Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Một người thơ luôn “nhìn phía vầng dương”

Giới thiệu bài viết về cựu chiến binh Lê Chiêu Cường đăng trên báo Quân đội nhân dân ngày 5 tháng 5 năm 2013.

QĐND -  “Đọc thơ anh, thơ của người chiến sĩ trực tiếp cầm súng, tôi thật sự cảm kích và xúc động. Tôi cảm kích trước một cây bút khi viết về kỷ niệm đồng đội, chiến trường, về quê hương, người thân, về những mặt trận, hậu cứ... mà những người lính như tôi đã từng đi qua trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước rất khốc liệt nhưng cũng rất hào hùng…”. Đó là cảm nhận của nhà thơ Đỗ Hoàng, Trưởng ban Thơ của Tạp chí Nhà văn, trong lời giới thiệu tập thơ “Tiếng lòng” của cựu chiến binh Lê Chiêu Cường, do NXB Quân đội nhân dân phát hành quý IV-2012.

Bìa tập thơ "Tiếng lòng" của Lê Chiêu Cường.

Người lính ấy sinh ra bên dòng sông Gianh, có núi Lệ Đệ và ngôi làng còn lưu nhiều dấu tích như: Đài Luyện Võ, đền Hội Văn, có miếu thờ các Đệ Nhất Công Thần có công với làng với nước… Và anh tự hào khi giới thiệu về quê mình: Một làng quê có trên 500 năm lịch sử, với những người mẹ Việt Nam thế hệ này qua thế hệ khác đã sinh ra lớp lớp trai thanh hiến dâng trí dũng cho đời, hằng hà nữ tú hiền hậu dệt nên sắc xuân cho quê hương, đất nước... (Tự bạch).

Lê Chiêu Cường thuộc thế hệ “tài hoa ra trận”. Mùa thu năm 1967, lúc đang là một thầy giáo, một người viết báo, làm thơ (Hội viên Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Bình), thì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt, anh cũng như bao trí thức trẻ thời ấy, “xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”. Sau khóa huấn luyện tân binh, anh được điều động vào chiến trường B5 làm chiến sĩ trinh sát, rồi trở thành tiểu đội trưởng trinh sát tiểu đoàn. Thời gian sau đơn vị anh lại được sang chiến trường nước bạn Lào làm nhiệm vụ quốc tế, lúc này anh trở thành xạ thủ B40… Những năm tháng chiến trường khốc liệt vậy mà người lính ấy vẫn lạc quan, lãng mạn. Anh kể: “Tôi có thói quen viết nhật ký, mỗi lần viết nhật ký tôi không chủ tâm từ đầu nhưng khi viết thì viết ra văn vần. Không có duyên nhưng chắc là nặng nợ với “Nàng Thơ”. Tôi làm thơ trên đường hành quân ra trận, ở điểm phục kích giặc đến, sau những chiến công của đơn vị hoặc những lúc nằm điều trị ở Quân y viện cơ động của Mặt trận… làm thơ để củng cố tư tưởng và tinh thần chiến đấu cho chính mình…”.

Có lẽ chính từ mục đích của việc làm thơ như thế mà ta thấy anh thật lạc quan khi viết lên những câu thơ hào sảng: Ngẩng cao đầu đạp lên đỉnh núi/ Quân trang, khí giới đẫm mồ hôi/ Dừng chân ta thấy còn dư sức/ Cõng đá lên mây, vá lại trời... (Vượt Cổng Trời). Và thật đáng ngạc nhiên khi bài thơ này anh viết trong thời gian nghỉ giữa chặng hành quân chỉ có… 15 phút! Viết xong, anh đọc luôn cho đồng đội nghe, mọi người cùng cất lên tiếng cười sảng khoái, quên cả nhọc nhằn đang trải… Thơ Lê Chiêu Cường khi thì rất “đao to búa lớn” như thế, nhưng có khi lại rất thô mộc khi anh “tâm sự” với những vật dụng “vô tri vô giác” mà như đối với người bạn. Anh kể rằng một lần cùng đồng đội đảm nhiệm một cánh chốt, nơi mà một trung đội của ta đã bị địch đánh bật ra. Địch đã vào tận trung tâm phòng ngự của ta và chốt lại một ổ, anh phóng một quả B40 diệt gọn ổ này. Lại một cánh quân khác của địch ùa qua một cửa mở, anh tiến lên và phóng tiếp một quả nữa trúng giữa đội hình địch… Sau trận này, anh được đề nghị khen thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba. Vậy là anh làm luôn bài thơ để “chia vui” với “người bạn” B40 của mình: B40 ơi - Người bạn tri ân trong cuộc đời binh nghiệp/ Chiến công hôm qua anh được đề nghị thưởng huân chương hạng ba/ Thì em phải là huân chương hạng nhất... Bởi lẽ, nếu: Chốt mất, em rơi vào tay giặc/ Còn anh tan xác/ Em đã cứu nguy cho hai chúng mình... (Tâm sự với súng B40).

