Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Hạ Trạch đột phá từ nuôi trồng thủy sản

Tùy bút và ảnh minh họa của anh Nguyễn Chung Quý về ngành thủy sản xã Hạ Trạch

Xã Hạ Trạch, một miền quê nằm phía Bắc của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, với địa thế cảnh quan có tiền sơn, hậu thủy, giữa là đồng bằng trù phú tốt tươi, diện tích tự nhiên 1.840ha, dân số trên 5.000 người. Trước những năm 2000, trong cơ cấu kinh tế, trồng trọt và chăn nuôi đóng vai trò chủ yếu. Xác định trồng lúa, hoa màu là để giải quyết vấn đề lương thực và an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo, vì vậy hằng năm địa phương luôn dành ưu tiên một diện tích lớn để trồng lúa, hoa màu. Được thiên nhiên ưu đãi, có hồ Vực Sanh và hồ Cửa Nghè cung cấp nước tưới tiêu nên phần lớn đất lúa trồng được hai vụ, cây trồng 4 mùa tươi tốt, mùa màng luôn bội thu. Mặc dù vậy, mức thu nhập của người dân tính theo đầu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương vẫn không cao.

Xác định muốn làm giàu, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân thì đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đó là nỗi suy tư, trăn trở của lãnh đạo xã nhà qua các thời kỳ. Với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và điều kiện tự nhiên, thủy văn thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt, được sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên, trực tiếp là Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện cùng các Ban, ngành của huyện, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 1996 – 2000, Nghị quyết của HĐND xã, địa phương đã chủ động nghiên cứu, quy hoạch hàng chục héc ta đất ở các vùng bàu, vùng đất ngập nước mặn lợ ở phía hậu làng để bà con nhân dân đấu thầu làm hồ nuôi tôm, cua, thả cá. Từ chủ trương đúng đắn của xã, nhiều hộ gia đình đã huy động vốn đấu thầu mua đất làm hồ, mua giống, đầu tư công sức phát triển nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 1996 đến năm 2000 đã có trên 50 hộ gia đình làm hồ nuôi tôm, cua, cá, nhiều hộ gia đình thu lợi hàng trăm triệu đồng. Đó là tiền đề, là thắng lợi bước đầu của địa phương trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nhân dân. Với những thành tích đạt được về phát triển kinh tế-xã hội, nuôi trồng thủy sản, năm 1998 xã Hạ Trạch vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen. Trên đà phát triển, trong năm 1998 xã tiếp tục cho đấu thầu hơn 70ha đất vùng bàu, vùng trũng trồng lúa một vụ, năng suất thấp để bà con chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt, với mô hình kết hợp lúa, cá, vịt, đồng thời mở rộng diện tích khu nuôi nuôi trồng thủy sản mặn lợ gần 200 ha, đưa sản lượng thu hoạch tôm, cua, cá lên 150 tấn/năm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, quy hoạch tổng thể, trong đó ưu tiên quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng thủy sản, lấy nuôi trồng thủy sản làm mũi nhọn phát triển kinh tế-xã hội của địa phương giai đoạn 2010 - 2020 và những năm tiếp theo, gắn đề án này vào chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM theo tinh thần Quyết định 800 của Chính phủ. Nhờ thay đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng, chỉ trong thời gian ngắn từ năm 1996 với vài chục hộ tham gia nuôi trồng thủy sản đến nay đã có hơn 200 trăm hộ tham gia, năng suất đạt 300 tấn (theo số liệu trong Báo cáo năm 2020), đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Cụ thể, năm 2000, thu nhập của người dân chỉ hơn 2 triệu đồng/năm đến năm 2015 đã tăng lên hơn chục lần, là 29 triệu đồng/ người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2015 giảm chỉ còn 4,6%/KH 5%.

