Những hạt mưa đầu mùa hạ cũng chỉ dịu bớt cái khô hạn của cánh đồng làng quê tôi, nhưng cũng đủ để người quê tôi bước vào mùa gieo hạt lúa tháng mười.
Sáng sớm tinh mơ, chưa thấy mặt người, từ đầu làng cuối xóm những chú gà đua nhau cất tiếng gáy râm ran, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Mạ tôi gọi nhỏ: “dậy đi con dắt trâu cho Ba đi cày”. Cũng may vào dịp hè, nên lũ trẻ chúng tôi có thời gian phụ giúp gia đình. Cái tuổi ăn, tuổi ngủ nhưng cũng phải vùng dậy, khoác vội cái áo, chạy ra chum nước đầu hiên nhà, vơ lấy cái gáo dừa múc đầy nước, bước về góc sân súc miệng và ngửa lòng bàn tay hứng đầy vụm nước đưa lên mặt xua đi cái cay cay buồn ngủ, đỡ vạt áo lau nhẹ.
Không khí ban mai ùa vào, mùi hương đồng nội thật sảng khoái trong lành. Cha tôi dậy vác cày, bừa đi từ lúc nào. Thường ngày ông cứ dậy sớm vậy, cũng không vì ông được bà con bầu cho cái chức đội trưởng đội sản xuất, mà cái thú của lão nông, ông say sưa với công việc đồng áng. Đâu phải vì cái uy mà là sự kính trọng nên bà con ai cũng ra đồng tề tửu cùng ông gieo trồng nên hạt lúa, củ khoai quê nhà.
Lũ trẻ chúng tôi cũng ý ới gọi nhau, dắt trâu, vác cuốc ra đồng, nhưng không quên mang theo ít củ khoai luộc đựng trong“Oi” và vài bi đông nước lá mồng năm, người quê tôi gọi là “Chè góp”, mạ đã chuẩn bị từ chiều hôm. Những đứa trẻ chúng tôi treo những thứ đó lủng lặng lên đầu cán cuốc, vác trên vai, dắt trâu bước đi trong bầu trời về sáng còn đầy sao. Những chú trâu sau một đêm về chuồng nghỉ, sáng sớm cũng thức dậy bước đi theo chúng tôi, chúng lắc mạnh cái đầu, ve vẫy cái đuôi, khoan khoái đón nhận không khí ban mai trong lành, đủng đỉnh ra đồng thực hiện những đường cày mới. Thấp thoáng trong màn sương mỏng bóng dáng các bà, các mẹ, các chị, tay đưa nhịp nhàng kĩu kịt trên vai gánh thóc giống, phân bón ra đồng, mọi ngưới nói cười râm ran. Bầu trời mùa hạ lung linh muôn ngân vì sao lấp lánh, dòng sông Ngân Hà sáng rực chạy mãi về đâu tít tắp trong vũ trụ bao la. Chòm sao Rua người bạn thân thiết của nhà nông cũng thức dậy để cùng vào mùa gieo hạt tháng mười với người dân quê tôi. Những hạt giống tháng mười, được rải đều trên các thửa ruộng hợp tác, những đường cày xới đất lên vùi sâu, hạt giống . Cùng vừa lúc ông mặt trời ló lên phía biển, mở ra một khoảng trời trong xanh như gợi lên bao điều mơ ước của tuổi thơ chúng tôi. Những thửa ruộng đã cày xong, mọi người dừng lại để thay bừa và cũng tranh thủ nghỉ, ngắm cảnh bình minh lên và ăn vài củ khoai, uống ngụm nước “chè góp” quê nhà. Mùi thơm của khoai, cái vị chan chát, ngòn ngọt của nước, nó chứa chan biết bao kỷ niệm về một miền quê thanh bình đáng yêu đến vậy.
Đến lượt bừa cho tơi đất giữ ẩm cho hạt mầm. Đứng trên bừa, lũ trẻ chúng tôi như nghiêng ngã khi bừa cán qua những luống cày, xé tan những tảng đất khô còn chút hơi ẩm của hạt mưa mùa hạ. Qua nhiều lượt bừa mặt đất cũng được đánh tơi ra, hạt mịn lắng xuống, còn lại trên mặt một lớp đất cục tròn tròn vừa trong nắm tay, nó là thứ vũ khí của lũ trẻ chúng tôi, trong những cuộc đánh trận giả vào buôỉ chiều tà chăn trâu.
