Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Hán Nôm, tản mạn đầu xuân

Tản mạn Hán Nôm đầu xuân của Lê Chiêu Chung

 

Chữ Hán (hán) do người Trung Quốc sáng tạo ra nên không thể hiện hết mọi mặt của văn hóa Việt Nam, trên cơ sở nguồn gốc chữ hán, người Việt Nam đã cải tiến và bổ sung thành chữ Nôm (nôm) theo ngôn ngữ, phong tục, địa lý, lịch sử… của dân tộc mình.Vì vậy, chữ nôm có nguồn gốc căn bản là chữ hán, nếu không học chữ hán thì không đọc, không viết được chữ nôm. Người Việt hiện nay viết chữ quốc ngữ mà biết thêm chữ hán nôm hoặc hiểu nghĩa từ Hán - Việt thì có trình độ ngôn ngữ phong phú văn hoa hơn, cũng như nhà văn, nhà thơ nào có vốn chữ hán nôm, hay hiểu nghĩa Hán - Việt thì sáng tác theo phái cổ điển sẽ chính xác hơn. Chữ nôm còn có có tên gọi khác là chữ Nam (chữ của nước Nam) để phân biệt với chữ của nước Tàu ở phương Bắc như kiểu thuốc Nam và thuốc Bắc vậy.

 

Hán nôm là loại chữ tượng hình và lắp ghép, tượng hình tức là dùng hình tượng của sự vật để tạo nên chữ. Ví dụ như chữ Nhất là 1 gạch, chữ Nhị là 2 gạch, chữ Tam là 3 gạch, chữ Khẩu là hình cái miệng, chữ Môn hình cái cửa, chữ Tửu là hình vò rượi, chữ Điền là hình đám ruộng, chữ Mộc là hình cây cối, chữ Thủy là hình giọt nước, chữ Hỏa là hình ngọn lửa, chữ Sơn là hình ngọn núi, chữ Xuyên là hình dòng sông, chữ Tâm là hình khúc ruột... Lắp ghép là dùng chữ này ghép với chữ kia để thành một chữ khác, hình tượng này ghép với hình tượng kia để thể hiện một hình tượng khác, ví dụ như chữ Tốt (anh lính) ghép với chữ Tửu thành ra hình ảnh anh lính bên vò rượi là chữ Túy nghĩa là say rượi, chữ Mục là con mắt ghép với bộ Thủy là nước ra hình ảnh con mắt có nước thành chữ Lệ có nghĩa là nước mắt, chữ Đao trên chữ Tâm thể hiện hình ảnh cây đao đặt trên bụng là chữ Nhẫn , hai chữ mộc ghép lại thành chữ Lâm là rừng, bước chân trái là chữ Xích , bước chân phải là chữ Xúc , chữ xích ghép với chữ xúc thành chữ Hành có nghĩa là đi...

 

Do chữ hán nôm là loại chữ khó nhớ mặt chữ, khó học, nên các nhà soạn sách dạy học (giáo khoa) thường sắp xếp các chữ theo vần cho học trò dễ nhớ. Như những chữ đầu tiên của sách Tam thiên tự (ba ngàn chữ):

 

Thiên là trời, Địa là đất, Cử là cất, Tồn là còn, Tử là con, Tôn là cháu, Lục là sáu, Tam là ba, Gia là nhà, Quốc là nước, Tiền là trước, Hậu là sau, Ngưu là trâu, Mã là ngựa, Cự là cựa, Nha là răng, Vô là chăng, Hữu là có, Khuyển là chó, Dương là dê, Quy là về, Tẩu là chạy, Bái là lạy, Quỵ là quỳ, Khứ là đi, Lai là lại….

 

hoặc sách Tam tự kinh (sách ba chữ) viết những câu đầu tiên:

 

Nhân chi sơ, Tính bản thiện.

Tính tương cận, Tập tương viễn.

Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên.

Giáo chi đạo, Quí dĩ chuyên.

Tích Mạnh mẫu, Trạch lân xử.

Tử bất học, Đoạn cơ trữ.

Đậu Yên-sơn, Hữu nghĩa phương.

