Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Điểm thơ viết về Đình làng Hạ

Tiếng lòng của những người con quê hương qua những vần thơ viết về Đình làng do anh Lưu Văn Quỳnh biên tập.

 

Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu

(Ca dao)

 

Cây đa, giếng nước, sân đình từ bao đời từng gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của con người việt Nam. Không biết có nơi đâu trên đất nước này, đình làng lại trở thành nguồn đề tài phong phú, nguồn cảm hứng dồi dào để hàng chục tác giả cùng sáng tác cả trăm bài thơ như ở quê tôi.

 

Xa quê gần nửa thế kỷ, lại không có điều kiện, khả năng để đọc hết, để cảm nhận sâu sắc tất cả những sáng tác về đình. Nhưng đọc hai tập Hương sắc Cao Lao, Đình làng và những bài thơ đăng tải trên trang Web Caolao.com tôi không khỏi tự hào, xúc động.

 

Tự hào, xúc động bởi quê tôi, quê hương của nhà thơ Lưu Trọng Lư hôm nay vẫn có cả một đội ngũ những người làm thơ đông đảo và tài năng như thế. Họ là những cán bộ nghỉ hưu, những thầy giáo, sĩ quan quân đội, công an, doanh nhân, nông dân, công nhân, học sinh... từ khắp mọi miền đất nước, có người ở tận những phương trời xa tổ quốc mà lòng vẫn luôn đau đáu hướng về nơi Đất Mẹ.

 

Đọc gần trăm bài thơ của hơn bốn chục tác giả, cảm xúc bao trùm là tấm lòng thành kính biết ơn tiên tổ, lòng yêu thương gắn bó tự hào và luôn hướng về nơi cội nguồn. Mong mỏi giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà ông cha đã gây dựng tự bao đời.

 

Từ những cảm xúc chung đó, mỗi bài thơ là một nét khám phá riêng. Là tiếng lòng của từng tác giả trong từng hoàn cảnh cảm xúc cụ thể. Điều đó đã tạo nên sự phong phú đa dạng, sinh động cho những sáng tác thơ về đình làng.

 

Đọc hai tập thơ, người đọc – đặc biệt là thế hệ trẻ - như thấy lại hình ảnh ngôi đình từ thủa xa xưa. Hình ảnh ngôi đình mang đậm nét dấu ấn thời gian, đã trường tồn cùng bao sự thăm trầm của lịch sử quê hương, đất nước.

 

Không biết đình làng tôi có từ bao giờ. Từ những lời ca truyền miệng được ông Lê Quang Chủy – bậc cao niên của làng – nhớ và đọc lại, hình ảnh ngôi đình hiện lên thật cổ kính, khang trang:

 

Triều Minh Mạng triệu niên

Quan Thạng (thượng, to) cầm quyền

Cải giá Đền Trung

Làm cách bức lạ lùng

Cả châu này có một, cả huyện này có một.

 

Lời ca không chỉ nhắc lại thời gian xây đình (vào năm Minh Mạng nhị niên 1882), tự hào về ngôi đình làng mình không đâu có được. Lời ca còn miên tả rất cụ thể từ cấu trúc, đường nét, hoa văn, họa tiết của đình cũng thật chi li:

 

Cột đà nên cột, rường cũng nên rường

Chạm bốn cái khoảng lương

Chạm kèo quyền song đấu.

Các quan ra mẫu

Chạm cả tứ bi

Chạm con hạc chầu vua

Chạm một bầy chim chích...

