Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Gửi Ba

Bài viết của chị Trần Ngọc Lan, tham gia phong trào sáng tác "Chuyện làng Cao Lao Hạ" do caolaoha.com phát động

Tác giả Trần Ngọc Lan (ảnh facebook cá nhân)

 

Lời Ban biên tập: Trong bài “Nhớ quê” chị  đã có những vần thơ rất xúc động:

“...Qua nửa đời phiêu dạt

Nọ sợ nắng,

Chẳng sợ mưa.

Chỉ sợ những khi thẩn thơ

Nặng lòng nhớ mạ.

Nhớ con đường xưa

Nhớ mùi rơm rạ.

Nhớ bát canh cua đồng

Mùi khói tỏa chiều buông...”

Những bài thơ về quê hương của chị đăng trên web làng như những bông hoa nhỏ nhỏ, dịu dàng, e ấp mọc trong vườn hoa muôn sắc của trang tin caolaoha.com mà làm xao xuyến con bao con tim của những người con xa xứ; có lẽ đó cũng là một hình thức biểu cảm của cái tính nhường nhịn, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ quê mình.

Chị là Trần Ngọc Lan, con gái bác Trần Xuân Đạm ở Thôn 7, làng Cao Lao Hạ. Chị đã có một thời gian dài học tập và lao động ở Cộng hòa Liên bang Nga và hiện nay sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh.

Khi phát động phong trào sáng tác “Chuyện làng Cao Lao Hạ”, Ban biên tập đã nhắn tin, trò chuyện và động viên chị viết bài. Chị bảo “Em không chuyên viết nhưng để em thử ạ”. Và, chị đã gửi tới Ban biên tập 2 bài với lời nhắn "Anh sửa cho em nhé"

Xin giới thiệu bài viết “Gửi Ba” là 1 trong 2 bài mà chị đã gửi cho caolaoha.com viết về kỷ niệm với người Cha kính yêu của chị

T/M Ban biên tâp

TS. Lưu Đức Hải

Kính mời bà con hưởng ứng phong trào sáng tác "Chuyện làng Cao Lao Hạ" theo các thông tin tại đường dẫn sau:

https://caolaoha.com/phat-dong-phong-trao-sang-tac-chuyen-lang-cao-lao-ha

 

 

GỬI BA

Hôm nay nhận được dòng tin nhắn từ anh trai làng Hạ. Anh là Lưu Đức Hải, một người con ưu tú của quê hương. Anh từng là du học sinh được nhà nước cử đi nghiên cứu khoa học ở nhiều nước. Anh cũng là Tổng Biên tập trang tin Caolaoha.com. Lúc còn sống, cha tôi rất ngưỡng mộ gia đình anh về tinh thần hiếu học và những đóng góp của gia đình anh đối với quê hương.

Anh bảo: “Em ơi, viết bài dự thi về quê hương nhé. Anh muốn lưu giữ lại những nét đẹp của làng”, và anh gửi kèm bài viết của anh Lê Quang Hải viết về ba năm 2014. Anh bảo tôi nên đóng góp một bài viết về những kỷ niệm của ba. Đọc bài viết anh gửi, tôi nghẹn lòng. Những kỷ niệm về cha bỗng ùa về…

Cha không còn nữa, nhưng trong tôi, cuộc đời ông như một cuốn tiểu thuyết dài mà càng đọc, càng chiêm nghiệm, tôi càng thấy mình may mắn khi được làm con của ông.

Cha là người con của quê hương Quảng Trị. Năm 1954, cha tập kết ra Bắc, làm nghề nhiếp ảnh tại thị trấn Hoàn Lão. Cái duyên nghề ảnh đã cho cha cơ hội gặp mẹ trong một lần đi chụp hình những gương mặt tiêu biểu trong phong trào thanh niên xung phong do huyện đoàn tổ chức. Vượt qua bao trắc trở, cuối cùng ông thợ ảnh cũng săn được cô gái ngoan hiền của làng Kẹ Hạ.

