Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 6)

14:09 - 19/05/2020

Giới thiệu phần 6, cuốn “Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 - 2015” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2019

Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 6)

...Tiếp theo phần 5

 

 

CHƯƠNG III

LÀNG CAO LAO HẠ DƯỚI CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHONG KIẾN

(1858 - 1945)

 

          Sau khi giành quyền thống trị đất nước, các triều vua Nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị…) đã thi hành nhiều chính sách kinh tế, xã hội tiến bộ tạo sự ổn định phát triển của đất nước. Tuy nhiên trong quá trình điều hành đất nước Nhà Nguyễn củng có những chính sách sai lầm làm hạn chế sự phát triển của đất nước như: chính sách “bế quan tỏa cảng” ngăn cấm, hạn chế giao thương buôn bán với tàu buôn nước ngoài, chính sách về kinh tế - chính trị, văn hóa – xã hội chủ yếu bảo vệ phục vụ đặc quyền đặc lợi cho tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn. Đời sống nhân dân lâm cảnh cơ cực, mâu thuẫn giữa Triều đình và giai cấp phong kiến thống trị với nhân dân ngày càng gay gắt, phong trào đấu tranh chống triều đình phong kiến nhà Nguyễn nổ ra khắp nơi.

          Thấy rõ sự suy sụp của triều đình nhà Nguyễn, Thực dân Pháp thực hiện tham vọng bành trướng nhảy vào xâm lược nước ta. Ngày 31 tháng 8 năm 1858 Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược nước ta.

          Từ buổi đầu Thực dân Pháp xâm lược nước ta nội bộ triều chính nhà Nguyễn đã có sự phân chia giữa hai phái “chủ hòa” và “chủ chiến”. Sau khi vua Tự Đức qua đời vua kế nghiệp là Dục Đức đã sai sứ cầu hòa với Pháp. Ngày 06 tháng 6 năm 1884 Thực dân Pháp buộc nhà Nguyễn ký điều ước Patenotre thừa nhận quyền thống trị của Pháp trên đất nước ta, từ đó Triều đình nhà Nguyễn tự đánh mất vai trò lãnh đạo đất nước, công khai chống lại phong trào đấu tranh chống Thực dân Pháp xâm lược của cả dân tộc ta.

          Trước tình hình đó phe “chủ chiến” đứng đầu là Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết phò trợ Ứng Lịch lên làm Vua (tháng 8 năm 1884) tôn xưng niên hiệu là Hàm Nghi theo chủ trương đánh Pháp. Ngày 5 tháng 7 năm 1885 Tôn Thất Thuyết đem quân đánh vào Tòa khâm sứ Pháp ở Huế nhưng không thành,ngay tối hôm đó Tôn Thất Thuyết rước vua Hàm Nghi rời kinh thành Phú Xuân ra Tân Sở Quảng Trị. Tại đây ngày 13 tháng 7 năm 1885 vua Hàm Nghi,  ban bố Lệnh dụ hiệu triệu “Cần Vương” kêu gọi nhân dân cả nước chống thực dân Pháp xâm lược. Đầu tháng 9 - 1885, vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng đến vùng Hàm Thao và vùng Sơn Phòng - Hà Tĩnh. Đầu tháng 11 - 1885, quân Pháp tổ chức lực lượng tiến đánh lên Sơn Phòng để bắt Hàm Nghi, dập tắt phong trào kháng chiến. Trước tình hình đó, vua Hàm Nghi cùng tùy tùng rút về Bãi Đức - Quy Đạt - Tuyên Hóa, sau đó vào Ma Rai Tà Bảo, Khe Ve - Tuyên Hóa và chọn nơi đây làm căn cứ của phong trào Cần Vương. Từ đây vùng đất Tuyên Hóa - Quảng Bình là kinh đô kháng chiến của Phong trào Cần Vương (1885-1888).

          Hưởng ứng lời hiệu triệu  Cần Vương của Vua Hàm Nghi, các tướng lĩnh, Nguyễn Phạm Tuân, Lê trực, Lê Mô Khải, Mai Lượng, Đề Én, Đề Chít, Lãnh Ánh, Lãnh Kỳ, Lãnh Mưu, Lãnh Khương, Tú Luân, Lãnh Phiên…những người con của Quảng Bình đứng lên lãnh đạo quân và dân Quảng Bình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giáng cho địch nhiều phen kinh hoàng tổn thất nặng nề.

          Lê Mô Khải (còn có tên Lê Ngọc Thành, Lê Tuấn) sinh năm 1836 ở Làng Cao Lao Hạ ông sinh ra trong gia đình nho học, thân sinh ông là Tri huyện dưới thời vua Thiệu Trị. Ông nguyên là mệnh quan của triều đình được bổ nhiệm làm Bố chánh Hải Dương, khi Thực dân Pháp xâm lược nước ta, thấy triều đình mất đoàn kết, chia rẽ bè phái ông bỏ về quê ở ẩn chờ thời cơ. Trước lệnh dụ “Cần Vương” và lời động viên của người bạn cùng chí hướng cùng tâm phúc Lê Trực, Lê Mô Khải đã đứng ra chiêu mộ thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng Cao Lao Hạ và các làng trong vùng Sông Son, hạ lưu sông Gianh lập thành đội nghĩa quân, lấy vùng đất Cao Lao Hạ làm căn cứ; Tại đây Lê Mô Khải long trọng tổ chức Đại hội nghĩa dũng đoàn, làm lễ tế cờ, cử ra bộ chỉ huy tối cao do Lê Mô Khải giữ Chức chánh tướng và tuyên bố chính thức khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Ở làng Cao Lao Hạ rất nhiều thanh niên trai tráng và quan lại trong hàng ngũ quân đội triều đình trước đây đều tụ nghĩa với đạo quân chống Pháp như ông Lê Quang Chương cử nhân võ, ông Lê Văn Ngôn, Lê Văn Giã, Đề đốc Lê Quang Chánh, Nguyễn Quận, Lê Quang Niệm, Lê Quang Hòa…đến nay trong dân gian vẫn lưu truyền lại những câu vè:

Thông qua doanh nghiệp võ quan

Có ông Đề đốc Lê Quang Nguyễn Trào

Đương khi giặc pháp ào ào

Chỉnh tề quan ngũ tiến vào kinh đô

Chẳng nề đường xá bao xa

Võ Khoa, Quyền Cữu cũng ra ứng tùng

Lãnh Hòa, Lãnh Niệm hai ông

Xuất thân võ cử tưng bừng nổi danh

Hàm Nghi một chiếu xuất hành

Tức thì vâng lệnh hy sinh chống thù

Minh Cầm, Quy Đạt chiến khu

Đồng Lê, Quy Đạt sách trù mộ binh

Đội quân Võ giá, Đội quyền

Cùng tay chống Pháp bao quyền ngoại xâm.