 

Ngay từ thuở xa xưa, đình làng đã được ông cha kể lại với một niềm tự hào thành kính, bởi đình làng là nơi:

 

Đình làng hội tụ tinh hoa

Phụng thờ tiên tổ, ông bà có công

Lập làng khai khẩn ruộng đồng

Ơn người con cháu cầu mong, đáp đền

                             (Đình làng mang nặng nghĩa tình – Cảnh Giang)

 

Nhà thơ Lê Quang Nhân, người sĩ quan công an đã nói hộ cảm xúc của bao người dân làng Hạ. Từ trong ký ức tuổi thơ của mình, đình làng qua lời mẹ kể thật thành kính, linh thiêng:

 

Nghe mẹ kể ngày xưa

Đình làng mình thiêng lắm

Kẻ qua rồi người đến

Cầu lộc tài, công danh

Cầu vào Nam, ra Bắc

Ai cũng có phần mình

Đình làng Hạ oai linh

Chở che bao dòng tộc...

                             (Ký ức về đình – Lê Quang Nhân).

 

Đình làng không chỉ linh thiêng, linh ứng để bao người tôn thờ gửi gắm, cầu mong những điều thiện nguyện. Đình làng còn là nơi hội hợp, luận bàn những việc, sự kiện hệ trọng in đậm dấu tích những bước thăng trầm của lịch sử quê hương, dân tộc.

 

Đình làng tụ hội nghĩa quân

Thời Cần Vương phò vua giúp nước

                                      (Đình làng Hạ - Phan Anh Trung)

 

Và cũng từ nơi đây dân làng đã họp bàn, tiễn đưa lớp lớp thanh niên lên đường cứu nước. Rồi cũng chính từ nơi đây bao lứa đôi hẹn hò, tiễn đưa thật lưu luyến nhớ thương:

 

Nhớ lại năm xưa ở chốn này

Dân làng bàn chuyện đánh giặc Tây

Em tặng khăn thêu người ra trận

Biết mấy yêu thương những tháng ngày.

                                      (Lưu Hữu Tùng).

 

Thơ viết trăm bài cũng không nói hết được những tình cảm của dân làng đối với ngôi đình, nơi khơi nguồn cũng là nơi hội tụ của tình quê sâu nặng.

 

Nhưng rồi chiến tranh giặc giã, gió bụi thời gian và cả sự vô tình, ấu trĩ một thời của con người đã góp phần làm cho ngôi đình bị tàn phá. Có những lời thơ  thật xót xa, nuối tiếc:

 

Trải bao năm tháng lâu dài

Chiến tranh, cải cách đã hai ba lần

Ngôi đình cứ thế mất dần

Không mái ngói, không đá xanh thuở nào.

                                      (Đình làng – Nguyễn Xuân Trường).

 

Dấu tích còn lại chỉ là hai cột “Còn vẹn nguyên đứng hiên ngang trông tứ phía giữ làng” (Thần trụ giữ làng – Nguyễn Xuân Hòa). Mỗi lần đi qua ngước nhìn hai thần trụ giữ làng lòng không khỏi xót xa, ngậm ngùi để rồi cất lên bao lời ao ước:

 

Ước mơ con cháu quê mình

Bao giờ xây lại mái đình quê hương

                                      (Đình làng tôi – Nguyễn Ngọc Lẫm).

 

Thế rồi thật mừng:

 

Biết bao ngày trăn trở

Biết bao cuộc luận bàn

Ý Đảng hợp lòng dân

Cùng chung tay góp sức

Hướng về cõi tâm linh

Xây dựng lại ngôi đình

Thỏa nỗi lòng mong ước

 

Còn gì vui hơn khi niềm khao khát đó thành hiện thực. Đình làng được khởi công xây dựng lại, cũng là lúc hàng loạt bài thơ thể hiện niềm vui sướng, hả hê:

 

Thỏa lòng nguyện ước quê mình

Công trình văn hóa tâm linh cội nguồn

                                      (Linh Giang).

 

Công trình văn hóa tâm linh đó hiện lên với muôn mầu sắc, đường nét, vẻ đẹp khác nhau.

 

Tọa lạc trên đất cũ

Xây từ nền móng xưa

Đất linh thiêng hội tụ

Nơi dấu ấn ông cha

                                      (Mái đình làng Hạ - Lê Chiêu Huân).

