Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Ghi chép về Bankok (Phần 2)

Bút ký của anh Lê Chiêu Phùng

KỲ 2: PATTAYA- THIÊN ĐƯỜNG DU LỊCH                                              

Rời Thủ đô Băng Kok, theo tuyến đường cao tốc số 9 rồi rẽ qua đường cao tốc số 7 với chiều dài gần 170 km, chúng tôi có mặt tại Pattaya một thành phố biển nằm ở phía Tây nam Thái Lan. Người Thái có câu: “Băng Kok là thành phố của thiên thần, Pattaya là thành phố của ma quỷ” và đây cũng là cơ hội để được khám phá, hiểu thêm câu châm ngôn đó. Mặc dù diện tích nhỏ so với nhiều địa phương khác của Thái Lan với 22 km2, dân số chỉ trên 110 ngàn, nhưng Pattya là thành phố thứ hai sau Băng Kok trực thuộc Trung ương bởi tính đặc thù và nhiều lợi thế mà ít nơi có được.

Khác với Thủ đô Băng Kok, Pattaya có nhiều xe máy cũng như nhiều phương tiện giao thông công cộng khác như: xe thể thao, xe jeep, xe buýt thường, xe buýt mi ni có máy lạnh…Thành phố Pattaya được chia thành hai khu bởi cây cầu Taya, một bên là khu hành chính, công sở, trường học, y tế…còn bên kia cầu là khu thương mại du lịch sầm uất. Bờ biển Pattaya kéo dài hàng chục km ôm gọn hai mặt của thành phố biển mộng mơ này. Dọc theo bờ biển là những bãi tắm lý tượng, những công viên hoa đẹp mắt với nhiều trò chơi hấp dẫn lôi cuốn du khách thập phương như: lướt ván, dù bay và nhiều trò chơi mạo hiểm khác. Người Thái nói về thành phố Pattaya: “Hoàng hôn lúc bình minh lên và bình minh khi hoàng hôn buông xuống” bởi thành phố biển này “ngày ngủ, đêm làm việc” quả không sai. Ban ngày thành phố Pattaya gần như “chìm trong giấc ngủ” (trừ khu hành chính bên kia cầu Taya), còn phần lớn đường sá vắng người qua lại, các quán, của hàng, cửa hiệu ít mở cửa. Còn về đêm, cả thành phố lên đèn với những chùm đèn hoa đủ màu sắc, người qua lại trên các tuyến đường đông như hội.

Trên con đường từ khách sạn Royal palace ra bãi tắm, cô Bun Phớt, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Thái kể cho tôi nghe về lịch sử phát triển của thành phố du lịch có một không hai trên đất Thái này: “Trước đây, Pattaya là một xóm chài bé nhỏ, sống biệt lập, ít giao lưu với xã hội bên ngoài, cuộc sống chủ yếu trên thuyền, dần dần một số gia đình làm thêm lán trên bờ cho tiện sinh hoạt nhất là về mùa bão lụt và dần dần gia đình nào cũng làm nhà ở ven bờ biển hoang sơ này. Đàn ông xóm chài quanh năm lặng lẻ với nghề đánh bắt trên biển, phụ nữ ở nhà chăm con, nấu rượu chờ chồng. Thế rồi vào những năm 1963- 1964 thôn chài nhỏ bé này bổng nhộn nhịp hẳn lên khi một đơn vị thủy quân lục chiến của Mỹ có mặt và đóng quân luôn ở đó. Do sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán nên ban đầu sự tiếp xúc, giao lưu qua lại không nhiều... Khi thấy xóm chài có rượu, những người lính Mỹ lúc bấy giờ đã nảy sinh mang các vật dụng, quân trang, quân dụng vào xóm chài đổi rượu để uống, dần dần sự giao lưu qua lại nhiều hơn và đã hình thành như một nhu cầu không chỉ trao đổi hàng hóa mà còn có mua, có bán. Do vị trí thuận lợi cả về đường không, đường biển nên Pattaya được Mỹ sử dụng làm căn cứ tập kết và đưa quân đánh chiếm nhiều nơi trong đó có Miền nam Việt nam trong thời gian khá dài. Từ căn cứ của người Mỹ đầu tiên, Pattaya đã phát triển lên thành phố và trở thành trung tâm du lịch của Thái Lan”.

