Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Đơn kiến nghị của anh Nguyễn Xuân Trường

Đơn kiến nghị của Đại tá quân đội nghỉ hưu Nguyễn Xuân Trường về việc giải quyết việc thay đổi hiên trạng địa giới hành chính của xã Hạ Trạch

Ảnh: Đại tá Nguyễn Xuân Trường

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

                                                                 Hạ Trạch, ngày 04 tháng 5 năm 2022

 

KIẾN NGHỊ

Về việc giải quyết do thay đổi hiện trạng địa giới hành chính đoạn 2x-28 đến 2x-29 và 2x-29 đến cống cũ đê Hữu Gianh trên tuyến địa giới giữa 2 xã Hạ Trạch và Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

------------

 

Kính gửi:     - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình;

                   - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình;

                   - Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình;

                   - Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình;

                   - Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình;

                   - Đồng chí Bí thư huyện ủy Bố Trạch;

                   - Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch.

 

Họ và tên: Nguyễn Xuân Trường

Cử tri thôn 8, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Xin được kiến nghị lên đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình; Đồng chí Bí thư Huyện ủy và đồng chí Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch về việc giải quyết do thay đổi hiện trạng địa giới hành chính đoạn 2x-28 đến 2x-29 và đoạn 2x-29 đến điểm cống cũ giáp đê Hữu Gianh trên tuyến địa giới hành chính của 2 xã Hạ Trạch và Bắc Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Để đoạn địa giới này trở về vị trí pháp lý và hợp lòng dân, Đảng bộ, nhân dân xã Hạ Trạch và cá nhân tôi tha thiết kính đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình; Đồng chí Bí thư huyện ủy và đồng chí Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch trên cơ sở Luật đất đai từng thời kỳ để xem xét một cách khách quan, công bằng, thấu tình đạt lý 2 vấn đề sau:

Một là: Cơ sở và tính pháp lý của Quyết định số 02/QĐ-UB của UBND huyện Bố Trạch ngày 08/01/1997 về việc xác định lại đường địa giới hành chính đoạn 2x-28 đến 2x-29 và đoạn 2x-29 đến điểm cống cũ giáp đê Hữu Gianh trên tuyến địa giới hành chính của 2 xã Hạ Trạch và Bắc Trạch.

Hai là: Diễn biến sự việc từ tháng 7/1989 đến khi có Quyết định 02/QĐ-UBND, ngày 08/01/1997 vầ việc xác định lại đường địa giới hành chính (ĐGHC) đoạn 2x-28 đến 2x-29 và đoạn 2x-29 đến điểm cống cũ giáp đê Hữu Gianh trên tuyến địa giới hành chính của 2 xã Hạ Trạch và Bắc Trạch.

Về phía Đảng bộ, nhân dân và cá nhân tôi thấy 02 vấn đề đó như sau:

I. Về cơ sở và tính pháp lý của Quyết định 02/QĐ-UBND

1. Về cơ sở pháp lý: Tuyến ĐGHC giữa 2 xã Hạ Trạch và Bắc Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình dài 6.750 mét, chạy từ điểm chung 3 xã Hạ Trạch, Bắc Trạch và Sơn Lộc (huyện Bố Trạch) đến điểm chung 3 xã Hạ Trạch, Bắc Trạch (huyện Bố Trạch) và Phường Quảng Thuận (Thị xã Ba Đồn), đều thuộc tỉnh Quảng Bình đã khẳng định trên cơ sở các điều kiện sau:

Thứ nhất: là tuyến ĐGHC có từ lâu đời được lịch sử để lại từ khi có Làng Cao Lao Hạ (nay là xã Hạ Trạch) và Làng Đặng Đề (nay là xã Bắc Trạch). Mặc dù đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử về việc thành lập các đơn vị hành chính như:  Tổng Cao Lao (1814), xã Bắc Trạch (1946) sau này chia tách thành các xã: Bắc Trạch, Thanh Trạch, Mỹ Trạch và Hạ Trạch (1955) và từ đó đến khi có Quyết định số 02/QĐ-UB, ngày 08/01/1997 của UBND huyện  về việc xác định lại đường địa giới hành chính đoạn 2x-28 đến 2x-29 và đoạn 2x-29 đến điểm cống cũ giáp đê Hữu Gianh trên tuyến địa giới hành chính của 2 xã Hạ Trạch và Bắc Trạch thì các đoạn ĐGHC nói trên vẫn giữ nguyên hiện trạng. Hai đoạn ĐGHC này cũng đã được Sở NN&PTNT xác nhận tại Báo cáo số 55/BC-NN, ngày 20/10/1989 tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Thông báo số 989/TB-UBND ngày 20/6/1990.

