Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Một tấm gương vượt lên số phân

Mô hình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở xã Mỹ Trạch do chị Cao Thị Mến tổ chức có thể tham khảo cho bà con quê nhà  

Ảnh: Chị Cao Thị Mến

MỘT TẤM GƯƠNG VƯỢT LÊN SỐ PHẬN:

NGỒI XE LĂN VẪN “KÉO” ĐƯỢC CẢ CHỤC HỘ...THOÁT NGHÈO


Là đối tượng khuyết tật phải ngồi xe lăn, thế nhưng, bằng ý chí, nghị lực của bản thân, chị Cao Thị Mến (sinh năm 1967), thôn 2, xã Mỹ Trạch, Bố Trạch vẫn hăng say học tập, rèn luyện để tìm cho mình một công việc phù hợp mưu sinh thoát nghèo. Không những thế, chị Mến đã “kéo” thêm cả chục hộ dân trong xã cùng vươn lên thoát nghèo, có công ăn việc làm ổn định, dần trở nên khấm khá.

VƯỢT LÊN SỐ PHẬN TẬT NGUYỀN

Sinh ra trong một gia đình nghèo có 5 người con, lúc 6 tuổi, chị Cao Thị Mến không may gặp phải tai nạn bom mìn khiến đôi chân bị bại liệt. Đó chính là nguyên do khiến chị Mến gặp nhiều khó khăn trong đời sống, sinh hoạt và không được đến trường theo học như các bạn cùng trang lứa. Năm lên 12 tuổi thì mẹ chị Mến lại qua đời trong một vụ tai nạn chìm đò. Khó khăn chồng chất khó khăn, thế nhưng số phận nghiệt ngã không thể khuất phục được ý chí vươn lên của cô gái tàn tật Cao Thị Mến, khiến cho nhiều người phải nể phục, học tập, noi theo.

Chị Cao Thị Mến tâm sự, mẹ mất sớm, vì thương cha rơi vào cảnh “gà trống nuôi con” rất cực khổ, ngoài việc ở nhà trông coi, chăm sóc các em, chị luôn nén chịu nỗi đau tật nguyền của bản thân để “lê lết” khắp vườn nhà trồng thêm rau, nuôi lợn, gà… cải thiện đời sống. Để bản thân không trở thành “gánh nặng” cho gia đình và xã hội, từ thuở nhỏ, ngoài lao động trong vườn nhà, chị Mến đã mở thêm quầy tạp hóa để bán hàng cho các hộ dân trong làng. Hồi đó, do vốn liếng ít ỏi nên chị chỉ buôn được dăm ba thứ mặt hàng đơn điệu như thuốc lá, bánh, kẹo… lời lãi không đáng là bao.

Nhận thấy bản thân vẫn còn đôi tay linh hoạt và cặp mắt sáng, nhưng thời gian nhàn rỗi quá nhiều, chị Mến cứ trăn trở mãi để tìm cho mình một công việc phù hợp, hiệu quả hơn nhằm giúp gia đình sớm vượt qua cảnh cơ cực. Thế rồi nhận thấy trong làng sẵn có nghề truyền thống đan nón lá, rất phù hợp với bản thân, không cần nhiều vốn liếng đầu tư, chị mạnh dạn lần mò đến các nhà trong làng đang làm nghề đan nón và xin theo học. Thấy hoàn cảnh gia đình chị Mến cực khổ, bản thân chăm học hỏi nên ai nấy cũng rất tận tình truyền đạt cách thức đan nón lá. Kể từ khi có thêm nghề nghề đan nón, nguồn thu nhập gia đình chị cũng được tăng lên, góp phần phụ giúp cha bớt vất vả, các em không phải bỏ học nửa chừng…

Chị Mến thổ lộ: “Lúc còn thanh xuân, đã có vài ba trai làng đến dạm hỏi về làm vợ nhưng tôi khước từ. Một phần vì phải phụ giúp cha nuôi dạy các em, phần thì mặc cảm với thân phận tật nguyền sẽ làm khổ thêm người khác. Chấp nhận hy sinh bản thân để phụ giúp cha nuôi dạy các em nên người và yên bề gia thất, đến khi nhìn lại thì đã… “quá luống lỡ thì”. Hiện nay, dù sống đơn thân, nhưng tôi vẫn luôn lạc quan, yêu đời và lấy việc giúp những người hoàn cảnh khó khăn làm niềm vui của mình!”.

