Lời tác giả: Đã gần đến ngày kỹ niệm trang báo làng tôi xin gửi đến tản mạn một góc cuộc sống làng quê mình ngày ấy để chia sẻ cùng bà con cô bác, để mà nhớ mà thương. Chúc ban biên tập và các công tác viên dồi dào sức khỏe góp phần cho trang báo làng ngày một đẹp hơn, bổ ích hơn, mang đến niềm vui cho bà con cô bác và ta cùng hướng về quê hương chung tay xây dựng nông thôn mới cho quê nhà ngày một phát triển!
Mùa khoai lang quê tôi, một thời còn đọng lại
Cái rét đầu đông kéo theo ngọn gió heo may đi liền với những cơn mưa dầm rả rích, chích vào da thịt, gió bấc về, con đường làng chỉ sau một cơn mưa nhẹ cũng đã lầy lội, mùa này càng lầy lội hơn. Công việc đồng áng không ngơi nghỉ, gác tay liềm, tay hái bà con lại vác cuốc thăm đồng trên, đồng dưới, chuẩn bị làm đất gieo mạ, cày ải cho vụ đông xuân, cho trồng vụ khoai lang xuân hè.
Có thể nói một thời đã qua cây khoai lang đã gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân quê tôi, vùng đồng chua nước mặn. Một hồ nước thủy lợi nhỏ nhoi chỉ đủ tưới cho một ít diện tích lúa trên cánh đồng làng, nên cây khoai lang vẫn là cây lương thực chính. Nhà nhà khoai vằm, khoai lát ... hấp cơm, nồi cơm chỉ có ít hạt gạo lưa thưa, toàn khoai là khoai. Ấy thế mà người dân quê tôi một nắng hai sương vẫn dẻo dai gắn liền với đồng ruộng, cũng ít khi có người đau ốm, hình như mọi bệnh tật theo dọt mồ hôi ngày ấy đã bay đi đâu mất.
Để chuẩn bị vụ mùa đông xuân và vụ khoai xuân hè, bà con quê tôi tận dụng mọi nguồn hữu cơ làm phân bón để đồng đất thêm phì nhiêu, cho mùa màng bội thu, cuộc sống làng quê thoát cảnh kham khổ. Rơm rạ tháng mười hợp tác chia về cho từng hộ gia đình xã viên, vừa để cho trâu bò ăn cũng là nguồn giữ ấm cho chúng trong những ngày giá rét và từ đó nó trở thành một nguồn phân chuồng quý để bón lúa, trồng khoai, ngoài ra bà con, cô bác còn tậm dụng thêm gốc rạ trên đồng làng, rong rêu từ bến sông để làm phân bón.
Quê tôi bên dòng sông Gianh, có bãi sông chảy dài theo triền đê, có cây bần, cây sác mọc ven bãi giữ cho chân đê trong mùa bão lũ. Không biết từ bao giời quê tôi cũng có cồn ,có bãi, có rừng ngập mặn, cây Bần, cây Sác mọc um tùm, khi tôi lớn lên được ngắm nhìn từng đàn cò tìm về trú ngủ sau chiều tà. Rừng ngập mặn, thảm rong rêu chứa đầy phù sa, những cón lạch, con hói là nơi những con cua, con cá, con tôm vùng vậy sinh sôi. Những khi nước thủy triều xuống chúng ẩn mình dưới lớp rêu xanh, đây cũng là nguồn thực phẩm dồi dào cho làng quê, đầy ắp phiên chợ. Chẳng cần lưới dăng hay những phương tiện đánh bắt hiện đại như bây giờ, đến giờ con nước ròng bà con ra bờ sông, chỉ có cái nơm, cái nhủi, xuống con lạch, con hói là có đầy oi, đầy giỏ tôm, cá, mang về. Đơn giản hơn, chỉ cầm chiếc cào nhỏ bằng tre tìm những vạt rong dày kéo cào qua là những con cua, con cá, con tôm bật lên khỏi lớp rong rêu. Những con cua dơ những cặp càng to lên hăm dọa, con to thì bà con bắt vào oi, vào giỏ, con nhỏ thì thả cho nó đi tìm chỗ nấp, hẹn hôm nào đủ lớn ta gặp lại. Một môi trường trong lành, cá, tôm, cua, tung tăng bơi lội trên sông, khi con nước triều lên hay con nước triều xuống, từng đàn le le, vịt trời, sáng sáng, chiều chiều sà xuống kín cả bờ sông cồn nổi và những con lạch, con hói quê tôi.
