"Giới chuyên môn về Kiến trúc và Qui hoạch cả nước vừa mới chia tay mãi mãi với một KTS danh tiếng Lưu Trọng Hải.
Hôm nay vừa tròn 3 ngày, như dân gian thường bảo là ngày mở cửa mả cho linh hồn người mất được gặp người thân ở dương gian, tôi viết những dòng này về ông với tư cách một người đồng nghiệp và như một người bạn vong niên.
Ông Lưu Trọng Hải tốt nghiệp KTS ở trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc là đại học Thanh Hoa năm 1961.
Tôi trở nên thân thiết với ông
khi tôi làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đô thị và sau này làm Trưởng khoa Đô Thị Học. Tôi có đến hơn 20 năm cùng ông làm nghiên cứu thực địa, tổ chức hội thảo quốc gia, quốc tế, toạ đàm và cùng nhau đi khắp nơi Hà Nội, Đà Lạt, Huế, cùng nhau đi sục sạo hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn. Tôi còn lưu giữ rất nhiều các bản thảo nghiên cứu của ông, cũng như trọn vẹn toàn bộ các tác phẩm mà ông xuất bản. Tôi cũng là người tham gia các buổi gặp gỡ của ông với các KTS nổi tiếng thế giới như Lưu Thái Kơ (cha đẻ, KTS tạo dựng nên Singapore hiện đại); KTS. Kenzo Tange (Nhật Bản); KTS. Pierre Parat (Pháp).
Khi nói đến các KTS, người ta thường nghĩ đến các công trình xây dựng mà họ thiết kế như nhà ở, văn phòng, cao ốc, chung cư, còn dấu ấn mà KTS Lưu Trọng Hải để lại không phải là công trình thiết kế cụ thể mà là các quan điểm, các ý tưởng trong qui hoạch không gian, các cách thức quản lý đô thị và thiết kế các dự án.
Có thể nói ông là một trong số ít người tiên phong vượt ra khỏi giới hạn của kỹ thuật kiến trúc- xây dựng để bước sang một chiều kích rộng lớn hơn là xã hội-văn hoá và cộng đồng đô thị.
Những người như thế cách nay 30 năm là rất ít, có thể kể đến ở miền Bắc như GS.TS. KTS. Hoàng Đạo Kính, GS.TS. KTS. Nguyễn Quốc Thông, ở miền nam có GS.TS.KTS. Trương Quang Thao và ông-
KTS. Lưu Trọng Hải. Họ là những nhà Đô thị học, hay nói một cách khác là “Nhà phát triển đô thị” tiên phong, mở đường cho sự xâm nhập giữa hai lĩnh vực kiến trúc-qui hoạch-xây dựng và văn hoá-xã hội.
Trong khoảng 10 năm từ 1998 đến 2008, ông nổi lên như một nhà nghiên cứu đô thị hàng đầu của TP. HCM với hàng trăm bài viết trên các báo ngày, trên các tạp chí, trên các diễn đàn hội thảo quốc gia, quốc tế và các công trình nghiên cứu chuyên sâu. Còn nhớ vào những năm 2002 đến 2007, hầu như tuần nào cũng có bài phỏng vấn KTS. Lưu Trọng Hải xuất hiện không báo này thì báo khác, ông cũng thường xuyên xuất hiện trên truyền hình của TW và TP. HCM.
Ông có hai công trình nghiên cứu lớn cấp thành phố là “Mô hình nhà ở cho người thu nhập thấp” và “Định hướng phát triển kiến trúc TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tiếp sau nữa”.
Trong công trình “Định hướng phát triển KT cho TP. HCM” này ông đúc rút ra 15 quan điểm lớn có tính chiến lược phủ khắp các lĩnh vực đô thị từ qui hoạch, kiến trúc, đến giao thông, kinh tế, văn hoá- xã hội, cộng đồng. Các quan điểm này ông nêu ra năm 2005, thế mà 15 năm sau vẫn còn tính thời sự, tươi mới và đúng đắn.