Hạt lúa tháng mười quê tôi có nhiều loại, nhưng đặc sắc là: lúa Ré, lúa Mành và nếp Bắc. Nó là những giống được chọn lọc từ bao đời nay, hạt gạo thơm ngon, béo ngậy, bốc hơi vừa chín tới khi mạ tôi nhấc nồi từ bếp xuống, cả nhà quây quần bên mâm cơm mà ấm áp làm sao. Giống lúa nếp Bắc ở quê tôi không trồng đại trà trên các cánh đồng làng mà được trồng quanh vườn nhà. Nó không phải là cây lương thực chính vì năng suất thấp, song nó lại rất quý, chất lượng gạo khi đồ xôi lên, ai một lần được ăn thì nhớ mãi. Cây lúa quê tôi năm tháng chịu bao nắng hạn, mưa dầm nhưng nó vẫn đứng vững vươn lên, chắt chiu những gì tinh tú nhất của đất trời, hương thơm đó được gói gọn vào trong hạt gạo căng tròn.
Tháng mười, những buồng cau trĩu quả, những khóm trầu xanh mướt, mùa của hạnh phúc lứa đôi. Làng quê rổn rã tiếng cười, lũ trẻ thơ chúng tôi lại cắp sách đến trường, trong những buổi ban mai. Những kiến thức mới cứ đi vào lòng chúng tôi sau những giờ lên lớp, cũng như cây lúa tháng mười đầy bông hạt vàng óng ánh. Cái nắng tháng mười cứ len lỏi qua những bờ tre xanh, đi vào nương lúa, chạy tới hiên nhà. Quê tôi vào mùa gặt, sau buổi đến trường, tan học, những nhóm bạn tụm ba, tụm bảy rảo bước đi trên con đường làng thơm mùi lúa mới. Thấp thoáng sau luỹ tre xanh những làn khói trắng thoang thoảng bốc lên từ những mái nhà tranh. Trước sân nhà, những đàn gà thi đua nhau nhặt thóc từ những đống rơm. Những năm tháng đã qua, người quê tôi cũng tất bật với công việc nhà nông, dù ăn chưa no, mặc chưa đủ ấm, nhưng từ ngàn đời nay vẫn luôn giữ mãi truyền thống làng quê hiếu học.
Lúa nếp gặt về mọi nhà tranh thủ đạp vội, phơi khô đem giã gạo để kịp cho ngày rằm tháng mười dâng lên bàn thời Tổ Tiên, Ông Bà, mừng mùa lúa mới. Nhà nào cũng rì rào tiếng cối xay tre, tiếng cối giã gạo thình thịch lúc về đêm, bếp lửa hồng cứ tí tách sáng rực cả một góc nhà. Mạ tôi tranh thủ rang cho chúng tôi nồi cốm. Công việc giã gạo xong, gia đình lại quây quần bên bếp lửa, bốc từng hạt cốm còn ấm từ bàn tay Mạ, đưa lên miệng nhai, mùi hương cốm thơm phức thấm vào da thịt. Anh em chúng tôi cũng được mỗi người một phần, để ngày mai mang đến lớp, cùng bạn bè chia sẻ hương vị của tháng mười. Suốt tháng mười, làng tôi cứ tràn ngập hương cốm, hương cốm chạy đến sân trường, hương cốm ùa vào trong lớp học, hương cốm theo chúng tôi ra đồng lên rẫy chăn trâu.
Thấm thoắt tuổi học trò qua mau, lũ bạn bè mỗi người một ngã, đứa vào trường trung cấp, đứa lên đại học, đứa vào quân ngũ. Cái buổi chia tay cứ bịn rịn mãi trong lòng. Cuộc sống cứ trôi theo dòng chạy thời gian, quê tôi nay đã đổi khác. Công trình thuỷ lợi vực Sanh đã được xây dựng đưa dòng nước mát từ nhưng dòng khe, con suối đỗ về chạy theo những con mương nhỏ tưới mát cho cánh đồng làng. Mảnh đất như được hồi sinh, mùa màng tốt tươi, làng tôi thoát nghèo từ đó.
Chiến tranh đã đi qua, thấm thoắt mới ngày nào tiếng máy bay Mỹ gầm rú như muốn xé nát làng quê bé nhỏ của tôi. Hàng trăm tấn bom, đạn pháo bầy giặc Mỹ trút xuống, chúng muốn cắt đứt cái hậu phương bé nhỏ, mạch máu giao thông chi viễn cho miền Nam. Ngôi làng bé nhỏ ngày đêm tấp nập rộn ràng, các bà, các mẹ đón các đoàn quân vào Nam đánh Mỹ, có những phút chia tay tiễn các anh đi mà Lòng lưu luyến ngậm ngùi. Nồi khoai vừa luộc, buồng chuối mới chín chiều hôm, các mạ gói vội trong lá, dúi vào tay các anh và không quên một lời dặn dò “Các con đi mạnh giỏi”. Bến phà Gianh còn đó, đường Ba Trải còn đây, nó đã nhuộm đỏ máu xương của bao anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong, những anh chị dân công hoả tuyến, nhưng người công nhân giao thông ngày đêm dưới làn bom đạn Mỹ để thông xe chở quân, lương thực, thuốc men, vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh Mỹ.