          Sau hơn hai tháng dấy binh khởi nghĩa quân của Lê Mô Khải đã thu hút hơn ngàn người tham gia. Lúc đầu nghĩa quân đóng tại làng Cao Lao Hạ, lấy thành Lồi (thành Kẻ Hạ) và Đình làng làm nơi hội quân và huấn luyện. Mùa đông năm Ất Dậu (1885) Lê Mô Khải đã chọn vùng đất Trại Nái nằm giữa vùng núi Lệ Đệ làm căn cứ lâu dài. Khu vực giữa của Trại Nái rộng hàng chục mẫu, bao quanh là  những ngọn núi cao hơn nối tiếp nhau tạo thành một bức thành kiên cố bảo vệ  căn cứ. Tại khu căn cứ Lê Mô Khải cho xây dựng 3 doanh trại (gọi là Ba Trại) gồm: Trại trên, Trại giữa, Trại dưới và hệ thống đồn lũy bên ngoài bảo vệ cho khu trung tâm. Căn cứ Ba Trại có nhiều lợi thế về quân sự, một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng rất thuận lợi cho việc xây dựng tiềm lực về mọi mặt để thực hiện cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. 

          Để chủ động nắm địch từ xa Lê Mô Khải cho xây dựng một chòi canh (làm đài quan sát) trên ngọn núi Lều Cù cao 108m, trước mặt làng Cao Lao Hạ, từ đây nghĩa quân quan sát rất rõ từ nguồn Son về sông Gianh tới cửa biển sông Gianh.

          Chính địa hình căn cứ nơi đây đã giúp nghĩa quân nhiều lần chặn đứng các cuộc hành quân càn quét  của địch lên vùng thượng lưu sông Son, vùng Cao Lao Hạ…, đồng thời tổ chức tập kích đánh các nơi đồn trú của quân Pháp ở Lý Hòa, Hoàn Lão, Quảng Khê, Khe Nước gây cho Pháp nhiều tổn thất.

          Đầu năm 1886 thực dân Pháp huy động lính ở các đồn thuộc hạ lưu Sông Gianh tấn công vào làng Cao Lao Hạ hòng tiêu diệt nghĩa quân. Quân Pháp từ bờ sông Gianh chia làm hai mũi tiến vào làng, nghĩa quân do ông “Lớn Lê” Chánh Tướng Lê Mô Khải chỉ huy tổ chức mai phục đánh trực diện giáp lá cà với quân Pháp giành thắng lợi. Đầu tháng 11 năm 1886 địch tổ chức cuộc càn lớn, Lê Mô Khải bố trí lực lượng phục kích tại Khe Nước bất ngờ tấn công vào đội hình địch gây cho chúng nhiều thiệt hại buộc chúng phải tháo chạy về Quảng Khê, cuối tháng 11 năm 1886 Lê Mô Khải chủ động cho quân tấn công đồn Quảng khê, buộc chúng hoảng sợ co cụm trong đồn, từ đó quân lính trong đồn không dám tự do đi lại càn quét gây rối trong vùng nữa.

          Năm 1887 nghĩa quân Lê Mô Khải phối hợp với nghĩa quân của Đề đốc Lê Trực tổ chức nhiều trận đánh về Hoàn Lão, Đông Hải và các căn cứ đồn trú của Pháp dọc tuyến quốc lộ 1 từ Ba Đồn đến Hoàn Lão và dọc hai bên bờ hạ lưu sông Gianh…tiêu diệt nhiều binh sỹ Pháp làm náo loạn tinh thần quân địch ở nhiều nơi.

          Cuối năm 1887 thực dân Pháp tổ chức đợt tấn công quy mô lớn vào khu căn cứ Ba Trại, do lực lượng và vũ khí quá chênh lệch nghĩa quân phải rút sâu vào rừng củng cố lực lượng, sau đó một thời gian thì gặp một số khó khăn về lương thực, đau ốm nghĩa quân phát tán đi khắp nơi, một số gia nhập nghĩa quân các lãnh tụ khác. Đề đốc Lê Quang Chánh ra Hà Tĩnh gia nhập nghĩa quân Phan Đình Phùng, Chánh Tướng Lê Mô Khải cùng một số nghĩa quân ra Tuyên Hóa trực tiếp phò vua Hàm Nghi tiếp tục chống Pháp. Ông được vua Hàm Nghi phong chức “Tán tướng quân vụ”, đến năm 1895 Lê Mô Khải lâm trọng bệnh ông mất ngày 27 tháng 8 năm Ất Mùi (1895).

          Đêm mồng 01 tháng 11 năm 1888 Trương Quang Ngọc là một trong những người cận vệ bảo vệ Vua Hàm Nghi đã phản bội chỉ điểm, thực dân Pháp đột nhập vào chỗ ở của vua Hàm Nghi ở Chà Mạc Thanh Lạng, giết chết Tôn Thất Thuyết người bảo vệ thân cận của vua, bắt vua Hàm Nghi đưa về đồn Thanh Lạng rồi về kinh thành Phú Xuân (ngày 22 tháng 11 năm 1888). Từ đây, phong trào Cần Vương rơi vào thời kỳ thoái trào.

          Phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược tuy thất bại nhưng đã thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất ý chí dân tộc cao cả của nhân dân ta nói chung, người dân Cao Lao Hạ nói riêng. Trong cuộc chiến tranh này nhân dân Cao Lao Hạ đã thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, bền bỉ không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, đánh cho quân Pháp nhiều phen kinh hoàng, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Đó cũng là bài học vô cùng quý giá để nhân dân Cao Lao Hạ thực hiện nhiệm vụ đánh đổ chế độ thực dân phong kiến giải phóng dân tộc sau này.

          Sau khi chiếm Đông Dương, thực dân Pháp ráo riết củng cổ bộ máy chính quyền bản địa, thiết lập hệ thống cai trị thực dân. Dưới sức ép của Pháp cuối tháng 9 năm 1897 Triều đình nhà Nguyễn phải thay đổi toàn bộ hệ thống cơ cấu chính quyền cũ, thiết lập hệ thống chính quyền thực dân dưới sự điều khiển của Thực dân Pháp. Từ đó chính quyền thực dân Pháp tại Trung Kỳ (Khâm Sứ) có quyền chủ trì tất cả các chương trình nghị sự của chính phủ Nam triều và mọi quyết định của chính phủ Nam triều đều phải được Khâm Sứ Trung Kỳ chuẩn y mới có hiệu lực.

          Ở cấp tỉnh, đứng đầu chính quyền là Viên Tuần Vũ (tỉnh trưởng). Phủ trên chính quyền tỉnh là Viên Công Sứ người Pháp trực tiếp điều hành cai quản. Dưới cấp tỉnh Thực dân Pháp vẫn duy trì gần như toàn vẹn bộ máy chính quyền phủ, huyện, tổng, làng xã. Đứng đầu phủ, huyện là Tri phủ, Tri huyện, đứng đầu Tổng là Chánh tổng(29), đứng đầu làng, xã có Lý trưởng, dưới Lý trưởng có Phó lý, hương mục, hương kiểm, hương bộc…

          Bên cạnh bộ máy hành chính cai trị của làng còn bộ máy do dân cử để quản lý điều hành các công việc “tang, tế, hôn, quan” của thôn, xóm. Ở làng Cao Lao Hạ có 20 xóm được phân thành 2 giáp: giáp trên từ xóm 1 đến xóm 9; giáp dưới từ xóm 10 đến xóm 20, mỗi giáp có 1 Trưởng giáp; giúp việc cho Trưởng giáp có ông “Trùm” duy trì nghi thức lễ tang, tế lễ trong giáp; ông “Biện” thu tiền sắm lễ cho giáp khi có tế lễ. Mỗi giáp có 15 tích, mỗi tích có 30 trai tráng khỏe mạnh đảm nhận các công việc đắp đê, làm đường, chống bão lụt thiên tai hỏa hạn. Để duy trì đôn đốc nhắc nhở dân làng thực hiện luật lệ, Hương ước của làng, làng tổ chức thành 3 cụm xóm: từ xóm 1 đến xóm 6 (gọi là lục lân), từ xóm 7 đến xóm 13 và xóm 14 đến xóm 20 (gọi là thất lân); mỗi cụm xóm có một Trưởng xóm (gọi là Trưởng lân). Chức trách nhiệm vụ của cụm và xóm được qui định như sau:

          - Bảo vệ tài sản chung của làng và của dân.

          - Bồi túc tu sữa đường sá khi hư hỏng, sạt lỡ

          - Giữ gìn giếng nước của làng trong, sạch sẽ

          - Trưởng Lân còn có nhiệm vụ tổ chức lế cúng Kỹ yêu hằng năm

          - Giữ gìn đoàn kết, hòa thuận tình làng nghĩa xóm, nghiêm phạt các vụ trộm cắp hoặc vi phạm luật lệ, hương ước(30).

          Cụm 1: quản lý đường kiệt và giếng mới

          Cụm 2: quản lý đường eo và giếng Hóc

          Cụm 3: quản lý đường cống và giếng kiệt (dưới chân dốc oằn)

(29) Chính quyền Thực dân Pháp chia huyệ Bố Trạch thành 5 tổng: Tổng Cao Lao, Tổng Hà Bạc, Tổng Hoàn Phúc, Tổng Hoàn Lão, Tổng Sen. Cao Lao Hạ thuộc Tổng Cao Lao.

 

(30) Trong hương ước của làng ghi: Bất kể ai xâm phạm, phá phách làm trái hương ước đều phạt 3 quan tiền (1quan = 10 tiền, một tiền có 6 đồng tiền ăn mười).

 

 

 

 

 

 

 

Cùng với việc tăng cường thiết lập củng cố hệ thống chính quyền cai trị thực dân Pháp triệt để thực hiện các chính sách khai thác vơ vét tài nguyên, bóc lột nhân dân ta đến cùng cực, chúng tự do độc quyền khai thác, đánh thuế tài nguyên thiên nhiên rừng, biển, độc quyền sản xuất buôn bán thuốc phiện, muối ăn, rượu…Lập các đại lý buộc mọi người dân trong vùng phải mua, tiêu thụ hết rượu muối chúng sản xuất, buôn bán. Chúng còn lập các đồn lính khố xanh, lính lệ kiểm soát lùng sục chặn các ngã đường vào làng bắt những người sản xuất buôn bán rượu, muối không phải của chúng sản xuất đem tới.

          Hiện nay trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu: “Rượu ta nấu nó cho rượu lậu, muối ta làm nó bảo muối gian”.

          Để dễ bề cai trị nhân dân ta chính quyền thực dân phong kiến rất chú ý duy trì các phong tục tập quán mê tín dị đoan, khuyến khích đầu độc nhân dân sử dụng thuốc phiện, rượu chè, cờ bạc…nhằm kìm hãm con người trong vòng lạc hậu, yếu kém. Do đó rượu cồn, thuốc phiện được bày bán công khai rộng rãi tại các chợ Cao Lao Hạ, Quảng Khê, Lý Hòa, Hoàn Lão, Ba Đồn và vào tận các xóm làng xã. Trong thời kỳ này chúng lập nhà tù (để bắt giam những người không tuân thủ những quy định khắt khe của chúng đặt ra) nhiều hơn trường học, cả Tổng Cao Lao (bắc huyện Bố Trạch) chỉ có một trường sơ học yếu lược duy nhất ở làng Cao Lao Hạ nên muốn học lên cao hơn phải qua Ba Đồn, vào Đồng Hới mới có trường học.