BÀ CHỦ TỔ HỢP TÁC GIÀU LÒNG NHÂN ÁI

Khoảng năm 2010, khi chính quyền xã Mỹ Trạch phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp dạy nghề miễn phí tại địa phương, chị Cao Thị Mến mạnh dạn đăng ký theo học ở lớp mây tre đan, gồm 5 học viên. Nhờ chăm chỉ học tập, sau khóa học chừng 3 tháng, chị Mến đã tự tay làm ra được các sản phẩm mây tre đan như: lọ hoa, hộp đựng ấm nước giữ nhiệt, khay, lẵng hoa… khá đẹp mắt. Nhờ đó, nhiều người dân trong xã lần lượt tìm đến mua, đặt hàng làm quà tặng ngày một nhiều hơn.

Nhận thấy nghề mây tre đan không chỉ nuôi sống được bản thân mà có thể mở rộng thêm cơ hội việc làm cho nhiều hộ khác, chị Mến đã tự tìm tới các đối tượng tật nguyền trong xã nhằm “kéo” họ đến truyền nghề, làm chung với mình như: anh Nguyễn Văn Long (bại liệt hai chân), chị Nguyễn Thị Hiên (một tay bị liệt), anh Nguyễn Văn Hồng (liệt chân), chị Trần Thị Mai (sức khỏe yếu)… Hoạt động ngày càng hiệu quả, năm 2015, được sự giúp đỡ của chính quyền xã Mỹ Trạch, chị Mến đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác (THT) đan lát mây xiên Mỹ Trạch, đồng thời, vận động thêm các đối tượng hộ nghèo khác ở địa phương cùng tham gia. Hiện tại, tổ hợp tác này đã có 15 thành viên, hoạt động tương đối hiệu quả, mức thu nhập bình quân đạt khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nguồn thu nhập chưa phải là cao so với những nghề khác, lại đòi hỏi thêm sự tỉ mẩn, nhưng đối với những thành viên chuyên tâm vào nghề mây xiên, mỗi ngày cũng có thể kiếm từ 100 đến 150 nghìn đồng ngay tại địa phương.

“Nếu sản phẩm THT đan lát mây xiên Mỹ Trạch ngày càng được tiêu thụ mạnh hơn, thời gian tới, tôi sẽ làm đơn trình cấp trên xin kinh phí, mặt bằng đầu tư nhà xưởng để tiếp nhận thêm chừng 30 chị em thuộc đối tượng khó khăn ở xã vào làm việc tại đây.”, chị Mến bày tỏ thêm về dự định của mình.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Trạch cho biết: “Dù bị tàn tật nhưng chị Cao Thị Mến rất ham học hỏi, khéo tay, giàu lòng nhân ái, tích cực giúp đỡ các hộ khó khăn ở xã cùng vươn lên trong cuộc sống. Nhờ được chị Mến truyền nghề một cách tâm huyết, nhiều hộ nghèo ở địa phương đã tự tin đăng ký tham gia vào THT nhằm có thêm thu nhập, cơ hội việc làm ổn định hơn. Đến nay, đã có 14/15 thành viên của THT thoát được nghèo, dần vươn lên khấm khá. Tháng 3-2019, sản phẩm của THT đan lát mây xiên Mỹ Trạch lần đầu tiên tham gia triển lãm ở hội chợ phụ nữ khởi nghiệp (được tổ chức tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) và được tiêu thụ hết. Mới đây, chị Cao Thị Mến vinh dự được mời sang Trung Quốc để dạy nghề đan lát mây xiên cho những người tàn tật ở nước bạn, đồng thời giới thiệu thêm về các sản phẩm của THT”.

Tác giả: Văn Minh

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Hồ Vực Sanh

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 545

    Trong tuần: 24168

    Trong tháng: 73987

    Tổng số: 211182

    Đang online: 128