Giáo ngũ tử, Danh cu dương.

Dưỡng bất giáo, Phụ chi quá.

Giáo bất nghiêm, Sư chi đọa.

Tử bất học, Phi sở nghi.

Ấu bất học, Lão hà vi ?

Ngọc bất trác, Bất thành khí.

Nhân bất học, Bất tri lý…

Tạm dịch:

Người thuở đầu, Tính vốn lành.

Tính nhau gần ; Thói nhau xa.
Nếu chẳng dạy, Tính thay đổi.
Dạy cái đạo, Quí lấy chuyên.
Mẹ thầy Mạnh, Lựa láng giềng,
Con chẳng học, Chặt khung thoi.
Đậu Yên-sơn, Có nghĩa phép,
Dạy năm con, Tiếng đều nổi.
Nuôi chẳng dạy, Lỗi của cha ;
Dạy chẳng nghiêm, Quấy của thầy.
Con chẳng học, Phi lẽ nên.
Trẻ chẳng học, Già làm gì ?
Ngọc chẳng đẽo, Chẳng nên đồ,
Người chẳng học, Chẳng biết lẽ….

 

Khi các thầy đồ dạy trẻ học thường bắt trẻ cùng đọc theo nhịp gõ thước của thầy, ai đọc sai thì bị thầy gõ thước vào đầu, vì vậy nghề dạy học còn gọi là nghề “Gõ đầu trẻ”. Vào khoảng giữa thế kỷ trước, ở Cao Lao Hạ có hai thầy dạy hán nôm là cụ Lưu Đức Nhu còn gọi là thầy Cửu (thầy được vua phong chức quan Cửu phẩm) và cụ Lê Chiêu Bá còn gọi là thầy Phó (thầy được bầu giữ chức Phó Lý trưởng của làng). Ngoài học trò trong làng còn có học trò khắp nơi đến học rất đông, các cụ kể lại là thầy Phó hiền lành, còn thầy Cửu rất nghiêm khắc.

 

Có những chữ mà học trò tự liên hệ để nhớ như “chữ Đinh là giàng cối xay”, “chữ Xích là chim cu đậu chành nè”, hoặc trở thành ca dao như “Cù cu mà đậu chành nè. Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm” là chữ Đức gồm các chữ thập, chữ tứ, chữ nhất, chữ tâm và chữ xích ghép lại. Người ta cũng thường lấy hán nôm để thể hiện một số hình thái kiến trúc như việc xây dựng thành, quách, phủ, trạch ngày xưa theo hình chữ hồi , xây dựng đền chùa theo hình chữ công .

 

Thuở nhỏ tôi hay lân la sang nhà cụ Lê Chiêu Tùng (em cụ Lê Chiêu Bá) chơi và  xem ông làm đồ mã, viết sớ cúng tết cho mọi người đến nhờ, ông thường kể về những chuyện liên quan đến những chữ nho mà ông viết trên những tờ sớ hoặc giấy đỏ. Sau đây tôi xin kể một vài câu chuyện để bà con đọc giải trí đầu xuân.

 

1.     Chuyện về ông Bành Tổ và chữ Thiên.

 

