Đến thôn 8 xã Hạ Trạch huyện Bố Trạch ai cũng biết ông Lưu Văn Quyết một cựu chiến binh (CCB) không chỉ biết làm kinh tế giỏi mà còn là một trong những hội viên nồng cốt trong các phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nhập ngũ tháng 2 năm 1960, Lưu Văn Quyết một thanh niên khỏe mạnh của xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch được biên chế vào đơn vị Căn cứ 2 Khu tuần phòng 5 Hải quân Sông Gianh và tham gia trực chiến ở các đài Quan sát Hải quân Nhật Lệ, Lý Hòa, Đèo ngang, Cửa Gianh…Cuối năm 1963, ông được xuất ngũ trở về quê hương. Thực hiện Chủ trương của Đảng, Nhà nước về kế hoạch di dân phát triển kinh tế, năm 1979, ông Lưu Văn Quyết cùng với hàng chục hộ gia đình khác hăng hái đến với vùng đồi, người Hạ Trạch quen gọi là làng Rẩy để phát triển kinh tế.
Ông Quyết nhớ lại: “Những ngày đầu đến với vùng đồi này nếu không có ý chí, bản lĩnh của người lính chắc không trụ nổi bởi gặp muôn vàn khó khăn. Đứng trước vùng đồi khô cằn sỏi đá, không có vốn, phương tiện khai hoang, nguồn nước cũng không có, nhiều gia đình tỏ ra nản chí”. Nhưng khó khăn không làm nhụt ý chí của người lính, ông đã động viên vợ con và bà con lối xóm giúp nhau khai phá và quy hoạch cây trồng. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” ông Lưu Văn Quyết đã trồng sắn, lạc, dứa xen giữa các loại cây công nghiệp dài ngày rồi triển khai làm chuồng nuôi lợn, thả gà… Theo ông Quyết thì: “Vùng đồi Hạ Trạch đất không tốt, khô cằn, sỏi đá nhiều nên chỉ có trồng cây công nghiệp kết hợp chăn nuôi là phù hợp nhưng phải tạo cho được nguồn nước, có nước là có tất cả, nước không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn tưới cây và chăn nuôi”. Thế rồi đất không phụ lòng người, chỉ sau 5 năm triển khai, gần 1 ha vườn đồi được quy hoạch theo dạng bậc thang khá hợp lý với gần 400 góc tiêu, hàng trăm cây huyệnh, trầm hương, huê, lát, xà cừ, keo, bạch đàn…xen lẫn chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, ngan, ngỗng… Và hiện nay khu kinh tế trang trại của ông Lưu Văn Quyết không khác gì một khu du lịch sinh thái. Mặc dù bị bão số 10 năm 2013 tàn phá, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu hàng năm. Chỉ tính những năm gần đây, gia đình ông Quyết thu hàng trăm triệu đồng từ keo, bạch đàn, hàng trăm kg tiêu khô chưa kể đến gà, vịt, lợn mỗi năm xuất bán 2-3 lứa, mỗi năm doanh thu ước đạt gần 200 triệu đồng, một nguồn thu không nhỏ đối với những gia đình thuần nông ở Hạ Trạch hiện nay. Nhờ nguồn thu này mà gia đình ông Lưu Văn Quyết không chỉ đầu tư cho con cái học hành, xây dựng nhà cửa với đầy đủ tiện nghi, phương tiện sinh hoạt mà còn xây lại con đường vắt qua khe suối vào nhà như bà con thôn 8 thường nói vui: “Đường vào nhà ông Quyết chẳng khác gì đi lên “Vạn Lý Trường Thành”. Điều đáng nói là không chỉ đầu tư các loại cây trồng cho thu nhập cao mà trong vườn ông còn “lưu giữ, bảo tồn” được cây “Hồng Leo” một loài cây đã đi vào thơ, ca của làng Cao Lao Hạ, một giống cây đã gắn bó nhiều kỷ niệm tuổi thơ của bao thế hệ học trò… đang có nguy cơ “diệt chủng”. Ông Quyết nâng niu quả Hồng Leo dù chưa chín đỏ và rất tự hào mỗi khi được giới thiệu về loài cây quý hiếm trong trang trại của mình.