Thời đó, tôi thường nghe ngoại kể quê tôi còn nghèo lắm. Chiến tranh tàn phá đến nỗi trong nhà cái nồi cũng không có để nấu ăn. Cha đã nghiên cứu, dùng vỏ đạn và pháo sáng đúc thành nồi, ấm và các vật dụng cho bà con. Lúc tôi lớn lên, trong nhà vẫn còn những đôi thùng được gọi là "thùng pháo sáng", và đó cũng là những kỷ niệm gắn liền với tuổi thơ tôi trong những lần đi gánh nước.

Cha là một người nhanh nhạy, tháo vát. Vì mưu sinh, cha đã bươn chải đủ nghề. Nói đến cha là người ta ghép cho ông nhiều biệt danh: nào là “ông Đạm sửa xe”, “ông Đạm nuôi ngỗng”, “ông Đạm bột sắn”, “ông Đạm trồng cây”… Sau này, khi cha làm nghề buôn nón, người ta lại gọi ông là “ông Đạm nón Lào”. Người làng khác tìm ông chỉ cần hỏi biệt danh lập tức có người dẫn đến nhà – không nhầm vào đâu được. Bởi vì những việc ông làm từ trước tới nay làng tôi chưa ai nghĩ tới.

Gia đình tôi đông chị em. Nhà mười miệng ăn nhưng chỉ có mình mạ là xã viên hợp tác xã. Nhà đông thì vui, nhưng thời đó để kiếm cái ăn cái mặc thì người chèo lái cũng vã mồ hôi hột. Tôi nhớ những đêm mùa đông tối mịt, ông một mình ra bờ đê dùng đèn pin bắt chim, tranh thủ ghé qua đồng sau làm hố cá nhảy. Chúng tôi lúc đó còn nhỏ lắm, chỉ biết ngồi vây quanh bếp lửa đợi cha về.

Buổi sáng, khi mọi người đang ngon giấc, cha đã ra đồng thu gom những chú cá đã bị sa lưới. Có lần tôi cũng được theo ông trải nghiệm cái nghề dùng mẹo này. Làm như chơi nhưng lại thu về chiến lợi phẩm, có khi cả hơn chục con cá lóc núc na núc ních. Nhà tuy nghèo nhưng chúng tôi chưa từng bị đói bởi quê tôi lúc đó có rất nhiều sản vật tự nhiên, chỉ cần bỏ công một chút thì cả nhà ăn không xuể.

Những buổi sáng sau cơn mưa đêm, chúng tôi được ông gọi dậy từ rất sớm, men theo bờ đê và những đám cỏ để nhặt nấm cỏ may. Cá lóc tươi nấu với nấm là món ăn chúng tôi rất thích và thường xuyên được mạ chuẩn bị sẵn vào mỗi sáng.

Buổi chiều, trong lúc chờ cơm chín, chúng tôi theo chân cha ra bờ ao gần nhà. Ông thường dạy chúng tôi cách đánh chài, thả lưới... Bây giờ nhớ lại, vẫn nghe đâu đây mùi thơm lừng của cá rô phi nướng dầm tỏi ớt, mùi canh chua me bốc khói ngùn ngụt, bữa cơm sum vầy bên bếp lửa rộn ràng tiếng cười tiếng nói. Rứa mà đã mấy chục năm…

Trong ký ức tôi – cha như một người thầy bí ẩn, cho chúng tôi những bài học từ những công việc hàng ngày, truyền cho chúng tôi cái tâm thiện lành bằng những câu chuyện và tấm lòng nhân ái của ông đối với mọi người xung quanh. Sau này khi đã trưởng thành, tôi mới hiểu ông đã cho chúng tôi những bài học quý giá mà không phải ai trong đời cũng được học. Những bài học không phấn bảng, không lời hoa mỹ, có khi còn là những trận đòn nhưng được in dấu, ngấm và hòa vào máu thịt, lớn lên cùng chúng tôi.

