Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Hạ Trạch tôi yêu

Bài viết của em Lưu Trung Dũng, lớp 7, đạt giải khuyến khích cuộc thi Viết về làng quê của em” do trường THCS Lưu Trọng Lư phát động, trang tin caolaoha.com tài trợ kinh phí.

Học sinh Lưu Trung Dũng (Ảnh: Trường THCS Lưu Trọng Lư)

“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày”

Có lẽ, trong trái tim mỗi người Việt Nam, tình yêu thương quê hương là thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Mỗi người sinh ra, ai mà không có cội nguồn gốc gác, ai mà không có quê hương . Quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi chôn rau cắt rốn của ta. Quê hương cho ta những kỷ niệm ngọt ngào, cho ta tuổi thơ tươi đẹp. Quê hương dạy ta những bài học làm người đầy ý nghĩa để cho ta lớn khôn và trưởng thành. Với tôi, quê hương có một vị trí quan trọng trong trái tim tôi.  

Quê hương hai tiếng thiêng liêng vô vùng. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hạ Trạch. Hạ Trạch là một xã thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Làng quê tôi có diện tích khá nhỏ khoảng 1786 km², phía Đông giáp xã Bắc Trạch, phía Tây giáp xã Mỹ Trạch và xã Liên Trạch, phía Nam giáp xã Cự Nẫm với dân số khoảng 4.047 người, mật độ dân số đạt khoảng 227 người/km². Tôi nghe ba tôi kể ngày trước, vùng quê tôi nghèo lắm. Con người sống chủ yếu bằng nghề nông, ngày làm việc trên cánh đồng, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cuộc sống cơ cực, vất vả, đầy khó khăn, thiếu thó, có những lúc không đủ ăn, đủ no. Nhưng hiện tại, nhờ truyền thống ham học và nghề làm nông, đánh bắt thủy sản mà nhờ đó cuộc sống của người dân đã được cải thiện, cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. Như đã nói ở trước, thì làng quê tôi là một nơi hiếu học. Cũng vì đó mà làng tôi có rất nhiều những nhân tài, những người kiệt xuất của đất nước, tiêu biểu nhất là nhà thơ, nhà báo, nhà soạn kịch Lưu Trọng Lư (19 tháng 6 năm 1911 - 10 tháng 8 năm 1991). Ông là người làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Lưu Trọng Lư là nhà thơ tiên phong cho phong trào Thơ mới. Những bài thơ của ông nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà đó chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của cả thời đại đã góp phần khẳng định vị thế của Thơ mới. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như Tiếng thu, Mắt buồn, Chị em,… Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình, với những cống hiến to lớn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà ông đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh và đã được nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trao huân chương Độc Lập Hạng Nhất. Vào năm 2011, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ lớp lớp con cháu của nhà thơ cũng như quê hương Cao La Hạ luôn mang trong mình niềm kiêu hãnh vì đã có một con người làm rạng danh cho dòng họ và quê hương xứ sở. Trường Trung học cơ sở Hạ Trạch đã mang tên Lưu Trọng Lư và những đứa con cháu sau này của quê hương sẽ tiếp tục trở thành những con người để làm cho quê hương ngày càng rạng rỡ. Làng Cao La Hạ còn một đứa con cũng nổi tiếng và được nhân dân tôn xưng không kém, đó là đồng chí Lưu Bá Xảo. Đồng chí Lưu Bá Xảo (bí danh Lưu Duy Nhất) sinh ngày 5 tháng 6 năm 1925 trong một gia đình trung nông ở làng Cao Lao Hạ (nay là xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình); làng có 24 họ tộc, đồng chí thuộc dòng họ Lưu Văn Tiên. Không biết từ bao giờ dân gian đã phong tặng cho dòng họ này là họ Lưu Quan; có lẽ do dòng họ đã sinh ra nhiều người con hiếu học, vượt khó và đỗ đạt cao, đem hết sức mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, nên được nhân dân tôn xưng như vậy.Trọn đời mình, người con của quê hương Hạ Trạch, anh “Bộ đội Cụ Hồ” – Thiếu tướng Lưu Bá Xảo luôn sẵn sàng đi đầu và cống hiến hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. Các thế hệ người dân Hạ Trạch, Bố Trạch mãi mãi tự hào về một người con đã góp phần làm rạng danh vùng đất Cao Lao Hạ anh hùng, mảnh đất Quảng Bình “quật khởi”. Cuộc đời hoạt động của Thiếu tướng Lưu Bá Xảo là tấm gương sáng của người cộng sản, mãi mãi in sâu trong ký ức chúng ta; và thật xứng đáng để mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quảng Bình và thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Bạn biết không? Với tâm nguyện để có nơi thờ tự Thành Hoàn và có một trung tâm sinh hoạt văn hóa địa phương, cuối năm 2008, đình Cao Lao Hạ được khởi công xây dựng với sự đóng góp của con em Hạ Trạch đang sinh sống ở khắp mọi miền Tổ quốc. Tháng 4-2011 việc xậy dựng đình đã được hoàn thành. Đình làng là 1 biểu tượng công trình kiến trúc văn hóa cộng đồng lớn nhất của làng xã, là một di sản văn hóa tổng thể nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, độc đáo. Tình yêu quê hương, đất nước của con người một phần được nuôi dưỡng và lớn lên ở đó, góp phần định hình cho mỗi chúng ta nhận ra được gốc tích của mình. Đình Cao Lao Hạ là một trong số ít đình làng ở Quảng Bình được phục dựng, gìn giữ và phát huy giá trị, đã thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Để có cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ngày 27-7-2015, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 2041/QĐ-UBND, xếp hạng di tích lịch sử đối với đình Cao Lao Hạ. Trên bước đường đổi mới hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nhân dân Hạ Trạch đã biết trân trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, biến những giá trị đó thành sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp phát triển kinh tế-văn hóa, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ quê hương.