Nói về CCB Lưu Văn Quyết, ông Lê Quang Thiều, Chủ tịch Hội CCB xã Hạ Trạch cho biết: “Mặc dù tuổi cao nhưng đồng chí Quyết là một trong những hội viên tích cực, luôn phát huy tốt phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”, đầu tàu gương mẫu hăng hái tham gia các phong trào do Hội cũng như các tổ chức, đoàn thể địa phương phát động. Ngoài việc giỏi làm kinh tế nhất là kinh tế trang trại, đồng chí Quyết luôn có ý thức giúp đỡ các hội viên mỗi khi gặp khó khăn. Luôn là tấm gương đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, an ninh trật tự, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư…đồng chí Lưu Văn Quyết xứng đáng là một CCB tiêu biểu cho các hội viên noi theo”.
Chúng tôi có mặt tại trang trại đúng vào những ngày hè gió lào khô khốc, nóng rát bàn chân nhưng vườn nhà ông Lưu Văn Quyết vẫn xanh tươi nhờ nguồn nước từ 2 giếng đào được đặt sẵn 2 máy bơm tưới khắp khu vườn. Được tận mắt chứng kiến cuộc sống lao động của gia đình ông, chúng tôi càng khâm phục nghị lực của ông, nghị lực của một CCB. Nơi đất cằn, sỏi đá này đã hiện hữu một khu kinh tế trang trại tổng hợp đầy tiềm năng với gần 30 loài cây công nghiệp quý hiếm xanh tươi đang chờ thu hoạch, đúng là “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”. Và hôm nay dù tuổi đã ngoài 75, sức khỏe có phần giảm sút nhưng ông rất vui khi tiếp chuyện với chúng tôi: “Ở đây mà có được một cơ ngơi trang trại như thế này là quý lắm, các chú thấy đó, đất không chỉ xấu mà toàn sỏi, nếu không có nghị lực, không chịu khó, không đầu tư phân bón, không tạo được nguồn nước thì người cũng khó sống chứ đừng nói đến cây cối, lợn gà”. Vừa nói, ông vừa rót những bát nước chè xanh đậm đà thơm ngát mới hái từ vườn vào mời chúng tôi. Trên bức tường nhà, những tấm bằng, giấy khen của các cấp hội CCB, các cấp chính quyền địa phương với những dòng chữ in đậm “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi”…là những phần thưởng xứng đáng dành tặng cho ông Lưu Văn Quyết phần nào đã nói lên điều đó.
“Những năm tháng hoạt động ở quân ngũ cũng như suốt thời gian dài công tác tại địa phương, bất cứ việc gì ông Quyết cũng hưởng ứng và tham gia tích cực như phong trào xây dựng nông thôn mới; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư cũng như các phong trào do địa phương phát động…Là một hội viên CCB, hội viên cựu thanh niên xung phong, chiến sỹ Trường sơn…tuy chưa được nhận bất cứ một chế độ đãi ngộ nào của Nhà nước, thế nhưng ông vẫn vui vẽ, đặc biệt mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm năm tháng chiến tranh, những trận chiến đấu “nhìn thẳng quân thù mà bắn” bảo vệ tuyến đường Ba Trại, Phà Gianh, ngầm Hói Hạ, Tổng kho Quốc phòng…của Trung đội trực chiến phòng không 12 ly 7 xã Hạ Trạch vào những năm 1967, 1968, 1972 mà ông Lưu Văn Quyết là một trong những con chim đầu đàn là những nhân chứng sống của một thời oanh liệt”…Lời đánh giá của ông Lưu Văn Tác Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch nói về ông Lưu Văn Quyết để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp bởi bản chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”, bản chất người lính luôn tỏa sáng bình dị và là niềm tin mạnh mẽ theo ông suốt cả cuộc đời.