          Bên cạnh việc áp đặt quyền cai trị, chúng còn nặn ra hàng trăm thứ thuế đè nén lên thân phận người dân, trong đó thứ thuế thân đánh vào người dân từ 18 tuổi đến 60 tuổi và thuế xí là loại thuế khắc nghiệt và hài hước bần cùng nhất…đã làm cho đời sống của nhân dân ta hết sức cùng cực.

          Trước sự thống trị tàn độc của chế độ thực dân phong kiến, nhân dân ta đã đoàn kết tổ chức nhiều cuộc chiến đấu chống các cuộc càn quét, vây bắt, khủng bố của thực dân phong kiến và chống áp bức bóc lột, đòi quyền dân sinh, dân chủ đạt một số thắng lợi nhất định. Tuy nhiên, do chưa có một tổ chức cách mạng và đường lối lãnh đạo đúng đắn khoa học tiến bộ, lại phải đương đầu với thực dân Pháp xâm lược có tiềm lực kinh tế quân sự hùng mạnh nên phần lớn các cuộc đấu tranh của nhân dân ta đều bị bọn thực dân phong kiến đàn áp gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất. Song đó cũng là những bài học vô cùng quí giá để cách mạng Việt Nam rút kinh nghiệm cho các lực lượng cách mạng tiếp nối tổ chức kháng chiến thắng lợi.

          Ngày 3 tháng 2 năm 1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra bước ngoặt lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam. Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 22 tháng 2 năm 1930 Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Quảng Bình được thành lập tại ga Bố Trạch có tên nôm là Kẽ Rấy, tiếp theo đó các chi bộ Bãi Đức (Tuyên Hóa), Lũ Phong (Quảng Trạch), Mỹ Trung (Lệ Thủy) cũng lần lượt được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam và các tổ chức cơ sở Đảng ở Quảng Bình, nhân dân Quảng Bình nói chung, làng Cao Lao Hạ nói riêng đã nêu cao truyền thống yêu nước, lòng nhiệt huyết cách mạng hăng hái tham gia đấu tranh chống chế độ thực dân phong kiến, chống áp bức bóc lột khi bí mật, khi công khai, khi âm ỷ khi cao trào đến thắng lợi hoàn toàn.

          Làng Cao Lao Hạ nằm phía bắc huyện Bố Trạch tiếp giáp với huyện Quảng Trạch và được tổ chức Đảng ở huyện Quảng Trạch rất quan tâm xây dựng, phát triển tổ chức, lực lượng cách mạng nên đã cử một số đồng chí Đảng viên gồm các anh Phạm Giang Hồ, Nguyễn Huyên (tức Tế), Phạm Trọng Anh(31), Hồ Gia Tánh…sang mốc nối liên lạc, xây dựng cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia cánh mạng đánh đổ chế độ thực dân phong kiến giải phóng dân tộc.

          Sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, đề ra cương lĩnh, đường lối lãnh đạo thì phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tầng lớp tri thức, thi sỹ yêu nước Việt Nam...phát triển mạnh mẽ rộng khắp mọi miền trong cả nước mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Chính toàn quyền Đông Dương Ro Bin đã phải thừa nhận hệ thống chính quyền tay sai của chúng là “Hoàn toàn bất lực, chẳng làm được điều gì để ngăn cản sự mở rộng của phong trào, chính quyền bản xứ thuộc mọi cấp trong tỉnh đều tê liệt không thể nêu tên một người cầm đầu nào, không thể nhờ cậy vào sự trợ giúp nào của các chức trách cấp Tổng xã, khiến người ta có cảm giác rằng họ đã mất hết uy quyền trên đám quần chúng mà họ cai trị…”(32).

          Tuy phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh sau đó bị Thực dân Pháp đàn áp, song nó đã thể hiện khí phách hừng hực cách mạng của nhân dân ta, dân tộc ta quyết tâm đánh đổ chế độ phong kiến Thực dân giành tự do độc lập. Đây được coi như một cuộc Tổng diễn tập chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền sau này.

(31) Phạm Trọng Anh nguyên gốc họ Nguyễn ở xã Kỳ Lợi – Kỳ Anh – Hà Tĩnh vào Quảng Bình với gia đình năm 14 tuổi, cư trú tại làng Văn Phú – Quảng Trạch và đổi sang họ Phạm. Anh tham gia cách mạng và hoạt động dưới danh nghĩa là người đi buôn trâu để đi lại mốc nối xây dựng phát triển cơ sở cách mạng. Năm 1935 anh lấy vợ là chị Mẹt Đồng ở làng Cao Lao Hạ (nay là xã Hạ Trạch – Bố Trạch – Quảng Bình).

 

(32)  Hồ sơ thuộc địa Pháp, sách lịch sử Quảng Bình đã dẫn trang 525 .

 

 

 

 

 

 

 

 

          Ở Quảng Bình trong thời điểm cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp khủng bố thì phong trào cách mạng của nhân dân trong tỉnh cũng rơi vào khó khăn, Thực dân Pháp cho rằng: Đối với Quảng Bình “Mỗi cảnh vật, mỗi con người đều là giặc”.  Nên theo đó chúng “Có quyền được đốt sạch, giết sạch” (Sách lịch sử Quảng Bình đã dẫn trang 526). Một chiến dịch khủng bố trắng được chính quyền Thực dân phong kiến thực hiện hết sức ráo riết. Chúng tổ chức và phát triển mạng lưới mật thám, phản động trong bọn hương lý, kỳ mục khắp nơi ngày đêm rình rập theo dõi lùng bắt cán bộ, cơ sở cách mạng… Từ đây phong trào cách mạng của nhân dân Quảng Bình nói chung, nhân dân Làng Cao Lao Hạ nói riêng tạm thời lắng xuống, khi âm ỷ, khi hừng hực sẵn sàng bùng phát khắp mọi nơi.

