Nhà thơ Lưu Trọng Lư sinh ngày 19 – 6 – 1911 và mất ngày 10 – 8 – 1991
Lưu Trọng Lư chính là người con của mảnh đất Cao Lao Hạ tức xã Hạ Trạch ngày nay. Ông sinh ra và lớn lên với tuổi thiếu niên tại đây, rồi ông vào học tại trường Quốc học Huế. Sau đó ông ra đời dạy học làm thơ viết văn viết báo tại Hội An, Đà nẵng, Huế, Hà Nội. Sau Cách mạng tháng tám Ông tham gia Cách mạng và tham gia kháng chiến chống Pháp tại Thừa Thiên - Huế, tiếp tục ra khu 4 làm công tác văn nghệ. Sau ngày giải phóng Thủ đô ông về Hà Nội và phụ trách công tác nghệ thuật của Bộ văn hoá Việt Nam. Suốt thời gian đó ông vẫn luôn đau đáu nhớ về quê nhà và ông đã làm nhiều bài thơ về quê hương. Một trong những bài thơ đầu đời và nổi tiếng nhất của ông – bài “Tiếng thu” cũng viết lên từ chính quê hương này. Thuở ấy về phía Nam xã ta còn là những cánh rừng nguyên sinh với những đàn hươu nai chạy nhảy tung tăng giữa mùa thu vàng óng. Vì thế Ông mới thốt lên những vần thơ đầy thơ mộng:
“ Em không nghe rừng thu,
Lá thu rơi xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô.”
Có lẽ trên đất nước này không ít người đã in sâu những vần thơ ấy vào lòng mình. Hình ảnh con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô giữa mùa thu sẽ còn đọng lại mãi với thời gian.
Nhà thơ Lưu trọng Lư là một tâm hồn đầy nhân ái, ông có tình yêu sâu đậm với thiên nhiên, với con người, với quê hương đất nước.
“Ôi cành bưởi cành đào
Bao yêu dấu nâng niu
Cơn bão trước, cơn bão sau
Bao nhiêu năm vườn mẹ
Bầy chim tuổi trẻ
Con bồ chao, con sáo sậu, con vàng anh
Inh ỏi hót khắp cành
Con mò ho giục gọi
Lúa đồng ngan ngát chín nhanh”
Đấy là những vần thơ Ông gửi gắm cho thiên nhiên, cho quê hương, còn sau đây là những lời trìu mến yêu thương Ông dành cho Mẹ trong bài thơ “Nắng Mới”
“ Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời
Khi Người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ Mẹ đưa trước giậu phơi.”
Trong kháng chiến chống Mỹ, Ông có bài thơ nổi tiếng ca ngợi người con gái sông Gianh, súng trong tay canh giữ bầu trời Tổ quốc mà vẫn mơ đến một ngày mai tươi sáng.
“ Súng nhảy trên vai
Tóc vờn trong gió…
Đầu nghiêng trang sách. Em đọc gì? …
Áo còn đen khói súng chiều nay
Mộng ngày mai đã bừng lên đôi mắt”
Thân sinh của nhà thơ Lưu trọng Lư – Ông Lưu Trọng Kiến là một nhà Nho yêu nước, ông đậu khoa cử, làm đến chức quan huyện thời nhà Nguyễn và là bạn của cụ Phan Bội Châu. Đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, trước sự yếu hèn của triều chính, cụ Phan Bội Châu sang Nhật để tìm đường cứu nước còn ông đã bỏ quan về làng dạy học. Cụ Phan Bội Châu đã đề nghị ông Lưu Trọng Kiến cho ông đưa nhà thơ Lưu Trọng Lư sang Nhật học để về tham gia vào sự nghiệp cứu nước và đặt tên hiệu cho nhà thơ là Hy Ký. Cụ Phan nói Lư là con lừa, Ký là con ngựa, con lừa phải học theo con ngựa. Cụ Lưu Trọng Kiến đồng ý với cái tên hiệu nhưng không đồng ý cho con đi sang Nhật. Cụ nói: Đã không theo Tây thì thôi còn đi theo Nhật làm gì. Và từ đó ông đã truyền lại cho nhà thơ cách làm thơ, cách viết văn, cách cảm nhận về cuộc sống về con người. Một phần của nhà thơ đã được tạo dựng nên từ người cha của mình. Song Lưu trọng Lư không dừng lại ở đấy, ông đã biết tiếp thu nền văn hoá tiên tiến của Phương Tây (thông qua học tập ở trường Quốc học Huế, và qua tự học hành nghiên cứu ở Hà nội) kết hợp với những kiến thức do cha mình truyền lại để trở thành người khởi xướng cho một nền thơ ca mới của Việt Nam vừa mang hơi thở hiện đại nhưng vẫn mang đậm tâm hồn dân tộc.
Lưu trọng Lư không chỉ làm thơ mà ông còn là nhà văn, với nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn gây tiếng vang trong làng văn học như những chuyện “ Người Sơn nhân”, “ Chiếc cáng xanh”, “Khói lam chiều”, “Dòng họ”, “ Con voi già của vua Hàm Nghi” v.v… Tất cả những chuyện trên đều có liên quan đến quê hương của chúng ta. Đặc biệt trong cuốn “Dòng họ” ông đã mô ta rất kỹ ngôi làng quê hương của mình với cuộc sống rất sinh động thời bấy giờ. Đọc lại quyển sách đó ta mới biết được quê hương mình thuở xưa như thế nào.
Lưu trọng Lư còn là một nhà báo với những bài báo sắc sảo đấu tranh cho sự ra đời của một nền thơ ca mới, đấu tranh cho một nền nghệ thuật chân chính của đất nước. Chính ông đã viết điếu văn khi nhà thơ Tản Đà và nhà văn Vũ trọng Phụng qua đời. Đấy thật sự là những áng văn chương đầy tính nhân văn cao cả, đầy tính thuyết phục cho bước đi lên của một nền văn hoá mới mà cho đến bây giờ đọc lại ta vẫn thấy còn nguyên những giá trị mang tính thời đại. Trong kháng chiến chống Pháp, trong kháng chiến chống Mỹ dù trong những tác phẩm của mình hay trên những cương vị mà Đất nước giao phó, Ông đều thể hiện một tấm lòng yêu nước, yêu con người sâu sắc.
“Đi giữa vườn nhân dạ ngẩn ngơ,
Vì thương người lắm mới say thơ.”
Ông làm thơ vì con người, Ông làm thơ vì một chữ “nhân” – “nhân” ở đây chính là nhân ái. Khi ông mất nhà thơ Tố Hữu đã viết mấy vần thơ để viếng ông.
“Lưu trọng Lư ơi, biệt cõi trần
Tiếng thu man mác nhạc trong ngần
Nửa đêm sực tỉnh đời pha mộng
Da diết lòng anh một chữ NHÂN”
Với những cống hiến to lớn cho nền văn học nghệ thuật của nước nhà ông đã nhận được giải thưởng Hồ chí Minh và đã được Nhà nước CHXHCN Việt Nam trao tặng huân chương Độc Lập Hạng Nhất.
Năm 2011, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ. Chúng tôi lớp con cháu của nhà thơ cũng như quê hương Cao Lao Hạ luôn mang trong mình niềm kiêu hãnh vì đã có một con người làm rạng danh cho dòng họ và quê hương xứ sở. Trường Trung học cơ sở ở Hạ Trạch đã mang tên Lưu trong Lư và những lớp con cháu sau này của quê hương sẽ tiếp tục theo chân nhà thơ, tiếp tục trở thành những con người để làm cho quê hương ngày càng rạng rỡ, vẻ vang hơn.