Nhắc đến xã Hạ Trạch thì không thế thiếu đến con sông Gianh huyền thoại. Sông Gianh là một con sông chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017 m thuộc dãy Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn để đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh. Sông Gianh dài khoảng 160 km, cắt qua quốc lộ 1A ở tây bắc Cửa Gianh 5 km. Diện tích lưu vực 4.680 km², độ cao trung bình 360 m, độ dốc trung bình 19,2%, lượng nước năm 7,95 km³ ứng với lưu lượng nước trung bình năm 252 m³/s, môđun dòng chảy năm 53,8l/s.km². Mùa lũ từ tháng 9 đến tháng 11, chiếm khoảng 60-75% lượng dòng chảy hàng năm. Dòng cát bùn khoảng 1,93x105 tấn/năm, ứng với độ đục trung bình năm 192 g/m³ và hệ số xâm thực 168 tấn/km² năm. Tàu thuyền có thể qua lại đoạn sông ở hạ lưu, từ Cửa Gianh đến Ba Đồn 6 km, đến thị trấn Đồng Lê huyện Tuyên Hóa là 47 km. Xuôi trong dòng chảy lịch sử, sông Gianh từ lâu được biết đến là đường ranh lửa đạn nằm giữa lòng nước Việt. Trong “ Đại Nam nhất thống chí”, sông Gianh còn được gọi bằng cái tên Linh Giang linh thiêng và huyền bí, biết bao thân phận trong triền miên đau thương của những cuộc chiến thù trong giặc ngoài. Sông Gianh qua bao cơn tạo loạn trên thân mình mang đầy chiến công và chứng tích. Sông Gianh nay đã nối đôi bờ bằng chiếc cầu kết nối vĩnh cửu từ bê tông cốt thép. Tượng đài chiến thắng sông Gianh, cảng Gianh, cầu Gianh,... hôm nay sừng sững và uy nghi dưới trời xanh chính là điểm tựa lịch sử vững vàng. Hiện tại, sông Gianh là nguồn cung cấp thủy hải sản, nước cho nhân dân Hạ Trạch sinh hoạt.

Quê hương tôi thế đó. Mai này, có thể rồi tôi cũng phải rời xa nơi này, rời xa cái nơi giống như từng miếng thịt, giọt máu trong tôi vậy. Trong lòng tôi đau xót vô cùng. Những kỉ niệm về tuổi thơ, kí ức của tôi về nơi này chắc chắn sẽ khắc sâu vào trong tôi, khắc ghi vào tâm hồn, tuổi thơ này. Và rồi thời gian dần trôi qua, tôi biết quê mình sẽ thay đổi nhiều lắm, đẹp hơn, phát triển hơn, cuộc sống con người cũng ổn định hơn. Nhưng có một điều tôi chắc rằng, sự bình yên, ấm áp của làng quê, sự chân chất, mộc mạc của con người nơi đây không bao giờ thay đổi cũng như tình yêu tôi dành cho quê, chân thành và gắn bó.
Có lẽ những lời văn trên không thể diễn tả hết tình yêu tôi dành cho quê, nhưng đối với tôi quê hương mãi là một phần ký ức đẹp đẽ tôi mãi khắc ghi trong lòng.

Tác giả: Lưu Trung Dũng

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 844

    Trong tuần: 19390

    Trong tháng: 70392

    Tổng số: 11710769

    Đang online: 54