VHSG- Từ vùng rừng núi chiến trường xưa ác liệt Bình Long – Bình Phước có một tiếng thơ hiếm hoi cất lên giữa “Miền cao su xào xạc tình mùa thay lá” đẹp và buồn, mơ màng và day dứt như “Chiếc áo thu vàng choàng lên hồn anh níu si mê kì lạ” của một tài năng thơ đầy hứa hẹn, mà trước mắt là thể thơ 1-2-3 “vận” vào Lưu Minh Hải với “những con chữ hẹn hò, say đắm, hoan ca”.
Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Nhà giáo, nhà thơ trẻ Lưu Minh Hải
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm của tác giả muốn biểu hiện.
Ban biên tập VHSG quyết định hàng tháng sẽ chọn 3 Chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng (bắt đầu từ những chùm thơ đăng trong tháng 5.2020). Đồng thời, trên cơ sở toàn bộ Thơ 1-2-3 đăng trên VHSG cả năm sẽ tuyển chọn mỗi tác giả 5 bài vào chung khảo để cuối năm bầu chọn ít nhất là 5 tác giả trao Giải thưởng “Thơ hay 1-2-3”, xuất bản sách. Hội đồng chung khảo gồm các cây bút có kinh nghiệm và uy tín. Giá trị tặng thưởng và giải thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm, do các doanh nhân văn hóa tài trợ.
VHSG mong tiếp tục đón nhận các chùm thơ mới của bạn thơ trên tinh thần “Sáng tạo & Nhân văn”!
Miền cao su xào xạc tình mùa thay lá
Không lời hò hẹn trên bước đường tha hương
anh đến nơi đây một chiều cao su bạt ngàn thay lá
Chiếc áo thu vàng choàng lên hồn anh níu si mê kì lạ
đất đỏ quện gót chân, rạo rực nghe mầm sống sinh sôi
bây giờ vẫn thương khúc tình ca lá hát bên đồi.
Lòng anh giờ như phố núi bình yên
Phố ở đây thừa rừng và thiếu bụi
thiếu ghế đá công viên thứ bảy đêm đôi lứa dập dìu
Anh nằm cùng thơ bên đời nghe lá hát
trăng cao nguyên dịu hiền treo trên nhánh cao su
em còn nhớ cúc áo để quên nơi ghế đá ngày xưa?
Anh chỉ là gã nông dân không là hoàng tử
Em vẫn hồn nhiên mang giấc mơ cổ tích
mơ thay đổi phận mình bằng chiếc hài đánh mất
Tiếc thay đời không có bà tiên, ông bụt thiện lành
và em chẳng mất hài mà vẫn gặp được anh
gã nông dân mang tình yêu hoàng tử.
Thơ tôi vô tình không giăng bẫy em đâu.
Em còn trẻ, còn mộng mơ, còn muốn rong chơi
cứ muốn quấy nhiễu rã rời giấc mơ bao chàng trai trẻ
Tôi gã giáo nghèo chỉ biết làm thơ bán đời giá rẻ
khuyến mãi tình mình, không mơ hoa thơm giữa đời dâu bể
một hôm thất tình về em vướng phải câu thơ.
Từ đâu cho tỏ ngọn nguồn lạch thơ?
Tôi chẳng bao giờ nhận mình là nhà thơ
dù vẫn thường phóng bút trêu ngươi con chữ
Rồi một ngày chợt thấy lũ chữ mình nên thơ đến lạ
em đến những con chữ hẹn hò, say đắm, hoan ca
Em là thơ hay tôi là nhà thơ?
LƯU MINH HẢI
(BÌNH LONG – BÌNH PHƯỚC)