Thứ hai: Là tuyến ĐGHC được đơn vị thi công là Trung tâm Biên tập Xuất bản – Tổng cục Địa chính kiểm tra, đo đạc và lập biên chung cho toàn tuyến gồm các xã có liên quan đến ĐGHC của xã Hạ Trạch vào ngày 29/9/1993 theo Chỉ thị 364/CT ngày 06/11/1991của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), biên bản bao gồm:

+ Bản xác nhận mô tả ĐGHC với các xã có liên quan;

+ Phiếu thống kê địa danh dân cư;

+ Phiếu thống kê địa danh Thủy hệ;

+ Phiếu thống kê địa danh Sơn văn.

(Tất cả các văn bản trên đều ký vào ngày 29/9/1993)

Thứ ba: Là tuyến ĐGHC đã được ông Hoàng Văn Khẩn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thay mặt UBND tỉnh giao mốc ĐGHC cho xã Hạ Trạch ngày 22/4/1995, ông Nguyễn Hồng Thuy – Chủ tịch UBND xã đã ký nhận.

Qua 03 điểm trên thì tuyến ĐGHC này là tuyến ĐGHC hợp pháp, tổ chức, cá nhân nào lấn chiếm là xâm phạm chủ quyền. Theo chúng tôi thì ở đây không có sự tranh chấp về ĐGHC.

2. Về tính pháp lý của hồ sơ ĐGHC:

Thứ nhất: Cùng với việc giao Quyết định số: 02/QĐ-UBND của UBND huyện Bố Trạch ngày 08/01/1997 là giao hồ sơ ĐGHC của xã Hạ Trạch. Điều đáng nói ở trong hồ sơ này lại có 03 tờ bị cắt và dán lại nhưng không được người có thẩm quyền xác nhận lý do cắt dán, không có dấu giáp lai, không đánh số trang như vị trí các trang khác. Đặc biệt là chữ ký và ghi họ tên của Ông Vương Văn La ở trang này khác nét với ở các trang khác. Ngày tháng trong Biên bản xác nhận mô tả ĐGHC ghi ngày 02/10/1993 trong lúc Biên bản lập chung cho tất cả các xã có liên quan đều ghi ngày 29/9/1993

Thứ hai: Theo Quyết định số: 02/QĐ-UB ngày 08/01/1997 của UBND huyện Bố Trạch thì đường ĐGHC đoạn 2x-28 đến 2x-29 và đoạn 2x-29 đến điểm cống cũ tiếp giáp đê Hữu Gianh bị đẩy ra giữa lòng Hói Hạ 15 mét. Trong lúc tại tờ số 02 trong hồ sơ ĐGHC của xã Hạ Trạch đã mô tả đường ĐGHC chủ yếu đi theo sóng núi, đỉnh núi, đường bờ ruộng, đường đê ngăn mặn. Đây cũng là yêu cầu chung trong việc chia ranh giới các xã không có ngăn cách sông lớn.

Như vậy Quyết định số 02/QĐ-UBND, ngày 08/01/1997 của UBND huyện Bố Trạch về việc xác định lại ĐGHC giữa 2 xã Hạ Trạch và Bắc Trạch cần được xem xét lại theo đúng quy định của pháp luật.

