Lưu Đức Xưng là con của cụ Phó bảng Lưu Đức Bình, là em của ông Lưu Điệt; Ông thi đậu cử nhân năm 1884.
Ông có tinh thần yêu nước rất cao. Năm 1885, khi Lê Mô Khải đứng ra kêu gọi nhân dân vùng Nam sông Gianh thành lập nghĩa quân chống Pháp cứu nước, có rất nhiều trang thanh niên võ sỹ, cũng như nho sỹ hưởng ứng thám gia, trong đó có Lưu Đức Xưng. Trong những năm chiến đấu chống Pháp ở Trại Nái, Lưu Đức Xưng là người có nhiều đóng góp cho phong trào Cần vương được Lê Mô Khải và quân sỹ tin yêu, quý mến.
Khi quân Pháp bình định được phong trào Cần vương, Ông trở về quê nhà làm ăn, sinh sống. Một thời gian sau, Ông ra làm quan cho triều Nguyễn, được cử giữ chức Hàn lâm viện Trực học sỹ, sung toản tu Quốc sử quán. Sau làm đến chức thương thư (Bộ trưởng) Bộ Lễ, được phong tước hầu “Trang lượng hầu” Tư thiện đại phu. Chánh nhì phẩm.
Thời giam làm quan của triều đình, Ông luôn được vua tin dùng. Trong tác phẩm nghiên cứu “Vua Khải Định, hình ảnh và sự kiện” của Võ Hương An, có viết về Lưu Đức Xưng như sau: “Bên ngòai, từ sân Đại triều nghi ra cho đến bên trong Ngọ Môn, Bộ Lễ đã cho dàn bày nghi trượng đúng nghi thức qui định, nào quân hầu, tàn, lọng, lỗ bộ, đại nhạc v.v. Chỉ có các ông Hoàng và 5 viên quan có phận sự đặc biệt được đứng trong điện Thái Hòa, mà thôi. Trong năm người đó, một người đọc Kim sách, là Hữu Tôn Khanh Ưng Huy, và một người đọc hạ biểu[1]là Tham Tri Lưu Đức Xưng, đang giữ chức Toản tu ở Quốc Sử Quán; còn ba người kia là quan Nội Các túc trực phụ giúp khi hành lễ. Tất cả đều đứng ở căn tận cùng phía đông, tựa lưng vào bức đố. Tất cả các quan văn,võ còn lại đều theo thứ bậc mà sắp hàng trên sân, quan văn bên trái, quan võ bên phải. Các Tôn tước sắp hàng chung với quan võ”[2].
Tuy đậu cử nhân nhưng học lực của Ông nổi tiếng khắp cả nước. Ông là đồng tác giả với Cao Xuân Dục biên soạn bộ sách lớn “Đại Nam nhất thống chí”, là tác giả cuốn “Quảng Bình đăng khoa lục” xuất bản trước cuốn “Quảng Bình Đăng khoa lục” của Huỳnh Côn khá lâu, Ông cũng là tác giả của bộ “Hội Điển của triều Nguyễn”[3]… Sách của Ông để lại rất nhiều, thực sự là tài sản vô giá cho đời sau, nhưng vì chiến tranh nay hầu hết bị đã thất lạc…”. “Nguyên bộ Đại Nam Nhất Thống Chí” đã được vua Tự Đức chỉ thị soạn năm 1865, và được soạn xong vào năm 1882 nhưng chưa được khắc in. Đến đời vua Thành Thái, các triều thần ở quốc sử quán lại được lệnh khởi thảo soạn lại, vẫn lấy tên là Đại Nam Nhất Thống Chí. Nhưng đến năm Duy Tân thứ 3 (1910) mới soạn xong được 17 quyển (17 tỉnh Trung Việt); các sử thần cao cấp như Cao Xuân Dục làm tổng tài, Lưu Đức Xưng, Trần Xán làm toản tu, đã dâng lên vua Duy Tân, do đấy bộ sách này được người Pháp gọi là “Géographie de Duy Tân”. Tuy năm 1910 mới hoàn tất 17 quyển trên, nhưng tất cả tài liệu biên chép đều căn cứ vào những đổi thay tứ 1906 trở về trước, nhưng việc từ năm Thành Thái thứ 19 (1907) trở về sau chưa được đăng tải. Bộ sách này viết ra đã căn cứ vào các bộ sách có trước như Hoàng Việt Nhất Thống Địa Dư Chí của Lê Quang Định (1806) và bộ Đại Nam Nhất Thống Chí thời Tự Đức (1815 – 1882) cũng như bộ Đồng Khánh Địa Dư Chí Lược (1886)”[4].
Cuốn Đại Nam nhất thống chí là một là một tư liệu quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Ông là một vị quan thanh liêm, đức độ có nhân cách cao đẹp, được mọi người kính trọng. Nghĩa tình của Lưu Đức Xưng với quê hương và tình cảm của quê hương đối với ông rất sâu nặng và bền lâu. Ông được nhân dân làng Cao Lao Hạ lập đền thờ để tỏ lòng biết ơn đối với bậc tiền nhân đã có công với làng, với nước.
[1]Hạ biểu là một hình thức diễn văn chúc mừng của triều đình và thần dân đối với nhà vua nhân lễ đăng quang.
[2]Theo cuocsongviet.com.vn.
[3]Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam Hội Điển sự lệ; sách dịch, NXB Thuận Hóa, Huế năm 1993
[4]Theo “Sử liệu chữ Hán về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường sa