Bành Tổ lúc nhỏ có tên gọi là Bành Nhi, mồ côi cha từ nhỏ, tuy một mình nuôi con vất vả nhưng hàng tháng bà mẹ rất đều đặn dắt con đi lễ chùa cầu phúc, cầu đức. Thấy lòng thành của bà nên vị hòa thượng trụ trì ngôi chùa động lòng, có hôm nhìn hai mẹ con mà thở dài rồi thốt lên rằng: “Sao trời lại chỉ cho thằng bé ở với bà 10 năm thôi”. Bà mẹ nghe được bèn khóc lóc năn nỷ xin hòa thượng giúp đỡ. Sau một hồi suy nghĩ, hòa thượng đồng ý giúp đỡ và dặn bà về sắm lễ vật, đúng ngày giờ hòa thượng bày, hai mẹ con đội mâm lễ vật gồm 1 con lợn quay và xôi, rượi tới nơi thầy dặn, thì thấy ở nơi đó suối chảy, hạc bay, mây vờn tùng bách, trên một tảng đá phẳng có hai người đang ngồi đánh cờ tướng. Hai mẹ con rón rén lại gần, nhẹ nhàng đặt mâm cỗ bên cạnh rồi lui ra xa ngồi đợi. Hai người mãi đánh cờ đang đói bụng, thấy có rượi thịt thơm lừng, người này thì tưởng người kia mời bèn cứ thế cầm lên, vừa đánh cờ vừa đánh chén. Khi đánh xong ván cờ, hai  người mới phát hiện ra người dâng cỗ nãy giờ đứng chỗ khuất, bèn hỏi chuyện. Bà mẹ bèn kể hết mọi chuyện về gia cảnh. Vốn hai người đánh cờ là hai vị tiên Nam Tào và Bắc Đẩu giữ sổ sinh tử trên Thiên đình, có một người giở sổ ra và nói với người kia: “số tuổi của thằng Bành con bà ấy là chữ thập ”, đang lúc cao hứng vì men rượi người kia đáp lại “vậy thì cho nó một phết trên đầu nữa”. Nam Tào, Bắc Đẩu đã trả ơn mâm cỗ hai mẹ con bằng một nét phẩy lên trên đầu chữ Thập, biến chữ Thập là 10thành chữ Thiên là một nghìn. Thế là cậu Bành theo số mạng được sống đến nghìn tuổi, tuy nhiên cậu Bành chỉ sống được 800 tuổi thì bị tố giác nên Ngọc Hoàng sai thiên tướng bắt về, ông tôi bảo Bành Tổ bị chết oan vì chưa hết số. Từ sự tích này mới có câu "Sống lâu như ông Bành Tổ".

 

2. Chuyện về Lê Quý Đôn và chữ Thái.

 

Lê Quý Đôn là Tiến sĩ thời hậu Lê, lúc nhỏ nhà Lê Quý Đôn ở gần ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý. Một hôm, một vị quan Thượng thư bên Liêu Xá đến thăm ông Lê Trọng Thứlà cha của Lê Quý Đôn, gặpcậu béLê Quý Đôntrần truồng (ở lổ)đi tắm với các bạnliềnhỏi đường đến nhà. Cậu liền đứng dạng chân và dang tay ra bảo quan Thượng:

 

- Nếu ông biết được cháu đang ra dấu chữ gì, cháu sẽ chỉ nhà cho ông.

Quan Thượng bực mình quay lại nói:

- Trẻ con đừng hỗn láo. Mày mới học lỏm được chữ Đại mà đã dám đi trêu chọc người rồi.

Cậu cười to rồi nói:

- Thế thì ông biết chưa hết chữ! Có cái chấm ở dưới nữa thì là chữ Thái chứ sao nói làchữ Đại.

 

Khi quan Thượng vào nhà ông Lê Trọng Thứ, mới biết cậu bé ấy là con của bạn mình. Ông kể lại câu chuyện dọc đường. Lê Trọng Thứ gọi con ra trách mắng và đánh đòn. Quan Thượng thấy ông thông minh nên đã xin tha cho ông với điều kiện phải ứng khẩu vế đối thử tài. Cậu xin quan Thượng ra đầu đề. Quan Thượng nói:

- Nhà cháu gần ngã ba sông, vậy ta ra vế đối là“tam xuyên”三 川.

 

Vế đối giản dị mà hóc búa, chữ tam  三 có ba nét kẻngang nhưng dựng lên, thành ba nét sổ đứng và là chữ xuyên  川. Tam xuyên三 川có nghĩa "ba con sông".Lê Quý Đôn chưa đáp ngay mà cứ trân trân nhìn quan Thượng có mang cặp kínhmột hồi rồi lễ phép thưa:

- Dạ, cháu xin đối là“tứ mục”  四 目.

Tứ mục  四 目có nghĩa "bốn con mắt". Chữ đối lại thật chuẩn, chữ Tứ 四viết quay dọc lại, cũng là chữ Mục目.Quan Thượng tấm tắc khen và nói với LêTrọng Thứ:

- Thằng bé này về sau văn chương sẽ lẫy lừng đấy!

