Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Khúc giang đối tửu - Đỗ Phủ

Sau bài thơ Đường luật dạng thất ngôn bát cú tuyệt vời "Vịnh Cao Lao Hạ", Lê Chiêu Chung lại tiếp tục gây bất ngờ về kiến thức uyên thâm của Anh.

Lời tựa của tác giả: Trong di chúc để lại, Bác Hồ có trích một câu thơ của Đỗ Phủ “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” để nói với toàn dân khi Bác ra đi theo các cụ Các Mác, Lê Nin thì chớ có bất ngờ, đau thương quá. Nhằm góp phần phong phú thêm nội dung trang web caolaoha.com, tôi nảy ra ý định giới thiệu toàn bộ bài thơ có câu thơ trên cùng với lời bình của mình để bà con thưởng thức giải trí trong những ngày nghỉ cuối tuần, đặc biệt là các đệ tử Lưu Linh (dân nhậu) có dịp tự khen mình hoặc biện hộ cho mình.

Qua đây tôi cũng xin giới thiệu Đỗ Phủ (712-770) là Nhà thơ nổi tiếng thời Đường bên Trung Quốc, ông đã để lại cho hậu thế hơn 1.400 bài thơ, trong đó khoảng 1.000 bài viết theo thể đường luật. Ông cùng với Lý Bạch đã góp phần làm nên một giai đoạn phát triển thơ ca rực rỡ thời Đường của Trung Quốc. Người đời tôn Lý Bạch là “Thi tiên”, Đỗ Phủ là “Thi thánh”.

                     Nguyên âm chữ Hán:

                    KHÚC GIANG ĐỐI TỬU  (Kỳ 2)

Triều hồi nhật nhật điển xuân y

Mỗi nhật giang đầu tận túy quy

Tửu trái tầm thường hành xứ hữu

Nhân sinh thất thập cổ lai hy

Xuyên hoa giác điệp thâm thâm hiện

Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi

Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển

Tạm thời tương thưởng mạc tương vi.  

                   Dịch nghĩa:

                   Ngày ngày từ triều về cầm cố áo vua ban

                   Mỗi ngày về đến bến sông là say tuý luý

                   Nợ tiền rượi dọc đường nơi nào cũng có

                   Người sống bảy mươi tuổi từ xưa đến nay hiếm

                   Chui qua khóm hoa bươm bướm khi hiện khi khuất

                   Chấm đuôi mặt nước chuồn chuồn bay lên bay xuống

                   Nhắn rằng phong cảnh luôn luôn thay đổi

                   Tạm thời tự thưởng thức kẻo sau không còn thấy nữa..

                  Bình thơ:

Mở đầu bài thơ tác giả viết “Triều hồi nhật nhật điển xuân y” ngày ngày tan buổi thiết triều “triều hồi” là đưa áo mới vua ban “xuân y” đi cắm (chữ “điển” là cầm cố). Trong Tam quốc, khi Quan Vũ được Tào Tháo ban áo mới thì mang bên trong, bên ngoài mang áo cũ để tỏ lòng trung thành với chủ cũ là Lưu Bị. Còn Đỗ Phủ cắm áo vua ban có mục đích gì vậy ? Câu tiếp theo “Mỗi nhật giang đầu tận tuý quy” thì ra cắm áo (lấy tiền uống rượi) để khi về đến bến sông thì say quắc cần câu. Cũng có câu hỏi về đến bến sông mà say như thế thì làm sao về đến nhà, nhưng đọc các bài thơ khác mới biết nhà ông lợp tranh ở gần bến sông, có lần gió to bay cả tranh xuống sông.

Câu thứ 3 “Tửu trái tầm thường hành xứ hữu”, nợ tiền rượi “tửu trái” trên đường đi qua nơi nào cũng có thì quả là “chúa chổm” nhưng tác giả xem là chuyện tầm thường, không quan trọng lắm, bởi vì “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Người giàu có, không được say “tận tuý quy” hàng ngày như ông rồi thì cũng không vượt qua được quy luật sinh-lão-bệnh-tử, khi ra đi cũng chẳng mang được gì đi theo, quan trọng là khi sống thế nào để thể hiện mình. Tác giả đã tự thuật tóm tắt sinh hoạt hàng ngày của mình trong những ngày làm quan phụng sự quốc gia như thế.

Câu 5,6 “Xuyên hoa giác điệp thâm thâm hiện; Điểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi”. Thơ đường luật thất ngôn bát cú có 4 phần Đề, Thực, Luận, Kết, phần Luận là 2 câu 5 và 6 rất khó làm, nó có vai trò thể hiện nhận thức, tài năng của tác giả và giá trị của bài thơ, bài thơ hay nhờ 2 câu này. Cái hay ở đây là tác giả dùng từ láy “thâm thâm hiện” đối với “khoản khoản phi” để tả một không gian phong cảnh rất sinh động. Con bướm sừng “giác điệp” nhấp nhô giữa khóm hoa khi ẩn, khi hiện, con chuồn chuồn đá “thanh đình” thì bay lên bay xuống chấm đuôi vào mặt nước liên tục “điểm thủy” (cũng có người dịch là chuồn chuồn xanh do có chữ thanh nhưng gọi chuồn chuồn đá mới đúng, vì chuồn chuồn đá có màu xanh, đồng thời chữ đá đối với chữ sừng ở câu trên cũng đều là danh từ). Có một điểm thú vị là việc “điểm thuỷ” của con chuồn chuồn là hoạt động đẻ trứng của nó, khi đẻ trứng thì con đực cưỡi trên con cái và cứ bay lên bay xuống cho con cái đẻ trứng vào mặt nước, cảnh này là hai con chuồn chuồn đang yêu. Tóm lại, chỉ với hai câu thơ 16 chữ mà tác giả đã mô tả một phong cảnh có hoa, lá, bướm, chuồn chuồn, mặt nước và tất nhiên là có cả “thiên-địa-nhân” và hoạt động duy trì nòi giống nữa ... phong cảnh sinh động và thơ mộng thế này ai nhìn thấy đều không muốn bỏ qua. Khi say “tận tuý quy” mà vẫn thưởng thức và vịnh cảnh bao quát như trên thì quả là “thánh thơ”.