II. Diễn biến sự việc trước khi có Quyết định 02/QĐ-UBND.

Chúng ta biết rằng trong cuộc sống lâu dài, dù có giữ gìn đến đâu thì nhân dân 02 xã liền kề cũng không thể tránh khỏi những xích mích, tranh cải do mưu sinh, đó là chuyện bình thường. Điều đáng tiếc là một số người lại lợi dụng chuyện bình thường để làm những việc bất thường và đáng tiếc hơn là lãnh đạo địa phương của nhóm người này  (tức là phía Bắc Trạch) lại im lặng, làm lơ, không hợp tác một cách khách quan với lãnh đạo xã Hạ Trạch để cùng giải quyết việc xô xát của người dân một cách ổn thỏa. Vì vậy từ con tôm, con cá, trổ nò đơm bắt lớn lên thành lấn chiếm mặt nước ở Hói Hạ. Những việc này đã được chính quyền xã Hạ Trạch nhiều lần nhắc nhỡ và làm việc với chính quyền xã Bắc Trạch là địa phương có dân lấn chiếm nhưng không thành và phải kiến nghị lên cấp có thẩm quyền giải quyết, cụ thể:

- Kiến nghị báo cáo của UBND xã Hạ Trạch ngày 03/7/1989 do ông Lê Quang Sự - Chủ tịch UBND ký.

- Báo cáo của UBND xã Hạ Trạch ngày 27/7/1989 do ông Lê Quang Sự - Chủ tịch UBND ký.

- Ngày 31/7/1989 tại văn bản số: 145/TL-UBND của Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch trả lời  giải quyết nhưng chỉ chung chung nên phía Bắc Trạch vẫn cho người dân của họ tiếp tục sử dụng đất, đánh bắt, lập trổ nò trên mặt nước Hói Hạ, địa phận xã Hạ Trạch. Hạ Trạch lại tiếp tục kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền của huyện Bố Trạch và tỉnh Quảng Bình, cụ thể:

- Đơn khiếu tố của HĐND xã ngày 01/8/1989 do các ông: Nguyễn Hồng Quảng, Nguyễn Đăng Dần, Lê Quang Sự, Phan Trọng Hoành, Lê Chiêu Tương đại diện cho các ngành ký gửi lên HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình và HĐND, UBND huyện Bố Trạch.

- Ngày 02/8/1989, HĐND xã ra Nghị quyết trong kỳ họp bất thường để thông báo với nhân dân về việc Hói Hạ bị lấn chiếm

- Văn bản ngày 07/8/1989 của UBND xã gửi lên UBND huyện Bố Trạch và các cơ quan có liên quan của huyện do ông Lê Quang Sự thay mặt UBND xã ký.

Tại báo cáo số 55/BC-NN, ngày 20/10/1989 của Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Bình do ông Hồ Khắc Hồng - phó Giám đốc Sở ký đã xác định: “Toàn  bộ Hói Hạ  thuộc quyền quản lý của xã Hạ Trạch (Toàn bộ Hói Hạ giới hạn bởi 02 bờ trước đây)”. Đồng thời  đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình trình Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) phân rạch ĐGHC giữa 02 xã Hạ Trạch và Bắc Trạch ở đoạn Hói Hạ theo ranh giới sử dụng đất đã đề nghị trên để có cơ sở cho huyện Bố Trạch tổ chức thực hiện.

Thế nhưng phía Bắc Trạch vẫn không thực hiện theo báo cáo này mà vẫn giữ nguyên việc lấn chiếm nên lãnh đạo xã Hạ Trạch lại tiếp tục kiến nghị lên lãnh đạo huyện và các cơ quan có liên quan huyện Bố Trạch, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và đồng chí Bí thư tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, cụ thể:

- Báo cáo tường trình ngày 31/10/1989 lên Sở Nông nghiệp, UBND tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình;  Ban Nông nghiệp, UBND huyện, Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch do ông Lê Quang Sự - Chủ tịch UBND xã ký

- Thư gửi Anh Thái Bá Nhiệm – Bí thư tỉnh ủy và Anh Trần Sự - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình của các đồng chí Sĩ quan Quân đội nghỉ hưu ở xã Hạ Trạch ký.

Ngày 20/6/1990, tại Thông báo số 989/TB-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình do ông Hồ Khắc Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh có nội dung tại điểm 1 như sau: “Hói Hạ tạm thời giao quyền sở hữu cho xã Hạ Trạch nhưng từ chân đê bối (của xã Bắc Trạch) trở ra phía Hói Hạ 15 mét tạm thời giao cho xã Bắc Trạch quản lý để bảo vệ đê (theo Luật bảo vệ đê điều). Khúc đất nào sát Hói Hạ thì chỉ giao cho Bắc Trạch từ chân đê đến sát mép đê bờ nam Hói Hạ.