Thơ Lê Chiêu Cường vì là “thơ nhật ký” nên có khi đọc lên mà ta thấy được cả một không gian hẹp hay rộng, tính chất ác liệt của trận đánh; hay “sự im lặng đáng sợ” của thời khắc giữa hai trận đánh… Hay khi người lính ấy phải đối mặt với một thứ giặc mà bất cứ người lính chiến nào thời ấy cũng phải đối mặt: Sốt rét: Đầu nặng ngàn cân, hai gối run/ Nửa bước đi thôi cũng hãi hùng/ Đất trời chao đảo, cây nghiêng ngả/ Cánh “đại bàng” như đã trúng tên... (Lên cơn sốt). Nhưng dù ở trạng thái nào thì anh vẫn thể hiện là một người lính có tâm hồn lãng mạn, lạc quan: Con đã về với Bác, mẹ ơi/ Xin mẹ đừng khóc, hãy cứ vui/ Vì con đã hoàn thành nhiệm vụ/ Đảng đã dạy con biết làm người... (Nhắn mẹ). Đặc biệt, khi “Tiếng lòng” của người lính ấy hướng về nơi hậu phương thì thật đẹp, thật quyến rũ: Khóm trúc xinh in xuống dòng xanh/ Mà ngỡ bóng em bên bờ Bến Hải/ Hình bóng em theo anh mãi mãi/ Nghĩa nước, tình nhà quện lại mênh mang... (Cảm tác). Hay anh viết về nỗi nhớ: Nhớ em, nhớ những trưa hè/ Nhớ em, nhớ mãi tóc thề chấm vai/ Tóc em hương vị hoa nhài…(Nhớ). Rồi nữa, nỗi nhớ rộng hơn: Nhớ đất trời phương Bắc/ Thương nhớ núi phương Nam/ Và nhớ nhiều đến em/ Suốt đêm dài không ngủ... (Không ngủ).

Đang hăng say chiến đấu giữa triền miên những mùa chiến dịch, thì người lính yêu thơ Lê Chiêu Cường buộc phải chia xa đồng đội, như lời anh kể trong “Tự bạch”: “Tôi trực tiếp chiến đấu 21 trận, ba lần bị thương, tháng 8 năm 1973 lâm bệnh nặng, tôi được chuyển ra Bắc điều trị, rồi không đủ sức khỏe trở lại chiến trường, đơn vị thu dung cho tôi ra quân theo chính sách, kết thúc chặng đường quân ngũ”. Và khi rời quân ngũ, trải bao thăng trầm của phần đời hậu chiến, Lê Chiêu Cường vẫn nặng nợ với “Nàng Thơ” nhiều lắm, nhưng ở giai đoạn này, thơ anh có sự lắng lại, đằm sâu với những: “Nỗi niềm”, “Sám hối”, “Nỗi đau da cam”, “Viếng bạn”, “Ta về tìm lại chính ta”… Khép lại những dòng giới thiệu về thơ anh, xin được trích mấy vần thơ của anh xếp trong phần “Sau ngày Bắc-Nam thống nhất”:

Nhìn trên giá

Tấm áo nhà binh sờn vai thuở nào

Vẫn xanh mãi một màu thời trai trẻ

Vâng lời Bác: Thương binh tàn, không phế

Tôi đứng lên nhìn phía vầng dương...

Tác giả: NGUYỄN HOÀNG SÁU

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 511

    Trong tuần: 12537

    Trong tháng: 63539

    Tổng số: 11703916

    Đang online: 54