Làng Cao Lao Hạ quê mình

06:17 - 14/05/2023

Bài viết của anh Lê Anh Tuấn nhân dịp Lễ cúng tại Cồn Cui, Hạ Trạch năm Qúy Mão 2023.

Làng Cao Lao Hạ quê mình

Cao Lao Hạ là tên cũ của vùng đất thuộc châu Bố Chánh xưa, ngày nay là xã Hạ Trạch - huyện Bố Trạch. Làng nằm ở vị trí một bên là núi, một bên là ngay ngã ba Sông Gianh. Có lẽ những tinh hoa cổ xưa của một Cao Lao văn hiến trải qua bao biến thiên của lịch sử đã được bảo tồn nơi đây và đã được trao truyền một cách có hiệu quả từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Hướng làng quay về phía Tây Nam, làng có địa thế phong thủy tự nhiên trước mặt làng là Cửu khúc, long khê, tiếp nữa là dãy núi Lệ đệ, theo phong thủy thì các vị thần tỏa trên núi, tạo ra vận khí rất tốt theo dòng nước đổ về cửu khúc hội tụ cho làng (trường sơn lưu thủy hạ trần).

Đọc  kỷ các câu đối của ông cha để lại trên 2 trụ đình làng chúng ta mới hiểu được một phần nào lịch sử, địa lý, truyền thống và con người của làng Cao Lao Hạ hơn 200 năm về trước. Chúng ta cùng nhau suy nghĩ từng câu đối được ghi trên 8 mặt của 2 trụ cổng đình làng.

Về Hướng phía Nam, tức là 2 mặt trong của 2 cột cổng, từ Đình làng nhìn ra, mỗi vế có 7 chữ.

Vế bên phải: Thiên khai thịnh hội quang cường thịnh.

Vế bên trái: Địa xuất danh hiền duyệt cổ kim.

Trời (Ngọc Hoàng) cho lập Đình, Chùa, Miếu, Nghè, Đàn xã tắc...Để con người giao lưu cộng cảm, trao truyền những đạo lý, tình cảm, mỹ tục và những khát vọng cao đẹp. Đồng thời, những lễ hội truyền thống cũng là dịp mang lại cho con người sự thanh thản nơi tâm linh, gạt bỏ hay quên đi những lo toan thường nhật để về với cội nguồn, về với thiên nhiên.

Nói lên vùng đất thần kinh, có long mạch, nên sinh ra nhiều lễ hội, có phong cảnh quê hương cầm tú, nơi đây về phần âm có nhiều vị đỗ đạt, trên cao linh ứng, lai tỏa, được Phật, Bồ tát, Ngọc Hoàng, Thánh, Đại Vương, Tướng... cho con đường giàu sang rộng mở, nên sinh ra nhiều danh hiền.

Hướng về phía Bắc:  Tức là 2 vế, mặt trước cổng, từ ngoài đi vào Đình, tả phong cảnh trước mặt làng, mỗi vế đối có 11 chữ:

Vế bên phải: Linh thủy ngoại triều nội nhất hà khê lai hoạt thủy.

Vế bên trái:  Hoành Sơn viễn cung cận tam sa phụ túc bình sơn.

Câu đối vừa tả phong cảnh Đình làng quay về hướng có phong thủy, địa lý rất đẹp, tạo nên một bề thế vững vàng, sừng sững uy nghi.

Nhìn phía xa xa từ cửa Đình nhìn về phía Bắc có Đèo Ngang nằm trong dãy núi Hoành Sơn hùng vĩ. Nhìn về phía Bắc, ngay tại Sông Gianh có 3 cồn: gồm Cồn Két (Quảng Thuận), Cồn Văn Phú, Cồn Hác (Hạ Trạch) làm bình phong đón khí tốt hội tụ từ ngã ba sông Gianh.

 Hay nói cách khác phía trước mặt đình làng có 3 cồn năm ngay Sông Gianh thẳng hàng hướng vào chính diện mặt đình làng, dòng chảy của thủy triều lên xuống tác động vào 3 cồn, tạo ra khí tốt, thu vào Đình làng, dẫn đến lan tỏa tác động vào lớp trong bộ não con người, mồ mã... nơi đây để chuyển hóa.

Câu đối này ông cha chúng ta xưa đã xác định vị trí địa lý của Làng Cao Lao Hạ, phía Bắc tiếp giáp với dòng sông Gianh, ôm lấy làng quê trù phú, phía trước mặt đình có Hói Hạ một con Hói tự nhiên chảy qua cánh đồng phía Bắc Làng (Hói nay đã được cải tạo thành ao hồ nuôi trồng thủy sản). Hói chảy từ Thượng Cầu phía Tây làng chảy về phía Đông của Làng, nối hào xung quanh thành Khu Túc, xuống Sác Biền, ven theo Đồng Phố, Hậu Hà, Đuồi Cùng rồi xuống cửa Hói Hạ, nhập lưu vào sông Gianh, theo thủy triều lên xuống. Ngày xưa thuyền bè từ sông Gianh đi vào Thành Chiêm đi qua hói Hạ, vùng này có địa danh Đồng Phố, chứng tỏ nơi vùng này hai bên Hói Hạ có Phố xá, nhưng do chiến tranh Trịnh Nguyễn nên phố xá không còn.

