tam Sa Phụ Túc

Với những sai sót rõ ràng, cụ thể như thế, biện pháp khắc phục đơn giản là: Khảm đắp lại những chữ mất nét, khôi phục lại câu bốn trên hai mặt cột trụ biểu còn để trống. Với câu in nhầm cần đính chính trong những lần tái bản.

B. Góp ý bổ sung việc dịch câu đối

Đây là vấn đề rất khó khăn. Ấn tượng đầu tiên của tôi là ở đây hầu như người dịch ít vận dụng những nguyên tắc, phương pháp dịch câu đối chữ Hán:

  • Với câu giữ được đủ số chữ và âm điệu trong nguyên bản mà không làm mất ý nghĩa nội dung thì phải bám sát nguyên văn.
  • Với câu khó hơn có thể châm chước về số chữ để diễn đạt cho đủ ý
  • Với câu quá khó không thể dịch được thì phải dịch xuôi
  • Với những câu dùng điển tích, điển cố, chiết tự, chơi chữ thì chỉ chép lại và chú thích ở ngoài.

Mặt khác, người dịch không gắn với lịch sử khai thiết, xây dựng và những nét bản sắc truyền thống của làng Cao Lao nên lời dịch có nội dung chung chung. Ngoại trừ câu hai (hướng về phía Bắc) :

Linh thủy ngoại triều nội nhất hà khê lai hoạt thủy/hoành sơn cung viễn cận tam sa phụ tác bình sơn, ba câu còn lại đều có những sai sót. Cụ thể:

Câu 1. Hướng về phía Nam:

Phiên âm:                 

Thiên khai thịnh hội quang cường tỉnh

Địa xuất danh hiền duyệt cổ kim

Dịch thơ:

Trời xanh mở hội mạnh giàu

Xóa nghèo giảm đói dân giàu văn minh

Đất lành sinh trưởng danh hiền

Xưa nay chuyện cũ còn truyền sử xanh

Có lẽ do in nhầm, Cường Tỉnh thành Cường Thịnh và hiểu nghĩa các từ: Thiên (trời) Khai (mở) Thịnh (lớn) Hội (hội hè, lễ hội) Cường (mạnh) Thịnh (giàu) nên nội dung được dịch ra quá hiện đại và thiếu thực tế. Tôi tin rằng khi đắp câu đối này, làng ta chưa có phong trào xóa đói giảm nghèo chưa có cảnh dân giàu văn minh để mở hội mừng vui như thế.

Bám vào nguyên văn chữ trên trụ biểu có thể hiểu khác: Thiên (trời, thần linh, tiên tổ) Khai (khai khẩn, khai hoang, lập ấp) Thịnh (lớn) Quang (cảnh sắc phong quang, đẹp đẽ) Hội (thời cơ, vận hội) Cường (quá, hết sức) Tỉnh (làng xóm, quê hương, nơi tụ tập đông người sinh sống, ngăn nắp quy củ). Với ý nghĩa các từ như vậy, ý câu đối này hiểu một cách nôm na: May mắn quá, tổ tiên ta tìm được nơi phong quang, đẹp đẽ để khai làng lập ấp, để con cháu tô bồi, vun đắp, nhờ đó nơi đây sinh ra bao lớp anh tài tuấn kiệt xưa nay ai cũng biết

Dịch thơ:

Vận hội lớn tổ tiên để lại

Khai khẩn làng ở trốn phong quang

Đình làng, lối xóm khang trang

Danh hiền bối xuất bảng vàng xưa nay

Hay:

Vận hội lớn trời xanh mang lại

Khai khẩn làng ở chốn thanh cao

Tên làng hai tiếng Cao Lao

Danh hiền bối xuất dạt dào xưa nay

Hiểu như thế rất phù hợp với lịch sử khai thiết, phát triển của làng Cao Lao Hạ như lời thơ cụ Lưu Trọng Tuần trong Cao Lao Hương Sử:

Tổ tiên ăn ở không kham

Tìm đường, tìm chốn ẵm mang con vào

May tìm được chốn thanh cao

Phá rừng phá núi biết bao công trình

Ngày nay mới có chúng mình

Cao thanh tín mỹ giữ gìn ở ăn.