  

 Để có được như hôm nay, cùng với việc đầu tư của Nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng, Chính quyền thành phố đã có những đột phá trong việc đầu tư vào ngành du lịch. Thành phố khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Pattaya với nhiều chính sách ưu đãi. Chính phủ Thái Lan cho phép Pattaya như một đặc khu, một thành phố “mở” đầu tiên của Thái. Cùng với việc hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và sự năng động của thành phố đã đưa Pattaya phát triển nhanh chóng nhờ đó mà khách du lịch đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đến với thành phố biển này ngày càng đông. Du khách không chỉ được trải nghiệm, chiêm ngưởng về mảnh đất, con người Pattaya mà còn được thưởng thức nhiều trò chơi trên biển, các chương trình nghệ thuật truyền thống, show diển Tiffanir hoặc Alcazar đặc sắc có một không hai. Sau bữa cơm chiều, hàng ngàn người đã tự giác sắp hàng kéo dài hàng trăm mét chờ đến lượt mua vé vào xem các show diển của các “cô nàng” chuyển giới biểu diển mặc dù chi phí xem mỗi suất diễn chỉ có 45 phút mà phải chi trả đến 1.600 bạt tương đương 1,2 triệu Việt Nam đồng. Có thể do mới lạ và trí tò mò mà không một du khách nào khi đặt chân đến Pattaya lại không đến xem sô diễn Tiffanir, khi xem xong nhiều du khách phải thốt lên: “Đến Thái lan mà chưa được xem Tiffanir hoặc Alcazar coi như chưa đến đất Thái”

Cách thành phố không xa là Trung tâm Yến Huyết và Làng văn hóa Dân tộc Noong Nuch. Đây là một khu vui chơi giải trí tổng hợp như: Vườn hoa cây cảnh, gốm sành sứ, vườn thú, xiếc thú, vườn lan, khu ăn, nghỉ, nhiều trò chơi dân gian đặc sắc và gần 100 xe điện lớn nhỏ phục vụ du cầu đi lại trong vườn. Vào những năm 1965, vợ chồng người Thái gốc Hoa đã mua gần 700 ha đất ngoại ô chạy dọc theo triền núi và bãi biển hoang sơ. Ban đầu họ đầu tư trồng cây cảnh, làm gốm sứ, chăn nuôi, trồng rau, màu…phục vụ nhu cầu của người dân bản xứ. Khi thành phố phát triển, họ mở mang thêm các sản phẩm dịch vụ du lịch như lập sân khấu biểu diễn ca múa nhạc dân tộc, nuôi thú, nuôi voi…và xiếc voi của người Thái cũng xuất hiện đầu tiên tại Làng văn hóa Dân tộc Noong Nuch này. Hiện tại Làng Noong Nuch có tới 42 con voi lớn nhỏ, mỗi ngày có tới 4-5 suất diễn xiếc voi với hàng ngàn lượt người xem. Làng Noong Nuch còn có vườn hoa lan với trên 2.000 loài khác nhau được mang từ các khu rừng nguyên sinh, lai tạo, ghép, tạo ra nhiều màu sắc đẹp, hấp dẫn và cuốn hút khách thập phương. Cùng với hệ thống nhà hàng, sân khấu ca nhạc, khu nghĩ dưởng cao cấp thì các trò xiếc hấp dẫn như: Voi đi xe lam, voi vẽ tranh, voi ném tên trúng đích, voi đá bóng, voi nhảy lam ba đa, voi mát xa cho khách du lịch và rất nhiều trò chơi khác đã đem lại một nguồn thu đáng kể. Làng văn hóa Dân tộc Noong Nuch có tới hàng ngàn lao động, ăn ở và sinh hoạt nên chủ Làng đã đầu tư một hệ thống nhà ở kiên cố, trường học, trạm y tế, sân thể thao… phục vụ cho công nhân của Làng.