Năm 2016, sự cố Formosa, môi trường biển bị ô nhiễm, nuôi trồng thủy sản ở 4 tỉnh Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có địa phương Hạ Trạch. Nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Sở Thủy sản Quảng Bình, lãnh đạo huyện Bố Trạch, sự đồng thuận của bà con nhân dân, nuôi trồng thủy sản mặn lợ ở Hạ Trạch sớm được phục hồi và tiếp tục phát triển. Giá trị, tỷ trọng nuôi trồng thủy sản nước ngọt, mặn lợ không ngừng gia tăng trong cơ cấu kinh tế của địa phương, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 40 triệu đồng/ người/ năm, tăng 11 triệu đồng so với đầu năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,12%/KH 2,5%. Thu ngân sách trên địa bàn xã bình quân hằng năm tăng 20%, dự tính đến năm 2025 đạt 9 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đến năm 2025, kế hoạch đạt trên 62 triệu đồng/người.

Với ưu tiên phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản – mũi nhọn của nền kinh tế, năm 2008 hệ thống điện lưới phục vụ khu nuôi trồng thủy sản mặn lợ ở Hạ Trạch được lắp đặt và đưa vào sử dụng, năm 2019 nhà nước tiếp tục đầu tư gần 50 tỷ đồng bê tông hóa hệ thống kênh mương, nâng cấp khu nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh những thuận lợi, sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, thì vẫn còn có một số khó khăn, hạn chế, đó là: Hiện tại vùng nuôi tôm còn bị chia nhỏ, diện tích hẹp, manh mún không thuận lợi cho việc đầu tư thâm canh. Môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, giá trị đầu vào cao, thị trường đầu ra không ổn định.

Tại Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, trong phần phương hướng và nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội, Báo cáo Chính trị một lần nữa tái khẳng định vai trò đầu tàu, mũi nhọn của nuôi trồng thủy sản trong cơ cấu kinh tế của địa phương, kế hoạch đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 đạt 400 tấn/năm. Để thực hiện được mục tiêu đó, địa phương đã định hướng và có một số giải pháp vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài, nhằm tạo bước đột phá cho nuôi trồng thủy sản. Nhiệm vụ trước mắt là tiếp tục chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt, kết hợp với chăn nuôi. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, tăng sản lượng trên một đơn vị diện tích, hằng năm mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người nuôi. Đồng thời chọn nguồn giống có chất lượng, uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Công tác vệ sinh, phòng dịch, bảo vệ môi trường luôn được quan tâm thường xuyên.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay thị trường xuất khẩu bị đình trệ, nhiều mặt hàng thủy hải sản không xuất khẩu được, thị trường nội địa bị thu hẹp, nhà hàng, quán sá phải đóng cửa nên lượng tiêu thụ thủy sản bị hạn chế, giá cả mặt hàng thủy sản sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, thu nhập của người nuôi. Để ngành nghề nuôi trồng thủy sản được ổn định lâu dài và ngày càng phát triển, chính quyền địa phương cùng với Hội nuôi trồng thủy sản cần làm tốt công tác khuyến ngư, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó cần kết hợp tốt giữa các con nuôi truyền thống với việc phát triển một số con nuôi, giống thủy sản mới đang được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao. Về lâu dài, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như quản lý vùng nuôi, phối hợp với Ngân hàng CSXH, Quỹ tín dụng nhân dân xã hỗ trợ vốn, lãi suất cho người nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm sạch, chất lượng cao, công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm ưu tiên.

Với vai trò đầu tàu, mũi nhọn của nền kinh tế, cùng sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đầu tư, thâm canh của người nuôi, hy vọng nghề nuôi trồng thủy sản trên đồng đất Hạ Trạch sẽ ngày càng phát triển. Năng suất, sản lượng, giá trị của nuôi trồng thủy sản sẽ không ngừng gia tăng, góp phần đưa nền kinh tế của địa phương tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, quê hương ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Tác giả: Nguyễn Chung Quý

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Hồ Vực Sanh

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 2566

    Trong tuần: 10512

    Trong tháng: 60331

    Tổng số: 197526

    Đang online: 40