Thông báo này cho ta thấy UBND tỉnh vẫn xác định toàn bộ Hói Hạ là đất đai của Hạ Trạch quản lý và sử dụng nhưng có điều cho Bắc Trạch sang đứng ở địa phận Hạ Trạch trong phạm vi 15 mét để bảo vệ chân đê nằm sát ranh giới 02 xã. Như vậy, Hạ Trạch không biết việc quản lý hành chính về lãnh thổ của mình như thế nào, đúng ra chỉ yêu cầu xã Hạ Trạch không được xây dựng công trình hoặc đào đắp hồ, ao trong phạm vi 15 mét từ chân đê bối của xã Bắc Trạch ra Hói Hạ, để khỏi ảnh hưởng đến chân đê (Theo Luật Bảo vệ đê điều).

Từ đó, phía Bắc Trạch đã lợi dụng 15 mét thuộc địa phận của xã Hạ Trạch được tỉnh giao tạm thời quản lý để bảo vệ đê bối, đã cho nhiều hộ dân đắp bờ, đào ao khoanh nuôi thủy sản. Xã Hạ Trạch đã nhiều lần báo cáo lên UBND huyện Bố Trạch giải quyết nhưng phía Bắc Trạch không chấp hành, cụ thể:

- Ngày 18/10/1990, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị và thống nhất thành lập đoàn cán bộ ra hiện trường giải quyết.

- Ngày 14/7/1992, UBND huyện đã họp để để giải quyết.

- Do phía Bắc Trạch tiếp tục đào hồ nuôi tôm trên địa phận của Hạ Trạch, nên ngày 08/7/1993, ông Nguyễn Đình Thới, Chủ tịch UBND xã lại kiến nghị lên Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình.

Căn cứ Chỉ thị 364/CT, ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), từ ngày 27/7/1993 đến 30/9/1993, đơn vị thi công là Trung tâm Biên tập Xuất bản – Tổng cục Địa chính thực hiện kiểm tra, đo đạc trên toàn tuyến ĐGHC xã Hạ Trạch liên quan đến 07 xã là: Bắc Trạch, Mỹ Trạch, Sơn Lộc, Cử Nậm, Liên Trạch (thuộc huyện Bố Trạch); xã Quảng Văn, xã Quảng Thuận (thuộc huyện Quảng Trạch – nay là Thị xã Ba Đồn), tất cả đều thuộc tỉnh Quảng Bình. Biên bản mốc giới toàn tuyến và các phiếu thống kê địa danh dân cư, sơn văn, thủy hệ đều được ông Nguyễn Văn Xuân lập ngày 29/9/1993.

Ngày 22/4/1995, trên cơ sở các biên bản lập ngày 29/9/1993, ông Hoàng Văn Khẩn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thay mặt UBND tỉnh giao mốc ĐGHC cho xã Hạ Trạch, ông Nguyễn Hồng Thuy, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch đã ký nhận.

Mặc dù mốc ĐGHC đã được xác định nhưng phía Bắc Trạch không thực hiện mà vẫn cho các hộ gia đình tiếp tục nạo vét, đắp bờ nuôi trồng thủy sản trên địa phận Hạ Trạch quản lý mà được UBND tỉnh Quảng Bình tạm giao để bảo vệ đê bối.

Ngày 15/8/1995, tại thông báo số 99/TB-UBND của UBND huyện Bố Trạch do ông Đỗ Đức Luật, Chủ tịch UBND ký đình chỉ việc đào ao nuôi trồng thủy sản trên diện tích 15 mét thuộc địa phận xã Hạ Trạch nhưng các hộ đó vẫn không chấp hành.

Điều vô cùng ngạc nhiên là tại thông báo số 167/TB-UBND, ngày 21/11/1995 do ông Ngô Đức Thú, Chánh văn phòng UBND huyện ký, tại điểm gạch ngang thứ 2 ghi: “ Vùng đất nằm phía Đông cống đổ cũ Hói Hạ hiện tại xã Bắc Trạch đã đào hồ nuôi tôm thuộc địa phận của xã Bắc Trạch”

Như vậy tại thông báo số: 989/TB-UBND ngày 20/6/1990 của UBND tỉnh Quảng Bình cho xã Bắc Trạch tạm mượn 15 mét đất của xã Hạ Trạch để bảo vệ chân đê bối nay đã đào ao nuôi tôm và tìm cách để đưa đường ĐGHC từ đê bối ra phía Hói Hạ của Hạ Trạch 15 mét, kỳ lạ là tỉnh cho tạm mượn đất để bảo vệ chân đê mà lại dùng đất đó để đào ao nuôi trông thủy sản và tìm cách chiếm để thành đất của mình.

