“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Hằng năm vào rằm tháng 3, làng Cao Lao Hạ quê mình lại tổ chức lễ cúng Cồn Cui - lễ tế trời đất. Cồn Cui,đó là một khoảng đất rộng nằm ngay giữa cánh đồng lúa của làng. Cứ “đến hẹn lại lên”, sáng 15 tháng 3(Âm lịch) bà con mỗi xóm, mỗi thôn, 25 dòng họ và các đơn vị hành chính đặt tại địa bàn xã lại dâng mâm cúng lễ. Làng mình gọi là “cỗ xôi”. Một mâm cỗ gồm một dĩa xôi lớn, ba dĩa thịt phay (thịt lợn luộc) và một con gà luộc. Ngoài ra còn có hoa, quả, hương đèn và một số lễ vật khác (tuỳ hảo tâm).
Từ sáng sớm, bà con trong làng cũng như con cháu làm ăn tứ phương nô nức kéo nhau về tập trung tại Cồn Cui. Các vị bô lão khăn đóng áo dài nghiêm trang trong nghi thức cúng lễ. Tiếng trống làng vang lên giữa mênh mông đồng lúa bỗng nghe náo nức lòng người. Lễ cúng Cồn Cui là một nét văn hoá truyền thống của làng Hạ. Lễ thể hiện lòng thành kính của dân làng với những người đã khuất, bày tỏ nguyện vọng mưa thuận gió hoà, con cháu trong làng hay làm ăn xa thì cũng luôn “chân cứng đá mềm”, làng quê an vui, thanh bình.
Sau lễ cúng, bà con dọn mâm cỗ giữa chiếu, cùng quây quần bên nhau trong vị bùi của hạt lúa nếp, vị béo của sản vật tự tay nuôi trồng và vị nồng trong cái nhấp môi chén rượu ngay giữa cánh đồng quê. Câu chuyện hỏi thăm nhau cứ thế ồn ào, vui nhộn. Một không khí ấm áp tình làng nghĩa xóm thật khó gọi tên.
Rồi ngày mai, con cháu xa làng trở lại công việc, bà con chuẩn bị vào mùa gặt hái vụ chiêm xuân, bầy gà, đàn vịt, hồ tôm, ao cá... nhịp sống lại trở về như cũ, để rồi hẹn gặp nhau rằm tháng ba năm sau.
Mỗi lần trở về lễ hội làng Cao Lao Hạ, bỗng thấy đậm đà mảnh đất nơi ông bà, cha mẹ, O chú... một đời gắn bó nơi đây, và bỗng cay nơi sống mũi khi nghĩ đến câu ca xưa “quê cha thì bỏ, quê chồng thì theo...”.
Tác giả Lê Thu (Ảnh facebook cá nhân)