Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Tập thơ Tình Quê của bác Lưu Quý Dịch

Lời bình của anh Lê Chiêu Phùng về tập thơ Tình Quê của bác Lưu Quý Dịch

Một chiều hè tháng 7, tôi cùng bác Nguyễn Văn Tuấn và anh Lưu Đức Hải ghé thăm ông Lưu Quý Dịch tại phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Bên chiếc bàn gỗ trong căn nhà thoáng mát khang trang, ông vui mừng tiếp đón chúng tôi như những người thân lâu ngày gặp lại. Mặc dù tuổi đã ngoài 80, sức khỏe có phần suy giảm nhưng ông còn minh mẫn lắm. 

Bên bàn nước, ông say sưa kể chuyện đời, chuyện nghề, quê hương, tình yêu, bà con, làng xóm. Và ông đã tặng chúng tôi tập thơ có tựa đề TÌNH QUÊ mà theo ông đây là “báu vật” quý giá của đời ông. Đã từng bình các tập thơ của Nguyễn Ngọc Khương, Lê Quang Nhân và đăng trên trang báo làng caolaoha.com, nên khi liếc qua tập thơ trên 70 bài, dày trên 30 trang khổ rộng, tôi đã thấy mình, thế hệ đi sau, có thể chưa đủ tầm, đủ sức nhưng phải viết một cái gì đó về cuộc đời, về thơ của bác Lưu Quý Dịch, một cựu chiến binh, một nhà lãnh đạo ngành ngân hàng sinh ra và lớn lên tại làng Cao Lao Hạ. May thay, ý định của tôi đã được bác Nguyễn Văn Tuấn và anh Lưu Đức Hải nhiệt tình ủng hộ

Tôi chỉ mong sao khái quát lại một số bài, một vài khổ trong tập thơ quý của ông, bởi ở tập thơ này ông đã gửi gắm tất cả buồn vui, các cung bậc thăng trầm của cuộc sống để cô động chất chứa vào “đứa con tinh thần” với bao điều tâm huyết. Tuy tập thơ chưa được xuất bản lần nào nhưng ai đã một lần được đọc thơ ông thì chắc chắn không thể nào dứt ra được. Với thể thơ “tứ tuyệt”, “song thất lục bát” cũng có nhiều bài theo thể thơ “tự do”. Những bài của nhà thơ Lưu Quý Dịch là những nỗi niềm tâm sự, là nét chấm phá ghi lại cuộc đời, sự nghiệp, là tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa…mà ông đã từng đi qua và hoài niệm trong suốt cuộc hành trình.

Lưu Quý Dịch sinh ra và lớn lên trong một gia đình dòng dỏi của họ Lưu Quan làng Cao Lao Hạ. Ông là một trong những người sớm học hành đổ đạt của làng, của dòng họ và thường xuyên công tác xa quê nhưng dù ở cương vị nào, ông luôn nhớ về quê, tự hào về quê hương đất mẹ. Bởi vậy nguồn cảm hứng làm thơ của một cán bộ Ngân hàng cũng xuất phát từ tình yêu quê hương tha thiết:

Giếng nước Đình làng đẹp biết bao

 Địa linh nhân kiệt thật tự hào

 Văn võ giỏi tài đâu cũng biết

Mọi người mến mộ đất Cao Lao

                     (Làng Cao Lao Hạ)

…Làng tôi rợp bóng những hàng tre

 Đu đưa cành lá lúc trưa hè

Tiếng vọng nhỏ to nghe kiù kịt

 Mát lòng, mát dạ…có bóng che

                                 (Làng tôi).

Vì thế mà mỗi lần về thăm, ông vui mừng trước những đổi thay của quê hương, làng xóm:

Bây giờ cuộc sống giàu sang

Nhà cao cửa rộng khang trang cả rồi

Đàng dưới, Đàng giữa, Đàng côi

Dân làng khá giả, cuộc đời ấm no

                                    (Dân làng)

 Mặc dù sống xa quê nhưng ông luôn đau đáu nhớ về quê hương đất mẹ, nơi đó có dòng Linh Giang hiền hòa thơ mộng ôm trọn những kỷ niệm tình yêu của một thời trai trẻ, để rồi khi mái tóc đã hoa râm, quay đầu nhìn lại:

Xa cách bao năm gặp bạn hiền

Cùng nhau tâm sự để hàn huyên

Cuộc đời thời thế, tóc sương điểm

Mà sao tình cảm vẫn giữ nguyên…

                               (Gặp bạn)

Đúng vậy, đò đầy thì đò phải sang sông. Người em gái năm xưa ấy đã đi lấy chồng. Và mỗi lần về thăm làng Hạ, với ánh mắt đăm chiêu, ông lại bần thần, nuối tiếc nhìn sang bên kia dòng Linh Giang, hình bóng người con gái năm ấy đã qua chuyến đò ngang:

Đi xa sao nhớ quê mình

Sông Gianh uốn khúc mối tình năm xưa

Ra về em hát đò đưa

Sang ngang em vẫn sớm trưa nhớ về…

                                                (Nhớ).