Hai câu kết 7,8 “Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển; tạm thời tương thưởng mạc tương vi”, tác giả nhắn lại “truyền ngữ” với mọi người cảnh đẹp, cái đẹp không phải khi nào cũng có, sự vật luôn luôn thay đổi “cộng lưu chuyển”, cuộc đời cũng có khi phải vui vẻ chơi bời say sưa, tự thưởng cho mình “tương thưởng” một tí kẻo mất cơ hội “mạc tương vi”, những ai lâu nay luôn “nghiêm túc” thì cũng nên suy nghĩ lại. Kết thúc bài thơ tác giả đã nêu lên một triết lý mà hơn ngàn năm nay nhiều người cứ “nghi ngờ”.

Quy tắc “niêm” của thơ đường là “Nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh” tức là trong một câu thì các chữ thứ 1,3,5 mang thanh gì cũng được nhưng các chữ thứ 2, 4, 6 phải có thanh trắc-bằng-trắc hoặc bằng-trắc-bằng tuỳ theo thứ tự các câu. Theo đúng luật, ở vị trí chữ "lưu" (câu 7) phải là chữ mang thanh trắc, thế nhưng lại là thanh bằng. Ở đây tác giả đã phạm luật “thất niêm”, nghe nói có nhiều người thắc mắc và thử thay thế bằng chữ khác thanh trắc cho đúng luật, nhưng... xem lại chẳng có chữ nào hay hơn chữ "lưu" cả. Phải chăng Thi thánh đã "hy sinh" luật để cho câu thơ hay và bài thơ trở nên bất hủ, hoặc do những pha phạm luật như vậy nên ông mới được tôn vinh là “Thánh thơ”?..

Dịch thơ là việc làm rất khó, thông thường nếu dịch sát nghĩa thì bài thơ không hay, nếu dịch hay thì chưa chắc bài thơ còn có nộidung nguyên tác. Sau đây tôi xin giới thiệu ba thi phẩm do các tác giả dịch ra tiếng Việt.

                 Thi sĩ Tản Đà dịch

                       BẾN SÔNG II

          Khỏi bệ vua ra, cố áo hoài

                      Bến sông say khướt, tối lần mai

                      Nợ tiền mua rượu đâu không thế?

                      Sống bảy mươi năm đã mấy người?

                      Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn

                      Chuồn chuồn giỡn nước lửng lơ chơi

                      Nhắn cho quang cảnh thường thay đổi

                     Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài.

                   Thi sĩ (chưa biết tên) dịch

SÔNG KHÚC (bài 2)

Thường ngày chầu vãn, áo cầm vay
Mỗi buổi đầu sông về khướt say
Rượu chịu chuyện thường đều khắp chốn
Người già bảy chục hiếm xưa nay
Vờn hoa bươm bướm loanh quanh lượn
Dỡn nước chuồn chuồn thấp thoáng bay
Nhắn bảo cảnh quan thường đổi khác
Ngắm chơi kẻo nữa tiếc sau này.

                      Thi sĩ Hải Đà dịch

KHÚC GIANG - Bài Hai


Bãi triều, nao nức đón vui xuân
Bí tỉ đầu sông đến cuối ngàn
Quán rượu lân la, đâu kể xiết
Bảy mươi tuổi thọ, mấy người hơn
Vờn hoa bướm lượn, lung linh sắc
Giỡn nước chuồn bay, cánh chập chờn
Cảnh đẹp, đôi lời ta nhắn nhủ
Cứ vui cho tận, kẻo xuân tàn

Ghi chú:

- Bài thơ Khúc giang đối tửu II được tác giả sáng tác năm 757 trong thời gian làm quan tại Tràng An, lúc đó tác giả 45 tuổi.

- Chữ Hán cũng như chữ Việt, những chữ nào mang âm có dấu huyền hoặc không dấu là thanh bằng, những chữ mang âm có dấu sắc, nặng, hỏi, ngã là thanh trắc.

- Máy nào không hiện chữ Hán thì phải cài đặt font Hán tự như sau: Vào google, gõ Pmingliu font free download, tải font Pmingliu về dán vào tệp Fonts trong WINDOWS trong ổ đĩa C, sau đó tắt máy và khởi động lại là được./.

 

Đồng Hới, ngày 15/6/2011                                                                            

Tác giả: Lê Chiêu Chung

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 1255

    Trong tuần: 12731

    Trong tháng: 85900

    Tổng số: 11726277

    Đang online: 40