Thi sĩ Lưu Trọng Lư sinh ngày 19 tháng 6 năm 1911 tại Cao Lao Hạ nay là xã Hạ Trạch huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Ông là một trong những cây bút xuất sắc, đầu đàn của phong trào thơ mới trước cách mạng tháng 8. Nổi tiếng với hình ảnh “Con nai vàng ngơ ngác- đạp lên lá vàng khô” (trong bài thơ: Tiếng thu). Trong cuộc đời sáng tác thơ, Ông cũng đã viết nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nổi tiếng được bạn đọc yêu mến. Không chỉ nổi tiếng về thơ, Ông còn là Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhiều năm. Với những cống hiến và thành tích to lớn của Ông, năm 2000 Nhà nước truy tặng Thi sĩ Lưu Trọng Lư Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Tiếp bước chân Ông là các con: Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Nhà báo, Nhà văn Lưu Trọng Văn đặc biệt con trai đầu của Thi sĩ Lưu Trọng Lư là Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải với rất nhiều tác phẩm, tiểu thuyết nổi tiếng trong đó có tiểu thuyết “Còn và mất” được bạn đọc yêu quý. Để tỏ lòng tri ân và kính trọng đối với Thi sĩ Lưu Trọng Lư, người con ưu tú của quê hương, thể theo nguyện vọng của Đảng, Chính quyền và nhân dân xã Hạ Trạch, năm 2009, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch đã ký Quyết định đổi tên Trường Trung học cơ sở Hạ Trạch thành Trường THCS Lưu Trọng Lư. Đây là một vinh dự lớn lao đối với quê hương cũng như các thế hệ thầy trò Trường Trung học cơ sở Hạ Trạch trước đây và Trường THCS Lưu Trọng Lư hiện nay.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh (19/6/1911- 19/6/2011) và 20 năm ngày mất của Ông, ngày 15/6/2011 Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ tôn vinh cố Thi sĩ- Lưu Trọng Lư tại Hà Nội. Nhân dịp này một số nhà xuất bản đã hợp với gia đình xuất bản tuyển tập: Lưu Trọng Lư tác phẩm, truyện ngắn và tiểu thuyết, gồm 2 tập với trên 60 tác phẩm các loại, trong đó có nhều tác phẩm chưa công bố của Thi sĩ Lưu Trọng Lư.
Lê Chiêu Phùng
Lời Ban biên tập: Ngày 15/6/2011 tại 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ tôn vinh cố Thi sĩ- Lưu Trọng Lư nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của cố thi sỹ Lưu Trọng Lư. Ban biên tập caolaoha.com đã vinh dự được Nhà văn, nhà thơ Lưu Trọng Văn con trai của Nhà thơ đã mời đến dự. Thông tin về buổi lễ tôn vinh sẽ được caolaoha.com đăng tải trong thời gian tới.
Sau đậy xin giới thiệu bài thơ "Thơ gửi Ức Trai" của Ông. Bài thơ này viết tháng 11 năm 1979, nằm tập “Bài ca tự tình” - tuyển chọn những bài thơ chưa công bố của nhà thơ Lưu Trọng Lư nhân kỷ niệm 100 ngày sinh (19/6/1911 - 19/6/2011) do NXB Hội Nhà Văn vừa mới ấn hành.
Thơ Gửi Ức Trai
Người sợ đưa nhanh nhát chổi
Làm bóng hoa tan
Nhưng khi xô một tảng núi bạo tàn
Ức Trai! Người không biết sợ
Thà chịu một vừng trăng đổ vỡ
Để đổi lấy một mặt trời đại nghĩa giữa hành tinh.
Ai yêu một người, cái lẽ hiếu sinh
Một giọt nắng thanh bình
Trên đầu ngọn lúa?
Ai yêu như người, từng tia máu đỏ
Trong da tóc trẻ đẹp con người?
Thuở ấy, ai hơn Ức Trai
Biết trừ bạo, diệt hung
Biết căm loài Tần Hán:
“Hiếu đại, hy công”
“Cùng binh, độc vũ..?”
Ôi! Nhà chiến lược thiên tài
Người mưu sĩ tuyệt vời
Người thơ của đội quân đất nước
Đã làm bơ phờ xơ xác
Những mũ mãng thiên triều?
Mười năm trời nằm gai nếm mật
Mười năm trời, nghĩa đội, nhân đeo
Ôi! Một cung đàn tuyệt diệu
Còn dội mãi đến ngàn sau!
Người vẫn đó! Ngọn nến đêm thâu
Với vua bày lo việc nước
Và, nơi chiến địa, viết thư cho giặc
Những bức thư, nghĩa sáng tựa sao trời
Ngọn nến Ức Trai
Có bao giờ tắt được?
Một mình ôm trước nỗi lo đời
Trong chiếc chăn lạnh, choàng vai
Người dành cả hơi nồng cho hậu thế
Là một triết nhân
Người rõ lẽ:
“Làm một nước nghĩa nhân nhỏ bé
Bên một nước lớn vô độ, tham tàn
Phải chịu điều cay đắng nghìn năm
Để đổi lấy hàng trăm trận thắng”
Nhưng Người ơi! Cây muốn lặng mà gió không ngừng…
Và Ức Trai với mái tóc thời gian còn thơm trắng mãi
Vẫn nắm chặt trong tay ấn tín Liễu Thăng
Dặn cháu con:
Với hùm beo phải vững giáo, chắc thương
Nhưng Nhân nghĩa ngọn cờ, đừng để lọt vào những
bàn tay dính máu
Ôi! Ngọt ngào ngọn gió
Gần 600 năm rồi mà như mới hôm qua
Ức Trai về, lững thững dưới rừng hoa
Như xem lại, một chiều trận mạc…
Hà nội 27/11/1979
(giới thiệu)