Chính những tháng ngày đó đã cho tôi một tuổi thơ phong phú, muôn hình muôn vẻ. Chúng tôi vượt qua cái rét mùa đông khi trong nhà bốn bề gió lộng. Đêm đến, cả nhà cùng đắp chung tấm chăn được làm bằng những cọng rơm đan thành từng tấm. Sợ nhất là những lúc sau khi ông bão ghé thăm, cả làng như bị giặc càn quét. Mất hết, lại làm lại từ đầu. Khổ rứa đó mà cha mẹ đã nuôi chúng tôi lớn lên.

Bao nhiêu năm, bấy nhiêu chặng đường tôi đã qua. Từng gặp nhiều người thành công nhưng đối với tôi, cha là người tôi ngưỡng mộ. Ông là một người cha vĩ đại, đã vì chúng tôi mà hy sinh những ước mơ hoài bão của mình.

Cha thường kể, ông là người tham gia cách mạng từ lúc mới lên 12 tuổi. Đơn vị giao cho ông và 2 người nữa đóng vai tù binh làm liên lạc trong một nhà tù của địch. Hàng tuần, ông phải tìm cách lấy thông tin đưa ra ngoài cho cán bộ. Công việc chỉ mình ông và những người đồng đội biết – sống để bụng, chết mang theo. Cả làng tôi chẳng ai tin, kể cả tôi cũng ngờ vực.

Cho đến khi cha gặp lại người đồng đội cũ – đó là một trong 2 người hoạt động cùng ông. Khi đó bác là Trưởng ty Công an huyện Gio Linh. Nhờ bác, chúng tôi mới biết được cha từng là một chiến sĩ cách mạng. Bác đã tìm lại giấy tờ xác nhận và làm huân chương cho ông. Cha mừng lắm. Mấy chục năm, tôi chưa từng thấy cha vui như thế. Tôi thầm thương ông, trách mình đã không hiểu về cha. Mẹ và chúng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.

Tôi tự hào về cha, nể phục đức tính nhẫn nại, đứng lên từ những thất bại. Người quê tôi thường bảo nhau: “Ông sinh nhầm thời nên chưa trổ hết tài năng.” Bởi những điều ông nói, những việc ông làm, sau này ai cũng phải công nhận là ông đã đi trước một bước.

Ông giúp người không cần đền đáp. Những người đã từng gặp ông dù chỉ một lần cũng không dễ gì quên được cái tính thương người của ông. Cha tính hơi nóng nảy, cương trực, thấy sai là phải nói ngay. Nhưng bù lại, bên cạnh ông có một người tảo tần, nhường nhịn, nhân hậu, bao dung. Ông vì tình yêu với bà và chúng tôi mà gắn bó cùng quê ngoại – một miền quê sông núi hữu tình, con người yêu quê thật thà chân chất nhưng dũng cảm, kiên cường.

Ông đã yêu và chọn mảnh đất này để nằm lại. Cha mất vào ngày 14 tháng 12 năm 2018, sau khi đã chọn cho mình nơi an nghỉ tại khu Rẫy Tranh của làng Cao Lao Hạ thân yêu. Tuổi 90, cha lạc quan yêu đời, làm thơ, nuôi chim, trồng cây cảnh… Cha đột ngột ra đi chỉ 2 ngày sau khi trở về từ chuyến đi du lịch Sài Gòn cùng con cháu 4 tháng. Cha nằm xuống, trên tay vẫn còn ôm những dòng thơ chưa ráo mực.

Hơn sáu năm vắng cha nhưng trong lòng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ông đã mất. Trong tôi vẫn in đậm hình ảnh Người đang ngắm nghía chùm khế ngọt, những quả ổi mơ, mâm mê từng gốc mía, luống rau đợi ngày các con về Tết. Còn đó bóng dáng lom khom đun lửa nấu bánh chưng đợi giao thừa... Ước gì giờ này đây tôi được ngồi cạnh cha, cầm lấy bàn tay thô ráp ấm áp của Người.

 

Tác giả: Trần Ngọc Lan

5 / 5 (1Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Lễ cúng Cồn Cui làng Cao Lao Hạ năm Ất Tỵ 2025

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 2304

    Trong tuần: 12875

    Trong tháng: 74956

    Tổng số: 620861

    Đang online: 28

    quan_ly_thong_bao