….

Em ơi anh nuối tiếc

Kỷ niệm của một thời

Chúng mình cười rúc rích

Đêm trăng rằm thích ghê

                              (Đêm trăng)

Mối tình ấy, người con gái ấy của một thời trai trẻ với nụ cười hồn nhiên và chính nụ cười đó đã đốt cháy trái tim ông:

Cảnh ơi! còn nhớ nữa không

Riêng anh nhớ mãi đêm đông tiếng cười

…..

Ngày ngày ta gặp lại ta

Nhớ hồi còn trẻ thật là khó quên

                                  (Khó quên)

Ngày về cùng bạn bè trang lứa, cùng con cháu xa quê, tận mắt chứng kiến quê hương đón Danh hiệu Anh hùng LLVT, vinh dự và tự hào, ông viết vội bài thơ:

Quê mẹ hôm nay đón Anh hùng

Mọi người phấn khởi giữ chữ trung

Thủy chung gìn giữ tình đoàn kết

Mảnh đất thiêng liêng đẹp vô cùng

                                  (Quê mẹ)

Quê hương là người mẹ, người mẹ là quê hương bởi vậy hình ảnh người mẹ luôn là đề tài cháy bỏng là nguồn cảm hứng sáng tác:

Mẹ già sức yếu tuổi đã cao

Nhớ quê lòng dạ cứ cồn cào

Ước chi về lại thăm lần nữa

Thỏa chí tam bồng với Cao Lao

                                    (Mẹ)

Bây giờ con cháu sum vầy

Bát ăn, bát để thì thầy mẹ đâu

Nhớ thương con để trên đầu

Con vái, con lạy con cầu mẹ đây

Nén hương thơm ngát khói bay

Lòng thành cung kính nhớ ngày mẹ đi

                                   (Giổ mẹ)

Đối với gia đình, bà con dòng họ, ông luôn quý trọng những người thân yêu của mình. Các anh Lưu Đắc Thắng, Lưu Quý Thoái, Lưu Quý Ngữ, ông luôn tự hào và coi các anh là những tấm gương sáng để ông phấn đấu, học tập, noi theo:

Các anh theo bước “Tiến quân ca”

Mùa thu rầm rập quyết xông pha

Giết giặc giữ quê xây dựng nước

Độc lập tự do khải hoàn ca

                            (Anh)

Hay: Mừng Anh tuổi đã tám mươi

Tấm gương sáng mãi cuộc đời thêm vui

Trẻ thời tiến bước không lùi

Già thời mẫu mực ít người như anh

Chúc Anh vạn sự tốt làn

 Sống lâu trăm tuổi để gần cháu con

                            (Mừng anh ruột)

Năm 2000, nhân ngày sinh nhật ông Lưu Quý Mạch, cảm động khi thấy anh, chị khỏe mạnh, ông đã “xuất khẩu thành thơ”chúc thọ anh trai của mình.

Anh tôi tuổi đã tám mươi

Chị tôi bảy chín miệng cười có duyên

Con cháu ở khắp hai miền

Làm ăn khá giả động viên ông, bà

Anh em con cháu cầu mong

Sống lâu trăm tuổi thỏa lòng niềm vui

                             (Mừng thọ anh, chị Mạch)

Với ông, Lưu Trọng Lư không chỉ là bà con, anh em thân thích mà ông rất tự hào vì nhân cách và con người của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Ngày nhà thơ Lưu Trọng Lư ra đi, trong tiếng nức đến nghẹ ngào, ông đã òa khóc như một đứa trẻ:

Anh Lư! Anh đã đi rồi

Tấm gương sáng mãi cuộc đời vàng son

Trẻ thời vì nước vì non

Tiếng thơm lưu mãi vẫn còn tiếng tăm

Nơi đây nghi ngút khói hương

Hoa thơm danh tiếng bốn phương biết nhiều

Con cháu Lưu trọng mến yêu

Gia phong gìn giữ phủ điều giá hương

                            (Nhớ nhà thơ Lưu Trọng Lư).

Nhân ngày sinh nhật cố nhà thơ Lưu Trọng Lư, tổ chức tại nhà tưởng niệm Ấp 5- Tân Thuận Tây- Quận Nhà Bè, nhà thơ Lưu Quý Dịch tặng chị dâu (vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư):

Lâu rồi vắng bạn thơ đàn

Chị ơi! chắc chị cũng tràn lệ rơi

Ngày mai em đã xa rồi

Chúc chị ở lại nghỉ ngơi khỏe nhiều

                                  (Chị)

Có thể nói, cuộc đời và thơ của ông Lưu Quý Dịch đã hòa quyện vào nhau, ở đâu ông cũng làm thơ, vui ông cũng làm thơ, buồn ông cũng làm thơ giải buồn, bởi vậy thơ ông rất dung dị, mộc mạc, chân chất đời thường.

