Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Dưa môn (tưa môn) quê tôi

Kỷ niệm thời niên thiếu về món dưa môn mà làng Cao Lao Hạ gọi là tưa môn của anh Nguyễn Hữu Đức.

Hạ Trạch quê tôi từ thời xa xưa trải qua bao cuộc chiến tranh là nơi địa đầu giới tuyến. Từ thời Trịnh – Nguyễn chia cắt đất nước làng tôi là một trong những làng giáp ranh phân chia giữa hai đằng: “bờ nam sông Gianh được gọi là: Đằng trong là địa giới của Chúa Nguyễn, bờ bắc sông Gianh gọi là Đằng ngoài là địa giới của Chúa Trịnh”. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, con người quê tôi đã tôi luyện thành gang, thành thép. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ quê tôi là cái rốn trút bom của quân xâm lược. Sau ngày đất nươc thống nhất năm 1975 là thời kỳ nạn đói của thời bao cấp. Nạn đói 1945 tôi chưa được sinh ra nên chỉ nghe qua cha, ông kể lại và qua môn học lịch sử mà thôi.

Cái đói của những năm 1976 – 1980 là cái đói của lịch sử thời bao cấp XHCN. Lúc thế hệ chúng tôi lớn lên đã từng quay quắt trong những mùa giáp hạt: cơm, khoai không đủ no; áo quần không đủ mặc. Mỗi năm một nhân khẩu được cấp 3,8 mét vải tem phiếu nhưng không có quy định mét vuông hay mét dài, (vải Ka Ky Trung Quốc khổ rộng 1 mét; Ka Ky Liên Xô 1,1 mét, nhưng vải phim và đông xuân của Việt Nam là 0,6 mét nên mua loại tốt thì không có tiền, loại vừa và xấu thì không may nổi cái áo. Nhận tem phiếu về nhưng cửa hàng Quốc doanh không có vải để bán cũng chịu; nhà không có tiền để mua vải cũng chịu. Sơ qua vậy thôi để thế hệ con cháu sau này hiểu được thế nào là đói, khát, cơ cực của thời kỳ đó.
Dù có cơ cực thế nào con người cũng phải sống, phải đấu tranh để sinh tồn. Thời đó mỗi cặp vợ chồng bình quân khoảng 05 đứa con, cá biệt có gia đình 11 – 12 đứa giống bầy gà con bu quanh mẹ gà vậy. Trong muôn và cái khó luôn ló những cái khôn, để vượt qua những ngày đói kém đó hàng loạt món ăn dân dã đã ra đời trên quê hương chúng tôi.

DƯA MÔN: (QUÊ TÔI GỌI LÀ TƯA MÔN)

Làng quê tôi từ thời xa xưa nổi tiếng miền quê đẹp được Chúa Nguyễn xây thành, đắp lũy lập hào chiến đấu với đằng ngoài nên hình thành một làng quê ô bàn cờ chiều ngang có 20 lối xóm, 3 trục đường dộc (trước mặt làng là đường bản; giữa làng là đường làng; sau lưng làng là đường quan). Từ cấu trúc hệ thống giao thông như vậy nên cũng đồng bộ với hệ thông cấp thoát nước mỗi lối xón có 2 mương cấp thoát nước 2 bên đường xóm, duy chỉ có xóm 4 có lối trên mà không có lối dưới, tận dụng đường lối đi ngang địa phận nhà nào thì nhà đó trồng rau muống hoặc trồng môn. Cây môn phát triển vào thời gian từ cuối tháng 2 âm lịch vì mùa này nắng ấm nước cạn nên bà con bắt đầu trồng môn và sẽ lủi dần vào cuối tháng 10 âm vì mùa mưa, lụt nước ngập lối và đồng thời là mùa lạnh nên môn không phát triển được.

Cây môn (dọc mùng, tàu môn – tùy cách gọi của từng địa phương) có nhiều cách ăn, nấu canh, làm gỏi, xào tỏi, muối chua. Cây môn muối chua “gọi là dưa môn, tưa môn theo cách gọi của quê tôi”.

  • Muối dưa môn:

Cách hái dọc môn: người ta không cắt bằng dao, liềm mà khi hái ta nắm 2/3 dọc môn phía trên lừa thế giật thiệt mạnh xuống dưới vừa dễ bứt cũng để bảo vệ cây môn và tàu môn non khỏi bị hỏng, gãy.