Ông xuất bản một số cuốn sách được giới học thuật đánh giá cao là “Kiến trúc với văn hoá xã hội” (NXB Xây dựng 2002); “Từ những góc nhìn kiến trúc cảnh quan đô thị” (NXB Văn nghệ 2006). Ông là người đưa ra nhiều những quan điểm mới, táo bạo và có tầm nhìn rất xa mà không phải ai cũng hiểu và đồng ý, nhất là những người làm lãnh đạo. Chính ông là một trong số ít người đề nghị để dành đất xây chùa ở các đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, và là người nặng lòng với di sản lịch sử- văn hoá-kiến trúc của thành phố này. Ông luôn đau đáu với việc làm sao tạo ra bản sắc rất riêng cho TP. HCM không chỉ trong kiến trúc công trình mà còn trong cả đời sống văn hoá cộng đồng.
Ông gắn bó với Sài Gòn gần 40 năm, dường như ông đã cống hiến tất cả sức lực, trí tuệ cho thành phố, chính vì thế mà trong văn chương, thơ ca, hội hoạ ông cũng chỉ xoay quanh thành phố này. Ông được đào tạo để làm kỹ thuật, nhưng có lẽ ông được thừa hưởng vốn văn hoá từ cha ông là nhà thơ Lưu Trong Lư, nên trong hoạt động nghề nghiệp phần văn hoá của ông có phần nổi trội hơn. Lĩnh vực hoạt động chính của ông là về quản lý đô thị, nhưng trong các lĩnh vực khác như thơ ca, văn chương, hội hoạ ông cũng rất thành công. Ông vẽ rất đẹp, nhất là tranh ký hoạ, còn thơ của ông cũng rất hay. Ông xuất bản 4 tập thơ, bao gồm “Tiếng đời 1”, “Tiếng đời 2”; “Những đường cong”; “Mô Phật-Tình yêu là thế đấy”. Ngoài ra ông còn một cuốn tiều thuyết “Mất và Còn” đầy đặn 900 trang do NXB Văn Nghệ ấn hành, một tập truyện ngắn “Chuyện nhà, chuyện cửa ở thành phố”. Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu nhà nước không cử ông đi học kiến trúc ở Trung Quốc thì có lẽ ông trở thành nhà thơ, nhà văn hay nghệ sĩ như các em của ông là Lưu Trọng Ninh, Lưu Trọng Văn.
Hơn 25 năm làm việc cùng nhau, tôi luôn kinh ngạc về tư duy mới lạ và sắc sảo của ông, hình như đầu óc ông lúc nào cũng nghĩ, cũng vận động không ngừng nghỉ, mỗi lần gặp nhau ông nói “này ông ơi” có nghĩa là ông chuẩn bị nói một điều gì đang ấp ủ. Ông có khả năng phát hiện cái mới trong vô vàn cái đã cũ, sức sáng tạo mãnh liệt trong thân hình rất nhỏ bé, nhất là bút lực của ông thì quả thật rất đáng nể, bằng chứng là khi 82 tuổi ông còn ra được một tập tuỳ bút đầy đặn có tên là “Dáng hồn đô thị” do NXB Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện (2018). Có điều lạ nữa là ông chỉ thích viết bằng tay trên giấy, chữ ông viết rất đẹp theo kiểu cổ điển, hầu như không viết trên máy tính, cho dù ông sử dụng nó thành thạo, ông bảo chỉ khi viết bằng tay mới tìm được cảm xúc và hưng phấn sáng tạo.