Thấy sự vô lý đó, Đảng bộ và nhân dân Hạ Trạch lại tiếp tục kiến nghị nhưng:

Ngày 08/01/1997, tại Quyết định số 02/QĐ-UB của UBND huyện Bố Trạch cho là có sự tranh chấp giữa 02 xã nên đã xác định lại các đoạn ĐGHC: 2x-28 đến 2x-29 và 2x-29 đến điểm cống cũ giáp đê Hữu Gianh trên tuyến ĐGHC 02 xã Hạ Trạch và Bắc Trạch, cụ thể là: Đường ĐGHC hiện nay của 02 đoạn trên đã dời về phía lãnh thổ xã Hạ Trạch 15 mét (nghĩa là: Đường ĐGHC đi giữa lòng Hói Hạ)

Kính thưa các đồng chí trong đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình và các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch. Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, nhưng khi đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng thì được xem là chủ quyền của tổ chức, cá nhân đó để quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật.

Cũng như Đảng ta và nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân xã Hạ Trạch luôn luôn xem lãnh thổ hợp pháp của mình là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Đặc biệt là các đoạn đi qua Ba Trại và Hói Hạ là nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa của Làng Cao Lao Hạ (nay là xã Hạ Trạch) nên lại càng thiêng liêng do đó cần phải giữ gìn và bảo vệ.

Vì vậy, ngay từ mùa Hè năm 1989, khi có một số người dân xã Bắc Trạch lấn chiếm, xâm phạm đến khi có Quyết định 02/QĐ-UB, ngày 08/01/1997 của UBND huyện Bố Trạch ra đời về xác định lại ĐGHC đoạn 2x-28 đến 2x-29 và 2x-29 đến Cống cũ giáp đê Hữu Gianh và từ khi có Quyết định 02/QĐ-UB đến nay, thời gian đã 35 năm. Đảng bộ, nhân dân Hạ Trạch vẫn tiếp tục kiến nghị lên các cơ quan lãnh đạo huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình với mong muốn là được giải quyết sự việc thật sự công bằng, khách quan, đúng pháp luật.

Gần đây, chấp hành Công văn số 1469/UBND-NCVX, ngày 26/8/2021 về việc giải quyết dứt điểm các tuyến ĐGHC chưa thống nhất của UBND tỉnh Quảng Bình và Công văn số 1546/UBND-NV, ngày 20/8/2021 của  huyện Bố Trạch về việc ký hồ sơ bản đồ địa chính. Lãnh đạo xã Hạ Trạch đã nhiều lần mời đại diện của nhân dân trong xã, các đồng chí lãnh đạo xã qua các thời kỳ, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và các ban ngành, các đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng các thôn trong xã để phân tích và giải thích với mong muốn là các thành phần dự họp đồng ý  để các đồng chí lãnh đạo ký và báo cáo huyện theo yêu cầu, nhưng không ai nhất trí.

Trên tình thần đó, cá nhân tôi xin trình bày sự việc và kiến nghị đến đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình và các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch trên cơ sở các quy định của Luật Đất đai để giải quyết một cách công bằng, hợp lý.

Kính mong sự quan tâm của các cơ quan, các đồng chí trong đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, huyện Bố Trạch để sự việc được xem xét, giải quyết.

 

Nơi gửi:

- Như trên;

- Thường vụ Đảng ủy xã Hạ Trạch;

- Lưu cá nhân.            

NGƯỜI KIẾN NGHỊ

 

 

 

 

Nguyễn Xuân Trường

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả: Nguyễn Xuân Trường

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 1856

    Trong tuần: 10713

    Trong tháng: 83882

    Tổng số: 11724259

    Đang online: 42