Dọc môn sau khi hái về ta cắt phần lá để nấu cám cho heo, phần thân dọc ta đem rửa sạch sau đó dùng dao chẻ phần dọc có bẽ to phía dưới ra làm 2 – 3 khía tùy theo, tiếp đến ta cắt thành từng khúc khoảng 4 – 5 cm, đem phơi nắng một buổi cho héo lại lúc này cho vào vải, miền nam gọi là thạp, khạp cứ cho lớp môn dày dày ta rắc nắm muối hột lên (mặn, lạt là nhờ kinh nghiệm của người muối; tiếp đến dùng cái vĩ tre đan sẵn cho lên trên, lấy cục đá có độ nặng vùa phải đằn lên trên cho chặt. (Hồi Mạ tôi còn sống tôi thường trêu Mạ: là cục đá chuyên dụng); nhà tôi có mấy cục đá chuyên dụng như vậy gồm: “2 cục đá để đập bắp 1 cục để kê, 1 cục để cầm mà đập (có điều kiện tôi sẽ kể cho mọi người công nghệ đập bắp” và 2 cục đá để muối dưa môn và dưa cải, khi lớn lên tôi đã thấy những cục đá đó rồi, sau mỗi lần muối xong một mẽ dưa đều được bà rửa sạch bỏ trên thêm đầu hồi nhà. Nói về muối dưa môn; khi đã nèn đá chặt rồi thì múc nước trong lu hứng nước mưa đổ vào vải muối dưa cho ngập cứ thế khoảng 4 ngày sau là ăn được.

  • Môn làm gỏi:

Dọc môn hái vào tước vỏ dùng dao cắt xiên dộc môn dài khoảng 7-8 cm cho vào ngâm nước muối một lúc đưa ra vắt cho khô: giã một cối mắm ớt, tỏi, đường, rau răm, mùi tàu rửa sạch thái nhỏ, thêm ít lạc rang cho vào trộn đều kêu thêm vài bợm nhậu đến cùng lai rai thì số zách rồi; Lưu ý: Dùng loại môn có chấm đỏ trên lá chứ loại chấm trắng ngứa không chịu được đâu:

  • Ăn dưa môn:

Ăn dưa môn rất dễ và thông dụng lắm nhưng dùng cách nào cho ngon và không chán là cả một vấn đề:

+ Dưa môn nấu canh cá: chỉ phù hợp với cá đồng, cá nước ngọt sau khi tao qua cá ta sẽ cho nước vào nấu cho cá chín ta cho dưa môn vào nêm nếm cho vừa ăn, đừng quên cho ít ớt bột hoặc cắt vài trái ớt tươi và bắc xuống “khi các bạn cho dưa môn vào nấu lâu quá dưa sẽ bấy không còn vị chua và độ dòn của dưa”.

+ Dưa môn kho cá lóc (quê tôi gọi là cá tràu) thường cá tràu kho dưa là loại cỡ bằng cán liềm, ngón chân cái trở xuống (gọi là tràu tróoc): Cách kho cá tràu đánh vảy thật sạch, lấy ruột, móc mang chặt đầu, đuôi để nấu canh dưa môn còn lại cắt làm đôi xếp cho khéo vào nồi đất hoặc bây giờ là soong cho gia vị mắm, muối, ít nước màu vào kho cho cá chín ngấm gia vị rồi đun cho cạn nước sau đó ta cho 1 lớp dưa môn tùy vào khẩu vị của từng gia đình, cho thêm thìa ớt bột. đừng quên để 3 trái ớt chín lên trên dưa môn cho hấp dẫn cho thêm ít nước sôi để nguội vào síp síp dưa môn đun cho nước rút gần cạn là được (nếu bạn châm nước lạnh vào nồi cá sẽ tanh.

+ Dưa môn chấm mắm tỏi, ớt. Thật không dấu gì mọi người: những năm tôi còn bộ đội và sau này chuyển ngành về học ở Hà Nội. mỗi dịp về phép; nghỉ hè mà có bạn đến chơi đột xuất trong lúc chờ mạ nấu cơm tôi thường lấp chỗ tróng cùng bạn bè bằng cách: giã một chén mắm ớt, tỏi, đường thiệt cay ra ngoài giếng trên nền giếng có cái vải muối môn vắt một cục thiệt to cho vào cái tô rưới mắm tỏi vào trộn đều, chừa lại chút mắm để có thể chấm dưa môn: vừa lai rai vừa xuýt xoa thật là sảng khoái.

Tháng 3 này mà có nồi canh dưa môn nhâm nhi cùng rổ khoai sớm thì thích thú biết bao. Thỉnh thoảng tôi có mua dưa môn về để kho cá, nấu canh nhưng không thể ngon bằng dưa môn của quê ta./.


Tác giả: Nguyễn Hữu Đức

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Hồ Vực Sanh

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 3066

    Trong tuần: 25534

    Trong tháng: 103686

    Tổng số: 240881

    Đang online: 180