Đây là trận địa pháo, kia là trận địa lên lửa đã từng ví cổ những “Thần Sấm Con Ma”, những pháo đài bay B52... Lũ trẻ chúng tôi ngồi bên cửa hầm nhìn xác máy bay cháy rực màn trời đêm, soi rõ bờ tre, ruộng lúa và những mái nhà tranh mà gào thét sung sướng vô cùng. Song cũng ngậm ngùi rơi lệ khi phải nói với nhau lời chào từ biệt nhưng trên môi vẫn nở nụ cười như những chùm hoa Sim, hoa Me trên đồi Ba Trải lộng gió. Hôm nay các anh, các chị vào trận địa, khi các anh các chị về biết ai còn ai mất, ai gữi lại một phần máu thị cho con đường. Ngày đêm người dân quê tôi cứ thấp thỏm chờ mong các anh, các chị về cho xóm làng thêm ấm áp. Khi nghe tiếng bom rền vang, người dân quê tôi như thắt tim lại, nhìn ra bến phà, nhì lên giốc Ba Trải những cột khói vươn cao, đất đá tung toé, mạnh bom rít qua trên đầu. Nhưng rồi không ai bảo ai cứ chia nhau, người vác cuốc, người vác xẻng, người cầm cáng chạy vào trận địa tìm các anh các chị, bất chấp hiểm nguy. Nhìn thấy các anh, các chị và bà con cô bác ngã xuuồng dưới làn bom, pháo bầy giặc Mỹ mà lòng đau như cắt. Tuổi xuân các anh các chị đã hiến dâng cho Tổ Quốc, cho con đường huyền thoải. Dẫu “Ai đó” chưa nghĩ tới về một công trình tượng đài ghi công các anh, các chị, nhưng người dân quê tôi mãi mãi đã xây cho các anh các chị một tưởng đài vĩnh cửu trong lòng. Chiến tranh thật tàn khốc vô cùng, những mái nhà tan tác, những thửa ruộng xác xơ, sau những đợt bom, pháo bầy giặc Mỹ. Nhưng người quê tôi không rơi lệ mà vẫn đứng lên, dựng lại nhà, trồng lại cây lúa, củ khoai, chúng không phủ lòng người, cũng hiên ngang vươn lên xanh tốt như muốn cùng chung sức đánh Mỹ.
Cả nước dâng trào một chặng đường 30 năm không nghỉ để có ngày thống nhất. Tin vui ập đến chẳng ai bảo ai, chạy ùa ra sân, ra đường, nhảy lên bờ ruộng ôm nhau hân hoan mừng mừng, tụi tụi mà nước mắt cứ tuôn trào. Có lẽ như một nhà văn đã từng nói “nước mắt để dành cho ngày gặp mặt”.
Ai đã từng đi qua cuộc chiến tranh mới thấy được cuộc sống thanh bình quý giá vô cùng. Đón nhận giờ phút thiêng liêng ấy mà lòng tràn ngập hạnh phúc. Làng quê tôi trở về cuộc sống thanh bình, những đàn chim bay về tụ hội cất tiếng hót líu lo, mùi hương đồng nội thoang thoảng trong gió, thấm vào gia thịt, mái tóc . Những chàng trai cô gái phơi phới căng tròn của tuổi thanh xuân bắt tay vào xây dựng xóm làng. Quê tôi lại vào mùa, những giống lúa mới bội thu dần thay thế cho những giống lúa cũ. Khi cuộc sống còn thiếu cái ăn, cái mặc, ai ai cũng tìm đến số nhiều. Thế rồi những hạt lúa tháng mười cứu đói ngày nào bị quên lãng. Hôm nay vào những ngày giỗ, tết quê tôi thiếu vắng hạt gạo nếp Bắc ngày nào thơm lừng khó tả. Ngôi làng thân thương chứa chan biết bao kỹ niệm. Bóng dáng mái Đình, cây đa, giếng nước, con đò, đàn cò trắng nhấp nhô trong sóng lúa dập dờn, lũ trẻ chúng tôi năm xưa vắt vẻo lưng trâu ngân nga đôi doạn truyển Kiều của củ Nguyễn Du và những thơ Tố Hữu còn đọng lai trong ký ức.
Năm tháng qua mau bạn bè ấu thơ chúng tôi ngày nào giờ đây mái đầu đã điểm bạc. Hôm nay tôi về lại làng quê giữa tháng mưòi, nơi mảnh đất thân thương nuôi tôi khôn lớn, mà mùi hương cốm tháng mười gữi vào trong gió còn thoang thoảng đâu đây.