Câu đối thứ 3: Phía trong lòng 2 trụ cổng đông, tây đối diện, 2 vế đối mỗi vế có 11 chữ:

Vế bên phải:  Vi chi triêu biểu cao thanh tín mỹ diệm giang sơn.

Vế bên trái:  Lập cá chuyển trung thượng hạ cổ kim khai vũ miếu.

Nói lên vị trí dựng Đình, Chùa, Đền, Miếu, Đàn xã tắc... nếp sống thuần phong mỹ tục của làng; việc thờ cúng tổ tiên của làng đã lừng danh.

 Câu đối thứ 4: Bố trí ở phía Đông, Tây, mặt ngoài của 2 cột trụ cổng, mỗi vế có 9 chữ đối nhau;  

Vế bên phải: Hương tích vạn thiên niên quan yên dân lạc.

 Vế  bên trái: Lý Thành nhị thập ấp Mỹ tục thuần phong.

Nội dung ý nói truyền thống tốt đẹp của làng và cầu chúc cho sự bình yên của 20 xóm trong làng.

Càng đọc chúng ta càng thấm thía từng câu từng chữ, đầy tài năng, văn hay chữ tốt, hết sức ý nghĩa đầy tính nhân văn. Đồng thời chúng ta vô cùng biết ơn công lao to lớn của các bậc thánh hiền, của tổ tiên, ông bà cha mẹ đã suốt đời lam lũ vất vả, để lại cho đời sau biết bao di sản vô giá. Mặc dù một nắng hai sương, khó khăn thiếu thốn, nhưng các bậc tổ tiên vẫn không quên tổ chức vui chơi, lễ hội, để động viên an ủi nhau tạo cho cuộc đời tươi vui, cầu mong yên ổn.

Ngoài đình làng là công trình to đẹp nhất, còn có một số công trình khác như: Chùa thờ phật, đền thờ thần, Miếu, Đàn xã tắc cúng tế trời... cầu mùa, miếu tưởng nhớ tiên hiền, nhà hội văn để lễ bái và luận đàm phú thơ văn, nhà hội võ để nhóm họp những người theo binh bị... Những kiến trúc này hiện nay tuy không còn nữa nhưng có thể nói, với những dấu tích còn sót lại của chúng cả trong thực địa lẫn trong ký ức dân gian vẫn đủ để chứng minh cho sự thịnh vượng của làng trong lịch sử. Bên cạnh đó, Cao Lao Hạ còn được biết đến như một làng quê hiếu học, là mảnh đất địa linh sinh nhân kiệt với những tên tuổi như: Hồ Tấn đỗ Nho sinh trúng thức năm Cảnh Lịch (1584), Đặng Văn Thái đỗ Phó bảng năm 1843, Lê Mô Khới vị tướng cần vương, phò Vua Hàm Nghi, Lưu Văn Bình đỗ Phó bảng năm 1853, Cử nhân Lưu Đức Xưng là đồng tác giả Đại Nam nhất thống chí với Cao Xuân Dục và Trần Xán... và còn nhiều tấm gương khác nữa đã góp phần tô đẹp thêm truyền thống lịch sử của làng.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử đã được bảo tồn nơi đây và đã được trao truyền, tiếp nối một cách có hiệu quả từ thế hệ này sang thế hệ khác. chúng tôi thấy nổi bật lên tình yêu quê hương tha thiết, tưởng nhớ cội nguồn, lòng chân thành biết ơn những người khai sáng ra mảnh đất trải qua các thời kỳ hình thành và phát triển thôn, xã của nhân dân sở tại.

Bởi vậy truyền thống quê hương, những người con làng Cao Lao Hạ vẫn tiếp nối thế hệ này sang thế hệ khác, viết nên những trang sử làng vinh quang chói lọi. Hiếm có một làng nào trên đất Quảng Bình lại có những người làm quan to, nhỏ  dưới các triều đại phong kiến nhà Nguyễn ghi danh 125 vị.  Dưới thời đại Hồ Chí Minh, một làng quê nhỏ hơn 4500 dân mà có tới:  4 nhà  văn nhà thơ, trong đó có nhà thơ nổi tiếng Lưu Trọng Lư, nhà văn  nhà quân sự Lưu Trọng Lân con trai của nhà thơ Lưu Trọng Lai, nhà thơ Lưu Trọng Tuần… cùng hàng ngàn tú tài, 615 cữ nhân, 25 thạc sĩ, 19 tiến sĩ, 1 nhà giáo ưu tú. Về võ nghiệp có trung tướng Lê Văn Tri, thiếu tướng Lê Bá Xảo, thiếu tướng Lưu Dương, cùng 11 đại tá, 49 trung tá, 52 thiếu tá, 1 anh hùng LLVTND và hàng trăm sỹ quan cấp úy khác… Làng Cao Lao Hạ quê hương của 204 liệt sĩ và 12 bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Các thế hệ người dân đất Hạ Trạch hôm nay đang nỗ lực khơi dậy và phát huy truyền thống mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Từ đó, biến những giá trị lịch sử, văn hóa quý báu trở thành nền tảng tinh thần, thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ để tiếp nối phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Cao Lao Ha, rằm tháng 3, Qúy Mão.

 

 

Tác giả : Lê Anh Tuấn

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Đơn kiến nghị của anh Nguyễn Xuân Trường

Video clip