Lê Quý Đôn làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình và để lại nhiều trước tác có giá trị cho hậu thế, trong đó tác phẩm “Phủ biên tạp lục” có ghi chép các thông tin về lịch sử, địa lý, dân số, sản vật…làng Cao Lao Hạ.

 

3. Chuyện về Nguyễn Hiền và chữ Điền.

 

Nguyễn Hiền là vị Trạng nguyên thời Trần, ông đỗ Trạng nguyên khi 13 tuổi, đang thiếu niên nên vua cho về quê 3 năm tu dưỡng, học lễ phép. Tương truyền thời đó cósứ thần Trung Hoa đọc một bài thơ ngụ ngôn để đố nhân tài nước Namnhư sau:

 

Lưỡng nhật bình đầu nhật,

Tứ sơn điên đảo sơn,
Lưỡng vương tranh nhất quốc,
Tứ khẩu tung hoành gian.

Dịch là:

 

Hai mặt trời bằng đầu,

Bốn trái núi điên đảo,
Hai vua tranh nhau một nước,
Bốn miệng ở trong khoảng dọc ngang.

 

 

Nhà vua hỏi các quan trong triều đình nhưng không ai trả lời được, vì vậy phải phái một viên quan đến làng Dương A đón Trạng nguyên Nguyễn Hiền về kinh để tham vấn. Vị quan về đến nhà Nguyễn Hiền, muốn thử tài trạng nguyên trẻ tuổi liền đọc:

- Tự là chữ, cắt giằng đầu, chữ Tử là con, con ai con ấy?

Cậu bé nghe được, không ngước mặt lên, cũng thủng thẳng buông một câu:

- Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ Đinh là đứa, đứa nào đứa này!

Chủ ý của viên quan xuất một vế đối theo lối chiết tự. Chữ Tự có hai bộ phận, trên như cái giằng xay (chữ Miên), dưới là chữ Tử. Để nguyên chữ Tự có nghĩa là chữ, bỏ giằng trên còn lại chữ Tử nghĩa là con và gắn luôn với vế đối nôm tiếp đó thành một câu hỏi nửa đốchữ nửa hỏi nôm. Câu hỏi cũng có sắc thái của người trên hỏi kẻ dưới. Trạng Hiền cũng đối lại bằng cách chiết tự kết hợp với một phần lời nôm: chữ Vu là chưng có hai nét ngang và một nét móc, bỏ nét ngang ở dưới thành chữ Đinh, nghĩa là đứa(đinh, tráng), đi với đứa nàolàđứa này, đây làmột vế đối rất chỉnh nhưngrất xược.

 

Về đến kinh đô, vua đưa bài thơ của sứ Tàu ra, trạng Hiền giải thích như sau:

 

Câu thứ nhất“Lường nhật bình đầu nhật”nghĩa là hai chữ Nhậtđều bằng đầu nhau. Câu thứ hai “Tứ sơn điên đảo sơn” là 4 chữ Sơnngược xuôi cũng đều là chữ Sơn cả. Câu thứ ba “Lưỡng vương tranh nhất quốc” nghĩa là có 2 chữ Vương xoaychồng lên nhau. Câu thứ tư “Tứ khẩu tung hoành gian”có nghĩa là 4 chữ Khẩungang dọc cũng đều có 4chữ Khẩu cả. Tóm lại tất cả 4 câu thơ chỉ nói đến chữ  Điền  nghĩa là ruộng đồng.

 

Sứ thần Trung Hoa nhận được câu trả lời phải chịu là nước Nam luôn có nhân tài.

 

Nguyễn Hiền sau này làm quan đến chức “Thượng thư bộ Công”./.

Tác giả: Lê Chiêu Chung

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Lễ cúng Cồn Cui làng Cao Lao Hạ năm Ất Tỵ 2025

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 929

    Trong tuần: 10845

    Trong tháng: 929

    Tổng số: 639824

    Đang online: 43

    quan_ly_thong_bao