Vào Sài Gòn có hội đồng hương

Nơi đây gặp gỡ để tỏ tường

Hạ Trạch mến yêu nhiều duyên nợ

Xa quê gặp lại đỡ nhớ thương

                             (Đồng hương).

Hay là: Cao Lao hai tiếng mến thương

Đi đâu cũng nhớ quê hương của mình

Quê cha, quê mẹ nơi sinh

Sài Gòn lưu lại ấm tình cháu con

làm ăn sinh sống vẹn tròn

Trùng tu chùa đẹp vàng son vững bền

                              (Chùa Làng nơi xa xứ)

Với con cháu, nhất là cháu con học giỏi chăm ngoan, cháu con thành danh, thành đạt, ông luôn ngợi khen, động viên, khích lệ:

Chào nhà doanh nghiệp Lưu Quý Hà

Làm ăn khấm khá khách vào ra

Thị trường, cơ chế, thời mở cửa

Tạo dựng niềm tin tiếng đồn xa

                                  (Doanh nghiệp trẻ)

Gần suốt cuộc đời, ông tự hào bởi ông đã gắn bó với Ngân hàng. Hàng chục bài thơ viết về các Ngân hàng từ Miền núi đến Miền xuôi, ở tận Tây Nguyên, Kom Tum hay Đắc Lắc…nơi ông đã từng công tác:

Suốt đời công tác với Ngân hàng

Trong tay không bạc lại không vàng

Nghĩa tình trong sáng lòng thanh bạch

Đừng tưởng lắm bạc, vàng mới sang

                                  (Thanh bạch)

Nhiều năm làm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lai Châu, một tỉnh cực Bắc của Tổ quốc, với muôn vàn khó khăn, ông luôn nhắc nhở anh em đồng nghiệp đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau, một lòng sắt son xây dựng Ngân hàng lớn mạnh:

Ba mươi năm ấy được vẹn tròn

Ngày đêm gắn bó với núi non

Sớm tối đi về cùng đồng độ

 Say tình cách mạng chí sắt son

                                 (Say tình)

Và hôm nay, Lưu Quý Dịch một nhà thơ không chuyên đã “hạ cánh” sau hơn 40 năm công tác tại một phường Trung tâm thành phố, nơi có con sông Nhật Lệ hiền hòa thơ mọng chạy qua; nơi ôm ấp những năm tháng vui buồn cuối đời khi trái gió, trở trời của một con người đã từng vào Nam, ra Bắc; đã từng khoác ba lô lăn lộn tại các chiến trường xa; đã từng là sinh viên của trường đại học danh giá và cũng một thời “lên xe, lên ngựa” trên bước đường mưu sinh:

Tuổi tôi nay đã xế chiều

Mà tình dào dạt thật đáng yêu

Xốn xang quyến luyến tình bè bạn

Về nghỉ hôm nay thấy nhớ nhiều

                               (Về hưu)

Đúng vậy, Hạ Trạch quê tôi, Nam Lý quê ta, nhà thơ Lưu Quý Dịch đã khắc họa lại bức tranh của làng quê thanh bình Cao Lao Hạ nơi sinh ra, nuôi ông trưởng thành và hôm nay Nam Lý quê ta lại là nơi dừng chân cuối đời của một con người, một nhà thơ đã qua tuổi Bát tuần. Phải chăng Hạ Trạch, Nam Lý hai địa danh khác nhau nhưng đối với ông như đang là một.

Xa Nam Lý mấy năm nay

Hôm nay trở lại đổi thay đáng mừng…

Ông vui mừng bởi:

Dọc ngang phố xá nhà cao

Cây xanh vẫy gió cổng chào cờ bay

Nhìn càng thắm, ngắm càng say…

                               (Nam Lý quê ta)

Cám ơn ông, cám ơn nhà thơ không chuyên Lưu Quý Dịch một người con ưu tú của làng Hạ, ông không chỉ đi đầu và vận động con cháu hướng về quê cha đất mẹ, xây dựng Đình làng, xây dựng quê hương giàu đẹp mà còn cho bạn đọc thưởng thức những bài thơ hay, những câu thơ có hồn, vần thơ có cánh…Để mỗi lần nhớ đến ông, mỗi lần nhắc đến thơ ông, gợi lại trong ta nỗi khát khao, tràn ngập yêu thương và lòng kính trọng. Cầu chúc ông sức khỏe, sống lâu và hy vọng ông sẽ tiếp tục có nhiều bài thơ hay trên trang báo làng caolaoha.com.

Tác giả: Lê Chiêu Phùng

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Lễ cúng Cồn Cui làng Cao Lao Hạ năm Ất Tỵ 2025

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 929

    Trong tuần: 15241

    Trong tháng: 77322

    Tổng số: 623227

    Đang online: 54

    quan_ly_thong_bao