          Năm 1934 dưới sự lãnh đạo của các đồng chí cán bộ cách mạng nhân dân làng Cao Lao Hạ đã đồng tâm ký vào bản “Dân nguyện” là bản yêu sách đòi chế độ thực dân phong kiến đảm bảo quyền tự do, dân chủ, dân sinh cho nhân dân.

          Từ năm 1936 tình hình kinh tế, chính trị, xã hội củng có những bước chuyển mới. Tháng 6 năm 1936 Hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng họp đề ra nhiệm vụ thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương và phát động phong trào đấu tranh chống đế quốc phong kiến, đòi tự do dân sinh dân chủ và hòa bình. Cuộc vận động dân chủ đã bùng nổ thành cao trào cách mạng phát triển trong cả nước.

          Ở Quảng Bình không khí đấu tranh đòi tự do dân chủ dân sinh diễn ra rất sôi nổi khắp các làng xã, cuối tháng 2 năm 1937 biết được tin J.Godart đại diện đầu tiên của Chính phủ Pháp sang điều tra tình hình lao động Đông Dương theo chương trình của chính phủ Mặt trận bình dân Pháp sẽ đến thanh tra miền Trung, nhân dân các địa phương Đồng Hới, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch đã thu thập kiến nghị, ký vào bản thịnh nguyện gửi đến J.Godart. Bản thịnh nguyện gồm 10 điểm:

 - Giảm thuế thân và phụ thu    

          - Cấm cho vay nặng lãi

          - Tự do nghiệp đoàn

          - Xét xử tranh chấp giữa dân cày và địa chủ

          - Kiểm soát cường hào và gian ác

          - Chống học vấn, cưỡng bức

          - Thành lập ngân hàng nông thôn cho cả nước

          - Mở bệnh viện liên xã

          - Thiết lập luật lệ đảm bảo quyền lợi nông dân

         

- Tự do đi lại(33)

          Từ đây phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở Quảng Bình nói chung, Tổng Cao Lao nói riêng liên tục phát triển thực sự là một cuộc biểu dương lực lượng để lại dấu ấn sâu sắc trong nhân dân.

          Năm 1938 khi Hội truyền bá quốc ngữ (đây là một tổ chức hoạt động chống mù chữ) (34) ra đời hoạt động công khai, anh Nguyễn Huyên (tức Tế) đã tuyên truyền vận động giác ngộ anh Lê Nguyên Phong (con ông Cữu Phục) ở Làng Cao Lao Hạ lúc đó là giáo viên Hội truyền bá quốc ngữ  đưa hoạt động truyền bá quốc ngữ về làng. Và từ đây phong trào học tập chữ quốc ngữ được lan truyền khắp làng Cao Lao Hạ. Anh Lưu Quý Ngữ, Nguyễn Duy Liêm, Lưu Trọng Thùy người trong làng là những người trực tiếp cùng anh Phong tổ chức giảng dạy nhiều lớp học viên trong làng học quốc ngữ. Hoạt động truyền bá chữ quốc ngữ thực chất là vừa dạy văn hóa đồng thời vừa để truyền bá tư tưởng cách mạng yêu nước yêu dân, chống chế độ phong kiến thực dân.

          Cuối năm 1939 tình hình thế giới có những diến biến phức tạp, các nước đế quốc Đức, Italia, Nhật hình thành một liên minh phát xít tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bành trướng và xâm lược. Một loạt các nước Đông Âu, Bắc Âu đã rơi vào tay phát xít, ở phía Đông phát xít Nhật tấn công vào tuyến phòng thủ của Liên bang Xô Viết (Liên Xô)…chiến tranh thế giới nhanh chóng lan rộng khắp Châu Âu, Châu Á. Lợi dụng tình thế đó, thực dân Pháp đã thi hành một loạt chính sách hà khắc bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, tăng cường đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam, vơ vét tài nguyên của cải của nhân dân ta đưa về chính quốc để cung ứng phục vụ chiến tranh chống phát xít. Đồng thời chúng tuyển mộ binh lính người Việt Nam sang Pháp làm bia đỡ đạn cho chúng trên chiến trường Châu Âu.

          Để quản lý tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, thực hiện chính sách bóc lột, vơ vét của cải, tài nguyên, thực dân Pháp tiếp tục duy trì mô hình bộ máy chính quyền phong kiến thực dân cũ trước đây.  Ở Quảng Bình chúng chia địa bàn tỉnh thành 2 phủ: phủ Quảng Trạch, phủ Quảng Ninh và 3 huyện: Huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy. Cao Lao Hạ  thuộc tổng Cao Lao, huyện Bố Trạch.

(33)Lịch sử Quảng Bình 1604 – 2014 xuất bản năm 2014 .

(34)Hội truyền bá quốc ngữ thành lập do đồng chí Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp tổ chức theo chủ trương của xứ ủy Bắc Kỳ .

 

 

 

 

 

 

 

 

          Sau một thời gian bị phát xít Nhật o ép, ngày 8 tháng 12 năm 1941 thực dân Pháp phải ký với Nhật một hiệp ước biến Đông Dương thành thuộc địa của Nhật. Như vậy trên thực tế Đông Dương bị rơi vào tình trạng “một cổ, hai tròng”, vừa bị cả thực dân Pháp và phát xít Nhật thống trị áp bức bóc lột làm cho cuộc sống của nhân dân ta vô cùng khốn đốn cùng cực.

          Thấy rõ âm mưu thủ đoạn của Thực dân Pháp, phát xít Nhật và những chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới, ngày 10 tháng 5 năm 1941 Ban chấp hành Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ VIII dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã quyết định đường lối của cách mạng Việt Nam là: “trong lúc này quyền lợi của bộ phận của giai câp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia dân tộc…nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc cũng chịu mãi kiếp trâu ngựa mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm sau cũng không đòi lại được”(35).