Những thảm rong rêu bồng bềnh khi nước triều lên ở bãi ven sông không chỉ là nơi chứa đầy tôm cá mà còn là một nguồn phân bón vô tận cho vụ khoai xuân hè. Dòng sông Gianh trong xanh hiền hòa, đôi lần cũng dận dữ khi mùa mưa bảo tràn về, chúng muốn cuốn phăng tất cả, con đê làng oằn mình ngăn dòng nước lũ. Dòng sông cũng chan chứa yêu thương, con cá, con tôm ... cũng theo về cùng hạt phù sa. Sông cũng biết chia sẻ với người dân quê tôi bao đời nay, mùa trồng khoai chúng chở những mảng rong rêu đưa vào bãi. Bà con nô nức gồng gánh ra bến sông vớt lên từng đống được chất đầy thân đê chờ khô ráo nước để gánh vào đồng làm phân bón.
Tháng giêng mùa trồng khoai lang của quê tôi, các gánh rong rêu được rải đều trên các luống đất đã được cày lên, kết hợp với phân chuồng, rắc thêm ít phân đạm, phân lân. Dưới bàn tay, nhát cuốc của bà con cô bác, từng luống đất được vun lên đều đẳn, các mẹ, các chị, tay thoăn thoắt dâm từng dây khoai vào luống. Hình như dây khoai lang cũng thấu hiểu được từng dọt mồ hôi của bà con cô bác đổ xuống đồng đất quê tôi nên sáng hôm sau đã vươn ngọn, để rồi ít tháng, ngày sau chúng phủ kín luống, đồng quê một màu xanh muợt mà, hứa hẹ một mùa khoai bội thu. Mùa trồng khoại quê tôi cũng rộn ràng như ngày hội, tranh thủ từ tờ mờ sáng, người vác cày, cuốc, dắt theo trâu bò, người gánh phân, gánh ngọn ra đồng để làm đất tranh thủ tránh đi cái nắng trưa.
Đồng đất quê tôi có nhiều vùng trồng khoai lang vẫn in đậm trong tôi: Khoai Đồng Phố, khoai Bắc Lá, khoai Cửa Chùa(Thiềng), khoai Phân Mua, khoai Cồn Vườn, khoai Đồng Hóc, khoai Cồn Sác, khoai Cồn Hà, khoai Nương. Mỗi đồng đất khoai lang có một vị đặc trưng rêng không thể lẫn vào đâu được. Khoai Nương là để cứu đói trong những ngày giáp hạt giêng hai. Khoai Nương không bùi nhưng rất ngọt, luộc lên bóc vỏ thái phơi khô làm khoai deo là món đặc sản làm quà gửi đi cho bà con xa quê. Khoai Cửa Chùa bùi, thơm mùi đất sét phù sa, khoai Cồn Hà thơm mùi đồng đất cát pha, chứa đầy tinh túy của dòng nước giếng hung, vực Sanh, thoang thoảng mùi hương đồng đất quê nhà. So với các loại khoai lang đặc sản của Đà Lạt và một số miền quê khác, khoai lang quê tôi cũng sánh ngang.
Ngày mùa trong cái nắng chói chang, hương lúa chín, mùi thơm của nồi khoai luộc hòa quyện vào đồng quê, ngõ xóm, mái nhà tranh, cùng với bát canh bầu nấu cùng con tôm, con tép ngọt mát xua đi những dọt mồ hôi mà tiếng cười cứ dòn tan âm vang trên cánh đồng. Sân kho hợp tác xã vào những đêm trục lúa, trâu, bò kéo những chiếc trục đi vòng tròn trong sân xếp đầy lúa, ấm nước lá rừng, nồi khoai lang luộc để bồi dưỡng đạp lúa đêm mà ấm áp tình người tình quê mộc mạc. Sân kho hợp tác rổ ràng những mẫu chuyện vui của bà con lại kể cho nhau nghe làm cho không khí đạp lúa đêm ngày mùa càng thêm vui.