Ông là một nhà quản lý kiến trúc, nhà lý luận và nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn, nhà hội hoạ, nhưng với tôi ông đích thực là một nhà “Văn hoá kiến trúc” rất thông tuệ, lịch lãm. Ông là điển hình của một trí thức Hà Nội khiêm cung, nho nhã, ham học hỏi. Hàng chục năm làm việc cùng nhau, tôi chưa bao giờ thấy ông nổi nóng, lúc nào ông cũng nhỏ nhẹ, điềm đạm, thỉnh thoảng nở nụ cười tươi rất nhẹ. Nhưng ông cũng rất dễ xúc động, mủi lòng trước số phận không may mắn của người này hay người khác. Tôi đã từng chứng kiến ông khóc khi cùng nhau đi khảo sát nhà trọ của công nhân ở Thủ Đức, thấy hai vợ chồng trẻ ở thuê trong cái chuồng heo được che chắn sơ sài. Điều đặc biệt nhất của ông là ở chỗ khi tiếp cận đến các vấn đề nặng đô, nghiêm trọng của thành phố ông không viện dẫn ra các lý thuyết hàn lâm cao siêu mà bắt đầu từ những điều rất nhỏ nhặt giản dị đến không ngờ. Hãy xem những quan điểm phát triển của một Thành phố 13 triệu dân lại được đúc kết từ miệng của những người dân rất đỗi bình thường như bán vé số, xe ôm, ba gác, đánh giày, bán hang rong, cô gái đứng đường. Thật giản dị nhưng rất tinh tế.
Ông đi xa rồi, nhưng tôi tin rằng, rất nhiều thế hệ các sinh viên, học viên cao học, NCS về đô thị sau này sẽ còn đọc sách của ông, trích dẫn ông như các thế hệ trước đã làm. Những tư tưởng nhân văn, quan điểm văn hoá của ông liên quan đến qui hoạch, kiến trúc, cộng đồng đô thị không phải là học thuyết lớn lao, bởi ông là người chưa bao giờ ra tuyên ngôn gây shock xã hội, nhưng thực tế chúng đã được trộn vào công trình này, được lồng ghép vào dự án khác và phát tán vào trong xã hội, vào giới chuyên môn, vào nhóm tinh hoa và giới lãnh đạo. Nhiều người đọc nó, tiếp nhận nó, thẩm thấu nó một cách vô thức, lâu ngày coi như là của mình. Tôi biết chắc, có không ít tư tưởng của ông và những người giống như ông khi đề xuất một ý tưởng, một giải pháp mới thì sẽ bay vào hư không, không có phản hồi, nhưng ít lâu sau chúng lại xuất hiện ở phát biểu của vị lãnh đạo này, bài nói của lãnh đạo kia. Thôi được thế cũng là tốt lắm rồi.
Ông vốn là người không ồn ào, không rượu bia, không nhậu nhẹt, không thích tu tập đông người và không thích phô trương, có lẽ vì thế mà ông chả có cái huân chương, huy chương hay giải thưởng nào của nhà nước, của chính phủ, như nhiều người khác phấn đấu. Ông không có nhiều bạn, nhưng ai đã chơi với ông, hiểu ông thì đều quí ông.
Thế cũng đủ rồi phải không anh Hải, 85 năm, gần một thế kỷ sống trọn đời cho công việc, cho thành phố mà anh coi là quê hương thứ hai, cho những người thân, bạn bè mà anh yêu quí và cho đam mê nghề nghiệp luôn cháy bỏng, như anh viết:
Niềm kiêu hãnh của tâm hồn kiến trúc
Đất nước này- Ước mơ và hiện thực
Rất gần nhau
Khi thiên sứ chấp cánh bay
Anh coi các KTS là thiên sứ được Thượng đế cử xuống làm đẹp cho đời, và khi xong thì lại bay về với nơi vĩnh hằng ấy. Bay đi nhẹ cánh, anh Hải nhé.
Ảnh: KTS Lưu Trọng Hải và TS Nguyễn Minh Hoà trao đổi về không gian Phật giáo trong
đô thị hiện đại với đại diện giáo hội Phật giáo.