SUY NGẪM VỀ GIAO THÔNG VÀ VĂN HÓA GIAO THÔNG TRÊN ĐẤT BẠN LÀO
Chiếc xe con lướt nhẹ trên Quốc lộ 12A vừa mới thảm nhựa, qua Cửa khẩu Cha Lo, đến ngã ba Lằng Khằng rồi về Thakhet trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Khăm Muộn. Theo Quốc lộ 13 chạy dọc sông Mekong với quãng đường gần 800 km, chúng tôi có mặt tại Viên Chăn, Thủ đô Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Khác với những chuyến đi trước đây, lúc thì xe chạy đoàn với lịch trình bắt buộc, khi thì có xe cảnh sát của bạn dẫn đường... Còn chuyến đi này được chủ động về thời gian cũng như lịch trình nên mới có điều kiện suy ngẫm về giao thông và văn hóa giao thông trên đất bạn Lào.
Những năm 1980-1990, đến được Savanakhet hay Khăm Muộn xe ô tô phải chạy 2-3 ngày còn lên Viên Chăn thì nhiều ngày hơn. Những năm đó, từ cửa khẩu Lao Bảo đến Mường Phìn, hôm sau đi tiếp đến Savan và ngày thứ 3 mới đến được Khăm Muộn... Chặng đường không dài, nhưng chất lượng quá xấu và việc đi lại trên đất bạn lúc bấy giờ an ninh không được tốt. Còn hiện nay, giao thông trên đất Lào đã đổi thay nhiều. Các tuyến đường chính đã được thảm nhựa, đường liên huyện, liên bản từng bước được bê tông. Đặc biệt, an ninh chính trị và trật tự xã hội khá tốt nên việc đi lại trên đất bạn rất an toàn. Đường ở Lào không rộng nhưng rất thẳng lại xuyên qua những cánh rừng gỗ quý và hàng ngàn ha cao su xanh tốt.
Các tuyến đường chính, nhất là đường Quốc lộ được thiết kế, thi công với sự giám sát chặt chẽ của chuyên gia nước ngoài. Cùng với việc duy tu bảo dưỡng thì trên các tuyến đường chính có các Trạm kiểm tra trọng tải nhằm hạn chế xe quá tải lưu hành nên tuy đã qua nhiều năm sử dụng các tuyến đường vẫn tốt. Người Lào đi lại từ tốn, khiêm nhường. Không có tình trạng, người đi bộ, đi xe máy hay ô tô đột ngột chạy tắt qua đường. Đường ưu tiên xe được phép chạy với tốc độ cao. Các đường tắt, đường ngang... dù các phương tiện tham gia giao thông trên đường ưu tiên đang ở xa, họ vẫn dừng lại chờ đợi rồi mới qua. Người Lào “thủng thẳng, thảnh thơi”, tính cách đó không chỉ thể hiện ở giao tiếp, sinh hoạt, buôn bán...mà còn thể hiện khá rõ nét khi tham gia giao thông. Họ không xô bồ, chen lấn, không tranh giành, nèo kéo... Điều đáng nói là ít khi nghe tiếng còi xe và ít thấy cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông làm việc trên đường. Xe máy ở Lào ít, ô tô thì nhiều, có gia đình 2-3 xe ô tô chủ yếu là xe bán tải, đằng sau có thùng. Họ cho rằng, loại xe con này “đi chơi cũng được, đi nương đi rẫy càng hay”. Ngoài xe riêng, giao thông công cộng vẫn là xe Buýt, nếu đi gần thì có xe “Sam lô”. Thái Lan cũng sử dụng khá nhiều loại xe này nhưng tên gọi là xe “Tuk Tuk”. Đi xe “Sam lô” thuận tiện, giá rẻ lại an toàn. ở Lào không thấy các loại xe máy “ tay ga” mà chủ yếu xe Bet, Jim, Way, xe côn, số... Xe ô tô cũng như xe máy ít để ga ra, họ thường để dọc đường phố và những nơi quy định. Đây cũng thể hiện an ninh đô thị, an ninh đường phố trên đất bạn.
Cùng với tính tự giác và ý thức của người Lào trong việc chấp hành Luật giao thông đường bộ thì hệ thống biển báo, biển hiệu ở Lào rõ ràng, chuẩn xác, giúp cho người lái xe chủ động xử lý. Các điểm cua, qua cầu, các ngã ba, ngã tư đều có biển báo từ xa. Các nút qua đường ưu tiên đều có biển báo “dừng” trước khi phương tiện cũng như người đi bộ cắt qua. Chính những chuẩn mực này đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế tai nạn giao thông và thực tế trong suốt thời gian đi lại trên đất nước Lào chúng tôi không gặp một vụ tai nạn giao thông hay một vụ va quyệt, cải vã nào.
Từ Thủ đô Viên Chăn, qua Lạc Xao, Khăm Muộn, Savanakhet, Pakse, Atopu...và ở đâu cũng vậy, chúng tôi thấy: Xe có tốc độ cao chạy trước, tốc độ chậm nhường nhịn chạy sau. Người đi bộ, đi xe máy thông thả trên phần đường giành riêng của họ. Đó là tính cách của người Lào, là nét đẹp văn hóa giao thông đáng được trân trọng. Tôi nói đùa với anh bạn đồng hành “ở Lào kinh doanh gì cũng có lãi, còn kinh doanh còi xe thì lỗ là chắc, bởi người Lào có bấm còi xe đâu mà hư với hỏng. Nếu đâu đó nghe tiếng còi xe, có chăng đó là xe hơi của người Việt mới sang Lào”.
... Về đến cửa khẩu Lao Bảo, qua Khe Sanh, Cam Lộ, Đông Hà, Đồng Hới... tiếng còi của những chiếc xe chở khách, chở hàng luồn lách, tranh giành đôi khi rít lên như muốn xé tai. Rồi cảnh tượng của những chiếc xe máy lạng lách, đánh võng trên đường đến rợn người. Tất cả như đang tạo nên trong tôi sự liên tưởng đến những ngày tham quan trên đất bạn. Và tôi thầm ước đến bao giờ giao thông và văn hóa giao thông Việt Nam được mọi người tự giác thực hiện như ở nước bạn Lào hiện nay.
Lê Chiêu Phùng
Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình
----
Xem thêm