          Hội nghị Trung ương cũng đã quyết định thành lập tổ chức “Việt Nam độc lập đồng minh” gọi tắt là Mặt trận Việt Minh để tập hợp các lực lượng quần chúng nhân dân trong một mặt trận thống nhất đấu tranh giành đọc lập dân tộc.

Đầu năm 1943 thông qua mối quan hệ làm ăn, bạn bè, anh em các đồng chí Nguyến Thành, Vũ Văn Giáo…Đảng viên ở phủ Quảng Trạch được giới thiệu gặp  gỡ các anh Lưu Đức Huân, Lưu Trọng Uýnh, Nguyễn Cao Thiềng ở làng Cao Lao Hạ, Cao Lao Thượng, anh Phan Hoàn và anh Nguyễn Ân ở Ba Đề để tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tinh thần chính cương điều lệ Mặt trận Việt Minh.

          Để hộ vệ các tổ chức cơ sở Đảng hoạt động và các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân, các tổ chức tự vệ lần lượt được hình thành phát triển, hoạt động có hiệu quả ở nhiều địa phương. Năm 1943 tự vệ làng Cao Lao Hạ phối hợp với tự vệ nhiều làng, xã thuộc Tổng Cao Lao tổ chức bảo vệ an toàn hàng chục cuộc đấu tranh mít tinh, biểu tình của nhân dân và giải thoát cho nhiều cán bộ Đảng viên, cơ sở cách mạng khi bị địch lùng ráp vây bắt. Đồng thời tham gia cùng tự vệ thôn Văn Phú - Quảng Trạch bảo vệ hơn 200 đồng bào thôn Văn Phú đấu tranh buộc tên trị phủ Đặng Hiếu An bỏ lệnh bắt dân dời mộ lấy đất cho giặc Nhật làm bãi chứa than…

          Năm 1944 vụ mùa thất bát nặng, cuối năm 1944 đầu năm 1945 nạn đói hoành hoành đe dọa đời sống của các tầng lớp nhân dân. Cả nước hơn 2 triệu người bị chết đói, riêng làng Cao Lao Hạ có 47 người chết đói tại làng(36), nhân dân cả làng sống trong đói rét phải đào củ mài, củ chuối, gốc cây đu đủ, đào rau má hái, rau rừng…về ăn. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, những người có điều kiện kinh tế vận động nhau đem tiền, thóc gạo ra giúp dân cứu đói, nhân dân trong làng thường được nhà hảo tâm Lưu Trọng Dư làm từ thiện cung cấp cháo, thuốc, chữa bệnh…Do ảnh hưởng của nạn đói, nhiều người phải bỏ làng quê đi tha phương cầu thực ở nhiều nơi như qua Lào, Thái Lan, và các tỉnh khác … làm thuê cuốc mướn kiếm miếng cơm, manh áo.

(35)Văn kiện Đảng 1939 – 1945, tập 1, NXB Sự Thật Hà Nội 1963, trang 282.

(36)Theo tư liệu anh Lưu Đức Hỹ - nguyên Bí thư  Đảng ủy xã Hạ Trạch, thanh niên cứu quốc làng Cao Lao Hạ ghi chép lại cung cấp 282.

 

 

 

 

 

 

 

 Ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945 phát xít Nhật nổ súng lật đổ thực dân Pháp độc chiếm Đông Dương chúng nhanh chóng thiết lập bộ máy chính quyền cai trị, chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật ra đời.

          Tiếp nhận Chỉ thị của Trung ương “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”các tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh ở Quảng Bình nhanh chóng, củng cố tổ chức, xây dựng phát triển lực lượng cách mạng, phát động quần chúng nhân dân đoàn kết chống phát xít Nhật …Từ đây phong trào kháng Nhật cứu nước và chống phong kiến ở Quảng Bình, Tổng Cao Lao có những chuyển biến với những hào khí sôi động mới.

          Ở làng Cao Lao Hạ, anh Lưu Đức Huân là người sớm được giác ngộ cách mạng đã vận động thanh niên trong làng đứng ra lập và tham gia các hội “tập võ”, “tập vật” là những tổ chức công khai vừa để rèn luyện nâng cao thể lực, sức khỏe, võ thuật vừa là nơi tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho thanh niên. Nhiều thanh niên trai tráng hăng hái luyện tập trong đó nồng cốt là các anh Nguyễn Toàn, Lê Quang Hiệp, Lưu Đã, Lê Duệ, Lưu Chu, Nguyễn Danh Hữu, Nguyễn Đàn (Đoàn Đàn), Lưu Bá Dao, Lê Quang Chấp, Lưu Trọng Lạc, Ông Thập Quýnh, Lê Chiêu Hoành, Nguyễn Văn Khảng, Nguyễn Mạnh Tâm, Nguyễn Sảng,… võ sư Trần Mạnh Tiên ở Quảng thuận là người trực tiếp làm thầy dạy võ cho thanh niên trong làng.

          Từ cuối tháng 3 năm 1945 theo chỉ đạo trực tiếp của tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh phủ Quảng Trạch mà trực tiếp là anh Phạm Trọng Anh tổ chức tập võ, tập vật của làng Cao Lao Hạ được chuyển hợp thức hóa tổ chức thanh niên Phan Anh(37) chuyển dần sang Thanh niên cứu quốc của Mặt trận Việt Minh.

(37)Tổ chức thanh niên Phan Anh là một tổ chức thanh niên của chế độ thực dân hoạt động dưới danh nghĩa thể dục thể thao.

(38)Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng ngày 12/3/1945.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

          Cùng với các hoạt động tập võ, phụ nữ làng Cao Lao Hạ và các làng Ba Đề, Cao Lao Thượng đã phối hợp tổ chức ra các tổ hội sinh hoạt của chị em phụ nữ như: Hội thi sắc đẹp, Hội thi làm nón…đây là một hoạt động công khai để tập hợp vận động chị em phụ nữ tham gia hoạt động Việt Minh do chị Lê Thị Hoài người làng Cao Lao Hạ khởi xướng đứng ra vận động và được nhiều chị em phụ nữ làng Cao Lao Hạ, Cao Lao Thượng, Ba Đề… tham gia.