Đạp lúa đêm ngày mùa ngại nhất là những ai được phân công chuẩn bị mấy cái sọt lót rơm để hứng phân trâu. Thường đêm về khuya, trâu bò hay đi vệ sinh và cũng là lúc con người mọi mệt, ngái ngủ, không may gặp chú trâu ngày ăn nhiều ngỏn khoai lang. Có người phân trâu bắn lên mặt và cả người, nhưng cũng chẳng dận hờn chi, sân kho hợp tác lại rộn ràng tiếng cười. Ngày ấy khoai lang quê tôi cũng nhiều, củ khoai to vỏ bóng mượt, khoai bới về tràn cả sân kho, khoai lang đỏ, khoai lang trắng, khoai lang vàng lại được chia về cho các hộ gia đình xã viên từng ngày để tranh thủ chế biến thành khoai vằm, khoai lát. Mùa bới khoai, đêm đêm quê tôi bao ông bố bà mẹ âm thầm gánh nước, rửa, gọt khoai dưới ánh trăng, sao lờ mờ để sáng ra vằm phơi cho kịp nắng, bên góc nhà ngọn đèn dầu lập lòe soi từng trang sách con trẻ học bài.
Dây khoai lang mảnh mai nhưng nó mang lại lợi ích cho người dân quê tôi, từ rễ đến ngọn đều có ích. Ngày mùa những chú trâu cần mẫn kéo cày giỡ khoai trên đồng, chiều về chúng lại ngoan ngõa thồ trên mình một đống dây khoai đã được phơi héo về nhà. Sân nhà đầy ắp những nông khoai vằm, khoai lát, ven lối xóm, trên bờ rào phơi đầy dây khoai. Tranh thủ cái nắng trưa gió lào dây khoai lang dòn tan, trẻ con chúng tôi cùng mẹ đạp chày giã dây khoai thành bột để dự trữ thức ăn cho gia súc vào nhũng ngày mưa dầm bão lũ. Một thời cái tuổi trẻ con ngây thơ khờ dại đã qua, nạnh nhau giã dây khoai khô, giữa cái nắng trưa gió lào như đổ lửa áo mẹ ướt đẫm mồ hôi, mẹ vẫn dành đạp chày cho chúng tôi được nghỉ khi thấm mệt. Mẹ vẫn liền tay dần, sàng, không ngơi nghỉ cả những trưa mùa hè. Đêm đêm bố mẹ ngủ không trọn dấc, bao ông bố, bà mẹ thức dây lầm lũi làm việc để nuôi nấng đàn con khôn lớn. Trẻ thơ một thời đã từng đi mót khoai, ngồi nấp sau những nấm mồ ven ruộng để rình lấy trộm được ít cụ khoai to đem khoe với nhau thật sướng vô cùng. Đứa nào mót được nhiều hơn là oai lắm, hôm trước thua thì hôm sau cố tìm mẹo để mót được nhiều hơn.
Ngày mùa nhà nhà đầy ắp những chum khoai khô dự trữ cho những ngày giáp hạt. Nhà nào cũng vậy, khoai bới về thường lựa một ít củ khoai ngon cất vào góc nhà để chờ người thân đi xa về luộc ăn sau ngay mùa hoặc để làm quà. Những nồi khoai luộc sau ngày mùa thơm phức tỏa khắp nhà trên xóm dưới. Khi trong nồi khoai luộc có thêm vài bông hoa Tắc Kè, hơi bốc lên một mùi thơm vừa bùi vừa ngọt, thấm vào da thịt, thấm cả mái tóc khi lũ trẻ cắp sách đến trường. Củ khoai lang đã cho con trẻ làng tôi thêm cái chữ, chúng cũng theo lũ học trò đến với trường huyện xa xôi. Ngày lên đường nhập ngũ hay vào học các trường chuyên nghiệp, mẹ gói vội ít khoai deo, khoai khô mang đi làm quà cho chúng bạn. Những cánh thư về từ chiến trường xa không quên nhắc mẹ để dành ít khoai củ ngày mùa đợi con về vào rừng hái bông hoa Tắc Kè bỏ vào nồi khoai luộc, ăn để mà nhớ mà thương.
Món quà khoai deo quê tôi mộc mạc nhưng cũng đã chạnh lòng những người con gái xứ người tìm về làm dâu, tìm về cái ngọt bùi thân thương của miền quê biết chia sẻ. Thúng khoai khô gửi đến làm quà cho ông bà thông gia, nơi con mình làm dâu, làm rể mà đậm đà ấm áp thân thương. Khoai lang quê tôi đã chắp cánh cho bao người vươn tới những đỉnh cao của khoa học, bảng vàng ghi danh học tập của con em quê hương mỗi ngày một dài thêm. Những bà con quê hương sống xa quê, xa Tổ Quốc chắc hẳn không quên từng đồng đất trồng khoai lang của quê mình, một thời với bao cuộc sống lo toan cùng đã từng chia sẻ những khó khăn gia khổ ... !
Đồng Hới, ngày10/10/2012