Cùng với điểm du lịch nổi tiếng Làng văn hóa Dân tộc Noong Nuch, Pattaya còn có tuyến tham quan độc đáo ở Coral Island (gọi là đảo San hô) cách đất liền trên 20 km với các trò chơi lướt ván, bay dù, lặn biển ngắm nhìn “rừng” san hô đủ màu sắc thú vị. Mỗi lần đưa khách ra đảo, đội thuyền cao tốc đồng loạt nổ máy lướt sóng, tung bọt trắng xóa trên mặt biển trong xanh. Trên đảo, hàng chục quán, nhà hàng, chòi, dù lộng với hàng ngàn ghế nằm nghĩ ngơi mỗi khi du khách cần yên tỉnh thả hồn theo sóng nước và mãi mê ngắm nhìn những con tầu qua lại giữa biển khơi. Cách Pattaya không xa là Công viên Safari World với các chương trình biểu diễn tài tình, điêu luyện của cá heo, cùng với các chú chim thông minh và những pha hành động ấn tượng. Công viên Thế giới động vật hoang dã với nhiều loài thú, chim mới lạ nhập từ 40 nước khác nhau như: Sư tử, Trâu, Bò rừng Châu Mỹ, Hỗ vằn, Hỗ xám, Tê giác châu Phi, Đà điểu, Lạc đà Mông Cổ, Hưu Cao cổ Ca Na Đa, Công và các loại Gà, Dê, Hưu, ở vùng nhiệt đới…tất cả đều có trong vườn thú rộng hàng ngàn ha bên đường cao tốc số 7. Thật tuyệt vời khi được chứng kiến những pha cá heo nhảy cầu tập thể cao tới 5-6 m, nhào lộn, múa, lắc vòng… chào và vỗ tay sau mỗi tiết mục biểu diễn.

Điều đáng nói là tại các khu vui chơi giải trí công cộng không riêng gì ở Pattaya mà bất cứ ở đâu trên đất Thái ý thức văn hóa công cộng của người dân rất cao. Tại các khu nhà hàng lớn, nhỏ ít thấy người la cà uống bia, uống rượu và tuyệt nhiên sau 11 giờ đêm các nhà hàng, quán bas…tuyệt đối không bán bia rượu cho khách. Biển báo cấm hút thuốc lá được quảng cáo khắp nơi, không chỉ ở các công sở, cơ quan mà ngay ở các nhà hàng, ga tàu, sân bay, bến xe, các khu vui chơi giải trí …đông người cũng không thấy người hút thuốc. Có chăng ở các nhà hàng lớn người ta đặt 2-3 ghế nhỏ và khay đựng tàn thuốc trước cửa ra vào nhà vệ sinh cho những người nghiện thuốc. Những ai muốn hút thuốc lá mà nhìn thấy cách “đối xử tự tế” như vậy chắc cơn nghiện cũng bị “hạ nhiệt”. Họ chấp hành tốt việc không hút thuốc lá nơi công cộng không phải sợ bị phạt 2 ngàn Bạt (gần 1.500.000 đồng VN) mà thể hiện ý thức văn hóa của người dân Thái Lan.

Đối với một số nước trong khu vực như: Trung Quốc có Quảng Trường Thiên An Môn, Cămpuchia có AngKowoat, Lào có Patuxay hay đền Thatluong, Việt Nam có Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chùa một cột, Myama có Tháp đôi…Riêng ở Thái Lan chưa có một biểu tượng nào để những người không có điều kiện đến đất Thái mỗi khi nhìn vào tấm hình nào đó người ta biết rằng đó chính là Thái Lan. Tuy nhiên với sự đa dạng về du lịch và “những nụ cười thân thiện”, Thái Lan sẽ là điểm đến và sẽ đến của du khách thập phương. Và hiện tại, không chỉ thành phố Pattaya, Băng Kok  mà đất nước Thái Lan  là “thiên đường Du lịch” quả không sai.

(Hết kỳ 2)

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Thư mời đăng tuyển tập hương sắc cao lao tập 4

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 2482

    Trong tuần: 4397

    Trong tháng: 4537

    Tổng số: 11608173

    Đang online: 354