          Ngày mồng 2 tháng 7 năm 1945 Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh được triệu tập họp tại chùa An Xá – Lệ Thủy để bàn thống nhất lãnh đạo hành động chung và quán triệt chỉ thị của Trung ương Đảng về “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”(38). Hội nghị đã cử ra ban vận động thống nhất gồm 3 đồng chí do đồng chí Đoàn Khuê làm trưởng ban, Ban vận động đã ra lời kêu gọi cán bộ, Đảng viên và nhân dân toàn tỉnh đoàn kết thống nhất hành động đẩy mạnh phong trào kháng Nhật cứu nước.

Tiếp sau đó ngày mồng 4 tháng 7 năm 1945 Hội nghị thành lập tỉnh bộ Việt Minh được tổ chức tại Trại sản xuất An Sinh - Trường Thủy - Lệ Thủy, đông đảo đại biểu Việt Minh các huyện về dự. Hội nghị đã thống nhất cử ra Ban thường trực tỉnh bộ Mặt trận Việt Minh gồm 3 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Đồng làm chủ nhiệm(39) và đề ra chương trình hành động phát động quần chúng đấu tranh chống Nhật Pháp, thành lập phát triển lực lượng tự vệ vũ trang các tổ chức cứu quốc, sẵn sàng cùng quần chúng giành chính quyền khi thời cơ đến.

          Thực hiện chủ trương của Đảng và nhiệm vụ của Tỉnh bộ Việt Minh nhân dân Quảng Bình đã tổ chức, tham gia hàng trăm cuộc mít tinh biểu dương lực lượng ở khắp nơi trong tỉnh. Hàng trăm con em thanh niên ở Quảng Bình đã bỏ các công trường, đồn điền về tham gia các đội tự vệ chiến đấu ở các làng, xã, phong trào cứu quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ ở các địa phương: Mỹ Thổ, Trung Lực, An Xá, Thạch Bàn…(Lệ Thủy); Võ Xá, Thu Thừ, Văn La (Quảng Ninh), Cao Lao, Hoàn lão, Hòa Duyệt, Khương Hà (Bố Trạch).

          Trung tuần tháng 7 năm 1945 Mặt trận Việt Minh làng Cao Lao Hạ được thành lập do anh Lưu Quý Ngữ làm chủ nhiệm, Mặt trận Việt Minh làng Cao Lao Hạ đã vận động tổ chức thêm một đội tự vệ dưới danh nghĩa công khai là “Hương đoàn” bảo vệ an ninh thôn xóm do anh Nghè Dõng làm đội trưởng, ông Lưu Bá Dao làm thôn trưởng. Đồng thời trong thời gian này Huyện ủy, Mặt trận Việt Minh huyện Bố Trạch cử anh Đặng Gia Huy ra làng Cao Lao Hạ gặp gỡ, bàn bạc với anh Lưu Trọng Sô là Trưởng đoàn thanh niên Phan Anh của làng Cao Lao Hạ chuyển tổ chức này sang tổ chức Thanh niên cứu quốc… Từ đây các hoạt động của các tổ chức quần chúng ở làng Cao Lao Hạ diễn ra ngày càng sôi nỗi, liên tục, lúc đầu còn bí mật dần dần diễn ra công khai. Bọn hương lý trong bộ máy chính quyền phong kiến ở địa phương từng bước bị vô hiệu hóa.

 (39)Ban Thường trực Mặt trận Việt Minh tỉnh gồm ông Nguyễn Văn Đồng (Đồng Sỹ Nguyên sau này là Trung tướng quân đội, Bộ trưởng – Phó Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng); ông Võ Hồng Thanh, ông Võ Thuận Nho. (Lịch sử Quảng Bình, trang 553, xuất bản năm 2014).

 

 

 

 

 

 

 

 

          Tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng, ở bên ngoài quân Nhật bị Liên Xô và quân đồng minh đánh cho tơi bời, đầu hàng vô điều kiện. Ngày 13 tháng 8 năm 1945 Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn thể tại Tân Trào - Tuyên Quang, thống nhất quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ủy ban khởi nghĩa trung ương được thành lập và ban hành quân lệnh số 1, ra lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc.

          Ngày 17 tháng 8 năm 1945 Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Quảng Bình họp Hội nghị cán bộ Việt minh toàn tỉnh tại Thị xã Đồng Hới để tiếp nhận lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương do đồng chí Tố Hữu đặc phái viên của Trung ương vào truyền đạt. Hội nghị quyết định lấy ngày 23 tháng 8 năm 1945 là ngày Tổng khởi nghĩa chung trong toàn tỉnh. Hội nghị đã bầu ra Ủy ban khởi nghĩa và Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời do ông Trần Văn Sớ làm Chủ tịch – ông là con rể làng Cao Lao Hạ. Tinh thần khởi nghĩa nhanh chóng truyền đi khắp các địa phương, mọi hoạt động sôi nỗi rầm rộ hẳn lên, không khí tiến hành khởi nghĩa trào dâng. Cả ngày 21, 22 tháng 8 cán bộ nhân dân tỉnh Quảng bình không ngủ sẵn sàng Tổng khởi nghĩa.

          Ngày 22 tháng 8 năm 1945 Ủy ban Mặt trận Việt Minh làng Cao Lao Hạ được lệnh của tỉnh tổ chức một đội tự vệ 10 người vào tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tại tỉnh lị (Đồng Hới). Chiều cùng ngày đội tự vệ làng Cao Lao Hạ do ông Lưu Đức Huân làm đội trưởng đã hành quân vào đến Đồng Hới và nghỉ chân tại nhà ông Hường, kinh phí sinh hoạt ăn uống trên đường do ông Đoàn Đàn người Cao Lao Hạ chu cấp, ủng hộ. Đội tự vệ Cao Lao Hạ được phân công nhiệm vụ chốt chặn cửa đông thành Đồng Hới và phối hợp tham gia vào chiếm lĩnh dinh tỉnh trưởng Nguyễn Thơ.