Ở vế thứ hai: Địa xuất danh hiền duyệt cổ kim dịch: Đất lành sinh trưởng danh hiền/xưa nay chuyện cũ còn truyền sử xanh. Mới đọc qua tưởng đúng, suy nghĩ kĩ thì không. Dịch như thế hóa ra “đất lành sinh trưởng danh hiền” chỉ là chuyện cũ ngày xưa bấy lâu nay được lưu truyền trong sử xanh! Còn nay thì?! Chưa nói đến sự thiếu chính xác trong cách diễn đạt và dùng từ. “truyền sử xanh” - lưu truyền trong sử sách. Xưa vì không có giấy mực phải khắc vạch chữ trên các thẻ tre. Truyền sử xanh chỉ đúng với những nhân vật anh hùng kiệt xuất: Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung… Với những sự tích, sự kiện lịch sử hào hùng, oanh liệt: Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên Phủ… Còn như người làng ta, dù có tài giỏi văn võ song toàn thì cũng chỉ mới được bảng vàng lưu danh mà thôi. Đúng như bác TLCL có lần nói: Quá xa vời, thiếu tực tế, dù chỉ là mơ ước.

Hai câu ba, bốn như đã nói: Hầu như người dịch ít vận dụng những nguyên tắc, phương pháp dịch chữ Hán và không gắn với lịch sử làng Cao Lao Hạ nên đã diễn xuôi một cách chung chung:

Lập cá chuyển chung thượng hạ cổ kim khai vũ miếu

Vi chi tiêu biểu cao thanh tín mỹ diễm giang sơn

 

Quê hương lừng lẫy danh hiền thuần phong mỹ tục vững bền giang sơn

Đình làng dựng giữa quê nhà xưa nay trên dưới phụng thờ tổ tiên

… Lời dịch quá chung chung, không có gì làm cơ sở để câu đối trên được hiểu một cách khiên cưỡng như thế. Hơn nữa lại có sự trùng lập khi câu ba đã: Thuần phong mỹ tục vững bền giang sơn; câu bốn: Quan yên dân lạc cũng lại quê hương vững bền

Bám sát nguyên văn chữ trên trụ biểu câu này có thể hiểu và dịch như sau: Lập (xây, dựng) (cái, ngôi đình) Chuyển (quay hướng khác – hướng bắc) Trung (ở giữa) Thượng Hạ Cổ Kim (bàn dân thiên hạ - con cháu muôn đời) Khai (sắp đặt) Vũ Miếu (nơi thờ cúng tế lễ)

Vi (động từ làm - giữ gìn, lưu truyền) Chi (đại từ thay thế - đây là nơi, ngôi đình này) Tiêu Biểu (là tiêu biểu, đại diện cho) Cao, Thanh Tín Mỹ (những nét phẩm chất tốt đẹp nhất) Diễm (vẻ sang, chiếu sáng – rạng rỡ)… Dịch thành thơ:

Giữa làng xây ngôi đình hướng về phương Bắc

Con cháu đời đời thờ phụng tổ tiên

Đây là nơi cốt cách tinh hoa được gìn giữ lưu truyền

Bao thế hệ Cao Lao làm rạng rỡ quê hương đất nước

Cái hay cái đẹp của câu đối, sự cao minh mẫn tiệp (thông minh, tài trí, mau lẹ hơn người) của các bậc tiền nhân làng ta được thể hiện rất rõ ở câu đối này. Đặc biệt động từ chuyển     (nhãn tự - mắt chữ) làm sáng lên ý nghĩa sâu xa, phong phú của câu đối trên. Chuyển là quay về hướng khác – hướng Bắc. Khi làng Cao Lao Hạ từ nhà cửa cư dân đến dãy nhà thờ hai tư dòng họ trước mặt làng hết thảy đều hướng về phương Nam. Chỉ riêng ngôi đình ở phía sau làng lại quay ngược về phương Bắc.

Không thông hiểu về lý số, không có kiến thức sâu rộng về thuật phong thủy và không có bản lĩnh, cốt cách cương cường, các bậc tiền nhân làng ta không thể vượt qua được những quan niệm, tập tục truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức hàng nghìn năm của người Á Đông. Từ các bậc thánh nhân, thiên tử nước Tàu, nước Nhật “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ” (bậc Thánh Nhân phải hướng về phương Nam lắng nghe thiên hạ, hướng về chỗ sáng mới cai trị được một cách sáng suốt – KINH THƯ, sách cổ Trung Quốc) đến những người bình dân “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam” (tục ngữ, ca dao Việt Nam)… để có quyết định khó khăn, quyết đoán, đầy bản lĩnh và vô cùng sáng suốt: xây ngôi đình quay về hướng Bắc.

Tại sao vậy?

Quay về hướng Bắc là hướng về nơi cội nguồn tiên tổ, là hướng đến chốn minh đường tụ khí (nơi gặp gỡ, giao hòa của hai nguồn: Rào Nẩy, Nguồn Son) để sinh tài lộc.

Tóm lại, đình làng Việt là biểu tượng của hồn quê, một thiết chế văn hóa tâm linh mang đậm tính cộng đồng. Định vị, chọn hướng xây đình là việc vô cùng hệ trọng ảnh hưởng đến sự an nguy phúc họa cho làng quê đó. Ca dao xưa có câu khôi hài nhưng rất phù hợp với quan niệm trên “toét mắt là tại hướng đình, cả làng ai cũng toét chứ một mình chi em

Đình làng Cao Lao Hạ được các bậc tiền nhân định vị “giữa làng”, chọn hướng “quay về hướng Bắc” rất hợp với thuật phong thủy xưa nay: Bối sơn – hướng thủy (lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông) để có được cái linh khi: Sơn quản nhân đinh – thủy quản tài lộc mà có được sự an lành, hưng thịnh. Nhờ chọn được địa linh, nơi đây đã sinh ra bao lớp anh hào tuấn kiệt làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Chỉ tiếc rằng người dịch câu đối chưa làm toát lên được điều đó để con cháu được biết, được hiểu để muôn đời tri ân, tự hào về tiên tổ, về quê hương để thêm yêu quý và gắn bó với mảnh đất cha ông.

Riêng với câu bốn in trong ĐỊA CHÍ LÀNG CAO LAO HẠ:

Hương tích vạn thiên niên quan yên dân lạc

Lý thành nhị thập ấp mỹ tục thuần phong

Ngàn năm Cao Hạ thơm hương, quan yên dân lạc quê hương vững bền

Hai mươi xóm của làng ta thuần phong mỹ tục tiến đà lừng danh.

Vì không có nguyên văn câu chữ đắp trên cột trụ biểu nên không thể bàn luận gì. Nhưng với sự phỏng đoán thì các câu chữ đó có thể là: Hương (quê hương) Tích (yêu dấu) Vạn Thiên Niên (ngàn vạn năm – bao đời) Quan Yên Dân Lạc (quan yên dân vui – quan dân đoàn kết, trên dưới một lòng) (làng) Thành, (thành, nên) Nhị Thập Ấp (hai mươi xóm) Mỹ Tục Thuần Phong (thuần phong mỹ tục, những phẩm chất tốt đẹp).

Hai mươi xóm lập thành làng, thuần phong mỹ tục tiếng vang bao đời

Quê hương yêu dấu ai ơi, quan yên dân lạc ta thời nhắc nhau

Kính bà con quê hương và bạn đọc xa gần: Vẫn biết mong muốn thì nhiều nhưng khả năng có hạn. Nhưng để đáp lại sự mong muốn của ông PBT thay mặt ĐU – UBND – MTTQVN xã Hạ Trạch và cũng muốn được góp phần công sức trí tuệ làm hay làm đẹp cho quê, tôi đã mạo muội bày tỏ mấy lời dài dòng như thế. Có gì thất thố kính xin các bậc tiền nhân, bà con quê hương bao dung, lượng thứ. Đồng kính mong bà con quê hương, bạn đọc xa gần cùng góp ý bổ sung để ĐỊA CHÍ LÀNG CAO LAO HẠ thêm hoàn chỉnh. Xứng đáng là tài liệu quý góp phần giúp ích vào việc giáo dục truyền thống và lưu truyền những giá trị văn hóa quý báu của địa phương cho muôn đời con cháu.

Hải Dương ngày 16/7/2021

Người viết: Lưu Văn Quỳnh

Tác giả Lưu Văn Quỳnh

Tác giả : Lưu Văn Quỳnh

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con
Những chuyện giai thoại

Video clip