 

Hình ảnh ngôi đình qua cảm xúc của bác Lê Chiêu Nẫm thật đẹp đẽ, uy nghi.

 

          Mặt đình hướng về phía Bắc

          Ngắm Linh Giang hội nước ba nguồn

          Tựa thế Cù Sơn tỏa bóng phía Nam

          Giao hòa núi sông ơn Trời Đất,

          Sừng sững uy nghiêm long chầu bốn mặt

          Dáng đẹp tươi thanh thản hài hòa.

 

Đình làng xây xong, ngày khánh thành cũng là lúc dòng cảm xúc của các nhà thơ làng tôi trào dâng nhiều cung bậc. Có người vui sướng cứ ngỡ trong mơ:

 

Một thời tuổi trẻ đi xa

Hôm nay trở lại quê nhà vui sao

        Tưởng mình đang lúc chiêm bao

Làng trên, xóm dưới cờ sao rực trời.

(Khánh thành đình làng – Lê Chiêu Chúc).

 

Không vui sao được khi “Từ nay con cháu xa gần, thăm quê viếng cả ngôi đình thân yêu” (Ngọc Lâm).

 

Cũng có người bùi ngùi thương nhớ khi kẻ mất, người còn. Nhìn đình hôm nay mà bao kỷ niệm xưa lại ùa về:

 

Nhìn mái đình tôi nhớ người đã khuất

Bạn đồng niên, đồng học của tôi

Dưới mái đình xưa tụ tập bao người

Cùng một lớp, một trường cùng vui vầy tâm sự

                               (Ngày khánh thành đình – Nguyễn Văn Tri).

 

 Lại có người ngắm đình mà lòng suy tư, thao thức như nghe cả lòng đất thở:

 

Đất địa linh kế thừa hậu thế

Nảy nở, mở mang đời lại nối đời

Nghe xôn xao âm vang từ trong lòng đất

Từ ngôi đình làng Hạ quê tôi.

                        (Lòng đất thở - Phan Anh Trung).

 

Đặc biệt bằng sự sâu sắc, tinh tế của mình nhà thơ Lê Quang Quý còn hình dung và thấu hiểu được nỗi lòng không chỉ của con cháu hôm nay mà cả của các dấng tiền nhân thuở trước:

 

Hậu thế thỏa mong tròn đạo hiếu

Tiền hiền toại ước vẹn ân tình

                       (Lễ khánh thành đình làng).

 

Đọc gần trăm bài thơ viết về chủ đề đình làng, công bằng mà nói cho dù còn có nhiều bài “Na ná như thơ” (Phạm tiến Duật). Nhưng điều đáng trân trọng chính là tình cảm sâu nặng của các tác giả đối với quê hương. Chính điều đã đã tạo nên chất thơ đích thực. Bởi “thơ trước hết là tình”.

 

Cám ơn tập thể các nhà thơ quê ta, đã sáng tác nhiều bài thơ hay để hôm nay tôi được dịp đọc, tập hợp, viết đôi lời giới thiệu. Dẫu biết rằng còn nhiều hạn chế nhưng đó là tấm lòng thành kính của hậu thế luôn hướng về nơi cội nguồn, tiên tổ. Muốn được như nén hương thơm thắp lên trong ngày giỗ đình làng ngày 16 tháng 6 để tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai làng, lập ấp cho chúng ta được thừa hưởng cuộc sống hôm nay, nguyện cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

Hải Dương, ngày 11 tháng 6 năm 2013

Người viết

Lưu Văn Quỳnh

          

Tác giả: Lưu Văn Quỳnh

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Lễ cúng Cồn Cui làng Cao Lao Hạ năm Ất Tỵ 2025

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 970

    Trong tuần: 970

    Trong tháng: 84044

    Tổng số: 629949

    Đang online: 29

    quan_ly_thong_bao