          Đêm 22 tháng 8 năm 1945 lực lượng tự vệ của tỉnh đã tỏa đi khắp các ngã đường, nhanh chóng tiến vào chiếm lĩnh các dinh tuần phủ, dinh tỉnh trưởng, sở mật thám, sở kho bạc… bắt khống chế tỉnh trưởng Nguyễn Thơ và nhiều tên tay sai khác thu hết sổ sách giấy tờ, hồ sơ tài liệu…Đúng 1 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945 cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng và tiếp đó là rừng cờ của nhân dân mọc lên khắp thị xã Đồng Hới, cũng trong buổi sáng lịch sử ấy ở các phủ huyện nhân dân đã kéo về huyện lỵ giành chính quyền thắng lợi.

(40) UBND cách mạng lâm thời tỉnh gồm 07 đồng chí: Trần Văn Sở, Chủ tịch; Hoàng Văn Diệm: Phó Chủ tịch; các ủy viên: Đoàn Khuê (quân sự), Trần Hường (trinh sát), Lê Mạnh Triều (dân sinh), Võ Thuần Nho (tuyên truyền), Trần Đình Giáp (kinh tế).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

          Sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945 nhân dân các địa phương Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Ninh đội ngũ chỉnh tề, băng cờ biểu ngữ, súng ống, gươm giáo gậy gộc từ 4 phía tiến vào trung tâm Thị xã Đồng Hới. Đúng 8 giờ sáng, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh làm lễ ra mắt trước đông đảo đồng bào(40). Ông Trần Văn Sở, Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh trịnh trọng tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân trong tiếng rèo hò phấn khởi của hàng vạn đồng bào, dân quân tự vệ dự Lễ mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng 8 thắng lợi và chính quyền cách mạng ra đời.

          Ở vùng phía Bắc Bố Trạch, Tổng Cao Lao theo kế hoạch của ủy ban khởi nghĩa Cấp trên, Ủy ban khởi nghĩa các Làng thuộc vùng hạ lưu bờ Nam Sông gianh  được thành lập, ông Trần Quyền công nhân phà Gianh làm  Chủ tịch, các ông Lưu Quý Ngữ (làng Cao Lao Hạ), Phan Hoàn, Nguyễn Ân (Làng Đặng Đề)…làm ủy viên.

          Đêm 22 tháng 8 năm 1945 đội quân tự vệ làng Cao Lao Hạ do ông Nguyễn Toàn, Lưu Đã, ông Hải, ông Oanh..dân dầu cùng các ông Hoài, ông Sô, ông Thùy, ông Lạc, ông Lệ… và nhân dân trong làng nô nức kéo nhau về Bồ Khê. 1 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945 hàng chục chiếc thuyền tập kết ở bến đò Thanh Ba lần lượt chở lực lượng khởi nghĩa các làng Ba Đề, Cao Lao Hạ, Cao Lao Thượng, Phú Kinh, Phú Hữu vượt sông Thanh Ba sang Quảng Khê tiếp sức cùng lực lượng khởi nghĩa ở Quảng Khê cướp chính quyền, bao vây bắt gọn toàn bộ quan chức, lính lệ của địch ở Quảng Khê (xã Thanh Trạch ngày nay).

          Sau khi tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền thắng lợi ở Tỉnh, ở Quảng Khê, lực lượng tự vệ, thanh niên cứu quốc trở về làng tập hợp nhân dân tập trung trước Đường Bản phía trên Giếng làng xóm 9 tổ chức mít tinh mừng chiến thắng. Lực lượng tự vệ đứng thành hàng rào danh dự, nhân dân hàng ngũ chỉnh tề trật tự nghiêm túc lắng nghe ông Minh (Minh Rỗ) thay mặt Ủy ban khởi nghĩa huyện tuyên bố: “xóa bỏ hoàn toàn chính quyền phong kiến thực dân, thành lập chính phủ cách mạng lâm thời”. Ủy ban khởi nghĩa làng Cao Lao Hạ tước triện lý trưởng từ tay Lý Thanh (lý trưởng), ông Lưu Quý Ngữ chủ nhiệm Việt Minh và bà Lê Thị Hoài đại diện Mặt trận Việt Minh làng Cao Lao Hạ phát biểu chào mừng cách mạng tháng 8 thắng lợi và cùng nhân dân dự mít tinh hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm, Mặt trận Việt Minh muôn năm…”.

          Nhân dân Làng Cao Lao Hạ không những nhiệt huyết hăng hái đấu tranh, khởi nghĩa dành chính quyền cách mạng trên quê hương mà những người con em của làng đi làm ăn, sinh sống ở các địa phương khác trên toàn quốc cũng phát huy truyền thống của quê hương tích cực tham gia phong trào cách mạng của Mặt Trận việt Minh, khởi nghĩa cướp chính quyền ở các nơi đó, như ông Lê Văn Tri tham gia ở Biên Hòa và Sài Gòn, ông Lưu Trong Uýnh, ông Nguyễn Khắc Khởi tham gia ở Sài Gòn, Gia Định... 

          Thắng lợi cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 trong cả nước đó là kết quả của quá trình bền bỉ kiên trì dũng cảm của giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động, tri thức chí sỹ yêu nước trong xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, của Mặt trận Việt Minh mà trực tiếp là của cấp ủy Đảng, Mặt trận Việt Minh các địa phương nói chung làng Cao Lao Hạ nói riêng.

          Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, chấm dứt vĩnh viễn ách đô hộ của chế độ thực dân phong kiến gần 100 năm. Nhân dân làng Cao lao Hạ cùng nhân dân cả nước và cả tỉnh, cả huyện nhanh chóng bắt tay vào công cuộc xây dựng chính quyền, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, chăm lo phát triển kinh tế, thiết lập và bảo vệ vững chắc nền độc lập, an ninh trật tự của chế độ xã hội mới; bước vào giai đoạn thực hiện sứ mệnh lịch sử cách mạng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ đi lên xây dựng một chủ nghĩa xã hội.

 Còn nữa ...

 

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip